Anh lùn hiếu thảo

ĐẶNG THÁI HUYỀN 26/03/2008 20:03 GMT+7

TTCT - Câu chuyện về “chú lùn” hiếu thảo ở thôn Ý Lạc, xã Thanh Trù (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã làm nhiều người dân địa phương cảm động. Chỉ cao 0,95m, suốt 20 năm nay anh đã sống với nghề nhặt rác để nuôi nấng cha mẹ của mình.

Phóng to
“Anh lùn rác” Trần Văn Cường lũn cũn giữa phố phường trên hành trình đi lượm rác
TTCT - Câu chuyện về “chú lùn” hiếu thảo ở thôn Ý Lạc, xã Thanh Trù (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã làm nhiều người dân địa phương cảm động. Chỉ cao 0,95m, suốt 20 năm nay anh đã sống với nghề nhặt rác để nuôi nấng cha mẹ của mình.

Tên của anh lùn ấy là Trần Văn Cường, 31 tuổi. Nhà anh ở cách trung tâm TP Vĩnh Yên khoảng 4km. Từ nhà sang phố, nếu muốn qua cầu anh phải đi bộ thêm 10km. Với một người chỉ cao 0,95m, quãng đường ấy dường như vượt quá sức của anh.

Anh luôn trở dậy khi trời còn tờ mờ sáng. Chỉ với một chiếc bao tải vắt trên vai, anh bắt đầu lên đường nhặt rác. Bởi vậy từ nhiều năm nay, người dân ở đây đã quen với sự có mặt của anh. Họ thường gọi anh là “anh lùn rác”.

Chúng tôi bước theo anh trên đại lộ Hùng Vương của TP Vĩnh Yên. Trong cả buổi sáng, anh chỉ đi được chặng đường dài 5km. Thoạt nhìn ai cũng tưởng anh chỉ là đứa trẻ 9 - 10 tuổi. Do lùn nên anh lê bước chân trên đường rất khó khăn, hễ thấy rác là anh lại gom nhặt thành từng đống gọn ghẽ. Thứ nào lấy được thì anh nhét vào bao tải, thứ không lấy được thì anh bỏ “giúp người khác” vào thùng rác. Chiến lợi phẩm của anh là giấy, mảnh nilông, lon bia, ống nhựa...

Đến trưa, Cường rảo bước qua khu vực trung tâm TP Vĩnh Yên. Nơi đây hàng quán san sát, phố xá đông vui, vì thế rác thải đầy trên vỉa hè. Bã mía, vỏ dừa, túi nilông... Đủ mọi thứ. Người của công ty vệ sinh môi trường vừa đi khỏi, rác lại túa ra. Cường cặm cụi nhặt từng túi nilông bỏ vào thùng, gom bã mía thành đống. Khi đến khu phố Lê Xoay, công việc thầm lặng của anh bắt đầu vất vả hơn. Nơi đây có chợ trung tâm TP Vĩnh Yên, rác ngập ngụa.

Thấy anh loay hoay nhặt nhạnh từng lon bia, mảnh nhựa, rồi lại vun vén rác thành từng đống, nhiều người tỏ ra ái ngại về việc mình vừa “lỡ tay” xả rác ra đường. Bà May, chủ hiệu bánh trên phố Lê Xoay, nói: “Trước đây tôi không để ý đến việc thu gom rác thải từ hàng quán của mình nên thường tiện tay vứt đại. Nhưng nhiều lần thấy anh lùn gom rác lại thành đống để nhân viên công ty môi trường dễ dọn dẹp, tôi thấy xấu hổ lắm”.

Để có mặt tại bãi rác chợ Vĩnh Yên sớm hơn những “đồng nghiệp” khác, Cường phải dậy từ 4 giờ sáng, cuốc bộ gần một giờ mới đến nơi. Nhặt rác đến khi trời sáng rõ, Cường mới đi nơi khác. Anh tiếp tục rong ruổi khắp các nẻo đường để tìm những thứ ở trong rác mà anh có thể bán được, từ đại lộ Hùng Vương, Trần Quốc Toản, Nguyễn Chí Thanh xuống tận nhà thi đấu Vĩnh Yên... Lang thang đến khi phố xá lên đèn, Cường mới trở về nhà.

Chúng tôi tìm vào thôn Ý Lạc. Ông Trần Văn Sơn, bố của Cường, kể: “Cả gia đình có sáu anh em, nhưng chỉ duy nhất nó bị lùn. Hồi nhỏ thấy nó kỳ dị, tôi đã đem nó đi cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nhưng chẳng ai chịu đón nhận vì sợ! Cuối cùng tôi đành để nó lại nuôi. Thật không ngờ chính nó lại là đứa con hiếu thảo nhất với cha mẹ. Mặc dù thân hình bé nhỏ như vậy nhưng nó đã nuôi chúng tôi suốt nhiều năm qua”.

Theo ông Sơn, hiện nay hai anh trai và ba chị gái của Cường đều đã lập gia đình. Chẳng ai chịu sống cùng để phụng dưỡng cha mẹ. “Giờ chỉ còn thằng lùn là đứa có thể nương nhờ lúc tuổi già” - ông Sơn nghẹn ngào nói.

Ông Sơn còn cho biết thêm: khi sinh Cường được khoảng một năm thì mẹ anh mất. Người mẹ mà anh chăm sóc suốt nhiều năm qua không phải mẹ đẻ mà là mẹ kế.

Có một chuyện cảm động mà người dân thôn Ý Lạc thường kể về Cường. Họ bảo: “Cường lùn có nhiều kỷ lục lắm. Trong đó, về kỷ lục nhịn ăn, có lẽ không có ai qua được anh”. Bà con kể hằng ngày Cường phải đi bộ hàng chục cây số, thế nhưng chỉ ăn một bữa cơm vào buổi tối. Mỗi bữa lại chỉ ăn một bát cơm.

Cường xác nhận đúng như vậy. Anh bảo: “Gia đình em nghèo lắm. Nhiều lúc bố mẹ cũng không có cái mà ăn. Mẹ em lại thường ốm đau nên mất nhiều tiền thuốc thang. Em muốn ăn ít để dành phần cho bố mẹ. Mới đầu cũng đói lắm nhưng bây giờ đã quen”.

Sẩm tối, Cường bắt đầu vác bao rác to mà anh thu hoạch được trong cả ngày, nặng lặc lè, trùm kín cả vai, trở về khu chợ Vĩnh Yên để chờ người cha ra đón. Chiều nào cũng vậy, ông Sơn lại đạp chiếc xe cọc cạch ra chợ để đón đứa con trai, chở giúp anh bao tải rác, bởi sức anh không vác đặng suốt đường xa. Khác hẳn với Cường, dáng ông Sơn rất cao lớn. Hai cha con họ chở nhau về nhà cùng bao rác.

Cường kể năm trước có một đoàn xiếc ở Hà Nội lên tận Vĩnh Yên mời Cường đi biểu diễn. Tin vui ấy khiến anh nằm trằn trọc bao đêm. Anh nghĩ nếu đi theo đoàn xiếc sẽ có thu nhập cao nhưng phải đi suốt, ít khi được ở nhà chăm nom bố mẹ. Nên suy đi tính lại, cuối cùng anh lại thôi, tiếp tục sống bằng nghề nhặt rác.

Cường đã từng đi khắp TP Vĩnh Yên để xin một công việc nhỏ, nhưng nhìn thấy Cường lùn, chẳng ai muốn thuê về làm. Cường phải trở lại bãi rác với mơ ước kiếm được chút tiền để sửa lại ngôi nhà và mua cho bố mẹ một chiếc tivi cũ.

Vậy mà cuối tuần qua, khi chúng tôi trở lại thôn Ý Lạc để thăm Cường thì bà mẹ kế của anh đã chết vì bệnh nặng. Suốt một tuần liền, Cường đành phải tạm nghỉ lượm rác để chịu tang. Trong ngôi nhà hoang tàn, ẩm tối giờ chỉ còn lại hai cha con, hai người đàn ông, một cao một lùn dựa dẫm vào nhau để sống cho hết kiếp người.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận