TTCT - Kể từ vụ xả súng năm 2012 tại một rạp chiếu phim ở Aurora (Colorado) khiến 12 người chết và 58 người bị thương, tạp chí Mother Jone đã đi tìm lời giải cho câu hỏi trên. (ảnh minh họa) Jennifer bị trúng đạn ở lưng khi cô cùng chồng sắp cưới đi mua thức ăn ở một nhà hàng Mexico tại Arizona. Trong 10 năm qua, cô nhập viện không dưới 20 lần, chi phí điều trị chủ yếu do bảo hiểm Medicaid và Medicare trả. Cô cũng đã nhận gần 250.000 USD từ trợ cấp tàn tật, số tiền vừa đủ để cô ở trong căn nhà nhỏ được sửa lại để cô có thể di chuyển trong nhà bằng xe lăn. Jennifer ước tính tổng chi phí, từ hóa đơn bệnh viện, giờ tập liệu pháp, làm việc với chuyên gia tâm lý, chăm sóc tại gia… và cả thu nhập bị mất, khoảng 5 triệu USD. Từ năm 2004, có khoảng 750.000 người Mỹ bị thương vì súng đạn và 320.000 người thiệt mạng vì vũ khí nóng. Mỗi năm có hơn 11.000 người bị giết bằng súng, trong khi số người tự tử bằng súng lên đến hơn 20.000 người. Điều gây lo ngại là số người bị thương và thiệt mạng vì súng không ngừng tăng lên (11% và 4%) cùng với những vụ xả súng hàng loạt. Thế nhưng lại không có số liệu đầy đủ về chi phí mà nạn nhân, gia đình họ, chủ doanh nghiệp và xã hội phải gánh chịu. Đó là những số tiền khổng lồ liên quan đến kiện tụng, chăm sóc sức khỏe dài hạn, an ninh và ngăn ngừa bạo lực súng đạn. Trong bài xã luận đăng ngày 7-4-2015 trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, một nhóm bác sĩ đã viết như sau: “Cho dù chúng ta có nghĩ rằng vũ khí giết người hay người dùng vũ khí để giết nhau, kết quả là như nhau: đó là cuộc khủng hoảng y tế”. 6 triệu USD là tổng phí tổn cho một nạn nhân thiệt mạng vì súng đạn; 583.000 USD là chi phí nhập viện trung bình cho một vết thương do đạn (Nguồn: Mother Jone) Để giải quyết khủng hoảng, điều đầu tiên là thu thập dữ liệu. Nếu như Bộ Giao thông Mỹ xác định được phí tổn của tai nạn giao thông gây ra cho toàn xã hội là 871 tỉ USD, thì chính phủ vẫn im lặng về bản tổng kết của nạn bạo lực súng đạn. Bộ Y tế có tính số lượt nhập viện do bắn nhau, nhưng số liệu không đầy đủ vì một số bang không bắt buộc các bệnh viện phân biệt giữa vết thương do súng hoặc vết thương hở. Việc thiếu số liệu tin cậy xuất phát từ áp lực do NRA (Hiệp hội súng đạn của Mỹ) và các tổ chức bảo vệ việc mang vũ khí tác động lên các nhà lãnh đạo để ngăn cản những nghiên cứu liên quan đến vũ khí như tình trạng tự tử và sát thương bằng súng. Thậm chí một số nhà nghiên cứu lo ngại nghiên cứu đề tài này sẽ biến họ thành mục tiêu chính trị và ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn tài trợ khác cho những lĩnh vực hoàn toàn khác. Ted Miller thuộc Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương, một tổ chức bất vụ lợi nghiên cứu những vấn đề liên quan đến y tế, giáo dục và an ninh, là một trong những nhà nghiên cứu hiếm hoi quan tâm đến đề tài vũ khí bằng cách phân tích chi phí xã hội của tình trạng bạo lực, nghiện ngập và cả số tiền tiết kiệm được thông qua phòng ngừa. Ông quan tâm đến hai dạng chi phí: trực tiếp (dịch vụ cấp cứu, điều tra của cảnh sát, chăm sóc người bị trúng đạn, phí tổn tòa án và ngồi tù) và gián tiếp (mất thu nhập, doanh nghiệp bị tổn hại và chất lượng sống tụt giảm). Qua hợp tác với Miller, tạp chí Mother Jone đã phân tích những dữ liệu năm 2012 và kết luận rằng phí tổn hằng năm của bạo lực súng đạn ở Mỹ là trên 229 tỉ USD, trong đó chi phí trực tiếp chiếm 8,6 tỉ (chủ yếu là do thời gian cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng) và chi phí gián tiếp là 221 tỉ USD (169 tỉ USD tương ứng với chất lượng cuộc sống của nạn nhân bị ảnh hưởng). Tiền lương bị mất chiếm khoảng 49 tỉ USD/năm. Những tính toán của Ted Miller liên quan đến chi phí gián tiếp (dựa trên mức bồi thường thiệt hại mà tòa án tuyên) dẫn đến con số trung bình 6,2 triệu USD cho mỗi nạn nhân của súng đạn. Với 229 tỉ USD, rõ ràng phí tổn từ bạo lực súng đạn là rất cao, cao hơn cả doanh thu năm 2014 của Hãng Apple đến 47 tỉ USD và ngân sách giáo dục toàn liên bang 88 tỉ USD cùng năm đó. Nhưng con số 229 tỉ USD là chưa tính đến phí tổn thật sự do bạo lực súng đạn gây ra, chẳng hạn chi phí điều trị suốt đời cho những người bị chấn thương não hoặc bị liệt cả người… Những vụ xả súng hàng loạt gần đây cũng có tác động tài chính đáng kể. Chẳng hạn thủ tục pháp lý liên quan đến thủ phạm vụ xả súng ở Aurora đã tiêu tốn 5,5 triệu USD trước khi tòa xử (ngày 27-4-2015).■ Sau vụ xả súng ở Trường trung học Columbine năm 1999, chính phủ liên bang đã chi 811 triệu USD cho các quận có trường học trên toàn nước Mỹ để thuê nhân viên bảo vệ, trong đó 45 triệu USD kể từ vụ thảm sát 20 học sinh và 6 người lớn tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut (tháng 12-2012). Số tiền này chưa tính đến chi phí của địa phương và các bang.
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia nhiều dự án, trong đó có dự án đường sắt ở Việt Nam DUY LINH 13/10/2024 Các doanh nghiệp Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trên tại tọa đàm có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 13-10.
‘Sau Nam tiến, Tây tiến, bây giờ là Việt tiến, tức trở về phục vụ đất nước' MINH THÀNH 13/10/2024 Trong dòng di cư có cuộc Nam tiến, Tây tiến, còn bây giờ một hiện tượng rất đáng chú ý đó là Việt tiến, tức là trở về phục vụ trên quê hương.
Khánh Hòa tung loạt ưu đãi cho du khách nhân dịp đạt 9 triệu lượt khách TRẦN HOÀI 13/10/2024 Hàng loạt chương trình ưu đãi được Khánh Hòa tung ra để thu hút du khách dịp cuối năm.
Hàn Quốc cảnh báo ‘đặt dấu chấm hết’ cho Triều Tiên nếu làm tổn hại đến dân Hàn MINH KHÔI 13/10/2024 Hàn Quốc và Triều Tiên cùng tố đối phương xâm phạm không phận và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ.