TTCT - Ngày hôm sau lễ Tạ ơn ở Mỹ (ngày thứ năm của tuần thứ tư trong tháng 11 hằng năm), các siêu thị bán “xôn” hàng cuối năm và được gọi là ngày “thứ sáu đen”. Đây là một ngày được “trìu mến” bởi đa số người dân Mỹ, nhất là giới kinh doanh và chính quyền. Phóng to Khách hàng chờ tính tiền ở quầy hàng điện tử của siêu thị Target trong ngày “thứ sáu đen” 25-11 tại Torrington, bang Connecticut - Ảnh: Reuters Người dân thường thì dậy sớm, chen nhau trước cổng các siêu thị giành mua những món hàng mà ngày thường họ có nằm mơ cũng không dám thấy. Còn các ông chủ thì xoa tay xem doanh số tăng vọt trên sổ sách kế toán khi xưa chưa tin học hóa còn gôm rạch rồi dùng mực đen để ghi lãi, mực đỏ để ghi lỗ, nên từ đó gọi là “thứ sáu đen” theo màu mực đen lãi to này (1). Nhà nước thì xem đó là cơ hội vực dậy hoặc đốc thúc nền kinh tế dịp cuối năm. 11,4 tỉ USD chỉ trong một ngày Theo ước tính của Bloomberg, số khách mua sắm hôm 25-11 vừa qua lên đến 152 triệu người, so với tổng dân số Mỹ khoảng 312 triệu ngườiThật vậy, tất cả ba bên đều xem ngày “thứ sáu đen” như là ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm kể từ năm 2003. Theo ước tính của Bloomberg, số khách mua sắm hôm 25-11 vừa qua lên đến 152 triệu người, so với tổng dân số Mỹ khoảng 312 triệu người! Một con số khích lệ nếu biết thêm rằng tỉ lệ mua sắm bán lẻ hôm ấy tăng 6,6%, và số tiền họ đã chi lên đến 11,4 tỉ USD. Nếu chia cho 152 triệu người, bình quân mỗi người mua sắm hết 75 USD - một số tiền không nhỏ đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay. Tất nhiên cũng có những “nạn nhân” bất đắc dĩ của ngày “toàn dân mua sắm” này. Năm 1966, cảnh sát và giới lái xe chuyên chở công cộng Philadelphia hôm ấy bủn rủn chân tay vì dòng người, xe đen kịt trên đường phố, từ đó có từ “thứ sáu đen”. Còn giới nhân viên các siêu thị thì ớn ngày “khủng” này quá, không có một giây rảnh để thở, nên gọi đó là “thứ sáu đen”, theo giải thích của Belle Stephens làm ở siêu thị Moorestown Mall. Một nghiên cứu của Đại học Eastern Illinois tháng 11 năm ngoái cho thấy tại 80% trên tổng số 222 cửa hiệu được quan sát, số người xếp hàng từ trước 5g hoặc 6g sáng là những người trên 50 tuổi. Quan sát tỉ mỉ hơn nữa thì thấy tỉ lệ bình thản xếp hàng, mua sắm cao gần gấp đôi tỉ lệ kích động, cáu kỉnh. Thành ra trong số 152 triệu người đi mua sắm hôm ấy, một dúm người la ó, chen lấn, hay một vài băng nhóm xách súng trấn lột trong các bãi đậu xe... cũng chỉ là “vài con sâu làm rầu nồi canh” và là hậu quả của một số vấn nạn xã hội khác. Xã hội nhiều người nghèo hơn Muốn hay không muốn, việc các chủ hiệu đại hạ giá hôm “thứ sáu đen” cũng là một cơn mưa giữa hạn đối với một nửa dân số Mỹ mà trong số đó ngày càng có nhiều người gặp cảnh nghèo hơn. Theo số liệu của Cơ quan điều tra dân số Mỹ, số người nghèo Mỹ từ 46,2 triệu người trong tháng 9-2011 đã tăng lên gần 49,1 triệu người trong tháng 11. Trong một bài báo mang tựa đề “Tại sao các biện pháp đo lường mới lại cho thấy có nhiều người nghèo hơn là ta có thể nghĩ?” (2), báo Time 21-11 giải thích đó là do cách tiếp cận vấn nạn nghèo rất “sát sườn” của chính quyền Obama: “Thước đo nghèo chính thức ở Mỹ bắt nguồn từ những năm 1960, khi nhà kinh tế học Mollie Orshansky làm việc cho cơ quan an sinh xã hội Mỹ đề ra công thức dựa trên số tiền một gia đình chi cho thực phẩm để mọi thành viên có thể ăn uống một cách đủ dinh dưỡng. Hơn 40 năm qua, biết bao điều đã thay đổi trong lĩnh vực chi tiêu của các gia đình, cũng như trong khoa học đo lường xã hội! Giữa thập niên 1990, Viện hàn lâm Khoa học Mỹ đã yêu cầu chính phủ cập nhật các chuẩn đo nghèo mới này. Nay chính quyền Obama đang thực hiện điều này. Hồi đầu tháng, Cơ quan điều tra dân số đã công bố các chuẩn đo nghèo bổ sung, không chỉ tính đến thu nhập tiền mặt của gia đình mà còn tính cả thu nhập từ miễn, giảm thuế, hoặc thu nhập gián tiếp từ các tem phiếu thực phẩm miễn phí... Mục đích là để hiểu rõ hơn ai nghèo và xem các nỗ lực chống nghèo thành công tới đâu”. Các kết quả của Cơ quan điều tra dân số Mỹ mà Time trích dẫn cho thấy diện mạo chi tiết của một nước Mỹ nghèo như thế nào: “Theo các đo lường này, tỉ lệ nghèo tăng nơi người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Tỉ lệ nghèo ở đô thị tăng, ở nông thôn lại giảm. Tỉ lệ người có sở hữu nhà song lại nghèo tăng, nhưng tỉ lệ người nghèo đi mướn nhà lại giảm. Tỉ lệ nghèo ở miền Tây nước Mỹ tăng vọt, song giảm ở miền Nam và Trung Tây...”. Thậm chí có nơi như quận Accomack (Virginia), gần 1/3 dân số nay phải nhận tem phiếu thực phẩm, tỉ lệ nghèo (thu nhập gia đình dưới 22.000USD/năm) chiếm 16% dân số, tỉ lệ hộ nghèo có trẻ con chiếm đến 23%... (3). Trong bối cảnh đó, có thể thấy tại sao dân chúng các thành phố đổ xô đi mua sắm “đại hạ giá”. Vụn bánh vương vãi ve vuốt! Năm nay, nhiều đại siêu thị, từ thượng vàng đến hạ cám như Macy's, Wal-Mart, Best Buy, Target... đã mở cửa bán đại hạ giá từ 10g tối hôm trước, chứ không đợi đến 4-5g sáng của ngày “thứ sáu đen”. Chưa hết, ngày thứ hai đầu tuần vừa qua cũng là ngày bán đại hạ giá trực tuyến (Cyber Monday) với hi vọng vét thêm tiền của những ai ngại ra siêu thị mua sắm phải trả thuế VAT (mua trên mạng khỏi trả khoản này). Làm thế nào giải thích những món hàng đại hạ giá nhân dịp này? Nước Mỹ một trăm năm qua vẫn luôn là hình mẫu của kinh tế thị trường với những khuôn mẫu như các chuỗi siêu thị, ngành marketing, văn bằng cao học quản trị kinh doanh (MBA)... Làn sóng đại hạ giá “thứ sáu đen” cũng chỉ là một chiêu quản trị kinh doanh thanh toán những lô hàng còn sót, những “vụn bánh vương vãi” để giảm stress xã hội, nhất là cho giới trẻ đang bực dọc. Giới trẻ ngày nay được mô tả là “đã rời nhà trường với những tham vọng tan vỡ, chỉ tìm được việc làm tạm bợ, bán thời gian bên ngoài lĩnh vực mà họ đã chọn theo học. Trong khi học phí đại học cứ tăng thì giá trị bằng cấp trong thị trường lao động cứ giảm. Nhiều người nay có cảm giác rằng xã hội không muốn có họ. Mọi công việc bây giờ đều là tạm bợ, được trả lương bèo, trong khi những công việc tốt nhất không về tay những người thích hợp nhất hay đã từng lao động cật lực nhất, mà về tay những ai thuộc gia đình có thân thế...” (4). __________ (1) Black Friday (shopping), Wikipedia(2) America’s poor: Why a new measure Shows more people are living in poverty than we thought, TIME Monday, November 21, 2011(3) “Third of county residents now receiving food stamps”, Eastern Shore News Nov. 26, 2011(4) “This is a class war disguised as a generation war”, Tuesday, 11 October 2011, Laurie Penny Tags: Người nghèoKinh doanhNgười dân MỹThứ sáu đen
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Concert Sóng 25 có ăn theo các anh trai từ Trấn Thành đến HIEUTHUHAI? HOÀNG LÊ 22/12/2024 Lần đầu tiên Sóng - một chương trình truyền hình phát tối 30 đến qua giao thừa - tổ chức concert. Giá vé từ 2,5 đến 10 triệu đồng, khá 'cứng', lại còn vào thứ tư, có hạn chế?