An ninh lấn át sinh kế ?

TƯỜNG ANH 14/03/2018 05:03 GMT+7

TTCT - Không phải đợi lâu, phản ứng của Hoa Kỳ đến ngay tức thì sau thông điệp liên bang lần thứ 14 của Tổng thống Nga Vladimir Putin phát đi ngày 1-3. Một ngày sau đó, giám đốc Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Hoa Kỳ (DARPA) Steven Walker cho biết DARPA sẽ thử nghiệm “nhiều vũ khí siêu thanh” vào năm 2019.

Địa điểm đọc thông điệp liên bang của Tổng thống Putin năm nay phải chuyển sang hội trường triển lãm Manezh, vì ông cần một màn hình siêu lớn để trình bày ấn tượng sức mạnh quân sự mới của Nga. Ảnh: nbcnews.com
Địa điểm đọc thông điệp liên bang của Tổng thống Putin năm nay phải chuyển sang hội trường triển lãm Manezh, vì ông cần một màn hình siêu lớn để trình bày ấn tượng sức mạnh quân sự mới của Nga. Ảnh: nbcnews.com

 

Phản ứng trước tuyên bố của ông Putin về những vũ khí hiện đại nhất của Nga, ông Walker cho biết việc chế tạo vũ khí siêu thanh là nhiệm vụ ưu tiên của DARPA với không quân, hải quân Hoa Kỳ và NASA trong vòng vài năm.

Đồng thời, DARPA sẽ phối hợp với Cơ quan phòng chống tên lửa của Lầu Năm Góc thảo ra những phương pháp đối phó loại vũ khí mới của Nga mà ông Putin cảnh báo là “không thể đoán được hướng bay”. Muốn hay không, rõ ràng một cuộc chạy đua vũ trang mới đã lộ diện. Vòng xoắn ốc mới này, theo một số chuyên gia, có thể nhận thấy từ cột mốc Hội nghị an ninh Munich diễn ra từ ngày 9 đến 11-2-2007.

“Đọc nốt luận thuyết Munich”

Thông điệp liên bang của ông Putin lần này được nhà báo Nga Dmitry Smirnov bình luận là “đoạn kết của luận thuyết Munich”. 11 năm trước, tại Munich, Đức, ông Putin đã công khai rằng Nga không tán thành đường lối an ninh của phương Tây và sẽ không tiếp tục hòa hoãn nữa. Tuy nhiên, con chủ bài của Nga khi đó vẫn chưa được tung ra.

Có lẽ cần nhắc đôi chút bối cảnh của Hội nghị Munich 2007: ông Putin đã cảnh báo cộng đồng thế giới về chính sách “áp đặt các khuôn mẫu của Hoa Kỳ”, rằng “trật tự đơn cực” đang dẫn đến sự bất ổn, bày tỏ lo âu trước việc mở rộng các cơ sở quân sự NATO về phía đông (khi đó chỉ mới ở Bulgaria và Romania, còn nay thì nhiều tiểu đoàn hùng hậu của Hoa Kỳ đã đồn trú tận các nước Baltic, giáp biên giới Nga).

Ông Putin cũng mỉa mai về lý giải của NATO quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu nhằm “chống tên lửa Iran và CHDCND Triều Tiên” chẳng khác nào “lấy tay phải ngoáy lỗ tai trái” (sau này, khi thỏa thuận hạt nhân với Iran đã được nhóm P5+1 là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức ký kết năm 2015, mục đích của hệ thống phòng thủ tên lửa này đã được Lầu Năm Góc đổi từ “phòng chống tên lửa Iran” sang “bảo vệ Ukraine”).

Ông Putin 11 năm trước cũng đã cảnh báo nguy cơ “những cuộc chiến tranh mới” với đường lối an ninh đó của phương Tây. Những dự báo đã được khẳng định qua cuộc chiến chớp nhoáng Nga - Gruzia vì vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia vào tháng 8-2008, hay các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria và Ukraine hiện giờ.

Giờ đây, với thông điệp liên bang, những quân chủ bài đã được Tổng thống Putin tuần tự liệt kê kèm hình ảnh trên một màn hình lớn, một trong những lý do khiến địa điểm đọc thông điệp phải chuyển sang hội trường triển lãm Manezh gần điện Kremlin, thay cho gian St. George bên trong điện Kremlin truyền thống của những thông điệp trước.

Từ những lời cảnh báo không được lắng nghe của Nga ở Munich 2007, Matxcơva đã bắt tay chế tạo các vũ khí tối tân, tiếp tục khẳng định vị thế siêu cường quân sự của họ.

Dù không còn là siêu cường toàn diện như Liên Xô nhưng với sức mạnh “cứng” hùng hậu đó, bất cứ nước nào muốn “kiếm chuyện” với Nga đều phải cân nhắc, như ông Putin nhấn mạnh khi giới thiệu những vũ khí này. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu thì hình tượng hơn khi tuyên bố chiếc ô phòng thủ của Hoa Kỳ đã... thủng trước những vũ khí mới này của Nga!

Thông điệp và cương lĩnh tranh cử

Các vũ khí tân tiến chiếm một nửa nội dung thông điệp liên bang lần thứ 14. Phần còn lại, được ông Putin giới thiệu đầu tiên, là chương trình kinh tế, xã hội, công nghệ, y tế và giáo dục mà nhiều chuyên gia khẳng định là cương lĩnh tranh cử tổng thống của ông.

Có thể điểm sơ những nét chính của cương lĩnh như về xã hội: trong 6 năm tới, tức nhiệm kỳ thứ 4 nếu ông Putin thắng cử, giảm một nửa số người nghèo ở Nga, tăng tuổi thọ bình quân của người dân lên 80 tuổi vào năm 2030, tăng chi cho y tế lên 5% GDP, tăng diện tích xây dựng nhà ở lên 1,5 lần, cải thiện hệ thống giáo dục, hình thành tầng lớp trung lưu đông đảo; về kinh tế: tăng GDP lên 1,5 lần vào cuối thập kỷ, đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm trong 4 năm tới, tiếp tục phát triển khu vực Viễn Đông, chi 11.000 tỉ rúp (193 tỉ USD) cải thiện đường sá toàn quốc, thông xe cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối Crimea với đất liền Nga; về công nghệ: khắc phục lạc hậu công nghệ, biến Nga thành một trong những trung tâm thế giới về xử lý và lưu trữ thông tin.

Tờ báo thân Kremlin Sự Thật Komsomol liệt kê: tổng cộng ông Putin nhận được kỷ lục 86 loạt vỗ tay cho thông điệp lần này, trong đó nhiều nhất là cho chương trình vũ khí và quân sự: 36 loạt!

Kết quả thăm dò của Trung tâm Thăm dò dư luận xã hội toàn Nga (VTSIOM) một tháng trước ngày bầu cử tổng thống chính thức 18-3 cho thấy ông Putin đang nắm một đa số chắc chắn: hơn 71% những người được hỏi khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông.

Không thiếu... xìcăngđan!

Trên nền cán cân ủng hộ nghiêng hẳn về phía ứng viên Putin, mối quan tâm dành cho các ứng viên tổng thống còn lại tỏ ra mờ nhạt. Về lý thuyết, các cuộc tranh luận của ứng viên diễn ra từ ngày 26-2 đến 15-3. Bảy ứng viên (Tổng thống Putin từ chối tham gia tranh luận) sẽ trình bày luận điểm và tranh luận với nhau trên 5 kênh truyền hình liên bang và 3 đài phát thanh.

Nhưng trong khi các cương lĩnh tranh cử của 7 ứng viên còn lại công luận chưa kịp nhớ hết, đã xuất hiện những diễn tiến mang tính xìcăngđan.

Chẳng hạn tại buổi ghi hình cuộc tranh luận trên kênh 1 Truyền hình Rossia ngày 28-2, ứng viên Ksenya Sobchak đã hắt nước vào mặt ứng viên Đảng Dân chủ tự do Vladimir Zhirinovsky sau khi ông này dùng lời lẽ thô tục với cá nhân bà, cũng như chỉ trích chương trình truyền hình thực tế Dom-2 mà bà Sobchak phụ trách.

Sau vụ này, báo chí đưa tin bà Sobchak đã đâm đơn kiện ông Zhirinovsky lên tổng công tố Nga Yuri Chaika, trong khi ông Zhirinovsky chuẩn bị kiện lại bà Sobchak vì “hành vi côn đồ” tại buổi tranh luận.

“Xìcăngđan hắt nước” tại trường quay tái diễn ngày 4-3 ở Matxcơva: Vừa rời khỏi nơi đến chúc mừng sinh nhật cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, bà Sobchak đã bị một người lạ hắt nước vào mặt và nói: “Vì Zhirinovsky!”. Người này ngay sau đó đã bị nhân viên an ninh của ông Gorbachev bắt giữ, giao cho cảnh sát.

Còn ứng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga Pavel Grudinin bỏ ngang một buổi tranh luận có ghi hình bởi cho rằng “format” của chương trình (7 ứng viên cùng tranh luận) khiến nó trông “như trò hề, một cái chợ”. Ông yêu cầu các ứng viên được tranh luận tay đôi, nhưng Ủy ban bầu cử trung ương không đáp ứng. Ông Grudinin chỉ trích: “Họ biến cuộc tranh luận thành một sô diễn nhằm làm hỏng cuộc bầu cử, khiến mọi người không muốn đi bỏ phiếu vì đó là trò hề”.

Một số nhà đối lập cho rằng tổng thống Nga đã “tranh thủ” thông điệp liên bang để vận động tranh cử, bởi thông thường thông điệp liên bang được phát đi vào cuối năm nhưng năm nay lại dời sang đầu tháng 3, khi chỉ còn nửa tháng nữa là bầu cử. Cũng có nhận định rằng ông Putin đã dựa vào những thành tựu về quân sự để che lấp những vấn đề kinh tế - xã hội trong nước.

Thăm dò “bỏ túi” của Cổng thông tin đối lập Newsru.com cung cấp thêm một góc nhìn khác về cuộc bầu cử 2018. Trả lời câu hỏi: “Các luận điểm của ông Putin trong thông điệp có cho thấy một cuộc chạy đua vũ trang mới hay không?”, đa số người tham gia thăm dò (69,75%) đáp “có” và 20,6% nói “không”.

Đa số (67,97%) cũng không đồng tình với ông Putin rằng Nga cần những vũ khí ấy để thúc giục các đối tác tiến hành thương lượng. Và cuối cùng, 78,73% cho rằng sau thông điệp liên bang này, “Nga sẽ gặp nhiều vấn đề tài chính và xã hội hơn”, trong khi chỉ 12,86% cho rằng thông điệp này “giúp tăng niềm tự hào dân tộc và sức mạnh”, dù tổng thống Nga đã cam kết “sự thịnh vượng và sung túc của các gia đình Nga sẽ là nhân tố then chốt cho phát triển của Nga trong thời gian tới”. ■

Một số vũ khí hiện đại của Nga được ông Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang

1/ Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat có thể đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và không giới hạn tầm xa.

2/ Tên lửa lắp đầu đạn hạt nhân nhỏ và không sử dụng quỹ đạo đạn đạo, khiến hoạt động của các hệ thống phòng thủ tên lửa bị vô hiệu hóa. Tên lửa này vẫn chưa có tên và ông Putin đề nghị người dân tham gia đặt tên.

3/ Tên lửa siêu thanh độ chính xác cao Kinzhal có thể đạt vận tốc gấp 10 lần tốc độ âm thanh (Mach 10) ở tất cả các phần quỹ đạo bay nên vượt qua mọi hệ thống phòng thủ, tấn công mục tiêu xa 2.000km với đầu đạn hạt nhân và thông thường. Từ ngày 1-12-2017, tổ hợp tên lửa này đã được đưa vào trực chiến ở Quân khu Nam.

4/ Thiết bị lặn hạt nhân không người lái nhẹ hơn các tàu ngầm hiện đại 100 lần và chuyển sang trạng thái chiến đấu nhanh hơn 200 lần, có thể di chuyển ở khu vực nước “siêu sâu” và tầm xa không giới hạn, đã được thử nghiệm năm 2017.

5/ Tổ hợp vũ khí hoạt động trên các nguyên tắc vật lý mới, trong đó có vũ khí laser.

6/ Phức hợp chiến lược Avangard có khả năng thực hiện những chuyến bay trong lớp khí quyển dày ở tầm xa liên lục địa với vận tốc Mach 20.

Nguồn: http://www.kremlin.ru/events/president/news/56957

Tổng cộng có 8 ứng viên tham gia tranh cử tổng thống năm 2018.

Ngoài đương kim Tổng thống Putin, hai “ngôi sao lạ” của mùa bầu cử này là Grudinin và Sobchak (xem TTCT: https://tuoitre.vn/da-co-dap-an-nhung-van-hap-dan-1418232.htm). Năm ứng viên còn lại gồm Sergey Baburin (sinh năm 1981) của Liên minh toàn dân Nga, Zhirinovsky (1946) của Đảng Dân chủ tự do Nga, Maxim Suraikin (1978) của Những người cộng sản Nga, Boris Titov (1960) của Đảng Phát triển, Grigory Yavlinsky (1952) thuộc Đảng Yabloko. Thăm dò của VTSIOM chỉ ra cách biệt lớn giữa ứng viên Putin với các ứng viên còn lại. Theo đó, sau ông Putin (với số phiếu ước tính đạt 71,5%) là ông Grudinin với 7,3% và ông V. Zhirinovsky 5,5%. Bà Sobchak đạt 1%, các ứng viên còn lại chưa tới 1%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận