Báo Guardian, vụ Snowden và giải Pulitzer

DANH ĐỨC 23/06/2013 23:06 GMT+7

TTCT - Bốn ngày sau khi gây chấn động thế giới với loạt hồ sơ cáo giác Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén, tờ Guardian mơ đến giải Pulitzer.


“Vi phạm nhân quyền”, “Nước Mỹ nợ chúng tôi lời giải thích”... Một số khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối Mỹ bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong ngày 13-6 nhân vụ Snowden - Ảnh: Reuters


Hôm 10-6, sau khi công bố danh tính "nguồn tin lương tâm" tố cáo NSA do thám là cựu nhân viên tình báo Mỹ CIA và NSA Edward Snowden, tờ Guardian đăng một bài của giáo sư báo chí Roy Greenslade (nguyên chủ bút tờ Daily Mirror các năm 1990-1991) tựa đề "Liệu tờ The Guardian có thể trúng một giải thưởng Pulitzer cho những phát hiện về cơ quan tình báo NSA hay không".

Người thầy báo chí Anh này viết: "Xin tha thứ việc tôi ca tụng tờ Guardian, song tôi không thể làm lơ (việc báo Guardian) thật sự độc quyền cả thế giới khi tiết lộ về quy mô của công việc theo dõi mà mật vụ Mỹ tiến hành. Tôi cũng muốn ca ngợi sự dũng cảm của người cáo giác - Edward Snowden... Anh ấy đã hành động vì lợi ích chung thay vì tư lợi...

Các phát hiện gây chấn động của Snowden nhất định phải đưa tờ Guardian vào danh sách tranh giải Pulitzer, trở thành tờ báo Anh đầu tiên trúng giải này...". Giáo sư này rất hào hứng: "Đúng là tờ Washington Post cũng có đăng tư liệu này, song gốc gác là tờ Guardian. Báo Guardian đã đánh vào ngay thế mạnh của làng báo Mỹ ở ngay sân sau của họ" (1).

 “Tội ác, thói vô luân, nạn côn đồ ngày càng được ngăn ngừa do (thiên hạ) sợ bị phơi bày trên báo chí hơn là do sợ bất cứ đạo luật hay quy tắc đạo đức nào” - Joseph Pulitzer

 Từ "hồ sơ Lầu Năm Góc"... đến "hồ sơ Nga"

Vụ "hồ sơ NSA" nhắc đến vụ "hồ sơ Lầu Năm Góc" của tờ New York Times tung ra năm 1971 ngay khi quân đội Mỹ còn kẹt cứng ở Việt Nam. Vụ "hồ sơ Lầu Năm Góc" gây chấn động vì "đã chứng minh một cách hành xử vi hiến của một chuỗi lần lượt các tổng thống, vi phạm lời tuyên thệ của họ" (2), còn vụ "hồ sơ NSA" của tờ Guardian gây chấn động vì đó là "những rò rỉ nghiêm trọng nhất trong lịch sử cơ quan an ninh này", theo đánh giá của chủ bút báo này là Alan Rusbridger, giáo sư Roy Greenslade dẫn lời.

Thế nhưng, vụ "hồ sơ Lầu Năm Góc" ngày xưa lại khác vụ "hồ sơ NSA" ngày nay.

Lần lại lịch sử sẽ thấy ngày 17-6-1967, bộ trưởng quốc phòng lúc đó là McNamara âm thầm giao cho một nhóm gồm 36 chuyên gia nhiệm vụ thu thập tài liệu mật liên quan đến quá trình dẫn đến chiến tranh Việt Nam để làm một quyển "lịch sử toàn thư về chiến tranh Việt Nam" (chính xác là về quan hệ Mỹ - Việt Nam từ năm 1945 đến 1967) (3).

Daniel Ellsberg, một thành viên nhóm công tác đặc biệt này trong giai đoạn đầu, cảm thấy bức xúc vì nội dung hồ sơ và đã tìm cách tiếp cận cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger cùng các quan chức cao cấp khác để bày tỏ những bức xúc về chiến tranh Việt Nam của mình, song không ai tiếp. Sau đó vào tháng 3-1971 Ellsberg tuồn hồ sơ này cho báo The New York Times. Và báo này khởi đăng vào hôm 13-6-1971, gây chấn động không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới.

Đúng 42 năm sau, cũng vào dịp tháng 6, Snowden làm rung rinh chính quyền Obama cùng bộ máy an ninh Mỹ bằng những rò rỉ về mạng lưới do thám mạng của Mỹ trên tờ Guardian, và sau đó tố cáo tiếp trên tờ South China Morning Post của Hong Kong rằng Mỹ do thám Trung Quốc.

Đây chính là khác biệt giữa Ellsberg với Snowden: năm 1971, Ellsberg không hề bị tình nghi là làm gián điệp cho đối phương trong cuộc chiến tranh Việt Nam như Snowden bây giờ bị tình nghi là đã "phản thùng", chạy trốn và tị nạn ở lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc vào lúc mà Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi ở cấp cao nhất về việc do thám lẫn nhau.

Không gì sung sướng đối với đại kình địch Bắc Kinh khi có được chính những tiết lộ của nhân viên CIA và NSA đào thoát.

Giải Pulitzer

Hôm thứ hai 17-6, tờ Guardian tiếp tục mạch phanh phui với những tin vedette như tình báo Anh đã do thám các nước tham dự thượng đỉnh G20 London 2009, tình báo Mỹ do thám nguyên tổng thống Nga Andrei Medvedev như thế nào?... Có lẽ đây là con đường dẫn đến giải Pulitzer mà nhà báo kỳ cựu Greenslade mong mỏi cho tờ Guardian, vì có được vụ "hồ sơ NSA" độc quyền do Snowden cung cấp. Mạch phanh phui này quay ngoặt 180 độ so với trước đó.

Mới hôm 31-5 báo này còn tố cáo Trung Quốc do thám: "Nhóm APT1, nhóm tin tặc bị cáo buộc là đã đột nhập tờ The New York Times cùng các mục tiêu khác, nhanh chóng nín thinh sau khi bị nêu tên, thế nhưng ba tháng sau lại hoạt động trở lại, các viên chức chính phủ và Công ty an ninh mạng Mandiant cho biết". Năm ngoái, báo này có 287 bài về tin tặc Trung Quốc, năm 2011 có 388 bài, năm 2010 có 376 bài..., theo thống kê của báo này (4), song không có tiếng vang. Hi vọng tờ Guardian với "hồ sơ NSA" cũng sẽ được như tờ The New York Times năm xưa với "hồ sơ Lầu Năm Góc".

Thật ra, trừ hai vụ "hồ sơ Lầu Năm Góc" với Daniel Ellsberg và vụ nghe lén "Watergate" với nhân vật mang bí danh là "Deep Throat", còn thì các giải Pulitzer thể loại điều tra thường rất "đời thường".

Giải Pulitzer năm nay được trao cho John Maines và Sally Kestin của The Sun Sentinel, một tờ báo nhỏ ở Florida, cho loạt phóng sự "Những tay cớm yêng hùng xa lộ bất chấp luật pháp" tố giác thói quen phóng xe như điên coi thường sinh mạng dân chúng và luật pháp của một số cảnh sát khi hết giờ công tác. Năm ngoái là loạt bài "Nụ hôn thần chết của một loại thuốc chống đau" của Michael J. Berens và Ken Armstrong của The Seattle Times.

Hai nhà báo này đã "bới" ra được tính bất nhân của giới chức y tế tiểu bang Washington khi thay thế các loại thuốc chống đau đắt tiền trong trị liệu ung thư bằng thuốc methadone, một loại thuốc có gốc ma túy đang được sử dụng như là một chất cai nghiện đại trà nhờ rẻ tiền. Hậu quả là bệnh nhân chưa chết vì ung thư đã chết vì quá liều methadone khi cứ ngỡ đây là một thuốc giảm đau vô hại (5)!

Cách làm báo đó gọi là "mucraking journalism" ("bới phân" làm báo) (6), bới vào các "đống phân" đã và đang hoành hành trong xã hội.

Năm 2002, hai nhà báo Mỹ Judith và William Serrin đã tuyển lại trên trăm bài báo vị nhân sinh nổi bật từ trên trăm năm qua để in lại và đặt tên cho quyển "báo tuyển" này là Mucraking: The journalism that changed America (Bới phân: nền báo chí đã làm biến đổi nước Mỹ), bao gồm những bài viết về sự phi lý trong cái nghèo của dân chúng, về những truân chuyên của công nhân cho dù vẫn đang có đủ thứ nghiệp đoàn, về y tế và an toàn, về sự mất an toàn của các con phà, các mỏ than...

Những bài báo hết sức đời thường, vị nhân sinh. Đúng với phát biểu của Joseph Pulitzer năm 1878: "Tội ác, thói vô luân, nạn côn đồ ngày càng được ngăn ngừa do (thiên hạ) sợ bị phơi bày trên báo chí hơn là do sợ bất cứ đạo luật hay quy tắc đạo đức nào" (7).

(1): http://www.guardian.co.uk/media/greenslade/2013/jun/10/theguardian-the-nsa-files(2): http://www.upi.com/Audio/Year_in_Review/Events-of-1971/The-Pentagon-Papers/12295509436546-7/(3): Pentagon Papers, wikipedia.(4): http://www.guardian.co.uk/search?q=chinese+hackers&section=(5): http://www.pulitzer.org/(6): Mark Feldstein, A Muckraking Model; Investigative Reporting Cycles in American History, © 2006 by the President and the Fellows of Harvard College(7): Denis Brian, Pulitzer: A Life, tr.35.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận