TTCT - Chưa kịp hồi sinh, điện hạt nhân (ĐHN) lại bị lao đao sau thảm họa Fukushima. Một năm đã trôi qua, hiểm họa phóng xạ nơi đây vẫn còn âm ỉ. Phóng to Nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái - Ảnh: gratisparacelula Trong nhiều thập kỷ tới, nước Nhật sẽ phải tốn hàng trăm tỉ đôla để dọn dẹp đống hoang phế này và hồi sinh các vùng dân cư phụ cận. Hầu hết 50 lò phản ứng của họ phải ngưng hoạt động để kiểm tra sức chịu đựng (stress test), trong khi công chúng mất niềm tin vào ĐHN không dễ gì cho phép các lò này khởi động trở lại. Bên kia bờ Thái Bình Dương, nước Mỹ sẽ không chứng kiến hàng chục nhà máy trước năm 2020 theo chương trình hồi sinh ĐHN từ thời tổng thống Bush. Mãi gần đây, Hội đồng An toàn hạt nhân với một phiếu chống và bốn phiếu thuận mới đồng ý cho xây hai lò đầu tiên sau hơn 30 năm đình đốn. Chính chủ tịch hội đồng này, Gregory Saczko, đã bỏ phiếu chống bởi theo ông, nó chưa thể hiện đầy đủ bài học từ Fukushima. Sau Fukushima, các lò phản ứng an toàn hơn, nhưng chính vì thế ĐHN đã leo lên mặt bằng giá mới, cao ngất ngưởng. 14 tỉ USD cho hai lò phản ứng 2.200 MW mới được phê duyệt ở Mỹ, gần gấp đôi dự kiến trước Fukushima. ĐHN đắt lên bởi để được an toàn hơn, người ta phải đầu tư và bảo trì rất nhiều thứ mà có thể sẽ không bao giờ cần đến nó suốt thời gian vận hành nhà máy. Lò phản ứng phải chống chịu được động đất cấp 9, sóng thần cao hơn 10m, những thảm họa không mấy khi xảy ra tại một địa điểm cụ thể. Hệ thống tải nhiệt thụ động phải bảo đảm làm nguội lò khi điện lưới mất hoàn toàn trong 5-6 ngày liền, một kịch bản rất hãn hữu, nhưng vì nó đã xảy ra ở Fukushima nên không ai dám liều lĩnh xem thường. Lại nữa, lò phản ứng phải được nhốt trong boongke đủ kiên cố cao hơn 15m để không bị hề hấn gì khi một chiếc máy bay 20 tấn lao thẳng xuống nắp lò… Đầu tư cho ĐHN tăng vọt còn vì những rủi ro trong xây dựng do khâu xét duyệt kéo dài, do sai sót thiết kế, từ đó đi đến tranh chấp và đẩy lùi tiến độ thi công. Hàng nghìn lỗi thiết kế đã được phát hiện trên công trường xây dựng lò phản ứng thế hệ III+ ở Olkiluoto, Phần Lan. Dự án này khởi công năm 2003, dự kiến vận hành năm 2009, sau nhiều lần trễ tiến độ giờ đây tạm chốt lại vào năm 2014, giá đầu tư tăng từ 3,5 tỉ USD ban đầu lên 7,2 tỉ USD tính đến cuối năm ngoái. Lò phản ứng an toàn hơn, đắt hơn, song không ai dám chắc thảm họa hạt nhân sẽ không xảy ra. Nhìn cảnh tượng ở Fukushima hồi này năm ngoái, nhiều người lắc đầu: “Nếu xảy ra ở Việt Nam, chúng ta sẽ bó tay”. Nhưng ngay lúc ấy có người đã trấn an: “Đừng lo, chúng ta sẽ có công nghệ tiên tiến hơn nhiều”. Được thể, các công ty nước ngoài thi nhau cam kết: “Công nghệ của chúng tôi an toàn nhất, chịu được động đất cấp 9, lò phản ứng sẽ không thể bị tan chảy dù bị mất điện nhiều ngày”. Dự án ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua và hiệp định mới ký gần đây với Nga trên thực tế đã đặt dấu chấm hết câu chuyện “nên hay không nên làm ĐHN”, mở đầu một trang mới: phải làm ĐHN như thế nào ở một nước mà hầu như tất cả điều kiện đều chưa chín muồi? Khó, nhưng chúng ta không thể ngồi nhìn người khác làm giùm ĐHN, thậm chí áp đặt những thứ có thể làm chúng ta mệt mỏi trong nhiều thập kỷ sau này. Điều cần nhất giờ đây, tuy đã muộn, là phải rút ra bài học đích thực từ Fukushima, bình tĩnh hình dung đúng đắn ĐHN là gì và chúng ta chưa sẵn sàng ở những khâu nào để nhanh chóng khắc phục. Thảm họa Fukushima đã làm sụp đổ hoàn toàn quan niệm xem nhà máy ĐHN chẳng khác gì nhà máy nhiệt điện chạy than thông thường (tuyên bố với báo giới của một quan chức Bộ Công thương). Nhưng ĐHN là gì, nó cần gì và không thể chung sống với những gì là những vấn đề chưa được hình dung đúng đắn. Bởi thế mới có chuyện lên kế hoạch kỷ lục xây dựng 12 lò phản ứng trong 10 năm, du nhập hai công nghệ lò khác nhau cùng lúc và đặt kế hoạch đào tạo hàng trăm tiến sĩ và thạc sĩ để phục vụ ĐHN trước năm 2020. Đã qua rồi thời kỳ cổ vũ cuồng nhiệt cho ĐHN. Đã đến lúc phải đối diện với những vấn đề hóc búa về khoa học, công nghệ và kinh tế ĐHN như xem xét địa điểm xây dựng, luận chứng khả thi và các phương án thiết kế, thi công. Trong khi lực lượng trí thức còn quá mỏng, hệ thống tổ chức quản lý chồng chéo, thiếu hiệu quả, luật lệ hạt nhân chỉ mới du nhập phần nào trên giấy, rất cần một vị tổng chỉ huy đủ uy lực và toàn tâm toàn ý cho ĐHN. Chính những công việc trước mắt là trường học đào tạo nhân lực trình độ cao cho ĐHN. Phải học xong qua việc xem xét một dự án từ đối tác thứ nhất, trước khi chuyển sang đối tác thứ hai. Chạy theo tiến độ là điều tối kỵ trong xây dựng nhà máy ĐHN, nó sẽ chôn vùi bao nhiêu sai sót và khuyết tật trong núi hồ sơ do các công ty nước ngoài cung cấp. Những gì báo chí Nhật đã nhất loạt phanh phui trong năm qua chứng tỏ rằng sự cố Fukushima trầm trọng như thế do con người và hệ thống quản lý nhà nước đã bị các tập đoàn hạt nhân lũng đoạn. Động đất và sóng thần hung dữ chỉ châm ngòi cho sự cố. Cho nên thảm họa và khủng hoảng ĐHN vẫn sẽ xảy ra, có thể không giống như ở Chernobyl và Fukushima nhưng theo những kịch bản khác, với nhiều cấp độ khác nhau, nhất là ở những nơi con người thiếu tri thức mà lại chủ quan, pháp luật lỏng lẻo, văn hóa an toàn thấp kém và bị các nhóm lợi ích lũng đoạn. Tags: Hạt nhânPhóng xạCông chứngFukushimaMất niềm tinBài học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).