TTCT - Một tư liệu quý để hiểu thêm về nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, nhân kỷ niệm 80 năm sinh của bà (6-10-1942), do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nghiên cứu và tập hợp. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trân trọng giới thiệu. Tôi được tiếp cận bản Tiểu sử văn học này từ hồi cuối tháng 8-1988, ngay sau khi nhận được tin dữ về tai nạn thảm khốc xảy ra với vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và người con chung của họ.Giám đốc Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (Hội Nhà văn Việt Nam) lúc đó, ông Vũ Tú Nam, bảo tôi và một số bạn văn trong cơ quan nên viết các bài tưởng niệm về hai nhà văn này, nhất là viết về Xuân Quỳnh, khi đó đang là cán bộ biên tập của nhà xuất bản. Vốn biết chắc là bọn tôi chưa có tư liệu gì về tiểu sử hai nhà văn này, ông Nam nhắc tôi tìm đến hỏi mượn bà Nguyễn Trinh Thịnh, cán bộ chuyên trách hồ sơ hội viên và cán bộ cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam.Đó là loại hồ sơ lý lịch cán bộ kê khai theo câu hỏi ở các mục in sẵn, vốn phổ biến trong ngành quản lý nhân sự của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa; tất nhiên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam vận dụng có thay đổi chút ít cho phù hợp với nhân sự ngành văn nghệ.Hồ sơ được gọi là "Tiểu sử văn học của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam"; mỗi cuốn gồm 16 trang khổ nhỏ (12x19cm), cộng bốn trang bìa; in sẵn các mục chính:- "Sơ lược lý lịch" (tr. 1), "Tự thuật tiểu sử (tóm tắt)" (tr. 2 - 5), "Quá trình công tác, tóm tắt" (tr. 6), "Những lớp học chính trị hoặc chuyên môn đã tham gia" (tr. 7), "Khen thưởng, kỷ luật" (tr. 7), "Quá trình hoạt động văn học" với các mục nhỏ: a/"Nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học (tr. 8); b/Tác phẩm đầu tiên được in (tr. 8); c/ Sống chuyên nghiệp bằng nghề văn từ năm nào (tr. 8); d/Những môi trường thực tế quen thuộc nhất, những chuyến đi thực tế quan trọng nhất trong đời văn học (tr. 9); e/Sở trường về thể loại (tr. 10); g/Những chuyến đi nước ngoài (tr. 10).Phần "Tác phẩm văn học" yêu cầu khai: a/Những tác phẩm đã xuất bản (tr. 11); b/Những bài đã in trên báo, tạp chí (tr. 12 - 13).Ngoài ra là các phần "Những tác phẩm đã được dịch, xuất bản hoặc in báo ở nước ngoài" (tr. 14); "Tình hình sức khỏe và đời sống gia đình hiện nay" (tr. 15) "Nguyện vọng và dự kiến sáng tác" (tr. 15)Các khoảng giấy trắng sau câu hỏi thường khá hẹp nhưng phần nhiều người kê khai đều ghi khá gọn, có khi để trắng.Trong túi hồ sơ của Xuân Quỳnh có tới hai cuốn Tiểu sử văn học: cuốn thứ nhất kê khai và ký tên ngày 16-1-1976; cuốn thứ hai kê khai và ký tên ngày 29-8-1982.Có những mục, lời kê khai ở cả hai cuốn đều giống nhau, như họ tên (Nguyễn Thị Xuân Quỳnh), nơi sinh, quê quán (xã Văn Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông), ngày sinh (6-10-1942), tác phẩm in đầu tiên (phần thơ Chồi biếc, in chung với Cẩm Lai trong tập thơ Tơ tằm. Chồi biếc, NXB Văn Học, 1963).Mục hỏi về "những môi trường thực tế quen thuộc nhất, những chuyến đi thực tế quan trọng nhất trong đời văn": Cuốn thứ nhất (1976) trả lời: "Những môi trường thực tế quan trọng nhất của tôi vẫn là nông thôn ta. Những chuyến đi thực tế quan trọng nhất của tôi là về những vùng chiến tranh ác liệt ở Vĩnh Linh, Quảng Bình trong những năm 1967 đến 1969". Cuốn thứ hai (1982) trả lời tương tự bằng ba gạch đầu dòng: "- Miền nông thôn, quê tôi hồi tôi còn nhỏ. - Hà Nội, nơi tôi lớn lên và sống ở đây. -Những chuyến đi trong ngày chống Mỹ: Đường 559, Quảng Bình, Vĩnh Linh".Có một số mục, tuy cùng câu hỏi về nội dung cần kê khai nhưng lời khai lại khác nhau, ví dụ: ngày trở thành hội viên chính thức Hội Nhà văn Việt Nam, cuốn thứ nhất (1976) ghi năm 1969, cuốn thứ hai (1982) lại ghi năm 1964 (trong khi các cuốn danh mục hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ghi Xuân Quỳnh vào hội năm 1967), đồng thời ghi thêm tên hai hội viên giới thiệu Xuân Quỳnh vào hội: Vũ Thị Thường và Anh Thơ.Một số câu hỏi khác, tuy cùng nội dung nhưng lời khai ở hai cuốn lại khác nhau, có lẽ là do thời điểm kê khai.Ví dụ câu hỏi về "trình độ văn hóa", cuốn thứ nhất (1976) ghi là "lớp 8"; cuốn thứ hai (1982) ghi là "lớp 10", lại ghi thêm về ngoại ngữ: "Tiếng Pháp (biết ít)".Hoặc về "quá trình công tác", cuốn thứ nhất (1976) không ghi gì, cuốn thứ hai (1982) ghi rõ: "1955: Diễn viên múa, đoàn ca múa trung ương; 1963: Biên tập viên báo Văn Nghệ; 1980: Biên tập viên Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới".Hoặc số tác phẩm đã công bố, cuốn thứ nhất (1976) kể tên bốn cuốn (3 tập thơ, 1 tập truyện thiếu nhi), cuốn thứ hai (1982) kể tên 10 cuốn (4 tập thơ [người lớn]; 2 tập thơ thiếu nhi; 3 tập truyện thiếu nhi; 1 cuốn thông tin về sân khấu, viết chung).Về số tác phẩm đăng trên báo hay tạp chí, cuốn thứ nhất (1976) trả lời: "Nhiều quá nên không thể nhớ để kê danh sách được"! Cuốn thứ hai (1982) trả lời: "Chừng 300 đến 400 bài các loại đã in trên các báo, tạp chí, tuyển tập T.Ư và địa phương (không thể tính và nhớ hết được)".Hoặc, về những chuyến đi nước ngoài, cuốn thứ nhất (1976) ghi: "Chẳng đi nước ngoài bao giờ"; cuốn thứ hai (1982) đã có thể ghi: "1978 đi Liên Xô. Có 1 bài tham luận đọc ở hội nghị Á - Phi, đã in ở báo Văn Nghệ, và một số bài thơ viết về L.X."Nhà thơ Xuân QuỳnhVề mặt bổ trợ cho nghiên cứu tiểu sử tác gia văn học, các dữ liệu kê khai kể trên đều là những dữ liệu quý, có thể giúp bổ sung hoặc đối chiếu với các dữ liệu về nhân thân nhà thơ Xuân Quỳnh từ các nguồn tư liệu khác.Nhưng theo tôi, trong hai cuốn tiểu sử tự khai này của nhà thơ Xuân Quỳnh, điều lý thú và quý giá hơn cả là một số lời khai trong các mục về tiểu sử, về quá trình công tác, về nguyện vọng và dự kiến sáng tác. Về mặt này, những kê khai ở cuốn thứ nhất (1976) hơi sơ lược, đơn giản. Còn ở cuốn thứ hai (1982) tuy vẫn có xu hướng sơ lược, đơn giản (đây có lẽ là xu thế thường thấy trong tâm lý các tác giả khi phải ngồi viết những dòng tự thuật về tình trạng, tâm trạng của mình) nhưng một số đoạn có thể xem là những lời cô đọng nhất của nữ nhà thơ, những lời mà có lẽ ta không thể tìm thấy trong các dòng thơ hay trang văn xuôi của Xuân Quỳnh, dù là sáng tác cho người lớn hay cho trẻ em.Chẳng hạn, trước câu hỏi về "nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học": cuốn thứ nhất (1976) không ghi gì; cuốn thứ hai (1982) ghi hai gạch đầu dòng, công khai tâm trạng: "Vì thích thú. Làm văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa" và "Vì uất ức. Khi mới vào nghề, bị xô đẩy bị khinh rẻ nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết".Với câu hỏi về những nguyện vọng và dự kiến sáng tác, cuốn thứ nhất (1976) ghi: "Nguyện vọng: Làm sao đủ sống, nuôi con khỏi đói, đỡ lo về kinh tế gia đình để có thì giờ học tập và sáng tác. Dự kiến: Sẽ viết: Thơ người lớn; thơ và truyện thơ, truyện trẻ con".Cuốn thứ hai (1982) đánh số và ghi ba thứ mỗi loại:"Nguyện vọng: 1/Làm sao đỡ khó khăn hơn về kinh tế; 2/Có thì giờ hơn để có thể viết, học, trau dồi nghề nghiệp;3/Muốn xin được thêm một diện tích nhỏ riêng biệt để có thể ngồi viết những lúc cần thiết (vì không thể bứt hẳn để đi Đại Lải được).Dự kiến: 1/ Viết đều hơn nữa, về thơ, thơ người lớn, truyện thiếu nhi; Mỗi năm phải có từ 1 đến 3 tập sách được xuất bản. 2/ Sẽ viết thêm truyện ngắn người lớn trong mấy năm tới. 3/ Vừa học vừa tập dịch thơ để in các báo".Cảm động nhất là đoạn trả lời mục "Tự thuật tiểu sử tóm tắt", Xuân Quỳnh viết liền mạch vào bốn trang (tr. 2 - 5):"Từ nhỏ đi học đến lớp 61955: vừa học vừa làm diễn viên đoàn ca múa trung ương.1962: đi học trường viết văn1963: về báo Văn Nghệ (vừa học vừa làm biên tập thơ của báo).Được một thời gian báo V.N. cho đi thực tế Gia Lâm, làm công tác huyện Đoàn 1 năm.Cuối 1964, chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, báo V.N. gọi về giữ thư viện thay cô Loan, cho cô ấy vào với chồng. Thời gian này báo Văn Nghệ muốn nhân cớ đó đẩy ra khỏi báo. Vì vậy tôi phải chạy đi xin việc tất cả các cơ quan báo chí, đài phát thanh, nhưng không đâu muốn nhận.Báo Phụ Nữ nhận với điều kiện là phải thử đi xuống nông thôn một thời gian xem có viết được bài không đã.Tôi đã đi 2 tháng và viết được 7 bài, các chị cũng khen là viết được. Nhưng không may, trong thời gian đó tôi lại có thai cháu đầu tiên (năm ấy là năm 1965). Báo Phụ Nữ không muốn nhận về nữa vì lý do đó. Lúc ấy tôi vẫn biên chế của Hội Liên hiệp. Tôi quay về. Anh Hoàng Trung Nho và anh Hoàng Trung Thông (lúc ấy đã thay vào chỗ ô. Bảo Định Giang) lại nhận tôi trở lại làm biên tập báo Văn Nghệ.Rồi biên tập nhà xuất bản cho đến nay.Tôi là con một nhà giáo, bố tôi xưa kia đi dạy học nhưng người lại có nhiều khát khao về sáng tác văn học. Ông đọc nhiều sách và hay kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Có những khi ông đọc cả những truyện, kịch, thơ ông viết cho chúng tôi nghe. Chúng tôi cũng rất mê văn học, nhất là người chị ruột tôi, chị đã biết làm thơ từ năm 8 tuổi. Chị thuộc rất nhiều chuyện vần, thơ, ca dao, chị thường đọc và cũng hay kể chuyện cho tôi nghe sau khi bố tôi vào Sài Gòn sinh sống.Mẹ tôi mất từ hồi tôi còn rất bé, chúng tôi ở với bà. Bà tôi cũng là một kho chuyện cổ tích và ca dao. Khi chửi rủa bà tôi cũng dùng những câu chửi vần của dân gian.Khi vào Sài Gòn, bố tôi còn để lại mấy tủ sách, chúng tôi đọc ngấu nghiến hết cả, có cái hiểu, có cái chẳng hiểu nhưng rất say mê.Những truyện của Nam Cao, Nguyên Hồng mỗi khi đọc tôi thấy sao mà giống cuộc sống xung quanh tôi thế. Tôi có cảm giác là tôi cũng có thể viết được như vậy một cách dễ dàng. Và tôi đã khao khát được viết.Nhưng say mê hơn cả vẫn là thơ.Tôi đọc thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Huy Cận, Xuân Diệu rất say sưa. Đằng sau những bài thơ bao giờ tôi cũng cảm thấy bao điều kỳ diệu. Và tôi tin rằng các nhà thơ là những vị thánh. Cho mãi đến bây giờ tôi vẫn thấy thơ là một nghệ thuật kỳ diệu, nhưng khó mà đi tới, mặc dầu vậy không bao giờ bỏ được thơ".Có thể nói, hai đoạn viết liền nhau, tổng cộng trên 500 từ này là "lời khai" chân thật, chân thành về những khó khăn gian truân thuở Xuân Quỳnh từ nghề múa chuyển sang học và làm nghề văn, cũng là những tâm sự gan ruột mà hồn nhiên về sức quyến rũ của nghề văn đối với Xuân Quỳnh. Một đoạn văn đáng để gửi lại cho hậu thế.■ Tags: Nhà thơ Xuân QuỳnhTiểu sử Xuân QuỳnhTiểu sử văn học của Xuân Quỳnh
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Giá vàng lại tăng thẳng đứng ÁNH HỒNG 23/11/2024 Giá vàng thế giới đã kết thúc tuần giao dịch ở mức 2.716,9 USD/ounce, tăng đến 47,2 USD/ounce so với hôm qua 22-11.
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".