TTCT - 18 máy bay, 4 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện gần Đài Loan giữa lúc bà Thái Anh Văn đến Mỹ, quá cảnh trên đường sang thăm khu vực Mỹ Latin - Caribe đang giành giựt, Taiwan News 1-4 đưa tin. Thật trùng hợp, người tiền nhiệm của bà, ông Mã Anh Cửu, lại sang thăm Trung Quốc đại lục.Taiwan News tường thuật: "Đài Loan đã phản ứng bằng cách triển khai máy bay, tàu hải quân và hệ thống tên lửa trên đất liền để giám sát các hoạt động của quân đội Trung Quốc".Thư pháp ông Mã Anh Cửu viết ở đại lục: "Hòa bình phấn đấu, chấn hưng Trung Hoa". Ảnh: Tân Hoa xãChuyện thường ngày ở huyệnChi tiết hơn, tài khoản Twitter MoNDefense của cơ quan quân sự Đài Loan 1-4 cho biết: "Vào lúc 6h sáng, 10 trong số các máy bay được phát hiện (CH-4 UCAV, U-30, J-10: 2 chiếc, J-11: 2 chiếc, J-16: 4 chiếc) đã vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan", kèm hình minh họa đường bay.Thông thường thì máy bay hai bên ít khi vượt qua đường này, vốn được ngầm hiểu là đường phân định ranh giới. Lần này thì đã có 10 máy bay Trung Quốc vượt qua, trong đó nổi bật là 4 chiếc tiêm kích J-16 mà không quân nước này khoe là "mạnh vượt trội Su-35" của Nga.Thiệt ra, đây không phải lần đầu Trung Quốc điều động máy bay áp sát Đài Loan để cảnh cáo hay trả đũa một sự kiện kiểu này. Ngày 3-8-2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, Trung Quốc đã tung đến 27 chiến đấu cơ, gồm 16 chiếc Su-30 và 11 máy bay khác, vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Lần đó, Đài Loan cũng điều động máy bay và triển khai hệ thống tên lửa để theo dõi. Lần này, câu chuyện có thể sẽ phức tạp hơn ở chuyến về, mà theo dự kiến, bà Thái sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ khóa mới Kevin McCarthy tại California.Đây đã là lần thứ 6 bà Thái đi Mỹ. Gần nhất, tháng 7-2019 bà ghé New York và Denver, gặp gỡ các nghị sĩ Mỹ và nói chuyện điện thoại, chớ không gặp trực tiếp, với bà Pelosi. Bà Thái cũng gặp đại diện thường trực một số nước tại Liên Hiệp Quốc ở TECRO (Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc), phát biểu tại Đại học Columbia, và thăm một trung tâm nghiên cứu khí quyển.Lần đó, Trung Quốc cũng phản ứng rất mạnh. Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải viết trên Twitter: "Những kẻ đùa với lửa sẽ chỉ tự thiêu mà thôi". Trong khi bà Thái quá cảnh ở New York, Trung Quốc đe dọa áp đặt trừng phạt với một nhóm công ty Hoa Kỳ liên quan đến thương vụ bán vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD cho Đài Loan và tuyên bố đình chỉ chương trình thí điểm cho phép công dân từ 47 thành phố lớn của đại lục sang thăm Đài Loan. Cuối tháng 7-2019, ngay sau khi chuyến đi của bà Thái kết thúc, Trung Quốc lại tổ chức tập trận quân sự ở cả hai đầu eo biển Đài Loan - lần đầu tiên họ diễn tập đồng thời như vậy kể từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba 1995 - 1996.Tuy nhiên, giữa tất cả những lộn xộn đó, cuối tháng 3, ông Mã Anh Cửu lại có chuyến thăm "lịch sử" đến đại lục. Đây là lần đầu tiên một cựu lãnh đạo cao nhất Đài Loan thăm đại lục kể từ năm 1949. Ông Mã đã đặt vòng hoa ở mộ Tôn Trung Sơn tại Nam Kinh và tuyên bố: "Tất cả chúng ta đều là người Trung Hoa, đều là hậu duệ của Hán đế và Hoàng đế".Chuyện bà Thái hay bất cứ lãnh đạo Đài Loan nào khác đi Mỹ thiệt ra cũng không phải là tối kỵ với chính sách Một Trung Quốc. Song từ khi Mỹ - Trung thiết lập bang giao năm 1979, những chuyến đi như vậy chỉ có thể với tư cách cá nhân hoặc dưới dạng "quá cảnh không chính thức". Bắc Kinh không chấp nhận bất cứ hoạt động nào mà họ coi là có tính chính thức của Đài Loan. Còn nhớ năm 1994, nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó Lý Đăng Huy, trên đường bay đến Trung Mỹ và Nam Phi, dự kiến ghé Honolulu để tiếp nhiên liệu. Song chính quyền Clinton, do lo ngại phản ứng từ Trung Quốc, đã từ chối cấp thị thực và không cho phép ông Lý qua đêm ở Honolulu. Thành ra, trong khi đợi tiếp liệu, ông đã quyết định không xuống máy bay để phản đối cách đối xử của Chính phủ Mỹ.Bà Thái gặp ông McCarthy ở California. Ảnh: AxiosMột Trung Quốc ở những nơi khácNhưng lần này, bà Thái sau khi "quá cảnh Mỹ" còn bay xuống Guatemala và Belize với tư cách "tổng thống Đài Loan", bởi hai nước đấy công nhận và có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc. Sau khi Honduras cắt ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang đại lục, trong 13 nước trên thế giới còn giao hảo với Đài Loan thì phân nửa là tại châu Mỹ Latin.Bản thân ông Mã, người đang "che chắn" giùm bà Thái những ngày này, cũng đã không ít lần công du Mỹ Latin, đặc biệt là Guatemala, giống như các ông Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển trước đó. Trong chuyến công du Trung Mỹ ngay trước khi rời nhiệm sở năm 2016, ông Mã còn có bài phát biểu cảm ơn các đồng minh khu vực vì đã ủng hộ Đài Loan tại Nghị viện Trung Mỹ (Parlamento Centroamericano, PARLACEN) - cơ quan của tổ chức Hội nhập Trung Mỹ (SICA) thành lập năm 1991, có trụ sở tại Guatemala City. Tư cách quan sát viên thường trực của Đài Loan ở PARLACEN đã giúp tăng cường hợp tác chiến lược của hòn đảo với các nước trong khu vực. PARLACEN trở thành tổ chức đa quốc gia hiếm hoi thông qua các nghị quyết ủng hộ Đài Loan gia nhập Hiệp hội Y tế thế giới (WHA), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.Trong các lãnh đạo Mỹ Latin, chung thủy nhất tới nay là Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei. Ông này không những chưa đoạn giao với Đài Loan, mà còn đón bà Thái chính thức và tuyên bố Đài Loan mới là Trung Quốc "xịn"! Chung thủy thứ nhì là Belize, nơi mà hôm 15-3 đã ra thông báo: "Chính phủ Belize tuyên bố tiếp tục công nhận Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) là quốc gia có chủ quyền và độc lập".Thế nhưng, ngay cả hai nước này cũng không biết còn "chung thủy" được bao lâu nữa, khi thế và lực của Trung Quốc đang ngày một mạnh. Thực tế hiện nay, Guatemala là nước nhận viện trợ nhiều của Đài Loan, gồm dự án đường cao tốc bốn làn xe đi cảng Puerto Barrios trị giá 680 triệu USD. Ở Belize, Đài Loan vừa công bố gói viện trợ 60 triệu USD.Nhưng nếu chỉ dùng tiền, Đài Bắc khó lòng so nổi với Bắc Kinh. Asia Times 30-3 cảnh báo bằng bài viết "Giá đắt của quan hệ Guatemala - Đài Loan". Theo đó, Đài Loan chỉ đầu tư 22,87 triệu USD vào Guatemala suốt thời kỳ 1952 - 2019. Trong khi đó, các quốc gia khu vực nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đã nhận được những khoản đầu tư lớn hơn nhiều, đơn cử như El Salvador là 500 triệu USD riêng trong năm 2021 cho các dự án hạ tầng du lịch. Hay Panama từ năm 2017 đến nay đã nhận được các khoản đầu tư lên tới tiền tỉ đô. Tóm lại, "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", nên chuyến đi của bà Thái có thể mang ý nghĩa "còn nước, còn tát".■ Tags: Mã Anh CửuTàu chiến Trung QuốcTrung Quốc đại lụcEo biển Đài LoanChâu Mỹ LatinThái Anh VănQuân đội Trung QuốcHạ viện mỹMỹ - Trung
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Đề xuất nền tảng bán hàng xuyên biên giới không hiện diện ở Việt Nam cũng bị đánh thuế NGỌC AN 22/11/2024 Với các nền tảng thương mại điện tử, nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp nước ngoài tiến hành cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế dù không có hiện diện.
Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM sẽ thành sàn diễn thời trang HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Hạnh phúc - Happy Forever là chủ đề show diễn thời trang thứ hai trong năm 2024 của nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú và Đinh Trường Tùng, sẽ tổ chức ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM.
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;