Bão tố trong món xúp

TƯỜNG ANH 06/01/2021 18:10 GMT+7

TTCT - “Ghét nhau bồ hòn cũng méo” - Cứ như cả năm chưa đủ chuyện tranh cãi, cuối năm lại nóng lên cuộc chiến ẩm thực giữa hai láng giềng Ukraine - Nga, căng thẳng đến độ Kiev phải nhờ uy UNESCO.

Những ngày đông lạnh, được mời khai vị với một đĩa xúp borscht nóng hổi với vị ngọt của củ cải đỏ, vị chua của bắp cải muối dưa, vị béo của kem chua và nước dùng thịt, ăn với vài lát bánh mì đen..., khó ai có thể khước từ.

Trận chiến xúp borscht

Trên không gian Xô viết cũ, không cần tranh cãi, từ lâu người ta đã định danh những món quốc hồn quốc túy: với Belarus là các món khoai tây, với Gruzia là thịt nướng (shashlyk), người Armenia có cô-nhăc, dân Uzbekistan nổi tiếng với món cơm chiên (plov) và bánh mì dẹt (tandoor), với người Ukraine là mỡ muối (salo) cùng nước quả trái cây khô (uzvar), còn người Nga là vodka và bánh mì lễ (karavai)... 

Chẳng có lời phàn nàn đặc biệt nào về borscht (Борщ - xúp củ cải đỏ), một món ăn phổ biến từ thời cổ đại, bằng cách nào đó đã không rơi vào bất kỳ sự phụ thuộc nào. Có lẽ vì vậy mà gần đây nó bất ngờ trở thành một “vũ khí chiến lược”, được sử dụng như một “công cụ tuyên truyền”, theo một bình luận của BBC.

Ảnh: freepik.com

Trận chiến âm ỉ từ lâu được khơi lại sau khi diễn viên hài, blogger người Nga Andrei Bocharov đăng lên trang Facebook của mình ảnh một đĩa borscht với chú thích: “Sau sân băng, borscht của Nga thật tuyệt”. Ngay lập tức dưới bài đăng nổ ra khẩu chiến với gần 5.000 bình luận; một số người phản bác rằng món xúp này là của Ukraine, những người khác lại khẳng định xuất xứ nguyên thủy nó là của Nga. Dưới mỗi bình luận, Bocharov đều đáp bằng hashtag: “#БорщРусский” (Borsch của người Nga).

Trong khi những ủng hộ viên Ukraine khẳng định “Борщ” không thể là của Nga, “người Nga chỉ có “щи” (schi - xúp bắp cải) và лапти (dép gỗ), còn lại đều là ăn cắp”, thì phía Nga khăng khăng xúp củ cải đỏ đích thực là di sản Nga. Họ còn chế nhạo khi so sánh phản ứng của người Ukraine trong vụ “tranh chấp chủ quyền” xúp này với việc Nga sáp nhập Crimea. Các bình luận viên này mỉa mai: “Tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị triệu tập phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an LHQ về việc Nga thôn tính món xúp borscht...”. Những bình luận viên khác còn tiến xa hơn: Chẳng bao lâu nữa thay cho “Crimea của ai?” sẽ cần phải hỏi “Borscht của ai?” và trêu chọc: “Chúng ta đã thảo luận về borscht. Giờ phải giải quyết vụ mỡ muối (mà ai cũng biết mỡ muối - salo - vốn là đặc sản Ukraine)”.

Trận chiến và... quan sát viên quốc tế

Thực ra, cuộc tranh cãi về “chủ quyền” món xúp củ cải đã kéo dài mấy năm qua. Kể từ năm 2019, tranh cãi trở nên gay go hơn, thậm chí chiếm một thời lượng phát sóng đáng kể trên các kênh truyền hình Ukraine. Kênh “1 + 1” còn phát một số chương trình theo dõi mức độ phổ biến của flashmob “Borscht là của chúng ta”. Phong trào flashmob này được bà Inna Demchenko (Ukraine) phát động, sau khi gặp lon xúp borscht trong một cửa hàng ở Slovenia với nhãn ghi “xúp Nga”. Sau đó, một số ấn phẩm nước ngoài (The Washington Post, The Times, Atlantic Council) cũng hưởng ứng, viết rằng một “vụ bê bối ẩm thực” đang nổ ra giữa Ukraine và Nga.

The Washington Post cho rằng hành động của Matxcơva trong vấn đề này “được gây ra bởi ấn tượng rộng rãi bên ngoài Ukraine rằng borscht là một món ăn của Nga”. The New York Times đăng bài với tiêu đề “Một mặt trận mới đang mở ra trong cuộc xung đột Nga-Ukraine: borscht”. Bài báo viết, người Ukraine đang bối rối không hiểu tại sao món xúp này được thế giới coi là “món ăn quốc gia của kẻ thù không đội trời chung. Người Ukraine thấy rằng Matxcơva, ngoài việc can thiệp quân sự, đang cố gắng chiếm đoạt toàn bộ di sản văn hóa của thế giới Đông Slav về các vấn đề như vai trò lãnh đạo trong Giáo hội Chính thống và các yêu sách lịch sử đối với Crimea”. Báo chí Mỹ so sánh câu chuyện này với cuộc đấu tranh giành “chủ quyền” món hummus vốn đã diễn ra lâu nay giữa những người yêu nước Israel, Palestine và Lebanon.

Các ấn phẩm này dẫn lời chuyên gia ẩm thực nổi tiếng người Ukraine Yevgeny Klopotenko vào tháng 10-2020 yêu cầu UNESCO đưa món ăn này của Ukraine vào di sản văn hóa phi vật thể. “Chúng tôi không chỉ tuyên bố rằng borscht là của Ukraine. Chúng tôi còn chống lại Nga cùng những tuyên truyền của nước này, và thế giới ủng hộ chúng tôi”. Sau tuyên bố của Klopotenko, Chính phủ Ukraine thông báo đang chuẩn bị hồ sơ để đưa borscht vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Ukraine. Bộ trưởng Văn hóa Alexander Tkachenko nói “truyền thống là một thành phần quan trọng của đối thoại văn hóa giữa các thế hệ”.

Hãng tin Anh BBC bình luận: “Đối với người Ukraine, những người coi borscht là món ăn quốc gia của họ”, diễn biến hiện nay “giống như tuyên truyền thời chiến, đặc biệt là khi Crimea bị chiếm đóng và xung đột lãnh thổ ở miền đông Ukraine vẫn chưa lắng xuống kể từ năm 2014”. Một bài báo về chủ đề này trên The Times ngày 13-10 cũng có tựa “máu lửa” không kém: “Rút dao trong cuộc chiến giành borscht”.

Vậy borscht thật sự của ai?

Vụ tranh giành chủ quyền món xúp borscht đã chia xã hội, bao gồm cả các chuyên gia ẩm thực, thành hai phe. Tuy nhiên, ở cả hai phía đều có những đầu bếp hoặc sử gia tin rằng việc gán một món ăn đa văn hóa phổ biến cho một dân tộc là không phù hợp. “Thành thật mà nói, borscht là một món ăn dân tộc của người Slav: nó là của Nga và Ukraine. Nguồn gốc là như nhau, nhưng chính trị đã can thiệp” - đầu bếp Anton Aleshin ở Matxcơva nói trên báo Mỹ.

 

 

Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ cũng nhận định: “Borscht là món ăn quốc gia của nhiều nước, bao gồm Nga, Belarus, Ukraine, Ba Lan, Romania, Moldova và Lithuania”. Nhà khoa học chính trị Nga Alexander Zimovsky, trả lời trên tờ báo mạng Nga Báo Chí Tự Do, đúc kết: Borscht là một món ăn mang tính quốc tế. Cụ thể là: “Củ cải mọc ở đâu, borscht được nấu ở đó, loại củ tạo cho borscht một sức hấp dẫn đặc biệt, kể cả màu sắc đậm đà của nó... Borscht được yêu thích ở Ukraine, Nga và Belarus, là món ăn của người Slav, chỉ khác về công thức nấu. Ví dụ, ở Belarus người ta không thêm bắp cải vào borscht, còn củ cải đường được luộc trước. Ở Đức, để nấu nước dùng người ta sử dụng rutabaga - một loại cải củ phía bắc trông giống như củ cải đường, nhưng màu nhạt hơn, có pha chút tím. Borscht cũng được người Ba Lan, Lithuania, Romania, Moldova chế biến - ở các nước này tên của món ăn cũng tương tự nhau, có cùng một gốc: barshch, barshchiai, borscht”.

Nhưng một số nhà sử học và chuyên gia ẩm thực Ukraine vẫn khẳng định rằng món ăn này nguyên thủy là của Ukraine, bởi vì “Nga không tồn tại vào thời đó”, cho rằng món borscht Ukraine được chế biến trước khi Đế chế Nga ra đời. Người Nga sử dụng một lập luận tương tự, cho rằng đơn giản là “không có Ukraine nào như vậy” vào thời điểm món ăn này được chế biến đầu tiên. Tham gia cuộc tranh cãi, tờ Báo Chí Tự Do viện dẫn nguồn gốc ngôn ngữ: sao không ai thử tìm nguồn gốc từ borscht, xem nó xuất phát từ đâu? Tờ này viết: “Trở lại thế kỷ 16, trong cuốn sách “Domostroy” đã kể về món borscht được nấu từ loại lá cây mang tên hogweed. Theo thời gian, họ bắt đầu thêm vào đó ngọn củ cải đường, và nếu có thể, cả thịt. Trong Từ điển tiếng Nga vĩ đại, Vladimir Dahl viết: “BORSCH: Món ăn từ củ cải đường lên men; một loại xúp bắp cải với thịt heo, hoặc thịt bò, hoặc với mỡ muối...””.

 

Nguyên liệu làm borscht.

Chuyên gia ẩm thực nổi tiếng ở Matxcơva Stanislav Komarov cho biết borscht có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm công thức chế biến: “Nó được nấu khác nhau ở các nước khác nhau nên khó nói về nguồn gốc xuất xứ”. Bậc thầy về ẩm thực quốc gia Liên Xô rồi Nga Vilm Pokhlebkin trong cuốn sách nấu ăn Món ăn quốc gia của các dân tộc chúng ta đã liệt kê các loại borscht, chỉ riêng ở Ukraine thôi đã gồm: “borscht bình dân của Ukraine”, “borscht quốc gia Ukraine”, “borscht Kiev”, “borscht Poltava”, “borscht Chernigov”, và “borscht Lviv”. Nói chung, có đủ loại borscht cho mọi sở thích.

Thế giới từng biết đến cuộc tranh chấp thương hiệu vodka mà Ba Lan đã thua trước Tòa án Trọng tài quốc tế, khi thức uống này được chứng minh là ưu tiên của Nga. Dẫu vậy, vodka tiếp tục được coi là thức uống quốc dân ở nhiều nước và các nước này cũng đã sản xuất nó thành công. Người Nga chỉ còn lại một thương hiệu kinh doanh cung ứng cho thị trường 40 độ. Còn borscht không phải hàng nhập khẩu, nên có lẽ tranh chấp cũng chẳng để làm gì. Chẳng khác nào Hungary sẽ bắt đầu “chiến” vì món bánh goulash nổi tiếng của mình, vốn cũng được một số nước khác xem là món ăn của họ, bao gồm cả các vùng phía tây của Ukraine. Tuy nhiên, luận cứ của người Ukraine, qua lời chuyên gia ẩm thực Kiev Yevgeny Klopotenko là: “Borscht cần được bảo vệ. Vấn đề không phải là về thực phẩm, mà là về bản sắc dân tộc. Người Ukraine rất khác nhau, nhưng chúng tôi gắn bó với nhau bằng tình yêu dành cho borscht. Hãy cho thế giới biết borscht thuộc về ai”.

Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine tìm cách đưa borscht vào danh sách di sản phi vật thể - họ đã làm điều đó năm 2018. Nhưng để “tiến cử” borscht cho UNESCO, trước tiên cần đưa được nó vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Ukraine, chỉ sau đó mới có thể đăng ký với cấp độ thế giới (và ở đây, việc xem xét mất một năm rưỡi).■

Trong sách của Sergei Drukovtsev Ghi chép nấu ăn, xuất bản năm 1779 tại St. Petersburg, có công thức sau: “Lấy các loại rễ củ, mùi tây, cần tây, hành tây, cà rốt, cải củ, củ cải đường, bắp cải tươi, tất cả đều nhau, bỏ vỏ, cho vào nước dùng màu đỏ, thêm vào thịt các loại: thịt bò, thịt bê, thịt cừu không có mỡ, cắt miếng nhỏ, một nắm hạt tiêu, nấu đậy nắp nhưng không để quá nhừ, khi tất cả chín mềm, nêm giấm, cho muối theo tỉ lệ, sẽ có món borscht”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận