Báo chí và chính quyền Mỹ: Hòn bấc ném đi…

NGUYỄN VẠN PHÚ 29/08/2018 05:08 GMT+7

TTCT - Thì hòn chì ném lại. Báo chí và chính quyền Mỹ lúc này đang rơi vào một vòng luẩn quẩn “đấu tố” lẫn nhau có lẽ là chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Những nền tảng mạng xã hội như Twitter khiến khả năng lan tỏa thông điệp của những người nổi tiếng như ông Trump là rất mạnh. Ảnh: Tech Central
Những nền tảng mạng xã hội như Twitter khiến khả năng lan tỏa thông điệp của những người nổi tiếng như ông Trump là rất mạnh. Ảnh: Tech Central

 Tuần trước, hơn 300 tờ báo Mỹ đồng lòng lên tiếng bằng hàng loạt bài xã luận, khẳng định lại vai trò của báo chí trước sự thù địch từ phía chính quyền, tạo nên một đỉnh điểm mới cho mâu thuẫn giữa báo giới và Nhà Trắng.

Giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và báo chí nước này, tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” đã diễn ra từ lâu. Nhưng cao trào mới nhất cho thấy báo chí Mỹ đã hết chịu nổi cảnh ông Trump cứ luôn mồm gọi họ là “kẻ thù của nhân dân”.

Vì đâu nên nỗi

Một thực tế không thể chối cãi: phía chính quyền luôn bực bội với báo chí. Bài xã luận của tờ New York Times mở đầu bằng câu nói nổi tiếng của ông Thomas Jefferson: “Nếu phải quyết định chúng ta nên có chính quyền không có báo chí hay báo chí không có chính quyền, tôi sẽ không lưỡng lự giây phút nào để chọn cái sau”.

Ấy là khi ông Jefferson chưa lên làm tổng thống Mỹ. 20 năm sau, khi chịu sự giám sát của báo chí từ Nhà Trắng, ông Jefferson không còn chắc lắm về chọn lựa năm xưa. Ông viết: “Giờ không còn có thể tin gì vào những thứ trên báo chí. Chính sự thật cũng bị hoài nghi khi được đưa lên cái phương tiện ô nhiễm ấy”.

Nếu nhìn từ góc độ một quan chức trong bộ máy chính quyền, họ ở một vị trí quan sát đầy lợi thế, hiểu rõ mọi ngóc ngách của vấn đề nên sẽ luôn thấy báo chí không chính xác, viết hời hợt, nhận định chủ quan, người viết thiếu kiến thức, nhiều sai sót.

Điều đó là hiểu được, vì người viết báo chỉ tiếp xúc theo vụ việc, làm sao so được kiến thức của một chuyên viên trong bộ máy. Lại nữa dù còn nhiều thiếu sót, các nhà báo lại hay tỏ ra kẻ cả, thường lớn tiếng phê phán bộ máy như thể họ đứng trên tất cả. Tâm lý ghét và coi thường báo chí của giới quan chức, vì thế, không khó giải thích và không hoàn toàn phi lý.

Thế nhưng, giới chính trị gia vẫn e dè truyền thông, ngại đụng chạm đến báo chí vì báo chí nắm dư luận, tức nắm tình cảm, suy nghĩ và có thể có tác động trực tiếp đến cử tri và lá phiếu của họ. 

Với những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, họ hiểu được vai trò của báo chí như một cái thắng (phanh) kềm hãm sự tha hóa của quyền lực, sự soi mói dù đáng ghét của báo chí nhưng giúp làm trong sạch bộ máy, ngăn ngừa tham nhũng. Ghét thì ghét nhưng tận dụng được thì giới chính trị gia vẫn tận dụng, và về cơ bản vẫn bảo vệ tự do báo chí. Trừ ông Donald Trump!

Ông Donald Trump thích mắng báo chí là “đồ tin giả” (fake news) và tuần trước câu này được tăng một mức nữa thành “đồ tin giả đáng tởm” (fake, fake, disgusting news). Điều đáng nói là sự thù nghịch báo chí của ông Trump lan mạnh sang những người ủng hộ ông, tạo nên những hiệu ứng đáng ngại. Một khán giả gọi điện đến Đài truyền hình C-Span đòi bắn hai nhà báo của Đài CNN.

Những người tham dự các sự kiện có ông Trump nói chuyện có lúc quay sang ô dành cho báo chí để chửi rủa, ném đồ dơ vào phóng viên. Một thăm dò do Đại học Quinnipiac tiến hành hỏi một câu thẳng thắn: “Quan điểm của bạn gần với cái nào hơn: báo chí là kẻ thù của nhân dân hay báo chí là một phần quan trọng của nền dân chủ?”. Kết quả có đến 26% người trả lời chọn “kẻ thù của nhân dân” (với người thuộc phe Cộng hòa, tỉ lệ lên đến 51%).

Tại anh, tại ả

Với nhân vật Donald Trump, báo chí Mỹ đã phạm một sai lầm ngay từ đầu: quá coi thường ông này, thoạt tiên cứ xem ông như một gã hề không hơn không kém. Trong giai đoạn tranh cử tổng thống và cả bây giờ, khi ông đã làm tổng thống, báo chí cứ đem ông ra như một trò cười để thư giãn. 

Lấy ví dụ, cây bút bình luận của tờ Washington Post, Kathleen Parker, viết: “Ngắm Donald Trump thiệt hết sức thú vị, chúng ta không chỉ chờ từng lời. Chúng ta ngồi ở mép ghế, chờ lời kế tiếp. Gã này sắp nói gì nữa đây?”.

Đến khi ông Trump đắc cử, báo chí sau một phen sững sờ lại tìm mọi cách để tô đậm hình ảnh thô kệch của ông, tô đậm các phát biểu mang tính chia rẽ, phân biệt, các chính sách bất cận nhân tình, lạnh lùng của ông. 

Rất ít các phương tiện truyền thông chính thống thực sự đi sâu tìm hiểu vì sao ít nhất một nửa dân số trưởng thành của Mỹ bỏ phiếu cho ông Donald Trump; rất ít các bài viết về suy nghĩ, tình cảm, mức sống, hoàn cảnh của những người ủng hộ ông Trump bất kể các xìcăngđan báo chí khai thác.

Chẳng hạn, tại một cuộc họp báo gần đây, nhà báo Jim Acosta của Đài CNN cứ nằng nặc đòi thư ký báo chí của ông Trump là bà Sarah Huckabee Sanders khẳng định báo chí không phải là kẻ thù của nhân dân. Hai bên cứ tranh cãi xung quanh chuyện này để cuối cùng không đi đến đâu.

Nhiều người sau đó nhận xét Sanders không phải là tổng thống, cũng không phải là Nhà Trắng, cứ yêu cầu bà ta nói theo ý mình làm gì trong khi có thể đặt những câu hỏi đúng vào nội dung cuộc họp hơn.

Đồng nghiệp tại CNN thì khen ngợi Acosta dũng cảm và đăng lại nội dung ông này đưa lên Twitter sau cuộc họp: “Sarah Sanders liên tục được trao cơ hội để nói báo chí không phải là kẻ thù của nhân dân mà bà không làm. Đáng xấu hổ”. Có lẽ vai trò của nhà báo không phải yêu cầu viên chức chính quyền nói theo ý mình như thế.

Ở đây có một hiện tượng rất lạ: hai bên đều dùng cụm từ “fake news” để ném vào nhau. Với báo chí, dù sao họ chỉ kiểm chứng xem một tin, một tuyên bố có giả hay không là dựa vào dữ kiện (fact). Khi ông Trump khoe có đến 32.000 người đến nghe ông nói chuyện ở một sự kiện; báo chí đếm lại thấy chỉ có chừng 8.000 người - họ sẽ xem đó là “fake news”.

Với ông Trump và những người thuộc phe ông, không thể gọi đó là “dữ kiện” mà là “ý kiến” (opinion), và nếu là ý kiến, thì ai cũng có quyền tự do ngôn luận. Đắm mình trong các số liệu mới công bố khi GDP Mỹ tăng trưởng ở mức cao nhất, thất nghiệp xuống mức thấp nhất, chắc chắn ông Trump đọc các bài phê phán chính sách kinh tế của ông là “fake news”, cho dù bài viết có trích lời những chuyên gia kinh tế hàng đầu của nước Mỹ.

Con đường phía trước

Khi hơn 300 tờ báo của Mỹ đồng thanh đồng điệu khẳng định lại vai trò của họ, thì bản thân sự kiện này cũng đã nói lên tình cảnh khủng hoảng mà báo chí Mỹ đang phải đương đầu. Giờ này mà họ phải nhắc lại các nguyên lý như báo chí kết nối cộng đồng, giúp mọi người tiếp cận đầy đủ thông tin và buộc chính quyền có trách nhiệm giải trình trước công chúng, phải chăng những nguyên lý này đang lung lay?

Washington Post là một trong số những tờ báo lớn từ chối tham gia chiến dịch khẳng định báo chí không phải là kẻ thù của nhân dân. Fred Hiatt, biên tập viên trang xã luận, cho biết ông không muốn báo chí tham gia bất kỳ phong trào hay chiến dịch nào; báo chí phải đa dạng và Washington Post phục vụ độc giả tốt nhất khi có tiếng nói riêng và lập trường riêng.

Một tờ khác cho rằng ý kiến của tổng thống về báo chí thì có quan trọng gì đâu, cái họ quan tâm hơn là độc giả nghĩ gì về họ. Los Angeles TimesWall Street Journal là hai tờ báo lớn khác không tham gia, thậm chí Wall Street Journal - một tờ báo thân chính quyền - còn chê trách báo chí đồng lòng viết xã luận tập trung mũi dùi vào Trump như thế thì đâu phải báo chí, nó mang hơi hướm chính trị nhiều hơn và họ không vô lý hoàn toàn.

Có lẽ vấn đề quan trọng hơn ở đây là một góc nhìn cân bằng: hiện nay báo chí không còn độc quyền về dòng chảy thông tin nữa, mạng xã hội cung cấp tin nhanh chóng hơn, và với sức lan tỏa mạnh hơn báo chí truyền thống bội lần.

Vì thế báo chí phải tập trung vào thế mạnh của mình mà các nơi khác không có, như khả năng kiểm chứng thông tin để dán nhãn chính xác đâu thật sự là “tin giả”.

Đúng như nhận xét của Hiatt, báo chí phải đa dạng, vì thế xu hướng các tờ báo chọn các hướng đi khác nhau đang dần hình thành. Một số báo như tờ Vox đi theo con đường giải thích tin tức, cung cấp cho độc giả đủ những thông tin nền để giúp họ hiểu hơn tin tức họ tiếp nhận, cũng là một cách giúp họ có đủ kháng thể chống cự lại với “fake news”.

Điều tệ hại nhất là xu hướng dán nhãn “fake news” cho bất kỳ điều gì người ta không đồng tình và muốn bịt miệng người khác. Bài xã luận trên tờ New York Times viết: “Phóng viên và biên tập viên đều là con người, đều có sai sót. Sửa chữa sai sót là nhiệm vụ cơ bản của chúng tôi. Nhưng cứ khăng khăng gán cho sự thật mà bạn không thích là “đồ tin giả”, là nguy hiểm cho sự sống còn của nền dân chủ”.

Một ngày sau khi báo chí Mỹ có chiến dịch viết xã luận về vai trò của báo chí, Tổng thống Donald Trump có họp nội các tại Nhà Trắng. Một nhóm nhỏ các nhà báo được phép tham dự để quan sát. Ông Trump quay sang bảo các nhà báo này: “Nếu muốn, các anh có thể ở lại. Còn nếu không, các anh cũng có thể ra về. Đừng quên: quyền tự do của báo chí”. ■

“Tờ báo” riêng của ông Trump

Ông Trump lên làm tổng thống đúng lúc báo chí thoái trào, mạng xã hội lên ngôi. Với công cụ Twitter - một tài khoản có 53,8 triệu người theo dõi, mỗi câu ông Trump viết ra trên nền tảng này có sức lan tỏa cao hơn bất kỳ tờ báo nào. 

Số lượng phát hành của báo chí ngày càng giảm, cộng hết số báo giấy bán mỗi ngày ở toàn nước Mỹ chỉ còn 35 triệu bản; những tờ quen thuộc như Los Angeles Times mỗi ngày chỉ bán được trên 650.000 bản hay tờ Washington Post giờ chỉ còn 470.000 bản/ngày. 

Thử so sánh mỗi tuyên bố của Trump viết trên Twitter có hàng chục triệu người đọc thì ông sợ gì một bài phân tích chê bai một chính sách nào đó của ông chỉ có vài trăm ngàn người đọc. 

Lại nữa, báo chí phải cạnh tranh với mạng xã hội, ông Trump viết trên Twitter, các báo lập tức tường thuật chi tiết, lại càng giúp lan tỏa tuyên bố của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận