Bán phá giá: Được? Không được?

VÕ VĂN TẠO 15/02/2004 06:02 GMT+7

TTCN - Có thể nói việc xác định như thế nào là hành vi bán phá giá là một trong những nội dung hết sức quan trọng của Luật cạnh tranh. Bán phá giá là thủ đoạn rất hay gặp trong cạnh tranh không lành mạnh. Trong phạm vi bài viết này, nội dung đề cập chỉ mới là điều 26 (qui định về hành vi bán phá giá) của dự thảo.

Góp ý dự thảo Luật cạnh tranh:

Phóng to

Rất mong có nhiều ý kiến tham gia của các chuyên gia để khi được ban hành chính thức, Luật cạnh tranh mang tính khả thi cao, hạn chế việc phải sửa đổi, giảm thiểu khả năng xung đột luật khi VN ngày càng tiến sâu hơn trên con đường hội nhập với khu vực và thế giới..

Dự thảo Luật cạnh tranh qui định hành vi bán phá giá tại điều 26, nguyên văn như sau:

“ Điều 26. Bán phá giá
1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh không được bán hàng hóa ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nhằm mục đích hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh.
2. Không áp dụng qui định tại khoản 1 điều này trong những trường hợp dưới đây:
a. Bán hàng tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn ngày.
b. Bán hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa bị tồn kho quá lâu.
c. Hạ giá có tính thời vụ.
d. Bán hàng hóa để thay đổi lĩnh vực kinh doanh, đình chỉ kinh doanh hay trong trường hợp khó khăn về tài chính có nguy cơ bị giải thể, phá sản”.

Ở khoản 1, từ “nhằm” nên được thay bằng từ “gây”. Bởi lẽ, trong điều tra, tố tụng, việc chứng minh hành vi bán hàng hóa của một doanh nghiệp nào đó dưới mức giá thành, gây tác động hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh là điều có thể làm được. Một khi nguyên đơn hoặc những người tham gia tố tụng khác đưa ra được bằng chứng rõ ràng về hậu quả của hành vi ấy, cơ quan tài phán sẽ ra được phán quyết một cách thuyết phục. Bị đơn không thể đưa ra lập luận rằng mình bán với giá đó nhưng không nhằm mục đích hạn chế hay loại bỏ đối thủ cạnh tranh, các đối thủ gặp khó khăn là ngoài ý muốn của mình.

Khi sử dụng chữ “nhằm”, trừ khi có được bằng chứng cụ thể và rõ ràng trong biên bản (hay băng ghi âm) họp nội bộ (rất hiếm khi làm được điều này) của bên bị chủ trương hạn chế hay loại bỏ đối thủ cạnh tranh, bên nguyên hay những người tham gia tố tụng khác khó có thể chứng minh được mục đích của hành vi bán dưới giá thành của bên bị. Rõ ràng, nếu dùng từ “gây” sẽ cho phép phán quyết đưa ra có tính chất khách quan và thuyết phục hơn.

Mặt khác, đặt trường hợp có doanh nghiệp nào đó muốn hạn chế hay loại bỏ đối thủ cạnh tranh bằng cách tiêu thụ sản phẩm của mình ở mức dưới giá thành. Nhưng do doanh nghiệp này không đủ lớn để có thể thực hiện mục đích đó và do vậy không gây ảnh hưởng đáng kể gì đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, mà có khi ngược lại bản thân doanh nghiệp đó lại tự làm suy yếu mình và có thể phá sản. Trong trường hợp này các doanh nghiệp khác chẳng việc gì phải thưa kiện bởi chẳng thấy bị thiệt hại, và cũng không thể chứng minh mình bị thiệt hại do hành vi bán dưới giá thành của doanh nghiệp nọ.

Cụm từ “giá thành sản xuất” trong khoản 1 này nên được sửa thành “giá thành”, bởi trong thuật ngữ kinh tế, ngoài khái niệm “giá thành sản xuất” dùng trong lĩnh vực sản xuất còn có khái niệm “giá vốn” dùng trong lĩnh vực lưu thông. Khái niệm “giá thành” có thể dùng cho mọi lĩnh vực kinh doanh: sản xuất, lưu thông, dịch vụ...

Khoản 2 của điều 26 trong dự thảo đã gây ra sự rắc rối, phức tạp và mâu thuẫn với khoản 1.
Bản thân vế “hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh” của khoản 1 đã chỉ ra ranh giới phạm luật hay không phạm luật của mọi hành vi bán dưới giá thành. Câu: “Không áp dụng qui định tại khoản 1 điều này trong những trường hợp dưới đây: …” cho phép các hành vi bán dưới giá thành, dù gây hậu quả hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh vẫn có điều kiện thoát khỏi lưới pháp luật. Đây chính là chỗ hở thấy trước.

Ví dụ 1: Hai doanh nghiệp A và B cùng khởi sự sản xuất và tiêu thụ rau sạch ở thành phố X. A vốn lớn gấp nhiều lần B. Để độc chiếm thị trường, lũng đoạn giá cả, kiếm lời phi lý một khi đã áp đặt được giá độc quyền đối với người tiêu dùng địa phương, A liên tục bán rau dưới giá thành (chịu lỗ) đến mức B phải dẹp tiệm do không thể tranh đua kiểu ấy. B không thể khởi kiện A có hành vi bán phá giá vì rau sạch là mặt hàng tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn ngày. Trong tình huống này, Luật cạnh tranh đã thất bại vì không thể thực hiện mục tiên chính yếu: khuyến khích tự do cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền.

Ví dụ 2: Doanh nghiệp C nhập linh kiện, lắp ráp và tiêu thụ máy tính xách tay vừa mới sản xuất xong một lô máy với giá thành 1.000 USD/ chiếc, tiêu thụ với giá 1.200 USD/chiếc. C chưa tiêu thụ được bao nhiêu thì doanh nghiệp D nhập về một lô máy thế hệ mới, có tính năng cao hơn nhưng giá thành khoảng 750 USD/chiếc (do đột biến tiến bộ trong công nghệ sản xuất của thế giới) được D tiêu thụ với giá 900 USD/chiêc. C lâm vào tình thế nếu không hạ giá bán máy thì không thể hi vọng tiêu thụ được lô hàng đã sản xuất, vốn chôn trong lô hàng này (tuy chưa đến mức có nguy cơ phá sản).

Nếu hạ giá để có thể bán được thì phải ở mức dưới 900 USD/chiếc và như thế sẽ phạm luật (giá thành đã 1.000 USD/chiếc rồi). Không lẽ để được coi là phù hợp với qui định tại điểm d, khoản 2, điều 26 của Luật cạnh tranh, D đành chuyển sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác vốn xa lạ với mình nếu muốn bán giải phóng vốn lô hàng đen đủi nọ? Tệ hơn nữa là phải chờ đến lúc có nguy cơ phá sản mới được bán chạy tháo vốn lô hàng? Luật pháp kinh doanh được thiết lập và thi hành nhằm giúp các doanh nghiệp năng động, linh hoạt, ngày càng phát triển chứ đâu có nhằm ghìm giữ trói buộc các doanh nghiệp đến mức phá sản?

Chúng ta từng biết có một giai đoạn, việc hai hãng khổng lồ xuyên quốc gia kinh doanh nước ngọt có mặt ở VN đã thi nhau hạ giá bán từ 1.800 đ/chai xuống còn chưa đầy 900 đ/chai (dưới giá thành) đã làm các doanh nghiệp VN sản xuất nước ngọt phải khốn đốn, có doanh nghiệp đã phá sản vì giá bán của họ đang là 1.100 - 1.300đ/chai (với mức giá này họ chỉ có lãi chút đỉnh). Sau khi loại bỏ được một số đối thủ cạnh tranh, giành được hầu hết thị phần, hai hãng này mới ung dung đưa lên giá 2.100đ/chai.

Tranh thủ khi VN chưa có Luật cạnh tranh, hai hãng trên đã có thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu đối thủ cạnh tranh, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Nếu đối chiếu với điểm c của khoản 2, khó có thể kết luận họ phạm luật nếu họ viện lý do: mùa lạnh khó tiêu thụ, hay tồn kho lâu, sắp có nguy cơ quá đát, phải hạ giá mới bán được.

Như vậy, khoản 2, điều 26 trong dự thảo đã gây phản tác dụng. Hơn nữa, khoản 2 mới liệt kê được bốn trường hợp loại trừ. Nếu qui định như vậy, e trong thực tiễn còn có nhiều trường hợp vì khó khăn khách quan khác nhưng chưa được liệt kê, một khi phải bán dưới giá thành để thoát vốn đọng (tất nhiên, phải là không gây ra hiệu ứng hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh) lại bị qui kết vi phạm pháp luật.

Vì vậy, để đơn giản, chính xác và khả thi, giảm thiểu kẽ hở có thể bị lợi dụng, nên bỏ hẳn khoản 2 này trong dự thảo. Như vậy, mọi hành vi bán hàng hóa dưới giá thành gây hiệu ứng hạn chế hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh đều là hành vi bán phá giá. Mọi hiện tượng bán hàng hóa dưới giá thành nhưng không gây hiệu ứng này đều không phạm luật.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận