Bà ngoại game thủ & Một ý niệm khác về tuổi già

HOA KIM 11/10/2020 21:00 GMT+7

TTCT - Trò chơi điện tử là hình ảnh gắn liền với giới trẻ, nhưng ngày càng nhiều người lớn tuổi tìm đến game như công cụ giúp họ giải tỏa cô đơn và duy trì minh mẫn tuổi xế chiều.


"Bà ngoại" Shirley Curry đang "trừ gian diệt ác" trên game. Ảnh: Newegg

Cụ bà Shirley Curry (84 tuổi) ở bang Ohio nước Mỹ là một trường hợp như thế. “Tuổi game” của bà Shirley có lẽ còn nhiều hơn tuổi đời của số đông game thủ: bà có hàng nghìn giờ chơi lận lưng đủ mọi thể loại kể từ khi tiếp xúc lần đầu với trò chơi điện tử vào những năm 90 của thế kỷ trước. 


Đối với những người theo dõi kênh YouTube mang tên mình, bà Shirley như một “bà ngoại” ấm áp, gần gũi, và bà cũng xem những người ủng hộ mình như con cháu trong nhà.

“Ngoại già” trừ gian diệt ác

Từng làm đủ nghề từ thư ký, công nhân nhà máy kẹo đến nhân viên siêu thị để nuôi bốn người con, phải đến năm 1996, khi đã ngoài 60 tuổi và nghỉ hưu được 5 năm, bà Shirley mới tìm đến game lần đầu. 

Trò chơi đầu tiên bà được tiếp xúc là Civilization II, một game chiến thuật mô phỏng các nền văn minh thế giới, do một người con giới thiệu. “Tôi chơi mê mẩn cả ngày lẫn đêm, chinh phục hết lục địa này đến lục địa khác” - bà hào hứng chia sẻ. 

Năm 2011, bà Shirley tạo tài khoản YouTube để theo dõi các nội dung liên quan đến trò chơi điện tử, nhưng phải đến năm 2015 bà mới tải video đầu tiên lên kênh của mình. Ngày 18-10 tới là tròn 9 năm kênh YouTube Shirley Curry thành lập. Đến nay kênh này đã có hơn 917.000 người hâm mộ và hơn 18 triệu lượt xem các video - một con số đáng mơ ước đối với một YouTuber. 

Nhưng bà Shirley tỏ ra khiêm tốn về thành quả này. “Tôi thấy hổ thẹn khi người ta nói những thứ đại loại như “Bà là một huyền thoại!”. Tôi chỉ xem mình là một bà già tập tành chơi game mà thôi. Tôi cố gắng để là chính mình và giữ cho mọi thứ chân thật. Tất cả những gì tôi làm là ngồi trong nhà và sống trong những câu chuyện mộng mơ (của thế giới trò chơi điện tử)” - bà trải lòng với báo The New York Times.

Thế giới mộng mơ mà bà Shirley lựa chọn để hành tẩu giang hồ là tựa game nhập vai hành động nổi tiếng The Elder Scrolls V: Skyrim do Hãng Bethesda phát hành vào năm 2011. 

Sử dụng tính năng tùy chỉnh ngoại hình nhân vật có sẵn trong game, bà Shirley hóa thân thành “nữ hiệp” với mái tóc bạc và làn da nhăn giống mình ngoài đời để khám phá thế giới trong game - lấy bối cảnh tại vùng đất Skyrim hư cấu - trong vai một người trần nhưng mang trong mình sức mạnh của rồng. 

 

Gần như đều đặn mỗi ngày, trừ những khi ốm đau bệnh tật, bà đều cố gắng tải lên ít nhất một video mới ghi lại quá trình chơi game của mình. 

Ngoài những lúc thư giãn trong không gian ấm cúng của một quán rượu nơi thị trấn mang màu sắc châu Âu thời trung cổ, nhân vật nữ của bà Shirley lại lao vào tập luyện để nâng cao các kỹ năng cần thiết trong trò chơi và chuẩn bị hành trang nào kiếm, nào rìu, nào dao găm để lên đường trừ gian diệt ác, bảo vệ dân lành. 

Cuối mỗi video là lời chào đơn sơ đã trở thành đặc sản của “ngoại” Shirley: “Bái bai các cháu của bà”.

Nhu cầu có thật

Bà Shirley là một trong số ít game thủ lớn tuổi trở thành “hiện tượng” và được nhiều người biết đến, nhưng số lượng người ở độ tuổi xưa nay hiếm tìm đến trò chơi điện tử để giải khuây là không hề ít ỏi và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. 

Theo khảo sát của Hiệp hội Hưu trí nhân Hoa Kỳ (AARP), có khoảng 51 triệu người từ 50 tuổi trở lên ở Mỹ chơi game trung bình 5 giờ/tuần vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu người so với khảo sát năm 2016. Trong đó, số lượng phụ nữ lớn tuổi chơi game tăng nhanh hơn nam giới. 

Sự gia tăng về quy mô cộng đồng game thủ lớn tuổi được AARP đánh giá một phần là do nhu cầu dành nhiều thời gian hơn bên cháu - thế hệ mê mẩn với những trò chơi điện tử, nhưng mặt khác cũng đến từ sở thích cá nhân và sự tìm kiếm thử thách cho trí não vốn nhàn rỗi ở tuổi xế chiều. 

“Trò chơi điện tử là cách giải tỏa căng thẳng, kết nối xã hội và giữ tinh thần nhạy bén. Đây là một hình thức giải trí “dễ nhằn” với những người cao tuổi” - Alison Bryant, phó chủ tịch nghiên cứu cấp cao của AARP, cho biết.

Trò chơi điện tử còn là nơi để những cụ ông, cụ bà sống lại thời son trẻ của mình, tham gia những hoạt động đòi hỏi về thể chất mà sức khỏe hiện tại của họ không còn cho phép. 

Đã thành thông lệ hơn 1 năm nay, đều đặn 2 lần/tuần bà Barbara Evans (79 tuổi, người Mỹ) lại có hẹn chơi bowling cùng ba người bạn “đồng trang lứa” tại viện dưỡng lão Rydal Park ở Jenkintown, bang Pennsylvania. Nơi bốn người bạn gặp nhau không phải khu điện tử trong trung tâm thương mại mà là trước màn hình tivi, và sân bowling chính là trò chơi giả lập trên hệ máy chơi game Wii do Hãng Nintendo sản xuất. 

“Tôi thấy vui khi mọi người ở viện đi ngang dừng lại để xem chúng tôi chơi và hò reo cổ vũ” - bà Barbara nói giản dị. Trò chơi giúp bà sống lại thời thiếu nữ, những năm tháng đẹp đẽ của tuổi 20 khi còn độc thân. 

Sau ca làm việc 8 tiếng trong vai điều dưỡng bệnh viện, bà ra về lúc đồng hồ đã điểm 11h đêm nhưng không đi thẳng về nhà mà ghé qua một sân bowling để thi đấu trong một giải nghiệp dư. 

Giờ đây, trên mặt sân ảo trong trò chơi điện tử, bà Barbara cũng đã có non 7 năm kinh nghiệm và nổi danh trong viện dưỡng lão là “trùm” bowling trên Wii với điểm số kỷ lục 268. 

Gừng càng già càng cay

Nếu như trò chơi điện tử là lãnh địa của người trẻ thì thi đấu game như một môn thể thao chuyên nghiệp (e-sports) lại càng không có đất cho những người đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời. Ấy vậy mà có một đội tuyển e-sports đến từ Thụy Điển lại gồm toàn những thành viên, cả nam lẫn nữ, tuổi U70 hoặc hơn; thành viên cao tuổi nhất năm nay cũng đã ngoài 80. Họ tham gia bộ môn thi đấu cũng lạ lùng không kém: Counter Strike: Global Offensive - tựa game bắn súng có yếu tố bạo lực, giết chóc. 


Nhóm "Xạ thủ đầu bạc" chiến đấu trong trò bắn súng


Đội tuyển Silver Snipers (tạm dịch: Xạ thủ đầu bạc) do Hãng Lenovo tài trợ được thành lập với mục tiêu mở rộng đối tượng khán giả của e-sports. “Chúng tôi muốn đem thể thao điện tử đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi” - Tommy Ingemarsson (40 tuổi), một game thủ chuyên nghiệp đã nghỉ hưu, hiện đóng vai trò huấn luyện viên cho Silver Snipers, cho biết. Tựa game Counter Strike: Global Offensive được lựa chọn vì có lối chơi và các thao tác dễ hiểu, dễ nắm bắt, đồng thời là một bài tập tốt về khả năng tập trung, phản xạ và làm việc nhóm. “Có những ngày tôi thấy bực bội và bồn chồn, nhưng ngồi vào máy chơi game là những cảm xúc đó biến mất. Sau đó tôi cảm thấy tốt hơn” - bà Monica Idenfors (65 tuổi), thành viên “trẻ” nhất đội, nói với The Verge.

Bà Michelle Kelley (73 tuổi), một nhà tâm lý học lâm sàng đã nghỉ hưu ở Kansas City, bang Missouri, dành khoảng 2 giờ mỗi ngày để chơi Forza Horizon 4, tựa game đua xe nổi tiếng do Microsoft phát hành trên máy chơi game Xbox.

“Trong game có những mẫu xe mà tôi đang sở hữu và cả những chiếc tôi từng chạy thời con gái…, vì vậy tôi có thể lái chính chiếc xe của mình trong trò chơi” - Kelley nói, nhắc về chiếc BMW E36 đời 1997 mà bà ưa thích sử dụng trong game.

Người lớn tuổi thường chuộng những trò chơi điện tử cho phép người chơi trở thành một phần của cộng đồng rộng lớn hơn và có sự tương tác trực tuyến với nhau để khỏa lấp đi nỗi cô đơn của tuổi cao niên. Bà Audrey Buchanan (88 tuổi) bắt đầu mỗi ngày bằng chiếc máy chơi game cầm tay Nintendo 3DS XL mà bà mang theo đến bàn ăn sáng. 

Vừa ăn, bà vừa dạo quanh trò chơi Animal Crossing: New Leaf, nơi người chơi sinh hoạt ở một khu phố đầy màu sắc trong hình hài những con thú hoạt hình ngộ nghĩnh. Thỉnh thoảng bà lại kết nối thiết bị của mình với người cháu trai sống ở xa để chơi cùng nhau trong thế giới ảo. “Cuộc sống ngoài xã hội của tôi không phong phú. Tôi chủ yếu chỉ quanh quẩn trong nhà, và game giúp tôi cảm thấy mình có bạn đồng hành” - bà Audrey trải lòng với NBC News. 

Dữ liệu của AARP cho thấy người cao tuổi là “một thị trường lớn đáng được các nhà phát triển game quan tâm” và “tất cả các chỉ số cho thấy đầu tư vào đây sẽ sinh lợi về mặt tài chính” - theo Greg Portell, người đứng đầu mảng công nghiệp tiêu dùng toàn cầu và giá bán lẻ của Công ty tư vấn AT Kearney. 

Theo AARP, người Mỹ trên 50 tuổi đã chi 3,5 tỉ USD cho trò chơi điện tử trong nửa đầu năm 2019, tăng mạnh so với 523 triệu USD trong cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, doanh thu toàn ngành vào khoảng 43,4 tỉ USD năm 2018.■

Lợi ích sức khỏe?

Một nghiên cứu do Đại học bang North Carolina tiến hành trên 140 người lớn từ 63 tuổi, với độ tuổi trung bình của những người tham gia khảo sát là 77, đã tìm thấy mối tương quan giữa việc chơi game và sự cải thiện về sức khỏe tâm lý ở người cao tuổi. Khoảng 60% số người tham gia cho biết họ có chơi game, trong đó 35% chơi nhiều hơn 1 lần/tuần, trong khi 40% còn lại không hề đụng đến trò chơi điện tử. Nhóm có chơi game nhìn chung có sức khỏe tốt hơn, tâm trạng tích cực và năng lực xã hội cao hơn so với nhóm không chơi game. Tỉ lệ trầm cảm hoặc có cảm xúc tiêu cực ở nhóm không chơi game cao hơn. Mặc dù vậy, quy mô nghiên cứu nhỏ và chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa chơi game và sức khỏe tốt ở người cao tuổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận