TTCT - “Ma Châu Mộc, độc Châu Mai”, từ xưa câu ấy đã lưu truyền để nói về một vùng đất được coi là rừng thiêng nước độc. Ngay cả Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi lại điều đó khi viết về phủ Hưng Hóa với bao đại ngàn. Theo thời gian, đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn đó những bí ẩn, chẳng hạn những chiếc quan tài cổ trên các đỉnh núi hiểm trở. Bản làng trong thung lũng Suối Bàng - Ảnh: Quốc Việt Sau mấy giờ rền rĩ xe máy từ thị trấn huyện Mộc Châu, Sơn La vượt đường núi chênh vênh vực sâu Phiên Luông, Hua Phăng, Nà Mường, tôi đến bến Trại, sông Đà. Người lái đò cứng cỏi nhưng chiếc thuyền tam bản quá mục nát, trở nên mong manh trước dòng nước cuốn theo nhiều gỗ rừng do mưa lớn. Cuối cùng thuyền cập bến Lồi, xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu. Lại gần hai giờ đi bộ vật vã với những dốc cao đại ngàn. Bí ẩn mường trời Bản làng heo hút trong thung lũng dọc con suối đá được dân địa phương gọi là thung lũng Suối Bàng. Khó ai nghĩ đây là vùng đất cổ. Chính những hang động trên đỉnh núi và các quan tài bí ẩn treo hàng trăm năm ở đó như muốn nói rằng thung lũng từng có nhiều thế hệ cư dân sinh sống và gửi lại nắm xương tàn. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép rằng Châu Mộc bao gồm thung lũng Suối Bàng vào đời Trần thuộc đạo Đà Giang. Thời giặc Minh xâm lược nước ta, nó là đất huyện Tứ Mang và huyện Mông, đầu đời Lê được đặt tên là Mộc Châu. Bốn mặt đều là núi, địa thế hiểm trở. Núi Pha Lung ở động Mộc Thượng rất cao. Động Túc Mực có nguồn nước chảy ngược, hợp lưu với nhiều suối nguồn khác ở Việt Châu, qua khe Phong đổ vào sông Đà. Người dân ở đây nhanh nhẹn, săn bắn giỏi. Họ Xa nối đời làm phụ đạo. Tương truyền tổ tiên họ Xa là con thứ của quốc trưởng Ai Lao (tức Lào ngày nay), được cha ban đất để ăn lộc nhưng không nhận, xin tự đi tìm đất để sinh sống. Khi đi qua sông Nậu, người con lấy cục đá cầu khấn trời rằng: “Đi tìm khắp núi sông, hễ thấy chỗ nào đá có thể nói được sẽ ở chỗ ấy”. Khi đến đất Mộc Châu, người ấy dừng chân, lập nghiệp. Dân Suối Bàng hôm nay tin rằng thung lũng mình ở là vùng đất thiêng. Theo họ lý giải, núi rừng Tây Bắc bạt ngàn tại sao người xưa lại chọn các ngọn núi bao quanh thung lũng này để tập trung huyền táng? Phải chăng đây là đất thiêng để thân xác người chết có thể an nghỉ và linh hồn bay về mường trời? Buổi tối lạnh lẽo, già bản Mùi Văn Khương, 72 tuổi, nguyên chủ tịch xã Suối Bàng, ngồi uống rượu ngô với tiết dê tươi, ề à chuyện xưa bên bếp lửa. Tổ tiên già Khương truyền rằng nhiều đời người Thái đã săn bắn ở thung lũng có nhiều hang ma này. Họ tin đó chính là chủ nhân những chiếc quan tài treo bí ẩn và không ai được phép xâm phạm những hang động đó. Các thợ săn vô tình phạm nơi người xưa yên nghỉ, sau bị thú rừng tấn công hay bệnh tật chết đều được cho rằng do ma lang trên đỉnh núi hại. Già Khương tự hào từng là thợ săn giỏi, đôi chân đã vượt qua bao rừng núi Sơn La, nhưng vẫn chưa thấy nơi nào nhiều hổ như trong thung lũng Suối Bàng. Mùa đông năm 1974, súng kíp trong tay ông đã hạ gục hai con cọp định vồ trâu bản. Nhưng một bạn săn khác đã thúc thủ, nắm xương tàn bị cọp bỏ lại dưới nấm mồ đầu thung lũng. “Chính mắt tôi nhiều lần thấy cọp nằm trước những hang động có quan tài treo như để canh chừng. Tôi định bóp cò nhưng không dám. Rừng núi linh thiêng có những bí ẩn mà mình không hiểu nổi” - già Khương kể và cho rằng chúa sơn lâm chỉ ở núi rừng kỳ vĩ, linh thiêng. Quan tài cổ trên vách núi sông Đà - Ảnh: Quốc Việt Lên đỉnh núi ma Sáng hôm sau, biết tôi có ý định leo núi tìm hiểu hang động có quan tài cổ, chủ tịch xã Mùi Văn Mếu thận trọng săm soi mãi thẻ nhà báo của tôi. Ông nói: “Nhiều kẻ tham lam cổ vật đã sục sạo núi thiêng...”. Tuy nhiên, sau đó đích thân ông dẫn tôi đi và tìm thêm vài trai bản khỏe mạnh hỗ trợ. Trời xám xịt báo hiệu mưa dông. Đường mòn lên núi dài loằng ngoằng, khó đi với những đoạn dốc 70-80 độ. Tôi phải bám vào rễ cây, rìa đá để trèo lên. Mưa bắt đầu trút nước. Chúng tôi cố leo thêm đoạn nữa để xem “bụng ông trời” thế nào, nhưng cuối cùng phải lùi bước. Đêm thứ hai, tôi nghỉ ở nhà người dẫn đường Mùi Văn Khâm. Sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc đã thấy anh nai nịt dao rừng thắt lưng. Sau trận mưa đêm, đường núi trơn trượt. Những gốc cây rừng bị người đi hái măng phạt xéo gốc nhọn như chông để mở đường trở thành hiểm họa nếu bị té ngã. Sau mấy giờ vật vã trèo đường núi, chúng tôi thấy cổng hang dần hiện ra dưới tán cây rừng. Khâm lẩm bẩm xin thần núi rừng cho vào hang. Dưới màn trời xám xịt, lạnh lẽo, những quan tài cổ có hình thù như chiếc thuyền gỗ nằm im lìm trong hang. Một số đã bị mục, nhiều chiếc vẫn còn gần như nguyên vẹn. Dấu tích người đời sau vào hang vẫn còn lộ rõ dù Khâm quả quyết chẳng có người thung lũng Suối Bàng nào dám động đến các quan tài treo bí ẩn này. Theo anh, đó là dấu vết của các tay săn cổ vật. Trần hang cao khoảng đầu người. Trong hang có nhiều ngách thông lên trên và đặc biệt có một lỗ thăm thẳm xuống chân núi mà chưa ai biết được điểm cuối của nó. Ngoài những chiếc quan tài dài khoảng 2m, ngang 0,5m, còn có quan tài nhỏ cỡ trẻ em. Đa số đặt ngay trên nền hang, đầu quay về hướng cửa, nhưng có chiếc lại gác lên chạng gỗ. Bên trong một chiếc quan tài đã bị mở nắp không biết từ bao giờ, hầu như xương cốt đã biến mất, chỉ còn ít mẩu vụn lẫn trong lá mục. Theo người địa phương, gỗ quan tài là cây đinh thối quý hiếm, có thớ dọc bền cứng nhưng nặng mùi khó chịu. Phải chăng người xưa chủ ý dùng loại gỗ này để xua đuổi thú dữ và làm nản lòng kẻ muốn mạo phạm? Bề ngoài quan tài rất lớn, nhưng bên trong được đẽo gọt chỉ vừa thân người. Khâm kể: “Từ đời cụ cố tôi đã không biết các quan tài treo này có từ khi nào. Đến giờ cũng vẫn chưa rõ chủ nhân chúng là ai”. Khâm nhớ hồi trước có thầy Ưng vào dạy học ở thung lũng Suối Bàng. Một hôm, Ưng tìm ra hang ma, nghịch ngợm đem xuống núi một chiếc sọ người. Ít hôm sau, anh bị bệnh tâm thần rồi bỏ đi lang thang đâu mất. Từ đó dân bản không còn ai tò mò nơi này nữa. Chiếc sọ người và tờ bạc cúng của khách thương hồ trong lòng quan tài - Ảnh: Quốc Việt Bí ẩn trên vách núi sông Đà Rời hang động Suối Bàng, tôi quay lại với sông Đà. Ngày xưa, đây là thủy lộ huyết mạch để ngược xuôi đại ngàn Tây Bắc. Tại bến đò Lồi, vợ chồng người lái đò ngồi tư lự ngắm nhìn bóng núi đổ dài xuống mặt sông. Nghe tôi muốn tìm kiếm các hang ma dọc bờ sông này, người chồng hào hứng: “Có nhiều lắm. Cả những hang đã có dấu chân người lẫn những cái vẫn hoang vu, chưa ai biết đến...”. Ngoài dân thương hồ, kẻ phá sơn lâm và những tay săn tìm cổ vật, còn có cả bọn buôn ma túy lợi dụng thủy lộ hoang vu này. Người lái đò rà máy thuyền chậm lại. Trên những vách đá thẳng đứng cao hàng trăm mét có nhiều hang động nhưng địa thế cực kỳ hiểm trở. Không hiểu người xưa đã lên những hang đó như thế nào? Người lái đò dừng thuyền chỉ cho chúng tôi một cửa hang lộ ra ở vách núi đá ngay sát bờ sông ở huyện Mộc Châu, Sơn La. Anh ta nói: “Quan tài cổ đang nằm ngay miệng hang đó”. Nhìn từ xa, tôi chỉ thấy như một khúc gỗ nằm ngang miệng hang. Nước sông Đà vẫn còn khá thấp bởi mực nước cao nhất hằn trên vách đá phải cách trên con thuyền của chúng tôi đến 4-5m. Nếu từ sông Đà trèo lên hang vào đúng thời điểm nước dâng cao thì dễ dàng hơn nhưng cũng không có cách nào khác! Từ mặt sông lên hang không cao lắm, nhưng vách núi cheo leo khó trèo. Đến lúc người vã mồ hôi như tắm giữa chiều lạnh, tôi chạm đến cửa hang. So với thung lũng Suối Bàng, hang động trên vách núi sông Đà có nhiều nét giống nhau. Kiểu quan tài cũng làm bằng hai nửa thân gỗ đinh thối khoét rỗng trông như hình thuyền úp vào nhau, hai đầu có những thanh chốt và lỗ mộng được đục đẽo tinh xảo cong vuốt lên như mũi thuyền độc mộc thường thấy trên thượng nguồn sông Đà. Khi hai phần quan tài úp lại, gỗ chốt và khe mộng này gắn khít vào nhau để quan tài không bị bật ra. Tất cả đều được đặt gần cửa hang, theo chiều gần như song song với dòng sông bên dưới. Trong lịch sử, vùng đất hoang vu, ít người này từng xảy ra nhiều cuộc giao chiến giữa các châu đạo, thổ tù. Sông Đà cũng chính là thủy đạo mà Lê Thái Tổ đã thân chinh cầm quân đi tiễu trừ giặc loạn. Hai bài thơ ông cảm khái đề tạc trên vách núi sông Đà đến nay vẫn còn: “Gập ghềnh hiểm hóc chẳng từ nan/ Già vẫn nguyên còn sắt đá gan/ Hào khí nghìn mù đều sạch quét/ Tráng tâm muôn núi cũng bằng san/ Biên phòng tất khéo mưu phương lược/ Xã tắc nên trù kế cửu an/ Ghềnh thác ba trăm đừng nói nữa/ Như nay dòng thuận chỉ xuôi nhàn”. Trên đường hành quân xưa ngược sông Đà, nhiều tráng binh của Lê Thái Tổ đã bỏ mạng vì giao chiến và bệnh tật ở chốn rừng thiêng nước độc. Thân xác họ gửi nơi nào? Biết đâu có thể đó là những tiền nhân đang yên giấc ngàn thu trong hang động bên bờ sông này? Những chiếc quan tài gỗ ở vách núi sông Đà này còn cũ mục hơn nữa dưới dòng chảy thời gian. Chẳng biết có bao người lái đò sông Đà từng xuôi ngược qua hang đã thắp nén nhang, khấn vái hương hồn người xưa... Truyền tích bộ tộc ăn thịt người Già làng Mùi Văn Khương dù một thời là thợ săn có đôi mắt sáng như chim ưng, đôi chân leo núi dẻo dai như hổ báo, vẫn cho rằng mình cũng chưa biết hết các hang động có quan tài treo bí ẩn ở núi rừng Mộc Châu. “Nhiều lắm. Riêng ở xã Suối Bàng có cả chục hang ma. Nhiều khi nhìn thấy ngoài cửa hang có quan tài tôi cũng chẳng dám vào” - ông nói. Trên các ngọn núi Nà Lồi, Lang Chánh, Khoang Tuống, Suối Bàng, Đá Nẻ, Tạm Háo, nhiều hang động có đến hàng chục quan tài được gác xếp lớp lên nhau, hang ít nhất cũng có mươi cái chèn kín cả cửa. Người dân tộc thời nay giỏi đi rừng, leo núi cũng không hiểu người xưa chuyển quan tài gỗ nặng hàng trăm ký lên núi cao rậm rạp rừng nguyên sinh bằng cách nào, phải chăng họ cõng thi thể người lên núi rồi mới hạ cây, đẽo quan tài tại chỗ? Truyền tích mở đất của người Thái ở thung lũng Suối Bàng kể rằng khi xưa người Xá cổ (có thể là người Khơ Mú bây giờ) đã thi bắn tên với người Thái để xem ai là chủ nhân vùng đất linh thiêng này. Người Xá to khỏe, cậy sức bắn tên đồng lên núi cao. Người Thái mưu mẹo gắn sáp ong vào đầu mũi tên và cũng bắn lên núi. Cuối cùng, chỉ có tên sáp của người Thái dính trên vách núi cao. Còn tên đồng người Xá bị bật vào đá rơi xuống chân núi nên đành chịu thua. Họ rời Suối Bàng, lên núi cao ở, đến khi chết cũng phải chôn cất thi hài trong hang núi. Lại có truyền tích kể rằng một chàng trai cõng mẹ đến đất này, được người tại chỗ giúp dựng nhà, chàng bối rối nói không có thịt mời. Họ trả lời có mẹ già đó, bắt mà làm thịt! Chàng trai hoảng sợ và phát hiện bộ tộc này ăn thịt người nên không có nghĩa trang. Chàng cõng mẹ lên núi sống, khi bà chết phải chôn giấu trong hang đá. Người đến sau bắt chước lối chôn này để bảo vệ thi hài người thân. Đem theo truyền tích của đại ngàn huyền bí, tôi về Hà Nội gõ cửa hai nhà khảo cổ, nhân chủng học: giáo sư Nguyễn Lân Cường và tiến sĩ Nguyễn Việt. Thật thú vị, cả hai người đều đã leo lên các hang đá, diện kiến tiền nhân trong quan tài treo bí ẩn. Giáo sư Cường cho rằng sử sách thời Chiến Quốc, Trung Hoa đã ghi chép về dân tộc Bặc với huyền táng. Họ cũng làm quan tài nhưng không chôn mà treo trên vách núi cao hướng về phía mặt trời, khó bị người hay thú dữ xâm phạm và tin rằng “đưa quan tài lên vách núi cao là đại cát, đưa quan tài cha mẹ lên cao là con chí hiếu”. Họ tuyển người tài giỏi trèo lên đỉnh núi cao đã chọn rồi thòng dây đu xuống vách núi, đục hang huyệt hoặc lỗ chôn cọc gác quan tài. Sau đó, quan tài được kéo lên huyền táng trên vách núi. Ở VN, ngoài Sơn La, tại vùng núi rừng Thanh Hóa cũng có nhiều hang ma huyền táng. Nhưng người bản địa ngày nay gần như không có chút tư liệu truyền lưu gì kết nối bộ tộc mình với những người được táng trong hang đá. Khi leo lên các hang ma ở Hồi Xuân, Thanh Hóa, tiến sĩ Nguyễn Việt tìm được một số mảnh sành, gốm từ thế kỷ 11-13 thời Lý - Trần. Còn ở Suối Bàng, Mộc Châu, ông không tìm thấy đồ tùy táng gì hé lộ niên đại quan tài treo. Theo ông, cách thiên táng ở hai nơi này đều có đặc điểm chọn hang núi cao hiểm trở và có sông suối bên dưới. Ngoài bảo vệ thi hài, người xưa có lẽ còn tin rằng thiên táng trên cao chính là đường ngắn nhất để linh hồn người chết về mường trời - thiên đàng. Nhưng bí ẩn lớn nhất mà các nhà khảo cổ vẫn chưa giải mã được là những người yên nghỉ trong các quan tài cổ hàng trăm năm trước là ai. Đại ngàn thâm u vẫn đang cất giấu bí mật của mình... Tags: Sông ĐàNgười TháiQuan tài cổBộ tộc ăn thịt ngườiHang động có quan tài cổ
Quốc hội chốt bỏ thủ tục chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo THÀNH CHUNG 27/11/2024 Tại Luật Bảo hiểm y tế mới được thông qua quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Bắt tạm giam nữ cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh vì nhận hối lộ QUANG THẾ 27/11/2024 Bà Nguyễn Thu Nhiễu, cục trưởng Cục Hải quan Hà Nam Ninh, đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ.
Ai ai cũng... khóc với bất động sản: Chờ mua được căn nhà chắc cũng già! ÁI NHÂN 27/11/2024 Khi giá cả bất động sản để ở ngày càng tăng vượt xa thu nhập, giấc mơ an cư của người dân ngày càng xa vời.
Việt Nam là quốc gia duy nhất đánh thuế tiêu thụ với điều hòa, đại biểu lo về 'thời kỳ đồ đá' NGỌC AN 27/11/2024 Chiều 27-11, tại phiên thảo luận ở hội trường về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ quy định mặt hàng điều hòa nhiệt độ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.