Bầu cử tổng thống Mỹ: Căn cước cá nhân và cuộc chiến ý thức hệ

SÁNG ÁNH 15/02/2020 00:02 GMT+7

TTCT - Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ bắt đầu vào mùa, và chín tháng trước khi đầu phiếu cả nước là sơ cử của hai đảng lớn, Đảng Cộng hòa đang cầm quyền và Đảng Dân chủ đối lập. Thể thức bỏ phiếu tại Mỹ là một vòng và ai về đầu thì thắng (đa số tương đối), khiến trên chính trường chỉ có hai đảng thực sự tồn tại. Điều kiện lưỡng đảng này khiến Cộng hòa lẫn Dân chủ là hai khối phức tạp, mỗi khối chứa nhiều sắc của dải cầu vồng chính trị.

Ông Bernie Sanders đã trung thành với đường lối của mình 40 năm qua. Ảnh: AP
Ông Bernie Sanders đã trung thành với đường lối của mình 40 năm qua. Ảnh: AP

Đảng Dân chủ năm nay có đến 29 ứng viên tổng thống, phản ánh sự đa dạng trong nội bộ của đảng này. Để so sánh, Anh Quốc cũng đại khái chung một thể thức bầu bán, một vòng bầu cử và đa số tương đối, nhưng cũng chỉ có hai đảng chính là hiện hữu thật sự (Bảo thủ và Lao động), thay phiên nhau cầm quyền. 

Tuy nhiên, vì là một chế độ đại nghị thay vì tổng thống chế, chọn lựa của cử tri Anh là dựa vào chính sách của mỗi đảng hơn là cá nhân nhà lãnh đạo. Họ bầu lên đại biểu quốc hội vận động với một nghị trình cụ thể và các đại biểu của đảng đa số chọn thủ tướng để thực hiện nghị trình đấy.

Căn cước cá nhân

Còn trong tổng thống chế, như tại Hoa Kỳ, ngoài nghị trình và chính sách, cử tri chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi “căn cước cá nhân” của ứng viên. So với các quốc gia Tây phương khác, cử tri Hoa Kỳ ít lựa chọn chính sách mà chọn mặt ứng viên để gửi phiếu.

Thí dụ cụ thể là năm 1960, ông John F. Kennedy đắc cử vì trẻ tuổi, đào hoa (lúc đó vẫn còn được coi là một phẩm chất) và có vợ đẹp, trong khi ông Richard Nixon mặt cau mày có, nếu là người bán xe cũ thì nhìn mặt thôi chẳng ai dám tin tưởng mà mua lại.

Bà Hillary Clinton chẳng hạn, tranh cử với nội dung được nhấn mạnh bà là phụ nữ, trong khi ông Barack Obama tám năm làm tổng thống một phần là nhờ nước da ăn ảnh của ông. Trong ba trường hợp vừa mới kể, ta cứ thử tưởng tượng một Kennedy lớn tuổi răng hô, một Hillary đàn ông hay là một Obama da trắng là hiểu.

Năm 2020 vẫn vậy. Phía Cộng hòa chỉ có sơ cử lấy lệ vì tổng thống đương nhiệm sẽ tranh cử lần thứ nhì. Ông Donald Trump tất nhiên là thắng lớn tại bang Iowa hôm 3-2, hai ứng viên sơ cử Cộng hòa khác ở mức vài ba phần trăm số phiếu để đỡ cảm giác bỏ phiếu lấy lệ.

Phía Dân chủ thì khác hẳn, và về mặt chính trị thì đủ mặt tất cả thành phần của đảng: từ cấp tiến đến trung dung sang bảo thủ. Quan trọng không kém, tất nhiên, là “căn cước cá nhân”.

Lần này có người trẻ và đồng tính (ông Pete Buttigieg), phụ nữ rất lắm, cũng như da màu, cả vừa phụ nữ vừa da màu như thượng nghị sĩ Kamala Harris (gốc da đen Mỹ và Ấn Độ) hay Tulsi Gabbard (gốc đảo Thái Bình Dương và theo Ấn giáo), gốc nói tiếng Tây Ban Nha có Julian Castro, châu Á có Andrew Yang (gốc Đài Loan), dáng Kennedy mà lại là ca sĩ nhạc Punk Rock cũng có nốt, là ông Beto O’Rourke.

Sau khi một nhân vật tỉ phú ngành địa ốc được biết đến nhờ dẫn chương trình giải trí trên truyền hình mà trở thành tổng thống năm 2016 thì phía Dân chủ cũng có một nắm ứng viên trước giờ chưa hề làm chính trị hay giữ chức vụ nào dân cử, như doanh gia Yang, tỉ phú Tom Steyer, tác giả Mariane Williamson, tỉ phú Michael Bloomberg… Điểm duy nhất tương đồng giữa 29 nhân vật này là làm sao đánh bại được ông Trump.

Khi bầu cử sơ bộ các bang bắt đầu, số 29 còn lại 11 (tuy trên lá phiếu của bang này bang nọ vẫn còn có thể bầu cho họ như tại California tháng 3 tới). Thể thức sơ cử rất phức tạp và tùy theo bang. Nói chung là hình thức gián tiếp: cử tri bầu cho một ứng viên và theo số phiếu ông/bà này được chia cho một số đại biểu để đi dự hội nghị quốc gia Đảng Dân chủ (từ ngày 12 tới 16-7 tại bang Wisconsin).

Con số đại biểu này tùy thuộc vào dân số mỗi tiểu bang và kết quả của ba kỳ bầu cử trước! Công thức để phân chia đại biểu của Đảng Dân chủ như sau: “A= ½ {SDV 2008+SDV 2012+SDV 2016+SEV / TDV 2008+TDV 2012+TDV 2016+ 538}”.

Riêng phần giải thích cách áp dụng công thức này dài 165 trang, đọc xong “hiểu chết liền”! Con số đại biểu đại diện cho ứng viên này lại chỉ là… 85% của tổng số. Tại đại hội đảng toàn quốc, các đại biểu được bầu lên sẽ bỏ phiếu cùng các “siêu đại biểu” của đảng (khoảng 15% tổng số) để chỉ định ứng viên tổng thống chính thức.

Các siêu đại biểu này muốn bỏ cho ai thì bỏ. Vẫn chưa xong: 85% đại biểu được chọn qua bầu cử sơ bộ có thể “lật kèo” vào phút chót (dù hiếm gặp). Đó là trường hợp “đảo chánh” tại đại hội toàn quốc, để vời ai đó thậm chí không qua vòng sơ bộ - như nghị sĩ John Kerry hay bà Clinton - ra “cứu đảng”.

Nhưng ngay lúc này, rắc rối đã bao phủ cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở bang Iowa. Cuộc sơ cử sau bảy ngày vẫn chưa có kết quả chắc chắn và có thể phải đếm phiếu lại. Tạm thời ông Buttigieg về nhất với 26,2% số phiếu (đã điều chỉnh theo công thức, sẽ được quy ra số đại biểu tương đương dự đại hội đảng là 14). Ông Bernie Sanders về nhì với 26,1% (12).

Năm 2016, ông Sanders cũng về nhì sát nút sau bà Clinton, nhưng khi đó Đảng Dân chủ chỉ công bố số đại biểu tương đương chứ không công bố số phiếu trực tiếp của cử tri. Sau khi ông Sanders đòi thay đổi, năm nay Đảng Dân chủ công bố số phiếu của cử tri trực tiếp của từng người. Về mặt số phiếu phổ thông, ông Sanders về nhất với 26,5% và ông Buttigieg là 25,1%, nhưng áp công thức vào thì lại ra như trên!

Trung dung hay cấp tiến

Việc ai thắng tại bang be bé Iowa là quan trọng không chỉ bởi số phiếu mà còn vì đó là cuộc sơ cử đầu tiên, được coi là chỉ dấu dự đoán kết quả tối hậu. Sau sơ cử tại bang New Hampshire ngày 11-2 sẽ là các bang Nevada (22-2) và South Carolina (29-2), cũng có tính dự báo quan trọng, vì nếu Iowa và New Hampshire toàn là cử tri da trắng thì Nevada nhiều cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, và South Carolina nhiều cử tri da đen.

Ai dẫn đầu bốn bang này được coi là sẽ tạo bước đệm khó cản cho ngày “siêu thứ ba” (3-3-2020) - ngày sơ cử của đồng thời 17 bang, trong đó có hai bang lớn nhất nước là California (tổng cộng 412 đại biểu) và Texas (224), so với Iowa (40). Một ứng viên Dân chủ nghe đâu nhiều triển vọng là tỉ phú Bloomberg (cựu thị trưởng thành phố New York) có thể chơi sang, bỏ qua bốn bang đầu để tập trung vào 17 bang của ngày “siêu thứ ba”.

Còn hiện giờ, “ngựa ô” là Buttigieg, 38 tuổi và cựu thị trưởng thị trấn South Bend (100.000 dân) thuộc bang Indiana. Ông đã thắng ở Iowa và có thể về nhì tại New Hampshire sau ông Sanders. Đây là hai bang da trắng và Buttigieg không được sự ủng hộ của thành phần thiểu số.

Ngược lại, ông được sự ủng hộ của thành phần trung dung trong đảng, coi ông như một giải pháp “Obama bis”, giữ cho đảng khỏi bị cấu xé bởi hai thành phần quá cấp tiến và bảo thủ. Đây không phải là vấn đề mới của Đảng Dân chủ, tuy nó đang dần trở thành một vấn đề sống còn. Đã đánh mất “căn cước” trong thập niên 1990, Đảng Dân chủ tìm ra được một Bill Clinton trám lỗ hổng bằng cách ăn hay nói tốt và không làm gì hết. Sau đó, ông Obama chỉ là một khẩu hiệu cũng cầm được qua canh.

Nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi là đường lối của đảng thì phải tìm ra những khuôn mặt mới, và ông Buttigieg hội đủ điều kiện tươi mát này. Ta thấy tiến trình từ thống đốc trẻ của bang khỉ ho cò gáy Arkansas Clinton, rồi thượng nghị sĩ da màu Obama, giờ sang thị trưởng 38 tuổi đồng tính thị trấn quê mùa là hoàn toàn hợp lý cho một guồng máy xọc xạch.

Guồng máy này thực chất vẫn ủng hộ chính trị gia kỳ cựu Joe Biden, nhưng ông cựu phó tổng thống chỉ được cái lão làng và vẫn còn sự tin cậy của cử tri da đen (90% người da đen bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ). Ông Biden thường xuyên dẫn đầu các thăm dò toàn quốc, nhưng ở Iowa ông chỉ về hạng tư. Ông cũng sẽ thua tại New Hampshire, và nếu bại nốt ở Nevada và South Carolina thì coi như “xong phim”.

Nếu nói về chính sách, Đảng Dân chủ chỉ có lựa chọn là ra vẻ đổi mới, nhưng thực chất là giữ nguyên trạng. Ông Biden và ông Buttigieg đều là kiểu giữa dòng. Thành phần cấp tiến là bà nghị sĩ Elizabeth Warren.

Bầu cử 2016, bà từng thương thuyết và đặt điều kiện với bà Clinton về chính sách cũng như nhân sự để không ra sơ cử. Cũng hồi đó, ông Sanders từng đề nghị bà Warren ra tranh cử và ủng hộ bà chống bà Clinton.

Chỉ khi bà Warren không chấp thuận thì ông mới ra ứng cử và tạo được ngạc nhiên vì 2016 ông chỉ là một thượng nghị sĩ đơn thương và độc lập, gàn dở từ 30 năm nay. Việc ông suýt thắng bà Clinton là một biến đổi lớn, cho thấy tại Hoa Kỳ hiện nay có một phong trào tiến bộ tự phát từ quần chúng rất mạnh mẽ. Việc này được kiểm chứng bởi bầu cử 2018, khi ba nữ ứng viên tự xưng là “Dân chủ xã hội” thắng cử vào Quốc hội.

Ông Sanders là người lớn tuổi nhất trong các ứng viên tổng thống, nhưng ông cũng là người được giới trẻ ủng hộ nhiều nhất. Chiều hướng cấp tiến của ông nằm ngoài guồng máy đảng. Cá nhân ông cũng vậy. Sau bầu cử 2016, ông tiếp tục ghi danh là nghị sĩ độc lập tại Thượng viện.

Các ủy ban tranh cử và vận động của ông cũng nằm ngoài guồng máy của phe Dân chủ, nên nếu ông Sanders thắng sơ cử và thắng cử tổng thống, ông sẽ là người kiểm soát bộ máy của đảng, chứ không phải ngược lại như xưa nay.

Còn nếu phe Dân chủ thua bầu cử tổng thống thì khả năng cao là sự phân hóa trong nội bộ sẽ càng lớn, và một Đảng Dân chủ xã hội sẽ ra đời. Như vậy, kẻ thù trước mắt của guồng máy Đảng Dân chủ chính là ông Sanders. Nếu các ứng viên trung dung và bảo thủ của đảng không được cử tri ủng hộ thì bà Warren là giải pháp cấp tiến nhất mà bộ máy có thể chấp nhận.

Nhưng ngoài các chính trị gia cổ điển, năm 2020 có một hiện tượng mới ở phía Dân chủ như 2016 bên Cộng hòa có hiện tượng Trump. Đó là hai tỉ phú Bloomberg và Steyer. Ông Steyer, từ vô danh trên chính trường, đã đạt được một vị thế đáng kể - khoảng 3% phiếu toàn quốc theo thăm dò dư luận - nhờ bỏ tiền túi ra vận động.

Hai ông tỉ phú này mỗi ông đã tiêu 200 triệu đôla (cho đến 31-12-2019), trong khi Sanders là 85 triệu, Buttigieg 62 triệu, và Warren 68 triệu. Ông Sanders dẫn đầu về số cá nhân ủng hộ, theo sau là bà Warren. Họ không nhận tiền ủng hộ từ các thế lực kinh tài như các ứng viên khác, trung bình mỗi món tiền ủng hộ Sanders là 18 đôla.

Trong khi đó, ông Bloomberg chỉ có một người tài trợ là chính ông (99,88% quỹ bầu cử, Steyer là 95,58%). Không hiểu ông Steyer dài hơi đến đâu vì tài sản của ông “chỉ có” 1,6 tỉ đôla. Tài sản của ông Bloomberg đâu đó 60 tỉ đôla, với mức lợi tức khoảng 2 tỉ đôla mỗi năm.

Ông Bloomberg hứa sẽ bỏ 1-2 tỉ đôla để vận động tranh cử. Nếu ông không thắng sơ cử thì vẫn nhịn ăn sáu tháng để ủng hộ ứng cử viên Dân chủ khác đánh bại ông Trump!

Hiện ông Bloomberg mới làm cho tổng thống bực, vì ông giàu hơn ông Trump nhiều. Tài sản của ông Trump là do thừa kế và được ước là 3-4 tỉ đôla (ông Trump tự nhận là 10 tỉ). “Nghèo” hơn, ông Trump lại hơn ông Bloomberg là về… chiều cao và ngay lập tức đặt cho địch thủ biệt danh “Mini Mike”, rêu rao là khi tranh luận trên truyền hình ông Bloomberg hẳn sẽ phải đứng trên một cái thùng gỗ.

Ông Bloomberg (1,73m) bèn gọi ông Trump là mập phì (Trump cao 1,85m, theo đương sự là 1,90m)! Nếu hai ông này tranh cử tổng thống vào tháng 11 thì chuyện chính sách và đường lối chắc sẽ phải nhường chỗ cho chuyện ai lùn ai béo. Chính trường Mỹ là vậy.■

“Căn cước cá nhân” bất lợi nhất có lẽ thuộc về thượng nghị sĩ Sanders. Ông khó coi, lớn tuổi, và ăn nói sỗ sàng. Nhưng ông có một nghị trình rõ ràng và trung thành với đường lối ông đã bảo vệ từ 40 năm nay, trong khi bà Warren chẳng hạn, thuộc vào dạng cấp tiến thức thời.

Ông Sanders cũng là ứng viên có nhiều quần chúng trung kiên tích cực ủng hộ nhất và là người từ 2016 khai phá một lối mới cho tả phái ở Mỹ. Ông là chính trị gia tầm quốc gia đầu tiên tự nhận là “xã hội chủ nghĩa”, điều không người đồng đảng nào dám làm.

Nói tóm lại, về phía Dân chủ, guồng máy cũ vẫn đặt hi vọng ở cựu phó tổng thống Biden. Nếu ông này ngã ngựa, thì những người trung dung như ông Buttigieg hay bà Amy Klobuchar sẽ là tiếp theo.

Đảng phải nhượng bộ nếu quần chúng đòi hỏi bà Warren. Còn ông Sanders là một kiểu cách mạng mà guồng máy đảng muốn tránh. Nếu như thế, guồng máy sẽ quay sang tỉ phú Bloomberg, chí ít vẫn là tỉ phú, chứ không phải “người xã hội chủ nghĩa” như ông Sanders. Vào giờ này, tất cả các khả năng đều bỏ ngỏ.

Trong các thập niên trước Nội chiến Mỹ (1861-1865), Đảng Cộng hòa thành hình và tiêu diệt Đảng Whig khi đảng này phân hóa trước thay đổi kinh tế và vấn đề nô lệ. Vấn đề nô lệ thực ra cũng là một vấn đề kinh tế, mâu thuẫn giữa giới chủ đồn điền và tư bản nhà máy, nếu duy trì chế độ nô lệ thì ai làm công nhân nhà máy đây?

Hiện nay, Đảng Dân chủ (thành lập 1828) có lẽ cũng ở khúc rẽ tương tự và quyết liệt không kém, tiếp tục toàn cầu hóa hay là đóng cửa trong thế bị đe dọa. Đảng Dân chủ sẽ phải chuyển hóa hoặc phân thây hay là tan rã để nhường chỗ cho một nghị trình mới. Kẻ thù số 1 của họ, do đó có lẽ không phải là phe Cộng hòa hay ông Trump, mà là Bernie Sanders?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận