​Ăn theo

PHƯƠNG LINH 03/11/2014 03:11 GMT+7

TTCT - Tôi nhìn kỹ tấm bảng hiệu cho chắc ăn rồi bước vào. Anh thợ đang lui cui làm việc, bận bịu đến nỗi không có thời gian ngước lên nhìn khách. Tôi đằng hắng:

- Anh ơi cho tôi đặt hàng...

Vẫn chúi mũi vào công việc, anh ta đáp cụt lủn:

- Một tháng mới có, chịu thì làm!

Một tháng lâu quá, hỏng việc mất, tôi ngồi xuống cạnh anh thợ, nài nỉ:

- Tôi đang rất cần, với lại có mấy cái khuôn dấu, làm gì mà đến cả tháng vậy anh?

Lần này thì anh thợ ngưng việc, ngẩng lên nhìn tôi vẻ bực bội rồi xổ ra cả một tràng như bắn súng liên thanh:

- Ai cũng cần, ai cũng hối thúc. Bộ tưởng tôi có ba đầu sáu tay chắc? Đã vậy còn mỗi người mỗi kiểu, có mỗi chữ “cô khen” không thôi mà người thì kêu làm chữ chân phương, người bắt làm chữ bay bướm, kẻ lại bảo phải làm chữ siêu thực... Còn anh, muốn làm loại chữ gì, nói mau đi!

Thì ra tay này đang nhận làm khuôn dấu cho giáo viên để nhận xét học sinh, hèn gì. Tôi vỗ vai anh thợ, vui vẻ:

- Anh khỏi lo, tôi không phải là thầy giáo, đơn đặt hàng của tôi đơn giản hơn nhiều, chỉ cần nét chữ đơn giản, dễ đọc. Giờ anh làm cho tôi hai khuôn dấu, một cái có chữ “dùng để ăn” và cái kia thì “dùng để bán”.

Tay thợ tròn mắt:

- Để làm gì?

Để làm gì ư? Tôi cố giải thích cho tay thợ làm con dấu hiểu. Đại khái là tôi làm ở ngành nông nghiệp, cụ thể là trồng rau củ quả. Ở chỗ chúng tôi, các loại rau củ quả được trồng theo hai khu vực, một nơi có thể phun các loại thuốc độc hại thoải mái để đem bán, nơi còn lại cấm tiệt thuốc men dành để ăn.

Tuy nhiên, khi vào vụ thu hoạch bận rộn, rất dễ nhầm lẫn giữa hai loại sản phẩm trên nên thời gian vừa qua chính những người sản xuất đã phải ăn các loại thực phẩm độc hại. Đó là lý do tôi đến đây đặt hàng hai loại khuôn dấu để về “đóng” trực tiếp lên sản phẩm cho dễ phân biệt.

Tay thợ làm khuôn dấu nghe xong nhăn mặt:

- Ghê quá! Làm ăn gì mà thất đức vậy?

Tôi thở dài:

- Thì biết vậy, nhưng không làm thế thì chết với mấy thứ nhập ngoại vừa rẻ vừa tươi lâu. Tụi tôi cũng ráng làm đàng hoàng rồi, nhưng phải gặp cảnh được mùa mất giá riết nên chịu hết xiết, phải làm ẩu để tồn tại. 

Tay thợ làm dấu vẫn thắc mắc:

- Chuyện dễ ợt vậy sao trước giờ không nghĩ ra sớm mà giờ phải bắt chước mấy thầy cô giáo cái vụ khuôn dấu này?

Đây là một câu hỏi hay. Tôi nhìn quanh rồi thì thầm:

- Tại vì tôi nghe nói cái này họ bắt chước cách làm của nước ngoài. Mà anh biết không, cái gì bắt chước nước ngoài cũng... ok hết. Mấy năm trước công việc khó khăn, lao động dư ra chưa biết xử trí thế nào thì nghe bên ngành giao thông có ý định phân chia xe cộ ra đường ngày chẵn ngày lẻ. Vậy là tụi tôi ăn theo luôn, chia ra đàn ông ra đồng ngày chẵn, đàn bà ngày lẻ, thành công liền! 

Tay thợ nheo mắt nhìn tôi, gân cổ lên:

- Đúng là tào lao! Nếu muốn bắt chước, sao mấy ông không tự đi ra nước ngoài mà học người ta cách làm nông nghiệp sao cho hiệu quả mà lại ở nhà ăn theo mấy cái ngành chẳng có liên quan gì ráo trọi vậy? 

Tôi gãi đầu:

- Cũng muốn lắm chứ, nhưng tiền đâu? Mấy ngành kia họ nhiều tiền, thường xuyên được đi tham quan du lịch kết hợp học hỏi. Chứ tụi tôi chân lấm tay bùn, tiền đâu mà đi. Đành phải ở nhà ăn theo họ thôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận