Bangladesh: Khi tất cả trứng bỏ trong một giỏ

NGUYỄN VŨ 17/08/2024 14:13 GMT+7

TTCT - Bà Sheikh Hasina phải từ bỏ chức vụ thủ tướng Bangladesh, lưu vong ra nước ngoài vì nhiều lý do, bao gồm chính sách kinh tế của bà đã quá dựa vào chỉ một ngành: may mặc.

Bangladesh: Khi tất cả trứng bỏ trong một giỏ - Ảnh 1.

Ngành dệt may có vai trò quá lớn với nền kinh tế Bangladesh. Ảnh: ifc.org

Ngay từ lúc Bangladesh bắt đầu cải cách kinh tế vào thập niên 1970, ngành may mặc đã đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng kể từ khi lên làm thủ tướng năm 2009, bà Hashina tập trung mọi mối quan tâm vào ngành này, đẩy mạnh sự phát triển lĩnh vực gia công cho các nhà sản xuất quần áo lớn trên thế giới, coi đây là động lực phát triển chính cho quốc gia.

Phụ thuộc may mặc

Nhân công rẻ, tay nghề tốt, điều kiện lao động dễ dãi… đã thu hút các nhà bán lẻ quần áo, đặc biệt các hãng thời trang nhanh như Zara hay H&M. Ngành may mặc tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người Bangladesh, đặc biệt là phụ nữ, nâng cao mức sống của họ. 

Thủ tướng Hasina đầu tư mạnh vào hạ tầng cơ sở làm nền tảng cho chuỗi cung ứng hàng may mặc, bảo đảm với các tập đoàn quốc tế rằng Bangladesh có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của họ. 

Điều bà Hasina làm được là tạo sự ổn định, tránh được tình trạng đình công của công nhân may mặc, vốn thường xảy ra ở các nước tương tự; đảm bảo nguồn nhân công giá rẻ dồi dào và nguồn điện đủ cho sản xuất.

Trong hơn một thập niên bà Hasina làm thủ tướng, kinh tế Bangladesh phát triển nhanh, có nhiều năm trên 7% và xuất khẩu hàng may mặc chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng việc bỏ hết trứng vào một giỏ như thế cũng chính là gót chân Achilles của nền kinh tế Bangladesh, theo tờ The New York Times.

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu hàng may mặc cả thế giới giảm sút. Cùng lúc, sự đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, cuộc chiến ở Ukraine… làm giá cả những mặt hàng nhập khẩu như thực phẩm và xăng dầu tăng vọt. 

Vì nền kinh tế thiếu đa dạng, Bangladesh không thể trông chờ doanh thu từ các ngành khác để bù đắp vào thiếu hụt do ngành may mặc. Các biện pháp đối phó lạm phát tăng cao càng gây thêm khó khăn. 

Khi cố gắng nâng đỡ đồng nội tệ đang suy yếu, Bangladesh phải tung tiền từ dự trữ ngoại hối ra. Nguồn dự trữ xuống thấp đến mức đáng ngại buộc họ phải cầu viện IMF vào năm 2022 và năm 2023 được bơm 4,7 tỉ đô la giải cứu. 

Nếu không có đội ngũ hơn 10 triệu người Bangladesh đang lao động ở vùng Vịnh hay Đông Nam Á và những nơi khác gửi kiều hối về nhà thì cán cân thanh toán của Bangladesh còn tệ hại hơn.

Đến khi ngành may mặc tương đối phục hồi sau đại dịch, Bangladesh lại rơi vào những khó khăn ngắn hạn khác. Chẳng hạn, tỉ lệ thu thuế trên GDP của nước này vào loại thấp nhất thế giới nên thu ngân sách luôn thiếu hụt. 

Tốc độ phát triển tuy vẫn ở mức cao nhưng mức thụ hưởng của người dân không đồng đều, bất bình đẳng về thu nhập rất cao. 

Con số tăng trưởng trên giấy tờ không khớp với những gì người dân chứng kiến trên thực tế, dẫn đến suy giảm niềm tin vào chính phủ ngày càng sâu sắc, nhất là trong bối cảnh nạn tham nhũng tràn lan.

Bangladesh: Khi tất cả trứng bỏ trong một giỏ - Ảnh 2.

Ảnh: Getty

Thời kỳ chuyển tiếp

Vấn đề lớn nhất của chính phủ bà Hasina là không thể tạo ra công ăn việc làm mới do quá phụ thuộc vào ngành may mặc. Với dân số hơn 170 triệu người, Bangladesh là nước đông dân thứ tám thế giới với hàng triệu người mới tham gia thị trường lao động hằng năm. 

Cuối cùng, giọt nước làm tràn ly khi sinh viên biểu tình đòi hủy bỏ chế độ hạn ngạch trong tuyển dụng công chức.

Đối chọi với hình ảnh của bà Hasina là tiến sĩ Muhammad Yunus, người được chọn đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh. Ông từng đoạt giải Nobel hòa bình và nổi tiếng thế giới nhờ tiên phong trong lĩnh vực cho vay vi mô để xóa đói giảm nghèo.

Ngay từ khi Bangladesh lập quốc năm 1971, ông Yunus - lúc đó là phó giáo sư kinh tế giảng dạy ở Mỹ - đã vận động để Nhà Trắng sớm công nhận Bangladesh. 

Sau đó ông về nước tham gia chính phủ non trẻ trong ủy ban kế hoạch và làm trưởng khoa kinh tế một trường đại học. Năm 1976 ông gặp Sufiya Begum, một người thợ đan mây tre đang phải phụ thuộc vào các khoản vay nặng lãi vì vay ở ngân hàng quá rườm rà. 

Ông Yunus xuất tiền túi để giúp Begum trả nợ nhưng quan trọng hơn, từ trường hợp này ông nảy sinh ý tưởng khởi xướng chương trình tài chính giải ngân những khoản vay rất nhỏ cho người nghèo.

Thế là Ngân hàng Grameen ra đời. Ngày nay đây là tổ chức có 23.000 nhân viên, 11 triệu người vay ở 94% các ngôi làng khắp Bangladesh. Tổng cộng ngân hàng của ông đã cho vay 39 tỉ đô la, chủ yếu cho phụ nữ nghèo.

Bài học thành công của Grameen đã kích thích hơn 100 nước đang phát triển khắp thế giới xây dựng dịch vụ cho vay vi mô tương tự. Năm 2006, cùng Grameen, ông Yunus được trao giải Nobel hòa bình nhờ "những nỗ lực tạo ra phát triển kinh tế và xã hội từ bên dưới".

Năm nay đã 84 tuổi, ông Yunus sẽ phải đảm trách một nhiệm vụ nặng nề: vãn hồi trật tự ở Bangladesh, tổ chức bầu cử thật sự tự do và công bằng để lấy lại niềm tin của người dân. Còn chuyện đa dạng hóa nền kinh tế để khỏi bỏ hết trứng vào giỏ may mặc, e phải chờ đến chính phủ sau với những kế hoạch dài hơi hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận