TTCT - Thực trạng hướng nghiệp “hô hào và bề nổi” với học sinh phổ thông được phản ảnh trong chuyên đề kỳ trước trên TTCT (số 16, ngày 4-5-2014) cũng xảy ra tương tự với sinh viên. Hướng nghiệp đang mất phương hướng Hiện trạng hướng nghiệp: Bề nổi và hô hào Khi hướng nghiệp là một sự nghiệp Khác với các quốc gia khác, chương trình đào tạo đại học Việt Nam không được xây dựng bởi các trường và kiểm định bởi các hiệp hội nghề nghiệp, trong khi công tác hướng nghiệp sơ sài, thiếu khoa học, thiếu dự báo đã khiến cho lượng thất nghiệp tăng cao. Việc đầu tiên cần làm của hướng nghiệp là phải dự báo được xu thế phát triển nền kinh tế để có thể giúp người học tham khảo và ra quyết định. Sự phát triển bùng nổ của thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản vào những năm 2006-2007 khiến các thí sinh đổ xô theo học những ngành này đến mức cá biệt như Đại học dân lập Hải Phòng có tới 90% số sinh viên nhập học theo chuyên ngành này. Cung vượt quá cầu xảy ra vào bốn năm sau đó, khi các cử nhân chỉ nhìn ngắn hạn và thiếu thông tin đã phải thất vọng khiến phần lớn chấp nhận chuyển ngành, bỏ phí bốn năm đại học. Dự báo ở đâu? Dù sao sự nóng lạnh của nền kinh tế cũng khó dự đoán và các sinh viên tài chính, ngân hàng cũng có thể dễ dàng đổi sang các nghề ít nhiều liên quan. Các sinh viên sư phạm tốt nghiệp năm nay thì lại không có được may mắn đó. Dự đoán nguồn nhân lực sư phạm chắc chắn không quá khó khăn khi số lượng học sinh, trường học và giảng viên đều rất rõ ràng. Các trường sư phạm lại hoàn toàn nằm trong kiểm soát của Bộ GD-ĐT. Nhưng hàng chục ngàn tân cử nhân sư phạm đến khi tốt nghiệp mới nhận được thông tin là trong vòng vài năm tới cũng chẳng có chỗ làm việc cho họ. Khác với ngành liên quan đến kinh tế, các cử nhân sư phạm chẳng dễ gì tìm được công việc khác. Tại các tỉnh có thống kê như Thanh Hóa, đứng đầu bảng thất nghiệp chính là các cử nhân sư phạm với 3.762 người. Còn tại Phú Yên, giám đốc Sở GD-ĐT cho biết có khoảng 3.000 cử nhân sư phạm đang thất nghiệp. Những ví dụ trên cho thấy hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên đang thiếu công tác dự báo. Công tác dự báo này có thể đến từ Bộ Lao động - thương binh và xã hội hoặc các hiệp hội nghề nghiệp. Trong đó, các hiệp hội nghề nghiệp đáng ra phải có một vị thế đáng kể hơn. Vì sao Hiệp hội nghề nghiệp lại quan trọng? Nếu các hiệp hội nghề nghiệp tại Việt Nam như Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Phần mềm, Hiệp hội Nhựa, Hiệp hội Thép, Hội Luật gia và rất nhiều hiệp hội khác đưa ra được các đánh giá về nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chuyên môn và các trường công bố kết quả tuyển sinh thì chúng ta có thể thấy được bức tranh nghề nghiệp của xã hội. Công tác dự báo giống như việc thắp sáng con đường để giúp người học tự ra quyết định. Đi xa hơn, các hiệp hội nghề nghiệp cần tham gia quá trình xây dựng và thẩm định chương trình học như đơn vị chủ quản thay vì Bộ GD-ĐT làm tất như hiện nay. Tại các quốc gia phát triển, các chuẩn mực đào tạo hầu hết đều do các hiệp hội nghề nghiệp định hướng. Ví dụ như ABET, một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo được thành lập từ năm 1932 chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định và đánh giá cho các ngành kỹ thuật. Đứng sau ABET là hơn 30 hiệp hội nghề nghiệp trải dài trong các lĩnh vực kỹ thuật như hàng không, công nghiệp hóa học, kỹ thuật nông nghiệp, năng lượng nguyên tử... Hiệp hội Máy tính Vương quốc Anh (British Computer Society - BCS) cho các ngành công nghệ thông tin cũng có hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng Anh, Vodafone hay Barclay đằng sau. Thực tế là đứng đằng sau các hiệp hội nghề nghiệp là các doanh nghiệp năng động đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đó. Họ chính là khách hàng, người sử dụng sản phẩm của hệ thống giáo dục đào tạo, do đó ý kiến của các hiệp hội thường mang tính chính xác và thực tiễn cao. Vì vậy, các hiệp hội nghề nghiệp cần được quyền quyết định xem chương trình đào tạo các chuyên môn gì. Điển hình là ngành công nghệ thông tin: chương trình học hiện nay ở Việt Nam vẫn với ngôn ngữ lập trình, ngôn ngữ máy, nhiều môn đã lạc hậu. Trong khi thực tiễn phát triển đã xuất hiện rất nhiều xu thế mới như điện toán đám mây, lập trình mobile, các xu hướng mới như thương mại điện tử, bảo mật an ninh thông tin, lập trình các thiết bị nhúng... ít được quan tâm. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp phần mềm nói chung đều phải đào tạo lại hoặc sinh viên phải tự học thêm. Trong khi đó Hiệp hội Phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm định và cung cấp các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu thực tiễn. Ngành ngân hàng cũng vậy, hàng trăm trường đại học, cao đẳng đều đào tạo chuyên ngành này từ cao đẳng, đại học đến thạc sĩ. Tuy nhiên nhiều thạc sĩ, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ra trường cũng chỉ làm giao dịch viên - một nghiệp vụ chỉ cần đào tạo 6-12 tháng. Các nghiệp vụ này lại được đào tạo lại tại Viện Nhân lực ngân hàng tài chính (BTCI) do chương trình đào tạo tại đại học thiếu thực tiễn. Đây là sự lãng phí to lớn về cả việc sử dụng nguồn nhân lực xuất sắc lẫn lãng phí thời gian của người học. Với việc khung chương trình giáo dục đại học do Bộ GD-ĐT quản lý và ban hành như hiện nay, người sử dụng sản phẩm đào tạo là các doanh nghiệp không được quyền quản lý và phát triển nội dung đào tạo thuộc lĩnh vực của mình. Hướng nghiệp thế nào? Hướng nghiệp có nghĩa là cung cấp thông tin, hỗ trợ người học tìm được chuyên ngành học đáp ứng được hai tiêu chí. Một là phù hợp với năng lực bản thân, hai là công việc đó phù hợp nhu cầu xã hội. Nếu việc xác định ngành nghề theo nhu cầu xã hội đã là việc khó thì việc tìm được các ngành phù hợp với năng lực của sinh viên còn khó khăn hơn nhiều vì đòi hỏi những hiểu biết về tâm lý học. Thí sinh ngày nay thường chỉ chọn loanh quanh các ngành phổ biến theo các khối ngành A, B, C, D. Những lựa chọn này có phần nhiều chủ quan mà thiếu tư vấn của các chuyên gia. Để chọn đúng ngành nghề, thông thường thí sinh cần tham gia các trắc nghiệm nghề nghiệp để xem mình có khả năng phù hợp ngành nghề nào dựa trên thế mạnh bản thân, chẳng hạn người hoạt bát năng động có thể không nên học kế toán mà nên học ngành marketing. Các trắc nghiệm này thường được những công ty tư vấn hướng nghiệp thực hiện, kèm theo các hướng dẫn về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp tính cách. Tiếc rằng các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn dạng này còn ít, chỉ đủ hoạt động cầm chừng và chưa mang lại nhiều giá trị trong việc định hướng nghề nghiệp. Ngay cả khi được tư vấn và trắc nghiệm kỹ lưỡng, sinh viên sau khi học có thể nhận thấy ngành mình theo học không phù hợp và có thể thay đổi. Ở các quốc gia phát triển, sinh viên tự tìm chuyên ngành phù hợp bằng cách đăng ký dự thính các chuyên ngành khác nhau. Sau đó, họ có thể đăng ký chuyển chuyên ngành học, nhiều sinh viên còn chuyển trường cho phù hợp hơn. Tất cả các học phần đã học đều được chuyển đổi dưới dạng tín chỉ. Ở Việt Nam thì chẳng những kỳ thi đại học khó khăn mà gần như sinh viên không thể tự ý chuyển từ khoa này sang khoa khác, muốn chuyển ngành học, trường học chỉ còn cách là thi lại đại học. Toàn bộ thời gian đã học bị bỏ phí, rủi ro thi trượt khiến phần lớn sinh viên tiếp tục với lựa chọn cũ để có được bằng đại học. Điều này dẫn tới việc họ học hành đối phó, mục tiêu chỉ cần có bằng rồi mới tính tiếp. Điều này cũng khiến người học thiếu động lực và tỉ lệ làm trái ngành nghề tăng cao. Giải pháp nào cho hướng nghiệp? Để giải quyết vấn đề hướng nghiệp cho bậc đại học, việc đầu tiên là các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp không chỉ tham gia mà phải có trách nhiệm chủ trì các dự báo nhân lực ngành nghề của mình. Để việc đào tạo đúng với yêu cầu thực tiễn, sự tham gia của các hiệp hội cần tích cực và mang tính pháp lý cao hơn. Bên cạnh chương trình của Bộ GD-ĐT, Tổng cục Dạy nghề, các trường có thể sử dụng chương trình đào tạo do các hiệp hội ban hành và thẩm định hoặc chương trình đào tạo được phối hợp xây dựng giữa các trường đại học và các hiệp hội. Các trường công bố rõ là mình đang sử dụng chương trình đào tạo nào, chương trình này chỉ cần tuân thủ quy định chung về tiêu chuẩn một chương trình đại học, cao đẳng. Thứ hai, Bộ GD-ĐT cần bổ sung đội ngũ chuyên gia hướng nghiệp trong nhà trường. Các chuyên gia này có thể là nhà tâm lý - vốn là mô hình rất phổ biến ở các quốc gia. Đội ngũ này có trách nhiệm hỗ trợ lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực cá nhân và nhu cầu xã hội. Trước mắt nên ủng hộ các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn hướng nghiệp khi các trường chưa thể đảm nhận được. Thứ ba, chương trình đào tạo đại học cần được tổ chức linh hoạt để sinh viên có thể dễ dàng chuyển đổi chuyên ngành học, đổi trường phù hợp hơn với năng lực trong suốt quá trình học. Với các giải pháp này, thực tế hướng nghiệp sẽ thực chất, đa dạng và linh hoạt hơn cho người học, từ đây mới giúp được họ làm chủ được các quyết định chọn nghề và thích ứng tốt với xu hướng lao động của xã hội. (*): Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (đơn vị sở hữu Trường cao đẳng nghề Việt Mỹ, Trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ và Chương trình quốc tế của Broward College). Tags: Sinh viênHướng nghiệpHọc sinh phổ thôngChương trình đào tạo đại học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).