Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi

HỒNG VÂN 07/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Năm 2021 để lại nhiều mất mát khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành. Việt Nam nên theo đuổi chiến lược chống dịch nào trong năm 2022? Các bác sĩ và chuyên gia nhận định ra sao?


BS Trương Hữu Khanh. Ảnh: Quang Định

Miễn dịch cộng đồng an toàn 

Vì sao tỉ lệ phủ vắc xin của Việt Nam khá cao (đến ngày 26-12-2021 là 87,3% với người 18 tuổi trở lên) mà dịch vẫn chưa kiểm soát được? 

- Chống dịch muốn thành công cần dựa vào miễn dịch cộng đồng an toàn. Nếu để miễn dịch tự nhiên thì sẽ trả giá bằng nhiều cái chết. Để đạt miễn dịch cộng đồng an toàn và sau đó là sống chung với virus, ta phải tiêm vắc xin để có miễn dịch cơ bản. 

Những người đã tiêm vắc xin có thể sẽ vẫn nhiễm nhưng ít tử vong hơn do bệnh nhẹ. TP.HCM đang tiến dần đến miễn dịch cộng đồng an toàn, đã phủ vắc xin mũi cơ bản xong và đang tiếp tục phủ thêm mũi ba. 

Các địa phương khác chưa có miễn dịch cộng đồng an toàn và bắt buộc phải đạt được điều này. Trường hợp rất xấu thì phải phong tỏa, nhưng khi phong tỏa thì phải đặt mục tiêu tận dụng thời gian này để tăng cường vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng an toàn để mở lại. 

Từ cả nước cùng chống dịch, giờ chuyển qua từng địa phương tự chủ, đây có phải là xu hướng trong thời gian tới?

- Tôi thấy nghị quyết 128 là khá phù hợp, tùy từng vùng mà chống dịch. Chúng ta xác định là sẽ không bao giờ không còn F0, nên nếu vùng đó có số ca nhiễm trong mức độ cho phép trên tỉ lệ dân số của địa phương thì tiếp tục hoạt động bình thường vì số ca nhiễm này không ảnh hưởng đến số ca cần điều trị và tử vong. 

Quản lý dịch nên tùy theo địa phương, tùy độ phủ vắc xin và năng lực của ngành y tế ở đó. Nếu đảm bảo chữa được các ca bệnh nặng thì có thể mở cửa.

Thực tế cho thấy khi không được trung ương tăng cường nhân lực thì các địa phương chống dịch rất khó khăn. Làm sao để các địa phương tự chủ và chống dịch hiệu quả?

- Cái chính của các địa phương bây giờ là điều trị các ca bệnh nặng. Muốn vậy, các địa phương cần tăng cường năng lực nhiều thứ, tăng cường nguồn oxy, về khả năng theo dõi để phát hiện sớm ca bệnh và năng lực của khối điều trị, đặc biệt là điều trị bệnh nặng. Đây là điều bắt buộc phải làm.

Song song với việc tăng cường năng lực là tăng cường phủ vắc xin thật tốt, đặc biệt cho người có nguy cơ vì chỉ có vắc xin mới giảm tải cho khối điều trị. 

Tuy có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc nếu đã tiêm hai mũi Vero Cell, Sputnik V thì phải tiêm thêm một mũi AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna nhưng hiện nay các tỉnh, chẳng hạn ở miền Tây, chưa làm. 

Ngoài ra, có thể ở miền Tây việc giãn cách xã hội đã không được thực hiện tốt, giãn cách rất tốt ngoài đường lớn nhưng ở trong những khu dân cư nhỏ, trong hẻm thì lại không giãn cách được.

Các nước châu Âu đang mở cửa rồi quay lại giới nghiêm, phong tỏa do biến thể Omicron. Theo ông, việc sống chung với virus SAR-CoV-2 giờ nên ra sao? 

- Chúng ta không có chọn lựa nào khác là sống chung với virus do virus SAR-CoV-2 đã trở thành virus lưu truyền ở người. Về bản chất, chúng ta đã sống chung với rất nhiều virus khác, nên việc sống chung với virus SAR-CoV-2 là tất yếu. 

Khi sống chung với virus, tùy mức độ bị tấn công mà con người có thể đưa ra các biện pháp để giảm thiệt hại. Việc các nước có các phản ứng khác nhau là tùy quan niệm của họ, nhưng sẽ không còn chuyện phong tỏa mãi để chống virus.

Việt Nam có ưu thế nào trước biến thể mới Omicron này không? 

- Từ dữ liệu thực tế ở Nam Phi và Anh, theo tôi, có thể không cần phải phòng chống quá mức với biến thể Omicron. Cái chính là tiêm liều vắc xin cơ bản và phủ thêm liều tăng cường thì số người nhiễm Omicron nặng sẽ giảm rất nhiều. Sau khi tiêm tăng cường thì không cần lo lắng về biến thể này nhiều vì nó sẽ như bệnh cúm thông thường.

 Một số nước phải phong tỏa vì Omicron là do ở đó người dân ít ủng hộ đeo khẩu trang, tiêm vắc xin và tiêm nhắc lại. Khi biến thể Omicron tăng quá nhanh, cộng với thiếu hợp tác với các biện pháp phòng dịch, tỉ lệ tiêm liều thứ 3 thấp thì số ca nhập viện sẽ tăng, tăng gánh nặng cho khối điều trị. 

Xu thế là virus sẽ chuyển thành virus người hoàn toàn, virus SAR-CoV-2 cũng thế. Xu hướng này rất giống virus cảm lạnh, do vậy nó có một đặc điểm là tuân theo chu kỳ - tức thu đông. Với biến thể Omicron, các nước nhiệt đới sẽ có lợi thế hơn. Tôi nghĩ hãy bình tĩnh và tập trung tiêm vắc xin mũi ba.

Ông có dự báo được bản đồ dịch bệnh COVID-19 ở VN không? 

- Tại TP.HCM, tôi dự đoán hết tháng 12-2021 dịch sẽ đi ngang. Mỗi ngày vẫn có một số lượng người tử vong nhất định. Nếu tiêm ngừa, đặc biệt là phủ mũi ba đủ, ưu tiên cho người có rủi ro cao thì sẽ giảm tử vong. 

Trên cả nước, nếu tiêm ngừa tốt, nhanh thì hết tháng 1, tháng 2, cùng lắm thì sang tháng 3-2022 dịch sẽ đi ngang chứ sẽ không lâu nữa. Nếu ngăn dịch bằng các biện pháp như phong tỏa hoặc kiểm soát mà không tăng cường tiêm vắc xin thì dịch sẽ còn.


Y bác sĩ bệnh viện Nguyễn Trãi đến từng nhà dân thăm khám và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi tại phường 9, quận 5, TP.HCM. Ảnh: DUYÊN PHAN

 


Ông mong muốn những vấn đề gì sẽ được cải thiện ?

- Ba điều mong muốn nhất của tôi là: Một là nhà nước lo được mũi vắc xin tăng cường (sau mũi cơ bản) cho người dân hoặc có cơ chế để họ tự lo. Chỉ có phủ vắc xin chúng ta mới không còn gánh nặng của bệnh nặng. Thứ hai là thật sự hướng về F0. 

Chúng ta phải hiểu rõ F0 cần gì, tại sao họ không muốn đi cách ly, tại sao họ không muốn khai báo. Chúng ta phải hiểu những điểm mấu chốt này để giúp họ. Đừng sử dụng các mệnh lệnh hành chính. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là khi muốn “bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng”, ta đã “bóc” họ khỏi nhà. Cái nhà khác cộng đồng. 

Mình cần đặt mục tiêu không lây từ nhà này sang nhà khác. Khi mình bóc đi như vậy thì họ không dám báo ca bệnh, thành ra dịch cứ còn hoài. Hiện nay một số tỉnh vẫn còn cách làm này.

Thứ ba là từ trước đến nay, ngành y tế ở TP.HCM dựa vào các bác sĩ phòng mạch, không dựa vào trạm y tế. Đợt dịch vừa qua, hệ thống phòng mạch không giúp được; trạm y tế quá mỏng manh, bị giao quá nhiều việc, nhân sự quá thiếu. Cần nhìn thấy điều này và điều chỉnh.

Năm qua, ông thường xuyên chia sẻ về nhiều vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19, nói thẳng, nói thật, nói rất rõ ràng... Ông nghĩ gì về những băn khoăn của người dân?

- Thật ra có cả người chửi tôi, nhưng họ có chửi thì tôi cũng kệ. Quan niệm của tôi là tôi nói cho những người muốn nghe. Tôi được rất nhiều. Đầu tiên là giúp được người khác. 

Hai là mình cũng hiểu biết thêm. Không phải tự nhiên tôi có thể trả lời được, phải đọc sách mỗi ngày tìm thông tin và nhận diện thông tin đó có thể ảnh hưởng đến người dân ra sao. Trong quá trình tìm hiểu, bản thân tôi cũng học và nâng cao trình độ nên việc này cũng giúp chính bản thân tôi. 

Với tôi, việc livestream cũng giống như một cuộc dạo chơi, mình giúp được ai thì giúp, khi dịch hết thì thôi. Tôi cần quay lại trang Facebook Hỏi bác sĩ nhi đồng vì lâu nay tôi bỏ bê nó. Muốn giúp thêm thì phải học thêm.

Hậu quả tâm lý để lại đối với người bị COVID-19 rất nặng nề, chúng ta cần quan tâm đến chuyện này như thế nào? 

- Tâm lý là một vấn đề rất lớn của xã hội hiện đại mà nhân dịch COVID-19 chúng ta thấy rằng con người rất mong manh. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều, hấp thụ thông tin quá nhiều, vừa bị dụ vừa bị dọa nên căng thẳng. 

COVID-19 chỉ là một nhân tố để chúng ta thấy rõ hơn những yếu tố tác động lên con người và chúng ta không phải là động vật siêu đẳng gì đâu. Sau đại dịch, có thể mọi thứ đều phải được định nghĩa lại. 

Đương nhiên đây là một vấn đề lớn. Nhưng chính mỗi người cũng cần hiểu vấn đề này để tự vượt qua. Nếu không tự vượt qua được thì cần thừa nhận mình không ổn để được giúp đỡ.

Đối với tôi, dù là bác sĩ, việc nhìn một cái chết vẫn là một gánh nặng rất lớn. Nhưng không có cách nào khác mà phải tự vượt qua. Trong cuộc sống cũng như trong dịch bệnh, mình có thể làm được điều gì tốt thì cứ làm.

 “Tôi mong dịch bệnh yên hẳn để người dân vui. Hai năm rồi không được vui. Tôi đoán chắc mọi việc sẽ được như vậy. Nói chung, điều gì rồi cũng sẽ qua”

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận