Ánh mắt

L.P. 24/02/2010 07:02 GMT+7

TTCT - Nhật ký yêu dấu,Có một ánh mắt cứ làm tôi ngạt thở mãi mỗi khi đi qua cây cầu vượt gần Bệnh viện Ung bướu. Tôi không biết vì sao cảm giác của mình lại như thế khi nhìn ông, ánh mắt rất trong, sáng rực rỡ dưới cái nắng hắt hoải khổ sở của Sài Gòn.

Ông đeo trên mình gần trăm chiếc túi, thêm cả một túi thuốc. Ông bán giỏ xách dạo, luôn sẵn sàng trong tư thế... chạy bảo vệ. Sáng nay, khi những người bán hàng dáo dác túa ra chạy vì bảo vệ bệnh viện đuổi thì ông chỉ có thể khệ nệ lê từng bước cố gắng lách khỏi đám đông để khỏi bị bắt lại. Ông hổn hển thở trước mắt tôi, ngồi bệt xuống đất để cố đớp lấy chút không khí ít ỏi giữa dòng người đang chen chúc qua lại.

Nhớ tiếng anh hàng bánh

Trong khu nhà tôi ở có một anh bán dạo bánh mì, bánh chưng, bánh giò. Phải nói anh có giọng rao rất vui. Tối nào cũng thế, cứ nghe tiếng anh rao là hai chị em tôi ôm bụng cười rũ.

Cái giọng, nói thế nào nhỉ, nghe rất buồn cười. (Người Trung Quốc bảo “không biết cười thì đừng kinh doanh”. A, có khi phải thêm ý này nữa “không biết rao thì đừng đi bán bánh dạo”). Thật ra tôi ít khi mua đồ bán dạo buổi đêm, cũng vì hai chị em đã “tích trữ” đủ đồ ăn rồi. Ấy thế mà chẳng ai bảo ai, hai chị em tối nào cũng đợi tiếng rao của anh hàng bánh. Không có nó cứ như thể buổi tối có cái gì thiêu thiếu, không trọn vẹn vậy. Buổi tối đợi tiếng rao của anh như đợi một cái gì quen thuộc lắm. Có hôm, không hiểu làm sao không thấy tiếng rao ấy, lại thắc mắc không biết anh hàng bánh có chuyện gì không.

Có lẽ cũng có nhiều người mua bánh của anh ấy. Bằng chứng là đầu giờ tối thì “Ai bánh mì, bánh chưng, bánh giò nào!”, đến nửa đêm thì chỉ còn “Ai bánh mì nào!” thôi. Nghe được tiếng ấy rồi thì tôi yên tâm đi ngủ, mà vẫn còn buồn cười với cái giọng “đặc biệt khó quên” của anh bán dạo.

Cà phê “bệt”

Phóng to

Ra trường, bạn thân của tôi về quê kiếm việc làm. Cô ấy thường dặn tôi nếu sáng chủ nhật có ngồi cà phê “bệt” (cà phê ngồi bệt ở công viên bên đường Hàn Thuyên, cạnh nhà thờ Đức Bà) thì gọi anh bán cà phê tên Điệp pha cho cô một ly bạc xỉu đá. Suốt bốn năm, hầu như sáng chủ nhật nào chúng tôi cũng ngồi ở đó tới tận trưa, dù thỉnh thoảng các anh dân phòng “lùa” chúng tôi đi vì để xe không đúng chỗ. Tiếng đàn violon của một cụ già hòa vào những thanh âm sôi động của giới trẻ.

Đủ lứa tuổi, đủ phong cách ăn mặc. Họ coi công viên này là quán cà phê đặc biệt, bên trên là cây và mây trời, bên dưới chẳng có ghế, cũng chẳng có bàn, quán xá cũng không. Nơi pha cà phê là phía trong một chiếc ôtô cũ (để có thể “lưu động” khi bị kiểm tra). Đối diện với nơi chúng tôi ngồi là một quán cà phê hạng sang nhất Sài thành mà túi tiền sinh viên không cho phép chúng tôi đến gần.

Chúng tôi nhớ cả tên của những người bán cà phê, trứng cút, xoài xanh. Giữa thành phố ăm ắp người vẫn có một chốn dành cho những “thành phần” không còn nhỏ cũng chưa quá lớn như chúng tôi...

M.

Nhật ký thân mến,

Lâu rồi mới trở lại Sài Gòn. Lại tìm đến Đồng Khởi nơi tôi vẫn hay mua mấy tạp chí Time, Economist của cậu bé tên M.. Tôi mến cái lanh lợi, nhiệt tình của cu cậu mỗi khi gặp nên hồi ở Sài Gòn, tuần nào tôi cũng ghé mua của M. dù quanh đó cũng có nhiều quầy bán báo ngoại. Lần này qua đó thì không thấy M. đâu. Hỏi một chị bán báo gần đó thì được trả lời: “Nghỉ rồi. Nó đi học”. “Học đâu hả chị?”. “Rờ Mít. Có ông hiệu trưởng ở đó thấy nó thông minh cho nó học bổng đi học rồi”.

Chà, thú vị nhỉ. Hơi buồn chút vì mất mối báo quen nhưng tôi mừng cho cậu bán báo. Một cánh cửa mới đang mở ra cho em.

Ba người đàn bà và năm trăm bạc

Người đàn bà đi chợ trưa dừng lại trước hàng thịt.

Bà bán thịt đang đuổi ruồi, xởi lởi: “Mua gì đi chị mình ơi!”.

Chị bán rau trờ tới đặt ba bó cải ế xuống quầy nói với bà bán thịt:

“Bán năm ngàn rẻo nấu với cải. Còn hai bó mua giúp với, bán rẻ cho!”.

“Bà ế cải. Tui ế thịt. Nhưng tui ăn sao hết hai bó!”.

“Để tôi một bó” - người đàn bà đang mua quay qua.

“Bao nhiêu?”.

“1.500”.

Chị đưa tờ 2.000 rồi bước đi.

“Thối chị 500 nè!”.

“Thôi”.

“500 không ra gì nhưng lần sau tui mà gặp cái bà gầy nhom xanh mét ấy là tui bán rẻ. Không phải ai cũng rứa” - bà bán thịt nói với chị bán rau.

“Ừ. Có bà còn bớt tui 500, trả có 1.000”.

Họ nói với nhau mà vọng tới chị. Lòng cười.

500 bạc nhỏ nhoi làm được điều không nhỏ nhoi chút nào trong buổi chợ tàn hôm ấy. Nó khiến ba người đàn bà đẹp hơn lên trong mắt nhau. Thoáng thấy đời vui.

TTCT cảm ơn các bạn: Trang Thu, Mèo Còm, Trà Mi, Phan Hằng, Cù Thị Hương, Trường Giang, Song Ninh, Nguyễn Thị Mỹ Nữ, Tiến Thành, Nguyễn Ngọc Hà, K.N., yhunglamot@gmail.com... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục mới này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận