​Ấn Độ đầu tư thể thao kinh doanh

TRƯỜNG MINH 08/10/2014 08:10 GMT+7

TTCT - Từ cricket đến bóng đá, quần vợt..., người Ấn đang bắt chước mô hình của Bắc Mỹ để phát triển một thị trường thể thao được đánh giá là rất béo bở ở đất nước đông dân hàng thứ hai thế giới.

Mahesh Bhupathi (giữa) giới thiệu giải quần vợt International Premier Tennis League diễn ra tại bốn thành phố châu Á đầu tháng 12 năm nay - Ảnh: straitstimes.com
Mahesh Bhupathi (giữa) giới thiệu giải quần vợt International Premier Tennis League diễn ra tại bốn thành phố châu Á đầu tháng 12 năm nay - Ảnh: straitstimes.com

Trong số các quốc gia mới nổi, Ấn Độ là một trong những gương mặt được ngưỡng mộ ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn tin học. Tuy nhiên, họ mới chỉ có một HCV cá nhân Olympic (môn bắn súng) trong lịch sử nên khó chen chân vào bức tranh cường quốc thể thao thế giới. Nhưng điều đó đang thay đổi từ vài năm nay.

Tôi tin rằng Ấn Độ cần một giải đấu tương tự giải bóng rổ nhà nghề NBA ở Mỹ và tôi muốn tìm cách hợp nhất thể thao và kinh doanh vì lợi nhuận lớn nhất của thể thao 
Lalit Modi (cựu phó chủ tịch Hội đồng điều hành cricket Ấn Độ - BCCI)

Đồng tiền, các ngôi sao và sô diễn

Sau chiến thắng ở World Cup 1983, cricket - môn thể thao do người Anh mang vào ở thế kỷ 18 - đã trở thành một áp phe béo bở ở Ấn Độ. Một số doanh nghiệp đã ngửi thấy mùi tiền ở 1 tỉ người tiêu dùng tiềm năng. Thế là năm 2008, giải VĐQG đã được hợp nhất để đáp ứng nhiều mục tiêu kinh tế và thương mại.

Dưới sự vận động của Lalit Modi, cựu phó chủ tịch Hội đồng điều hành cricket Ấn Độ (BCCI), một giải VĐ mới mang tên Indian Premier League (IPL) nhanh chóng mang màu sắc giải trí khi giới hạn các trận đấu chỉ còn ba giờ để phục vụ truyền hình (trước đây một trận đấu cricket có thể kéo dài... bốn ngày!).

Khi đó, ông Modi từng nói: “Tôi tin rằng Ấn Độ cần một giải đấu tương tự giải bóng rổ nhà nghề NBA ở Mỹ và tôi muốn tìm cách hợp nhất thể thao và kinh doanh vì lợi nhuận lớn nhất của thể thao. Tôi tin rằng chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm giải trí toàn cầu cho môn cricket phát triển vì niềm vui của người hâm mộ và các nhà tài trợ”.

Giai đoạn tiếp theo là chọn ra tám thành phố có các đội tuyển rồi bán đấu giá theo kiểu nhượng quyền, thu hút các doanh nghiệp địa phương và cả những ngôi sao điện ảnh bỏ tiền đầu tư. BCCI đã thu được 723,59 triệu USD nhờ bán tám đội cricket, trong đó Tập đoàn dầu khí Reliance Industries đã bỏ ra 111,9 triệu USD để mua đội Mumbay Indians.

Phần còn lại chỉ là sô diễn đúng nghĩa khi các ngôi sao điện ảnh nổi tiếng xuất hiện trên khán đài, các pom-pom girl tươi tắn trên sân và việc dàn dựng hoàn toàn theo kiểu Mỹ. 

Sau sáu năm, hiện IPL được xem là thành công kinh doanh lớn nhất của thể thao Ấn Độ. Giải chỉ kéo dài bảy tuần trong năm (khoảng tháng 4) và có mức lương hằng tuần trả cho VĐV cao hàng thứ hai thế giới, chỉ sau NBA.

Năm 2013, ngôi sao Mahendra Singh Dhoni của đội Chennai Super Kings đứng hàng thứ 16 các VĐV được trả lương cao nhất thế giới với khoảng 3,5 triệu USD cùng các hợp đồng quảng cáo béo bở của Pepsi và Sony (khoảng 28 triệu USD).

Các thương hiệu này cũng ký những hợp đồng tài trợ khổng lồ với BCCI. Năm ngoái Pepsi bỏ ra khoảng 74 triệu USD để trở thành đối tác chính trong vòng năm năm. Và Sony Entertainment Television đã ký bản quyền độc quyền truyền hình các trận đấu từ năm 2009-2017 với giá 1,7 tỉ USD.

Ngôi sao cricket Mahendra Singh Dhoni của đội Chennai Super Kings đứng hàng thứ 16 các VĐV được trả lương cao nhất thế giới - Ảnh: itimes.com
Ngôi sao cricket Mahendra Singh Dhoni của đội Chennai Super Kings đứng hàng thứ 16 các VĐV được trả lương cao nhất thế giới - Ảnh: itimes.com

Bóng đá bắt đầu thu hút

Thành công của IPL đã thu hút các nhà đầu tư khắp nơi như Rupert Murdoch, tổng giám đốc News Corp đã mua bản quyền của ESPN India và hướng đến môn cricket từ năm 2012. Sau thỏa thuận với Google, IPL trở thành sự kiện thể thao hàng đầu được phát trực tiếp trên YouTube.

Việc mở rộng ra bên ngoài của cricket cho phép người Ấn nhạy cảm hơn với các môn thể thao khác, như bóng đá. Khi tầng lớp trung bình của xã hội Ấn có đủ các phương tiện như tivi, máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc theo dõi các cuộc tranh tài ở châu Âu ngày càng thuận tiện hơn.

Theo một điều tra năm 2010 của Viện Nielsen, có đến 47% người dân Ấn là “fan thực thụ” của bóng đá. Nhật báo Times of India cho biết có hơn 50 triệu dân Ấn đã theo dõi World Cup Brazil vừa rồi, bất chấp giờ phát hình không thuận lợi.

Antoine, một sinh viên Pháp 23 tuổi học chuyên ngành thương mại tại Bombay, cho biết: “Mọi người theo dõi rất kỹ giải Premier League của Anh trên truyền hình. Tôi nhớ đầu năm nay khi M.U vào tứ kết Champions League, người dân Ấn hò hét và nhảy tưng bừng tại quán bar. Thật khó tin”.

Tuy nhiên, vấn đề là giải VĐQG I-League có trình độ thi đấu thấp và phân bố địa lý mất cân bằng (13 CLB, nhưng có đến 8 CLB tập trung ở hai thành phố Goa và Kolkatta). Nhưng từ tháng 10 này sẽ diễn ra một giải đấu hấp dẫn hơn mang tên Indian Super League, do IMG Reliance, một chi nhánh của tập đoàn quản trị thể thao IMG của Mỹ, thúc đẩy.

Nhà tổ chức đã thông báo có những cựu ngôi sao tranh tài, trong đó có thể kể đến David Trezeguet, Robert Pirez, Fredrik Ljunberg, Alessandro Del Piero... và mới đây là Nicolas Anelka. Ngay lập tức, các doanh nghiệp địa phương, diễn viên Bollywood và thậm chí cả ngôi sao cricket nhảy vào cuộc chơi nhượng quyền theo công thức của IPL.

Quần vợt vào cuộc

Nhưng bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất theo chân IPL. Đầu năm nay, Mahesh Bhupathi, cựu ngôi sao quần vợt Ấn Độ từng đoạt nhiều danh hiệu Grand Slam nội dung đôi, đã thông báo thành lập giải International Premier Tennis League tổ chức tại bốn thành phố châu Á vào đầu tháng 12 năm nay gồm Singapore, Bombay, Manila và Dubai.

Các trận đấu chỉ kéo dài một ván, quy tụ những cựu tên tuổi như Pete Sampras, Andre Agassi... và các ngôi sao hiện nay như Novak Djokovic, Roger Federer, Maria Sharapova... khoác áo cho các đội thi đấu ở thời điểm mà họ nghỉ ngơi và tập luyện cho mùa giải năm sau.

Sở dĩ Ấn Độ có nhiều sáng kiến như vậy là vì họ thật sự có ý chí phát triển một thị trường xung quanh thể thao. Tiềm năng kinh tế đương nhiên là rất lớn và điều quan trọng là họ đã tìm ra phương tiện để đưa Ấn Độ lên bản đồ thể thao thế giới.

Ngoài cricket, bóng đá và quần vợt, các cuộc tranh tài của môn cầu lông và khúc côn cầu cũng được làm mới lại (năm ngoái, tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh đã khoác áo đội Pune Piston tại giải các CLB cầu lông Ấn Độ - IBL). 

Điền kinh cũng bắt đầu có mặt ở vũ đài quốc tế khi Ấn Độ sẽ tổ chức ngày càng nhiều cuộc thi và mới đây tập đoàn tin học Tata Consultancy Services đã ký hợp đồng hợp tác với giải marathon New York.

Từ 1-4-2014, theo quy định mới, các công ty Ấn Độ buộc phải chi tiêu ít nhất 2% lợi nhuận đã trừ thuế cho các hoạt động xã hội, trong đó có thể thao. Stephane Audry, nhà sáng lập Mediaghart India, một công ty dịch vụ trong thể thao và truyền thông, giải thích:

“Ấn Độ phải bơm tiền của tư nhân vào thể thao vì là quốc gia duy nhất trong khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) còn chậm trễ trong việc tổ chức các sự kiện lớn và đứng chót trên bảng xếp hạng các môn thể thao quan trọng. Chính đồng tiền sẽ tạo sự khác biệt trong suy nghĩ, nhất là với sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới”.

Nếu như “tiền sinh ra tiền” đã được đảm bảo, Ấn Độ sẽ còn được lợi về lâu dài ở phương diện thể thao thuần túy, vì các CLB khi đã phát triển thì sẽ phải đầu tư trở lại vào khâu đào tạo và cơ sở hạ tầng của mình.

Cần biết rằng Ấn Độ đang có một vài cơ sở thể thao rất hoành tráng, như sân Salt Lake Stadium ở Calcutta 120.000 chỗ ngồi chẳng hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận