Bảo tàng trên đảo

TRẦN VĂN THƯỞNG 15/11/2010 19:11 GMT+7

TTCT - Trên đảo Phú Quốc có một bảo tàng tư nhân độc đáo, nơi chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa xa xưa và là câu chuyện kể nhiều chương về hòn đảo lớn nhất VN, mỗi chương là một vỉa tầng văn hóa, một thời kỳ lịch sử.

Phóng to
Bảo tàng Cội Nguồn trên đồi - Ảnh: Vietnam Travel

Bảo tàng Cội Nguồn tọa lạc ở số 149 Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông, trên một ngọn đồi rộng 4ha với phần lõi là nhà trưng bày cổ vật có diện tích sàn hơn 1.000m2. “Thiên truyện” Cội Nguồn mở đầu bằng cái nhìn tổng quan về đời sống thiên nhiên biển, rừng Phú Quốc ở tầng trệt, giới thiệu những hiện vật vớt từ lòng biển, từ rêu hóa thạch, xương bò biển, xương cá voi, vỏ trai, đồi mồi... đến các hiện vật từ rừng xanh trên đảo.

Sau đó khách lên tầng một để vào khu hang động, trở về với thời tiền - sơ sử của đảo xem những công cụ lao động như rìu đá, các loại đồ vật có tuổi 2.500 năm được tìm thấy ở xã Cửa Cạn phía bắc đảo. Câu chuyện được tiếp nối với hình bóng của những người họ Mạc đến khai hoang, xây dựng Phú Quốc thành vùng đảo trù phú từ đầu thế kỷ 18.

Chứng tích còn lưu trên đảo là những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban cho họ Mạc vào giữa thế kỷ 19. Rồi đến dấu vết của chúa Nguyễn Ánh tại đảo trong thời kỳ bôn tẩu và những mảnh ván ghe lương của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trong trận đốt chìm tàu quân Pháp xâm lược.

Trong các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước ở vùng biển VN bắt đầu từ năm 1990, Phú Quốc là nơi thứ hai được các nhà khảo cổ học tìm đến với cuộc khai quật con tàu cổ ở hòn Dâm vào tháng 5-1991. Sự kiện ấy được tái hiện tại bảo tàng bằng mô hình “con tàu đắm bờ đông đảo” trên tầng ba, nơi trưng bày hàng trăm hiện vật gốm gia dụng Thái Lan thế kỷ 15-16.

Ngoài ra bảo tàng còn có bộ sưu tập gốm Nam bộ thế kỷ 17-19, gốm Sài Gòn - Lái Thiêu đầu thế kỷ 20 và nhiều đồ gốm Trung Quốc thế kỷ 18-19 trong tàu cổ được trục vớt tại Cà Mau.

Phóng to
Nhìn từ sân thượng bảo tàng ra biển. Trên hai trụ xây là hai tĩn chứa nước mắm bằng đất nung đặc trưng của Phú Quốc - Ảnh: sophie

Một Phú Quốc của đời thường cũng được đưa vào bảo tàng (tầng 4) để du khách tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống sinh hoạt và phương thức sản xuất truyền thống của người dân địa phương. Đáng chú ý là mô hình ngôi nhà xưa của người dân đảo với vách được làm bằng vỏ cây kiền kiền, kiểu nhà đặc trưng ở mạn bắc đảo mà theo lời cô thuyết minh hiện vẫn còn vài ngôi nhà như thế ở xã Cửa Cạn.

Dạo bước trong khu vườn trước bảo tàng, du khách có dịp thấy những chú chó Phú Quốc nổi tiếng, những con đại bàng biển, ó biển thuần chủng...

Nếu Bảo tàng Cội Nguồn giống như một câu chuyện sống động thì người kể chuyện chính là chủ nhân bảo tàng - anh Huỳnh Phước Huệ.

Suốt mười năm trời, người đàn ông 40 tuổi này đã đi khắp các ngóc ngách của đảo để tìm kiếm những cổ vật, hiện vật xây dựng bảo tàng, từ vỏ sò, vỏ ốc đến những cổ vật quý giá có tuổi thọ nhiều thế kỷ...

Câu đối trước cửa phòng trưng bày “Cây có cội/Nước có nguồn” như nói lên tất cả chí nguyện của ông chủ đam mê cổ ngoạn khi lập bảo tàng tư nhân đầu tiên của vùng châu thổ Cửu Long, nơi lưu giữ trên 3.000 hiện vật, trong đó 2.645 cổ vật đã được Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật VN thẩm định có niên đại từ thế kỷ thứ 15 trước Công nguyên đến đầu thế kỷ 20.

“Mô hình này cứ như là cả một tập đoàn kinh tế - văn hóa, trong đó có bảo tàng...” - GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN tại Hà Nội, đã nhận xét như vậy trong một lần đến đây.

Trong số hàng vạn du khách đến Phú Quốc, có đến 90% ghé thăm Bảo tàng Cội Nguồn. Con số này đủ nói lên sức hút của nó.

Phóng to
Mô hình tàu đắm ở bờ đông đảo - Ảnh: T.V.T.
Phóng to
Gốm Lái Thiêu đầu thế kỷ 20 - Ảnh: T.V.T.
Phóng to

Chó xoáy Phú Quốc trong khuôn viên bảo tàng - Ảnh: T.V.T.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận