Argentina: Ông Milei và chủ nghĩa tự do tuyệt đối

TƯỜNG ANH 10/12/2023 15:28 GMT+7

TTCT - Cuộc bầu cử vừa qua ở Argentina đưa một vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do cá nhân tuyệt đối lên nắm quyền. Cuộc đảo chiều này liệu có định hình lại đất nước nhiều vấn đề ở Nam Mỹ và ảnh hưởng đến trật tự thế giới?

Ông Javier Milei và chiếc cưa máy thương hiệu. Ảnh: Reuters

Ông Javier Milei và chiếc cưa máy thương hiệu. Ảnh: Reuters

Ngày 19-11, Đảng Tự do của Javier Milei giành chiến thắng ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Argentina. Milei trở thành tổng thống theo chủ nghĩa tự do tuyệt đối đầu tiên trên thế giới.

"Chính trị gia cầm cưa máy"

Milei nổi tiếng với những tuyên bố ồn ào về việc hợp pháp hóa mua bán nội tạng người, bãi bỏ ngân hàng trung ương và đô la hóa nền kinh tế. Bất chấp những tuyên bố gây tranh cãi này, số người Argentina bỏ phiếu cho ông vẫn đạt kỷ lục: 55,69%, tương đương 14,5 triệu cử tri, giúp ông đè bẹp đối thủ, Bộ trưởng Kinh tế và lao động Sergio Massa, với chỉ 11,5 triệu cử tri.

"Sư tử theo chủ nghĩa tự do", như những người ủng hộ gọi ông Milei, đã nhanh chóng thu hút dư luận từ mọi phía. Trên truyền thông chủ lưu phương Tây, ông được gọi là chính trị gia cực hữu. Với truyền thông cánh hữu, Milei gợi nhớ đến cựu tổng thống nước láng giềng Brazil Jair Bolsonaro, người cũng phản đối phá thai, đồng cảm với Donald Trump và chỉ trích các chính trị gia cánh tả.

Về thái độ với người đồng tính, nếu Bolsonaro nói "nếu thấy hai người đàn ông hôn nhau ngoài đường, ông sẵn sàng dùng vũ lực", thì Milei nói đây là quyền của họ, là chuyện không liên quan đến ông "nếu nhà nước không buộc ông phải thanh toán các hóa đơn của họ". 

Có điều, hai chính trị gia này đã trải qua trường đời hoàn toàn khác nhau. Bolsonaro là sĩ quan quân đội chuyên nghiệp với 27 năm kinh nghiệm tại Quốc hội. Javier là "tân binh", mới gia nhập Quốc hội Argentina năm 2021.

Milei là nhà lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia trên thế giới tuyên bố căm ghét định chế nhà nước. Chủ nghĩa tự do tuyệt đối, hay tự do theo ý chí cá nhân (libertarianism) mà Milei xiển dương tập trung vào tự do cá nhân tối đa và coi nhà nước là thực thể thù địch ngăn cản việc thực hiện quyền tự do này. 

Trong hệ tư tưởng này có hai trường phái phổ biến: những nhà tư bản vô chính phủ, vốn tin vào khả năng loại bỏ hoàn toàn nhà nước, và những người chủ trương giảm thiểu ảnh hưởng của nhà nước đến đời sống người dân. Milei tự gọi mình là "nhà tư bản vô chính phủ".

Phong cách "chính trị gia tóc mai" của Milei khiến ông khác biệt hoàn toàn các đối thủ. Trong đời thường, Milei cũng sống như một cá nhân tuyệt đối: 53 tuổi, chưa kết hôn, không con cái, không giao tiếp với cha mẹ suốt nhiều năm - vì họ đối xử tàn nhẫn với ông khi còn nhỏ. 

Ông gọi những chú chó của mình, được nhân bản từ một chú chó ngao cưng của ông đã mất 6 năm trước và đặt cho tên các nhà kinh tế nổi tiếng thế giới, là bạn. Ông đã cảm ơn những chú chó khi kết quả sơ bộ bầu cử được công bố.

Không chỉ có sức hút, Milei còn có khả năng truyền đạt được ý tưởng đến cử tri - chẳng hạn, khẩu hiệu chính của ông là "Tự do muôn năm, đ** m*!". Hình ảnh phổ biến nhất của Javier là cảnh ông cầm chiếc cưa máy khi vận động tranh cử, để phá bỏ ngân hàng trung ương. 

Ở đất nước mà bao nhiêu đời chính trị gia đã không đưa ra được một giải pháp hữu hiệu để thoát khỏi những chu kỳ khủng hoảng kinh tế và lạm phát cao liên tục, Milei mang lại cho cử tri một tia hy vọng.

Đối ngoại và đối nội

Ông gọi các đối thủ là "giai cấp" nắm giữ quyền lực và không muốn chia sẻ quyền lực đó. The Washington Post bình luận: "Chiến thắng của Milei làm tan vỡ thiết chế chính trị và mang đến sự chuyển hướng cực hữu mạnh mẽ nhất trong 4 thập niên dân chủ của đất nước Argentina. Cuối cùng, sự tức giận đã chiến thắng nỗi sợ hãi".

Sau khi giành chiến thắng, Milei tuyên bố bắt đầu một kỷ nguyên chính trị mới. Trong tương lai gần, ông dự định thăm các đồng minh Israel và Hoa Kỳ, xây dựng và thắt chặt quan hệ kinh tế với họ, trong khi không có kế hoạch hữu hảo với các quốc gia mà ông nghi ngờ là "có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản", gồm Trung Quốc và Brazil. 

Ông cũng lên án chế độ Nicolas Maduro ở Venezuela. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói chính sách đối ngoại của mình là hợp tác với "các quốc gia tôn trọng tự do", không coi Argentina là một phần của BRICS và cho phép nước này rời Mercosur, tức khối thị trường chung Nam Mỹ.

Có vẻ ông Milei sẽ gặp khó khăn hơn trong đối nội. Với tư cách là người đề xuất nhà nước tối thiểu, ông sẽ lãnh đạo một thử nghiệm kinh tế mới ở Argentina, đưa đất nước đối mặt với những cải cách phức tạp: bãi bỏ ngân hàng trung ương, đô la hóa nền kinh tế, trưng cầu ý dân về lệnh cấm phá thai. Chính phủ mới của Milei sẽ chỉ có 8, chứ không phải 18 bộ như trước. Không chỉ vậy, ông còn hứa sẽ giảm 15% chi tiêu của chính phủ.

Bước tiếp theo sẽ là tư nhân hóa truyền thông nhà nước, đáng kể nhất là hãng thông tấn lớn nhất nước Telam, đài phát thanh Radio Nacional và kênh truyền hình TV Pública. Các kế hoạch tư nhân hóa còn bao gồm bán hãng hàng không Aerolineas Argentinas và Công ty dầu khí YPF (cổ phiếu công ty này tăng vọt 40% sau thông báo sắp tư nhân hóa).

Nhìn chung, kế hoạch kinh tế của Milei là chuyển càng nhiều tài sản nhà nước vào tay tư nhân càng tốt, để trang trải khoản nợ nước ngoài đã lên tới 276 tỉ USD. Với những quyết định đó, ông sẽ không chỉ chịu trách nhiệm về số phận của Argentina, mà còn tiến hành cuộc thử nghiệm kinh tế lớn nhất mà thế giới sẽ phải dõi theo trong những năm tới.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận