Bài toán hưu trí và quyết sách mùa dịch 

ĐẶNG HƯƠNG GIANG 24/03/2020 22:03 GMT+7

TTCT - Nếu không có dịch COVID-19, vào thời điểm này ở châu Âu, chính phủ nhiều nước sẽ đang loay hoay đối phó với những cuộc đình công và biểu tình quy mô lớn về cải cách lương hưu.



Ông Macron tới thăm một nhà dưỡng lão trong mùa dịch. Ảnh: EPA-EFE
Ông Macron tới thăm một nhà dưỡng lão trong mùa dịch. Ảnh: EPA-EFE

Chính sách “thay máu” chế độ hưu trí mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vấp phải sự phản đối dữ dội nhưng khi mọi chuyện còn chưa ngã ngũ, nước Pháp đã phải quay sang đối phó COVID-19 với số ca nhiễm đứng thứ hai châu Âu, chỉ sau Ý.

Nếu nhìn vào chuyến thăm một viện dưỡng lão giữa thủ đô Paris vào ngày 6-3 vừa rồi, ta sẽ thấy đấy không đơn thuần là một chuyến đi theo lịch trình của ông Macron. 

Bên cạnh lời kêu gọi toàn xã hội nỗ lực giảm tối đa tác động của dịch bệnh với nhóm dân số mong manh là người già, ông Macron rõ ràng muốn nói nhiều hơn thế. Không khó để nhận ra là về bản chất, hai vấn đề xã hội hóc búa chính sách hưu trí và dịch bệnh đều liên đới tới “tuổi già” và những bất an không tránh khỏi của tầng lớp nhân khẩu học này.

Sinh mạng nào đáng giá hơn?

Mới đây, một bác sĩ gây mê hồi sức vùng Lombardia, tâm dịch của nước Ý, nói với Hãng thông tấn AFP rằng các đồng nghiệp của ông đang phải tranh đấu về mặt đạo đức khi lựa chọn cứu chữa bệnh nhân dựa trên tuổi tác và tình trạng nguy kịch. “Chẳng khác gì giữa thời chiến” - ông nói, khi mà hệ thống y tế của Ý đã quá tải với hơn 12.000 ca nhiễm, khoảng 800 người chết và lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trong tình huống cứu chữa khẩn cấp, khi mỗi cá nhân được dán nhãn, phân loại và nhận quyết định điều trị dứt khoát từ bác sĩ, dễ thấy nhóm bệnh nhân cao tuổi chịu nhiều rủi ro hơn cả. Dựa trên phân tích y khoa, nhóm bệnh nhân này mang nhiều bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hay tim mạch và do đó phần lớn không đủ khả năng tiếp nhận phác đồ điều trị.

Cộng với bối cảnh thiếu thốn trầm trọng giường bệnh, trang thiết bị y tế và đội ngũ y bác sĩ, việc buộc phải ưu tiên cứu sống người này hay người kia là một quyết định đau lòng về mặt lương tâm nhưng buộc phải thực hiện, một sự duy lý quá tàn nhẫn.

Trẻ cậy sức đề kháng, già cậy nền y tế

Tờ Le Monde bình luận COVID-19 thực ra chỉ đang phơi bày vấn nạn cúm mùa và những cái chết bị lãng quên ở Pháp lâu nay. Sẽ rất khó để chấp nhận thực trạng cả chục ngàn người đã không thể chống chọi virus cúm mùa suốt nhiều năm qua tại quốc gia này.

Phần lớn họ là người già, tức trên 65 tuổi. Thực tế này cũng góp phần lý giải tại sao lúc đầu phần lớn dân chúng thờ ơ với COVID-19. Còn quá nhiều thứ chúng ta chưa chắc chắn về mặt khoa học với dịch bệnh, nhưng số liệu thống kê ban đầu nhanh chóng chỉ ra mức độ lây lan của virus rất nghiêm trọng và tỉ lệ người già tử vong áp đảo.

Trước tình hình dịch bệnh, Chính phủ Pháp khuyến nghị mọi người hạn chế tiếp xúc với người già, đặc biệt là ở các cơ sở dưỡng lão. Bảo vệ nhóm người lớn tuổi đang trở thành mối ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế xã hội chăm sóc người già cần xây dựng một hệ thống rào cản quyết liệt.

Philippe Devos, bác sĩ Bỉ, phân tích: “Tới giờ, mọi người có ấn tượng về căn bệnh như mối nguy hiểm cá nhân, trong khi thực ra đó là mối nguy với cả cộng đồng. Trừ những tình huống ngoại lệ hiếm gặp, người trẻ sẽ không chết vì virus, nhưng mặt khác họ sẽ tham gia vào dòng chảy đổ vào bệnh viện khiến những người khác dễ chết hơn”.

Ai cũng biết hệ miễn dịch khỏe mạnh là chìa khóa vàng để chiến thắng dịch bệnh, nhưng các chiến dịch truyền thông phòng bệnh cho tới nay dường như quên mất đối tượng dân số mong manh là người già với các bệnh mãn tính. Nếu có xuất hiện thì nhóm người này chỉ được cô đọng thành một biến số vô cảm trong xác suất thống kê dịch bệnh: nhóm có nguy cơ tử vong cao nhất.

Những người già chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh cũng đòi hỏi sự theo dõi đặc biệt và chỉ dẫn y tế chi tiết hơn so với phần còn lại. Tuổi cao, ốm đau, mất khả năng lao động, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, trong tình hình dịch bệnh, họ xứng đáng nhận được những hỗ trợ y tế đặc biệt, thay vì bị đẩy thành con số thống kê trong nỗ lực xoa dịu cơn hoảng loạn của đám đông.

Tuổi già liệu có là phần thưởng?

Người phương Đông thường mô tả về đời người ngắn gọn bằng bốn từ “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhãn quan này vô hình trung khẳng định rằng sự già đi của con người đồng nghĩa với cú nhón chân qua dốc bên kia của cuộc đời, nơi ta không còn đường lui nào ngoài việc lao qua bệnh tật để đến với cái chết.

Những vấn đề xoay quanh đại dịch COVID-19 một lần nữa phơi bày sự già hóa dân số ngày một nghiêm trọng ở châu Âu và cả thế giới. WHO dự báo nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 650 triệu lên 2 tỉ người vào năm 2050, đi liền là những yêu cầu về chính sách công và nguồn lực y tế tương ứng. Tuy nhiên, nhân khẩu học luôn là một bài toán đau đầu với mọi thể chế chính trị.

Chúng ta đều muốn lên tiếng cho quyền lợi của chính mình khi về già, với thời điểm nghỉ việc và đồng lương hưu tương xứng những gì ta đã dốc cả tuổi trẻ vào. Thế nhưng tuổi già không chỉ là sự nghỉ ngơi và những chuyến du lịch trễ hẹn, mà còn là cơn mưa bệnh tật và những giằng xé nội tâm.

Cần phải trải qua thêm bao nhiêu đại dịch thì hệ thống y tế mới đủ kháng thể để bảo vệ những bệnh nhân dễ tổn thương nhất, thay cho việc chấp nhận rằng dịch bệnh sẽ kéo theo sự “xóa sổ tự nhiên” với lớp người già cỗi, như một quy luật chọn lọc thường tình? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận