ASEAN và UNCLOS

TTCT - UNCLOS là vũ khí mà các nước ASEAN sử dụng nhằm chống lại “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Đối với Mỹ, nếu gia nhập UNCLOS sức mạnh ngoại giao và cả quân sự của Mỹ không bị suy giảm vì Mỹ đã hải hành trên các vùng biển quốc tế từ trước đến nay. Việc Mỹ tham gia UNCLOS sẽ khiến các yêu sách về “vùng nước lịch sử” của Trung Quốc đứng trước một đối tác biết thực thi sức mạnh của vũ trang và luật pháp ở mức độ khác các nước ASEAN nhỏ và tản mác trên biển lẫn trên bàn đàm phán.

Phóng to
Người dân Philippines hát bài Pilipinas Kong Mahal (Philippines mến yêu của tôi) trong cuộc biểu tình ngày 11-5 chống hành động của Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough - Ảnh: Reuters

Việc không gia nhập UNCLOS sẽ có thể tô đậm sự yếu thế và đánh mất vai trò lãnh đạo của Mỹ tại biển Đông, đặc biệt trên cơ sở pháp lý và dành đất tuyên truyền cho Trung Quốc. Mỹ khó có tiếng nói trọng lượng khi đấu tranh pháp lý nếu bỏ qua UNCLOS, vô hình trung để Trung Quốc đơn phương tuyên bố và giải thích UNCLOS theo cách riêng mình - đường chữ U.

Nếu Mỹ ký kết UNCLOS, các vùng biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của họ vẫn không hề bị một hạn chế nào. Trong khi đó, Mỹ lại có thêm nhiều lý lẽ để bảo vệ quyền lưu thông của các tàu thuyền cả thương mại lẫn quân sự của họ trên khắp các vùng biển Hoa Đông, Hoàng Hải, biển Đông một cách chính danh hơn.

Ngoài ra, tại các bàn hội nghị ASEAN+, Mỹ và các nước ASEAN sẽ có thêm diễn đàn pháp lý (UNCLOS) để hạn chế sự diễn giải của những nước lớn khác như Nga và Trung Quốc. Nói như ngôn ngữ thể thao Olympic, Mỹ sẽ có thêm nội dung thi đấu thay vì bị hạn chế nếu không là thành viên UNCLOS.

Những hành động quá đáng của Trung Quốc đối với biển Đông đã đe dọa hòa bình trong khu vực và đe dọa đến sự tự do hàng hải của một trong những tuyến đường biển huyết mạch của thế giới. Khi phê chuẩn UNCLOS, Mỹ có thể viện dẫn UNCLOS một cách danh chính ngôn thuận “khuyến khích các bên tuân thủ luật pháp quốc tế”, chống lại “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Việc Mỹ gia nhập UNCLOS trong bối cảnh ngày càng phức tạp của cuộc tranh chấp trên biển Đông sẽ một mặt khẳng định sự quan tâm thật sự của Mỹ đối với biển Đông, đồng thời tạo tiền đề tốt cho vai trò của Mỹ trong cuộc tranh chấp, trong đó Việt Nam là một bên quan trọng.

Từ đó, tiếng nói của những đồng minh của Mỹ xung quanh biển Đông như Philippines, Indonesia, Singapore và cả những quốc gia nạn nhân của “đường lưỡi bò” như Malaysia và Việt Nam sẽ có cơ may được lắng nghe tại “câu lạc bộ” UNCLOS nhiều hơn.

Trung Quốc chẳng đã áp dụng UNCLOS trong tranh chấp với Nhật (một nước có hải quân mạnh) tại Okinotori trong khi bỏ qua UNCLOS tại biển Đông đó thôi. Mặt khác, tuyệt đối hóa niềm tin vào UNCLOS - luật pháp quốc tế sẽ có thể khiến nước nhỏ trả giá đắt.

Do vậy, dù có thêm sự thượng tôn pháp luật quốc tế (của các cường quốc) tại khu vực biển Đông hay không, các nước nhỏ như Việt Nam vẫn cần phải có những chuẩn bị thực tế nhất trong khi vẫn bám sát các nội dung UNCLOS để bảo vệ mình.

Tựu trung, hi vọng Mỹ ký kết UNCLOS để duy trì hòa bình trong châu Á - Thái Bình Dương có lẽ là tâm tư chung của người Việt Nam yêu chuộng công lý và hòa bình trên biển Đông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận