Các công ty công nghệ ra sức cải tiến, nâng cấp app của họ khiến chúng ngày càng phình to, rườm rà, để rồi chính các hãng này buộc phải tạo ra phiên bản rút gọn cho các ứng dụng đó. minh họa Khởi đầu từ Facebook, ứng dụng rút gọn hay “nhẹ ký” (lite hay lightweight app) là xu hướng đang nổi trên chợ ứng dụng Google Play khi gần như các app Android phổ biến nhất đều có phiên bản rút gọn. Phiên bản rút gọn của các app dành cho iOS của Apple cũng ngày một nhiều. Các app rút gọn chẳng qua là bỏ đi các phần nâng cấp, phụ thêm để trở về phiên bản sơ khai, tuy đơn giản nhưng làm được việc. Đây là điều trớ trêu bởi nó cho thấy nỗ lực làm app ngày càng đa năng, nặng nề của các hãng công nghệ hóa ra vô nghĩa. Người dùng không cần những thứ linh tinh hào nhoáng của một app, mà quan trọng là các tính năng của nó. “nhỏ mà có võ” Facebook Lite dành cho Android ra mắt năm 2015 và nhanh chóng có hơn 100 triệu người dùng vào năm 2016. Đến đầu tháng 10 này mới có Facebook Lite dành cho iPhone, nhưng mới chỉ dành cho người dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tiêu chí của Facebook Lite là “nhẹ ký” nhưng vẫn “cung cấp cho người dùng các tính năng tương tự app gốc”, và “giúp mọi người kết nối bất kể chất lượng Internet của họ thế nào, thiết bị họ dùng là gì và họ sống ở đâu”. Ứng dụng Facebook dành cho iPhone nặng đến 500MB, trong khi Lite chưa đầy 5MB. Facebook Lite có thiết kế đơn giản nhưng vẫn đủ tính năng cập nhật trang cá nhân, xem và bình luận, hiển thị tốt các nội dung hình ảnh, video và tích hợp luôn tính năng chat mà không buộc người dùng phải tải thêm Messenger. Facebook Lite ban đầu được phát triển để dành cho người dùng di động “bình dân”, tức sở hữu smartphone cấu hình thấp, dung lượng lưu trữ ít, hoặc người sống ở các nước hạ tầng mạng chưa phổ biến, cước 3G đắt đỏ. Việc tải app Facebook hàng trăm MB đòi hỏi cấu hình cao, mỗi lần lên mạng là tổn hao tài nguyên của máy (RAM, pin) và ngốn tiền mạng là rào cản để mạng này có thêm người dùng. Chính vì thế Facebook là mạng đầu tiên khởi đầu xu hướng app rút gọn với Lite. Các ứng dụng dạng rút gọn có kích thước nhỏ hơn hàng chục lần so với app chính, vì thế người dùng yên tâm, không sợ thiếu không gian để cài đặt các ứng dụng khác. Và vì giao diện đơn giản không nặng về đồ họa nên không tốn nhiều dữ liệu di động khi sử dụng. Chính vì thế mà sau Facebook, các app phổ biến khác hiện cũng đã có phiên bản Lite: Instagram, Twitter, Skype, Uber, và Spotify. Tháng 6-2018, Instagram Lite chính thức có mặt trên Google Play với kích thước download chỉ 573KB, tức bằng 1/55 bản đầy đủ dành cho Android, theo trang BRG. Nhưng “nhỏ mà có võ”, Instagram Lite vẫn cho phép người dùng đăng ảnh, dùng bộ lọc, xem bài viết và khám phá trang của người khác với tiêu chí “chiếm dụng ít dung lượng, tiêu tốn ít dữ liệu và khởi động nhanh hơn”. Hạn chế duy nhất là người dùng không thể đăng nội dung video và nhắn tin cho nhau. Cũng trong tháng 6, ứng dụng đặt xe Uber Lite ra mắt ở Ấn Độ với lời quảng cáo “nhanh, tin cậy và chỉ 5MB”, chạy được trên mọi thiết bị Android và “tiết kiệm không gian bộ nhớ lẫn dữ liệu di động”. Uber bản đầy đủ nặng đến 181,4MB. Google thậm chí còn tạo cả hệ điều hành Android rút gọn có tên Android Go kèm theo bộ app thiết yếu nhất, tất cả đều ở dạng gọn nhẹ. Hệ điều hành này được tối ưu hóa để chạy mượt mà trên thiết bị có RAM chỉ 512MB - 1GB và bộ nhớ 8-16GB là “bao xài”. Android Go cũng có tính năng tiết kiệm dữ liệu di động và đi kèm bộ ứng dụng của Google - đầy đủ tính năng cơ bản nhất cần có - như trình tìm kiếm Google Go, trợ lý ảo Google Assistant Go, bản đồ Google Maps Go, Gmail Go và cả YouTube Go. Người “có điều kiện” cũng mê Theo trang Digital Information World ngày 17-10, các ứng dụng rút gọn ngày càng thu hút người dùng có “máy ngon mạng xịn” ở những nước phát triển, vì suy cho cùng các ứng dụng lúc nào cũng ngốn dung lượng, đặc biệt là trên thiết bị của Apple. Người dùng cần chọn các app giúp tiết kiệm tài nguyên cho “dế” cưng của mình. Người dùng cũng nhận ra các ứng dụng ngày càng chiếm chỗ trên smartphone và ngốn pin, làm chậm máy của họ chỉ vì chúng liên tục được cập nhật thêm các tính năng mới mà họ hiếm khi cần hoặc thực sự sử dụng. Lấy ví dụ Facebook Messenger mà người dùng buộc phải tải và cài đặt nếu muốn chat với bạn bè qua Facebook (trước đây, tính năng này được tích hợp vào app Facebook). Messenger (chiếm đến 700MB trên iPhone) cồng kềnh với các tính năng như Games hay trợ lý ảo M, trong khi người ta chỉ cần nó để liên lạc và giao tiếp. Chính Facebook cũng nhận ra Messenger ôm đồm quá nhiều thứ không cần thiết và đang thiết kế lại để ứng dụng gọn gàng và làm đúng việc hơn. Thực tế về danh sách phiên bản rút gọn của các app phổ biến ngày càng nối dài cho thấy “tinh giản ứng dụng” thực sự là xu hướng của các hãng công nghệ. “Chúng ta ngày càng ít quan tâm đến những thứ đẹp đẽ phù phiếm hay các tính năng không cần thiết trên các app - trang Digital Information World nhận định - Thay vào đó, người dùng đang tìm kiếm những thứ đơn giản và gọn gàng có thể làm được việc”. Chuyện một người có smartphone màn hình to, mẫu mới nhất, cấu hình mạnh nhất nhưng vẫn sắm thêm một “cục gạch”, không có camera xịn, thậm chí không lên mạng được, chuyên dùng để nghe gọi - tính năng cơ bản nhất của điện thoại - không phải là hiếm. Câu chuyện này giải thích xu hướng ứng dụng rút gọn: các app có màu mè đa năng đến đâu thì cái cần nhất vẫn là những tính năng cơ bản khiến người dùng tải và sử dụng app đó ngay từ đầu. Hãy nhớ lại ban đầu vì sao ta dùng Instagram? Để share hình có bộ lọc màu với bạn bè và xem, bình luận ảnh của người khác. Như vậy, Instagram Lite là đủ. “Với các app rút gọn, những tính năng không cần thiết đã bị loại bỏ và kèm theo đó là hàng trăm MB mà chúng chiếm dụng trên không gian lưu trữ của máy - The Guardian viết trong bài “Điều kỳ diệu của app rút gọn” - Và kết quả là chúng sẽ chạy nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn”. Tương tự, Facebook Lite không chỉ mang đến cảm giác gọn nhẹ mà còn đưa người dùng trở về Facebook thuở xa xưa, khi mạng xã hội này còn đơn giản và phục vụ mục đích duy nhất: giúp ta kết nối, tương tác và giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. “Nếu bạn muốn trở lại với những gì cơ bản nhất thì Lite chính là lựa chọn tốt hơn (Facebook gốc)” - trang Digital Trends khuyên. Nếu bạn không phải là người nghiện các ứng dụng và tin rằng các app chỉ nên làm đúng việc của mình, cũng như điện thoại chỉ cần nghe - gọi - nhắn tin thì hãy thử chuyển sang dùng các app rút gọn. Nếu sau một thời gian mà mọi thứ vẫn ổn, rõ ràng ta không có lý do để trở lại những app nặng nề và cồng kềnh, lại còn khiến ta dính chặt với smartphone suốt ngày. ■ Hãng điện thoại Palm cũng gia nhập xu hướng “gọn hơn, nhỏ hơn” theo nghĩa đen, tức giảm kích thước của thiết bị hữu hình, “cầm nắm” được thay vì các app vô hình. Vào tháng 11 này, Palm sẽ tung ra mẫu smartphone nhỏ gọn với màn hình chỉ 3,3 inch, mục đích làm “điện thoại phụ” cho người dùng có thêm lựa chọn gọn nhẹ, dễ mang theo người và ít app gây phân tâm bên cạnh smartphone chính của họ. Nôm na là giống như hằng ngày ta lái xe đi làm phiền phức thì cũng cần có thêm một chiếc xe máy. “Palm không nhằm thay thế điện thoại chính của bạn, mà là một người bạn đồng hành với thiết bị đó” - nhà sản xuất viết trên website. Và “người bạn đồng hành” này sẽ đảm bảo nhu cầu kết nối cho người dùng, song giúp họ tránh quá chú tâm vào điện thoại. Điều băn khoăn duy nhất là khi đã sẵn sàng sống với app rút gọn, sống đơn giản cho đời thanh thản thì liệu các app này một ngày nào đó cũng lại phình to ra, khiến mèo lại hoàn mèo hay không? Thực tế cho thấy không phải là không có khả năng. Chẳng hạn hồi tháng 3, Facebook thêm tính năng gọi video vào Messenger Lite trên Android, làm mất ý nghĩa “rút gọn” của ứng dụng này. Tags: AppIPhoneApp rút gọn
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến tuần này Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.