TTCT - Phải chăng những chuyện giả vờ lừa bịp đã diễn ra nhan nhản, nên người ta ngày càng vô cảm với nhau đến vậy? www.lbrummer68739.net Hôm đó, gia đình tôi đi xe khách từ một thành phố biển về lại nhà mình, sau kỳ nghỉ cuối tuần. Gần tới bến thì trời chuyển mưa, nên mọi người quyết định sẽ đi xe buýt về cho tiện và rẻ. Hỏi thăm bác tài xem tuyến xe buýt từ bến xe về ngang nhà là số mấy, thì anh này không biết. May sao, có một bà già ngồi gần chúng tôi đã góp chuyện, rằng chuyến đó 41, tui cũng về chuyến đó nè. Thêm dăm ba câu, hóa ra bà cụ cũng ở gần nhà chúng tôi, cách có một con đường. Xe tới bến, ai nấy đều lu bu di chuyển. Lúc chúng tôi đã yên vị trên xe buýt đợi lăn bánh thì nghe lao xao ở cửa. Cậu thanh niên bán vé đang cằn nhằn từ chối ai đó. Rằng cái thùng xốp này đựng gì vậy? Cá hả? Không được đâu. Mang lên xe nó chảy nước ra tràn lan hết, dơ bẩn, dọn dẹp rất cực. Tôi đã từng bị một lần rồi, sợ lắm. Bà thông cảm đón xe khác đi. Tôi nhìn ra, thấy ngay bà già hồi nãy chung xe đò từ xứ biển về. Trên tay bà là một cái thùng mút xốp cỡ trung đã được dán băng keo cẩn thận. Bà già nài nỉ nhưng rồi cũng phải cam chịu trước thái độ cương quyết của cậu bán vé. Chồng tôi quay sang hỏi nhỏ: Cái thùng nó đổ nước ra ngoài à? Tôi trả lời rằng chắc chắn là không. Nhà mình vẫn mua cá từ dưới đó về theo cách đóng thùng như vậy. Đâu có vấn đề gì. Nếu đi xe buýt thì để gọn ở chỗ kia là được... Chúng tôi cùng im lặng. Xe cũng vừa bắt đầu hành trình xuyên qua thành phố. Lũ trẻ bắt đầu hồn nhiên nhắc về chuyến đi vui vẻ. Tuyệt nhiên không ai đả động gì tới bà già vừa bị bỏ lại trên bến miền tây, với cái thùng mút xốp đã được nai nịt gọn gàng, trong một cơn mưa nho nhỏ nhưng cũng đủ ướt sũng. Cuộc sống bận rộn với bao lo toan, đủ sức khiến người ta mau chóng lãng quên mọi thứ chẳng liên quan tới mình mà không chút áy náy. Cho tới dịp cuối năm vừa rồi, tôi chở mẹ mình xuống quận 10 để mua sắm tết ở khu “chợ ruột” của mẹ. Trong lúc chờ mẹ dạo quanh với bà bán mứt, chị bán khô, anh buôn trái cây quen thuộc, tôi tranh thủ gặp gỡ đám bạn của mình. Dặn dò là, khi nào chuẩn bị về thì mẹ gọi con ra đón nhé. Tôi mải vui chuyện, quên mất là mẹ đi chợ hình như hơi lâu. Thật ra, tôi cũng có ý để mắt tới điện thoại, nhưng mãi vẫn không thấy mẹ gọi. Tới tận trưa trời trưa trật, tôi mới ngạc nhiên khi nhận được một cuộc gọi đến từ số lạ, kêu tôi qua đón mẹ về. Mẹ tôi đang đứng với một núi đồ lủ khủ dưới chân, nép mình tránh cái nắng chói chang. Vừa trông thấy tôi trờ tới, mẹ tôi khóc tức tưởi. Tôi hoảng hồn, vừa trấn an vừa dỗ dành mãi mẹ mới bình tĩnh trở lại, có thể kể ngọn ngành. Đầu đuôi là tại cái điện thoại “thông minh” của mẹ, nó có chế độ ngoài trời gì đấy. Mẹ tôi vô tình bấm vào, dẫn tới việc sau khi đã ra tới chỗ hẹn với tôi, mẹ tôi lấy máy ra và chưng hửng phát hiện ra nó tối hù. Mẹ quay sang nhờ một cậu trai trẻ đang đứng gần đấy xem giúp, nhận lại thái độ vừa dửng dưng vừa cảnh giác. Mẹ tôi loay hoay một lúc thì quyết định quay ngược vô chợ, vì trong đó có nhiều người buôn bán quen biết mẹ. Nhưng không thể tha theo cả đống đồ đạc nặng nề, nên mẹ định nhờ chị bán hàng gần đó trông giúp. Câu trả lời khiến mẹ tôi bàng hoàng: Lỡ có hàng cấm thì sao bác ơi, nên con không dám nhận đâu. Bác chịu khó xách theo đi... Đoạn sau thì không khó để hình dung. Mẹ tôi chậm chạp lê bước vào chợ, mang theo toàn bộ số hàng mới sắm của mình. Rồi sau khi gọi được cho tôi, may thay có một cô bán hàng tốt bụng nhờ chồng chở mẹ tôi ra chỗ hẹn, đợi tôi tới đón về. Tôi xót ruột hỏi sao lúc ấy mẹ không đi xe ôm cho đỡ vất vả thì bà mếu máo nói: Mẹ hoảng quá nên nghĩ không ra con ơi. Mẹ già rồi, không nghĩ là có ngày ra đường lại chẳng có ai muốn giúp đỡ mình! Trời xui khiến sao ngay lúc ấy tôi chực nhớ tới bà già mà mình từng gặp trên chuyến xe đò về lại thành phố. Lòng tôi ngập tràn nỗi hổ thẹn, day dứt. Lại vừa tự hỏi, phải chăng những chuyện giả vờ lừa bịp đã diễn ra nhan nhản, nên người ta ngày càng vô cảm với nhau đến vậy? Hay giá như lúc ấy tôi đừng thờ ơ, tôi chỉ cần góp một lời thôi, không ngại đụng chạm với cậu thanh niên phụ xe chuyên bán vé và thích ăn hiếp người khác, thì hẳn bà đã không phải một mình đơn độc ở lại giữa cơn mưa chiều. Nếu như chúng tôi không chọn cách sống “mặc kệ đời”, miễn sao mình ổn là được, thì bây giờ nhìn mẹ ruột của mình vẫn còn “hức hức” vì tủi thân, thì tôi còn có thể mở lời để động viên mẹ. Rằng mẹ quên câu chuyện hôm nay đi nhé, chỉ là do không tốt ngày thôi, chứ quanh ta vẫn còn nhiều người nhiệt tình, tốt bụng lắm mẹ à...■ Tags: Vô cảmBà già trong thành phố
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
TP.HCM mới họp phiên đầu tiên về kinh tế - xã hội, đánh giá tác động thuế đối ứng Mỹ THẢO LÊ 04/07/2025 Sáng 4-7, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 6 đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025.
Khắc phục hơn 1.100 tỉ, được đề nghị lại mức án, ông Nguyễn Văn Hậu vẫn đối diện 30 năm tù THÂN HOÀNG 04/07/2025 Sau khi Tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỉ, cùng số tiền ông Hậu đã nộp và bị tạm giữ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án hơn 1,1 ngàn tỉ, viện kiểm sát đã đề nghị lại mức án với ông Nguyễn Văn Hậu cùng một số bị cáo.
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 04/07/2025 Sáng 4-7, vùng áp thấp ở đông bắc Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Khám bảo hiểm y tế sau sáp nhập thế nào? DƯƠNG LIỄU 04/07/2025 Không còn xã, cũng chẳng còn huyện hay tỉnh như thông tin đã ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhiều người dân băn khoăn liệu có thể khám chữa bệnh BHYT hay phải đổi lại thẻ BHYT?