Việc mất thương hiệu iPhone vào tay một hãng đồ da ở Trung Quốc là vố đau cho Apple, nhưng cũng là một “nghiên cứu tình huống” thú vị cho các doanh nghiệp khác xung quanh vấn đề đăng ký thương hiệu ở thị trường tỉ dân này. Apple đã nhận được một bài học đắt giá ở Trung Quốc -thecountrycaller.com Chuyện Apple thua kiện quyền sở hữu thương hiệu với Công ty Xingtong Tiandi có thể tóm tắt như sau: Apple đăng ký bản quyền thương hiệu iPhone cho nhóm ngành máy tính tại Trung Quốc từ năm 2002, nhưng tận năm 2009 mới bắt đầu bán sản phẩm này tại đây. Trong khi đó, Xingtong Tiandi đăng ký thương hiệu IPHONE (viết hoa toàn bộ) cho nhóm ngành đồ da vào năm 2007. Apple cho rằng Xingtong Tiandi muốn ăn theo thương hiệu của mình nên đâm đơn kiện công ty này qua cơ quan quản lý thương hiệu Trung Quốc năm 2012 và tòa án một năm sau đó. Luận điểm chính của Apple cho rằng “iPhone” là một thương hiệu phổ biến ở Trung Quốc, vì thế bất kỳ bên thứ ba nào muốn đăng ký thương hiệu này, không cần biết họ sản xuất hay cung cấp dịch vụ gì, cũng phải bị coi là không hợp lệ. Nhưng rốt cuộc Apple không thể chứng minh iPhone là thương hiệu “vạn người biết” tại Trung Quốc. Khi Xintong Tiandi đăng ký sở hữu độc quyền thương hiệu IPHONE vào năm 2007, iPhone chưa được bán ở Trung Quốc. Vì lẽ đó, cơ quan quản lý thương hiệu Trung Quốc, trong phán quyết năm 2013, cho rằng “người dân sẽ không liên kết thương hiệu đang tranh chấp đó với Apple để ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Apple”. Phán quyết này cũng được tòa án thụ lý vụ kiện của Apple đồng tình. Tòa còn nhắc lại chi tiết phải đến năm 2009, những chiếc iPhone đầu tiên mới được bán ở Trung Quốc. Công ty đồ da đăng ký thương hiệu là IPHONE, khác với iPhone của Apple. Nhưng phán quyết của tòa không phân biệt chữ hoa hay thường và gọi chung cả hai thương hiệu là “IPHONE”. Đến trước được trước Chuyện đăng ký bản quyền thương hiệu ở Trung Quốc, theo New York Times, có thể là cơn ác mộng với các thương hiệu lớn của phương Tây vì đây là quốc gia theo nguyên tắc “nộp đơn trước” (first to file). Theo đó, luật thương hiệu của Trung Quốc cho phép “các bên thứ ba đăng ký bản quyền thương hiệu bắt chước hoặc sao chép từ các thương hiệu nổi tiếng”. Chính quy định này khiến Apple mất thương hiệu iPhone vào tay một công ty không liên quan gì đến sản xuất điện thoại. Theo China Law Blog - trang mạng chuyên về luật kinh doanh ở Trung Quốc, doanh nghiệp nước ngoài vẫn lầm tưởng rằng thương hiệu được bảo hộ ở Mỹ hay EU đương nhiên sẽ được bảo hộ tại Trung Quốc, nếu có ai đăng ký trước thì họ có quyền đòi lại với tư cách người sử dụng thương hiệu đó đầu tiên. Nhưng theo luật “nộp đơn trước”, thương hiệu nước ngoài có thâm niên 10 năm mà chưa đăng ký ở Trung Quốc thì cũng bị mất như thường. Và khi đã đăng ký sau thì rất khó giành lại. “Nếu ở Trung Quốc đã có người đăng ký trước một thương hiệu nước ngoài thì họ là sở hữu hợp pháp thương hiệu tại Trung Quốc. Và nếu hãng nước ngoài bán hàng hóa ở Trung Quốc với thương hiệu đó thì họ mới là phía vi phạm sở hữu thương hiệu - China Law Blog viết - Đây không phải là kẽ hở, mà là một đặc điểm của luật thương hiệu Trung Quốc”. Tệ hơn cho Apple, khi họ bắt đầu bán iPad tại Trung Quốc năm 2012, một công ty địa phương đã đăng ký sở hữu thương hiệu “iPad”. Apple phải chi 60 triệu USD mua lại quyền sử dụng thương hiệu! Bài học từ iPhone Trang China Law Blog chỉ ra các bài học: Trước hết, nếu không muốn thấy thương hiệu của mình bị dùng cho các sản phẩm chẳng hề liên quan ở Trung Quốc, doanh nghiệp cần đăng ký sở hữu nó cho càng nhiều loại sản phẩm càng tốt, dù có thể ta sẽ chẳng bao giờ sản xuất chúng. Starbucks đã thấm nhuần bài học này khi đăng ký thương hiệu cho 45 nhóm sản phẩm và dịch vụ khác nhau tại Trung Quốc, dù họ chỉ bán cà phê. Thứ hai, đừng tưởng thương hiệu của mình nổi tiếng thế giới thì ở Trung Quốc cũng được xếp vào loại “nổi tiếng toàn quốc” (và do đó được bảo hộ thương hiệu cho mọi sản phẩm và dịch vụ). Apple thua kiện vì họ giả định thế. Trong số 1.300 thương hiệu được xếp loại này chỉ có 20 thương hiệu nước ngoài, như Johnson & Johnson, BOSCH, Adidas, Gold Roast. China Law Blog khuyên nên đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc trước khi công bố thông tin chính thức để tránh việc có người tận dụng quy định “nộp đơn trước”. Tuy nhiên, rắc rối là đăng ký sớm quá cũng không ổn và Apple lại là ví dụ cho trường hợp này. Theo luật thương hiệu Trung Quốc, bất kỳ ai cũng có thể yêu cầu hủy quyền bảo hộ của một thương hiệu nếu nó không được sử dụng trong ba năm liên tiếp. Trong trường hợp của iPhone, khoảng thời gian không sử dụng thương hiệu lên đến bảy năm (đăng ký từ năm 2002 nhưng đến năm 2009 mới bán hàng). Đáng nói hơn, Apple công bố sẽ bán hàng ở Trung Quốc từ năm 2007 (dù hai năm sau mới bắt đầu bán). Chiếu theo luật, một người Trung Quốc hoàn toàn có quyền đệ đơn xin hủy quyền bảo hộ thương hiệu iPhone với cả sản phẩm điện tử thông minh ở thị trường Trung Quốc lúc đó (đã quá ba năm thời hạn bảo hộ) và Apple sẽ gặp rắc rối lớn. Nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc, bạn nên đăng ký tất cả thương hiệu quan trọng ngay từ lúc này vì “nếu ta không làm thì người khác sẽ làm” - China Law Blog khuyên.■ Tags: Apple khóc
App cho vay nặng lãi: Không trả tiền không sống yên! Đ.THUẦN - Đ.THIỆN - TR.TÂN - M.HÒA 16/08/2022 1800 từ TTO - Sau một thời gian tạm lắng khi nhiều tổ chức tín dụng đen - cho vay qua app, bị công an truy quét thì gần đây loại tội phạm này có dấu hiệu hoạt động mạnh mẽ trở lại.
Thủ môn Đặng Văn Lâm trở lại V-League: Lợi cả đôi đường NGUYÊN KHÔI 16/08/2022 848 từ TTO - Chiều 15-8, thủ môn Đặng Văn Lâm đã ký hợp đồng với CLB Topenland Bình Định để thi đấu ở V-League 2022 sau hơn 3 năm tìm cơ hội chơi bóng ở Thái Lan và Nhật Bản.
Cựu giám đốc CDC Quảng Ninh 'tiệc tùng' vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật TIẾN THẮNG 15/08/2022 541 từ TTO - Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Ninh Văn Chủ đã chủ trì, tổ chức và tham gia các bữa tiệc chia tay, giao lưu trước khi nghỉ hưu theo chế độ với quy mô lớn, nhiều người tham gia, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bú sữa pha với nước sông lắng phèn, bé 3 tháng tuổi xuất huyết tiêu hóa nặng XUÂN MAI 16/08/2022 531 từ TTO - Bé gái 3 tháng tuổi bị xuất huyết đường tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết, nhiễm giun... do phụ huynh có thói quen dùng nước sông lắng phèn, không đun sôi, để pha sữa cho trẻ bú.
Biến thể BA.2.75 của Omicron xuất hiện tại Việt Nam DƯƠNG LIỄU 16/08/2022 520 từ TTO - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron, trong đó có BA.2.75 với khả năng lây nhanh, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.