AUKUS: “Hợp đồng thế kỷ” hay “Liên minh thế kỷ”?

DANH ĐỨC 22/09/2021 03:09 GMT+7

TTCT - “Hôm thứ tư [15-9], Úc loan báo cắt hợp đồng mua 12 tàu ngầm quy ước có giá 56 tỉ euro với Tập đoàn Naval Group. Dưới áp lực của [Tổng thống Mỹ] Joe Biden, Canberra cuối cùng đã quyết định ký kết với người Mỹ”, kênh truyền hình Pháp BFM đưa tin, phần nào phản ánh góc nhìn từ Paris. Thế nhưng, từ Canberra, Washington, London và nhiều nơi khác, cái nhìn hoàn toàn khác.

Nhìn chung, phản ứng của Pháp là dễ hiểu. Những tựa báo như “Cú đâm sau lưng của Úc”, “Trận Trafalgar của người Úc” (ý chỉ trận hải chiến mà Anh đã đánh chìm toàn bộ hạm đội liên quân Pháp - Tây Ban Nha thời Napoleon để giành ngôi bá chủ trên biển), “Những chiếc tàu ngầm bị chìm bởi luật của kẻ mạnh”, hay “Cơn giận dữ của nước Pháp chống lại nước Úc” tràn ngập báo chí tiếng Pháp tuần rồi.

Tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo của Mỹ, USS Alaska. Ảnh: usni.org

 

Chuyện tàu ngầm của Úc 

Nói cho ngay, Pháp mới chỉ ký với Úc “hợp đồng thế kỷ” ngày 11-2-2019, coi như miếng bánh mới chỉ đưa lên miệng, chưa kịp cắn! Hôm đó, tại một buổi lễ ở Canberra, trước Bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly, Thủ tướng Úc Scott Morrison còn ca ngợi đây là “một kế hoạch rất tham vọng”, mà theo báo Le Capital của Pháp, cho thấy “tham vọng của Úc ở Thái Bình Dương”.

12 tàu ngầm Úc định mua của Pháp là tàu ngầm diesel - điện trọng tải 4.500 tấn, vận tốc 37km/giờ, tầm hoạt động 18.000 hải lý, hải trình dài đến 80 ngày, được trang bị 8 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn (533mm), tên lửa chống hạm Harpoon cùng mìn Mk III Stonefish. Lớp tàu mới nhằm thay thế lớp tàu ngầm Collins lỗi thời và hết hạn sử dụng.

Giới quân sự Úc hy vọng một tá tàu ngầm này sẽ cho phép Úc sở hữu một lực lượng răn đe đáng tin cậy, tờ Le Capital giải thích. 

Năm 2019 đó, Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng không bờ bến: không chỉ yêu sách lãnh thổ và lãnh hải với phần lớn Biển Đông, mà còn muốn phóng tầm ảnh hưởng ra xa hơn nữa, trước mắt đặc biệt là ở Nam và Tây Thái Bình Dương, nơi mà Úc có ảnh hưởng quyết định suốt một thời gian dài. 

Vấn đề đáng ngại ở chỗ các quần đảo Thái Bình Dương tuy nhỏ và ít quan trọng với vận tải đường biển nếu so với Biển Đông, nhưng các vùng kinh tế thuộc phạm vi các đảo này lại chiếm một tỉ trọng lớn các nguồn tài nguyên hàng hải của thế giới. 

Hai tuần sau chính thức ký kết hợp đồng Úc - Pháp, Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược của Úc (ASPI), đăng một bài có tựa đề nóng bỏng trên tạp chí chiến lược quốc phòng The Strategist: “Liệu chúng ta có đang cần một Sách trắng quốc phòng nữa không? Nếu có, thì Sách trắng đó sẽ nói ra điều gì?”. 

Vấn đề là Úc mới công bố Sách trắng quốc phòng 3 năm trước (2016). Ông Jennings vốn từng phụ tá bộ trưởng quốc phòng đặc trách chiến lược, tức đầu não phụ trách kế sách binh bị của Úc, nên quan điểm của ông tất nhiên là rất có sức nặng. 

Ông quả quyết trong bài viết đó: “Đang có một sự đồng thuận mới nổi lên trong cộng đồng chiến lược Úc rằng nguy cơ xung đột ngắn hạn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đang gia tăng”. 

Từ đánh giá đó, Jennings đặt vấn đề: (1) Sách trắng quốc phòng 2016 - 2021 dựa trên một ngân sách mua sắm chỉ có 195 tỉ đôla Úc trải ra trong 10 năm; (2) tình hình đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ xung đột gia tăng, cần có một điều chỉnh để chuẩn bị; (3) tác giả đề nghị cần thay đổi trang bị quốc phòng cho tương ứng. 

Với ngân sách 195 tỉ đôla Úc cho tới hết 2025, riêng số tàu ngầm đặt mua của Pháp đã chiếm hết gần phân nửa.

Cũng phải thấy là không phải Pháp không có tàu ngầm hạt nhân để bán cho Úc. Vấn đề là khi ký kết hợp đồng năm 2019, Úc vẫn còn tuyệt đối trung thành với chính sách phi hạt nhân trong một môi trường gồm các nước cũng muốn giữ gìn một Thái Bình Dương phi hạt nhân. 

Đề nghị thay đổi chính sách của Jennings được đưa ra chỉ 15 ngày sau khi hợp đồng Úc - Pháp được ký kết.

Thật ra, ngay từ năm 2017, ở Úc đã có những chỉ trích việc mua sắm tàu ngầm thông thường là “quá mắc, quá ít và quá trễ!”, như có thể thấy trên tờ báo tài chánh Financial Review 1-6-2017.

Châu về Hợp Phố

Thật ra, ông Jennings chủ yếu muốn khơi mào sự chuyển hướng chiến lược của Úc qua một loan báo rằng cuối năm 2019 đó sẽ diễn ra tại Úc một cuộc họp AUSMIN giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Úc và Hoa Kỳ cùng các chỉ huy quân sự cấp cao hai nước. AUSMIN là cơ chế tham vấn 2+2 từ năm 1985.

Úc đã là đồng minh với Mỹ từ Thế chiến I và đang là đồng minh ngoài NATO lớn nhất của Mỹ. Quan hệ đối tác quốc phòng hai bên đã rất mật thiết và lâu đời. 

Trước tình hình mới và những thách thức mới, Canberra đã thấy không một đồng minh nào khác, kể cả vương quốc Anh mà họ thống thuộc về mặt tinh thần, có thể lấp đầy vào khoảng trống thế lực trong khu vực.

Khó có thể tìm thấy một sự đồng tâm nhất trí hơn trong một mối quan hệ song phương. 

Có thể thấy điều đó qua thông cáo chung ngày 4-8 của AUSMIN 2019: “Bộ trưởng [Quốc phòng Úc lúc đó, Marise] Payne và Ngoại trưởng [Mỹ, Mike] Pompeo nhất trí rằng liên minh của chúng ta ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết..." 

"Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của một cấu trúc liên minh và đối tác được mạng lưới hóa ngày càng rộng rãi để duy trì một Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn, mở, bao trùm và dựa trên luật lệ”.

Tất nhiên, giữa Pháp và Úc cũng có quan hệ chiến lược, thậm chí “chiến lược tăng cường”, như thể hiện chuyến thăm Paris của ông Morrison tháng 6 vừa rồi. 

Trước đó, đầu tháng 5-2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là tổng thống Pháp đầu tiên thăm Úc trong “khuôn khổ hoàn toàn song phương” theo France 24 ngày 30-4-2018.

Cũng trong chuyến đi đó, khi ghé lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương New Caledonia ngày 5-5, ông Macron đề cập đến mối bận tâm mới của Paris: “Trung Quốc đang từng bước xây dựng quyền bá chủ. Nói vậy không phải là để gây nỗi sợ hãi, mà là nhìn vào thực tế... Nếu chúng ta không tự tổ chức, điều đó có thể sớm trở thành bá quyền, làm giảm đi các quyền tự do, cơ hội của chúng ta”.

Mùa xuân năm 2018 đó, trong khuôn khổ sứ mệnh mang tên nữ anh hùng dân tộc chống quân đô hộ... Anh, Jeanne d’Arc, các tàu hải quân của Pháp đã cập cảng Úc, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam rồi đi quanh quần đảo Trường Sa, một ngày trước Đối thoại Shangri-La. 

Năm đại diện của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) có mặt trên tàu để quan sát hoạt động của hải quân Trung Quốc. 

Tiếp đó là chiến dịch không quân PEGASE vào tháng 8-2018 nhằm chứng tỏ tầm hoạt động của lực lượng không quân Pháp tại đây. Ba chiến đấu cơ Rafale, một máy bay vận tải A400M, một chiếc A310 hậu cần và một chiếc C-135 tiếp liệu được huy động.

Pháp quả thực cũng muốn dấn thân ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, song nguồn lực chỉ tới đó! Trong nhiệm vụ PEGASE, không quân Pháp đề xuất khi bay trên Biển Đông sẽ tiếp cận không phận mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp. 

Điện Élysée do dự giữa lựa chọn “căng thẳng cơ bắp” là cả phi đội, bao gồm chiến đấu cơ Rafale, bay qua hành lang hàng không tranh chấp với Trung Quốc hay và lựa chọn “lành” hơn là theo tuyến đường mà các hãng hàng không dân dụng vẫn dùng. Cuối cùng, tuyến “hòa bình” đã được lựa chọn.

Từ Canberra, và nhất là từ quân cảng Sydney, người Úc cũng vui khi có thêm bạn đường Pháp, song họ không thể không cân nhắc xem người Pháp cân nặng bao nhiêu ở khu vực. Giờ họ đã cân nhắc xong.

Bội phản hay khôn ngoan

Những ngày này, từ Paris tuôn đi không biết bao nhiêu “chửi rủa” nhắm vào Úc, Mỹ và Anh. 

Trong những la ó đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã mô tả đúng thực chất vấn đề: “Nước Pháp xây dựng với nước Úc một quan hệ niềm tin, mà giờ đây niềm tin bị phản bội”. 

Thực tế khách quan cho thấy ông Le Drian có lý, có điều phải chi ông đánh giá được như vậy sớm hơn. Thậm chí sớm hơn nửa tháng cũng đã đỡ “quê độ” như giờ.

Số là mới hôm 31-8 vừa rồi, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Pháp và Úc còn lần đầu tiên họp 2+2 với nhau. Bộ Ngoại giao Pháp mô tả cuộc gặp này phản ánh mức độ hợp tác chiến lược và hành động chiến thuật cao nhất giữa hai nước. 

Hai bên ra một tuyên bố chung dài 2.700 từ với 25 đoạn bàn về đủ chuyện trần đời, bao gồm câu: “Các bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình các tàu ngầm tương lai”. Bấy giờ là hai tuần trước khi Úc “xù” hợp đồng mua tàu ngầm. Pháp không nổi điên mới lạ!

Nhưng trong khi hành xử của Úc quả là kém duyên, họ không hề dại dột. 

Thỏa thuận tay ba Mỹ, Anh, Úc, tên gọi AUKUS, tuyên bố: “AUKUS sẽ thúc đẩy mối quan hệ lâu đời giữa ba nước chúng ta, bao gồm việc tích hợp sâu hơn các lĩnh vực khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến quốc phòng và an ninh, cũng như hợp tác sâu hơn về một loạt các năng lực quốc phòng và an ninh”.

Cho tới nay ở khu vực châu Đại Dương, Mỹ, Úc và New Zealand vẫn bắt tay qua liên minh tay ba truyền thống ANZUS thành lập từ năm 1951. Nay AUKUS ra đời, ANZUS đi đâu chưa rõ nhưng New Zealand đã tuyên bố sẽ cấm cửa tàu ngầm hạt nhân (tương lai) của Úc, do lẽ nước này tẩy chay hạt nhân.

Về phần Anh, thực lực của họ chắc cũng chỉ cỡ Pháp là cùng ở khu vực này, song London đã cho thấy sự “dấn thân” hơn, với nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth, điều mà Pháp không làm. (Tờ L’Opinion của Pháp 9-9-2020 cho biết năm 2021 tàu sân bay Charles de Gaulle có thể sẽ tới cảng Darwin của Úc và Singapore, song sẽ không vô Biển Đông).

Xét cho cùng, từ nhiều góc độ, điều quan trọng nhất của AUKUS là thỏa thuận đó giờ sẽ chính thức đặt nước Úc vào vai trò phóng chiếu sức mạnh của Hoa Kỳ từ biển Đông tới Nam Thái Bình Dương, khi cần thiết.■

Nguồn lực của Pháp ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là khá khiêm tốn, với tổng quân số khoảng 8.000, mà theo một số tính toán, còn không đủ để bảo vệ New Caledonia. Ngoài ra, quan hệ Pháp - Trung Quốc cũng là một vấn đề Paris phải cân nhắc. 

Tháng 11-2019, Tổng thống Pháp Macron đến Thượng Hải dự kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ song phương, ký kết dự án 20 tỉ euro xây dựng một nhà máy tái chế chất thải hạt nhân được phát động dưới thời thủ tướng Jean-Marc Ayrault 10 năm trước.

Trang Arms Control Association (Hiệp hội Kiểm soát vũ khí) giải thích: “Ngoài Pháp, Nga là quốc gia duy nhất khác tái chế nhiên liệu hạt nhân, một quy trình tách plutonium và uranium khỏi các vật liệu khác có trong nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng”. 

Asia Pacific News nói rõ hơn: “Chính phủ Trung Quốc... gần đây đã tăng cường chiến dịch vận động hành lang nhắm vào các chính trị gia quan trọng của Pháp trong một nỗ lực ngày càng quyết liệt để có được những công nghệ hạt nhân trị giá hàng tỉ đôla”.

Ở Thượng Hải khi đó, ông Macron từng phát biểu: “Không phải tình cờ mà Con đường tơ lụa ngày nay lại tiếp tục tại Thượng Hải..., nơi mà cách đây 100 năm, hai sinh viên công nhân Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình, cách nhau vài tháng, khởi hành trên một con tàu trực chỉ Marseille”. 

Xem ra, cũng khó trách phe nhóm nói tiếng Anh không chịu tin hết người Pháp!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận