Bi kịch của người hùng

ANH NGỌC 15/10/2012 05:10 GMT+7

TTCT - Đối với những người yêu bóng đá (sạch), anh là một người hùng vì đã tố cáo đồng nghiệp tìm cách hối lộ anh 200.000 euro để dàn xếp tỉ số trận đấu. Nhưng đối với bóng đá Ý, anh có thể là kẻ thù của họ.

Phóng to
Simone Farina được chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên dương tại lễ trao Quả bóng vàng FIFA 2011 - Ảnh: FIFA.com

Phong thánh thì có thể, nhưng ngưỡng mộ thì có lẽ không. Simone Farina, cầu thủ một đội hạng hai ở Ý, có lẽ đã rơi vào tình cảnh của Jean-Marc Bosman trước đây. Năm 1995, Bosman đã vô tình tạo ra một cuộc cách mạng với phán quyết mang tên anh, giúp cầu thủ từ một dạng nô lệ với các đội bóng trở thành những triệu phú. Nhưng ngay sau khi tên tuổi được cả thế giới biết đến, Bosman trở thành cầu thủ thất nghiệp, sống vất vưởng bằng trợ cấp xã hội và bị bóng đá lãng quên.

Farina cũng sẽ như thế. Người được báo chí quốc tế đặt cho biệt danh “Mr Clean” (Ngài trong sạch) vừa bị CLB Gubbio mà anh thi đấu suốt mấy mùa qua cắt hợp đồng. Khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức đóng cửa vào ngày 31-8, Farina không nhận được bất cứ đề nghị nào từ những CLB khác. Điều ấy buộc anh phải tuyên bố chấm dứt sự nghiệp ở tuổi 30 và bắt đầu sống bằng số tiền ít ỏi dành dụm trong những năm thi đấu.

Damiano Tommasi, chủ tịch Nghiệp đoàn cầu thủ chuyên nghiệp Ý, đã tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao họ không hiểu rằng sở hữu một cầu thủ như Farina là tăng thêm giá trị đạo đức cho đội bóng?”. Câu trả lời quá đơn giản: thế giới bóng đá phi đạo đức hơn người ta tưởng! Như một đạo luật bất thành văn, kiểu luật im lặng của mafia (omerta), người ta không thể sống chung với một nhân vật bị cho là “đá đổ nồi cơm” của bao người khác!

Tháng 11-2011, Farina đã báo cho cảnh sát sau khi Zamperini, một đồng nghiệp ở đội khác và từng là bạn thân với anh hồi cả hai cùng chơi ở đội trẻ Roma, đề nghị trả anh 200.000 euro để dàn xếp mấy trận đấu ở giải hạng ba của Ý. Zamperini bị bắt, một đường dây dàn xếp cá độ lớn bị phanh phui, Farina trở thành nhân vật được cả thế giới bóng đá biết đến. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã mời anh đến dự lễ trao giải Quả bóng vàng FIFA 2011 và tuyên bố: “Nếu ai cũng làm những điều tốt đẹp như Farina, chúng ta sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn”.

HLV trưởng đội tuyển Ý Cesare Prandelli mời anh đến tập cùng với đội tuyển trong một ngày. Báo chí tung hô anh như một “anh hùng quốc gia”. Những sô truyền hình tới tấp mời anh. Trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, anh xuất hiện một cách bẽn lẽn và nói khiêm tốn: “Tôi chỉ làm những gì mình cho là đúng”. 200.000 euro để dàn xếp trận đấu là khoản rất lớn với một cầu thủ chơi ở hạng dưới của bóng đá Ý.

Đương nhiên Farina cần tiền, gia đình anh không khá giả bởi anh chỉ là một cầu thủ xoàng, dù từng có lần khoác áo đội tuyển thiếu nhi quốc gia nhưng chưa bao giờ phát triển thành một Paolo Maldini mà anh thần tượng, người cũng chơi hậu vệ trái như anh. Bây giờ anh thất nghiệp và cuối tháng 8 rồi anh đã từ chối một lời mời của đội Aston Villa bên Anh khi CLB này muốn anh đến dạy về đạo đức cho các cầu thủ trẻ. Anh thổ lộ: “Tôi chỉ muốn tiếp tục chơi bóng”. Nhưng không đội nào muốn có anh.

Sự im lặng của các đội bóng cho thấy đạo đức và fair-play là một phạm trù xa lạ trong thế giới bóng đá đặt thành tích và lợi nhuận lên trên tất cả. Các ông chủ cần những chiến binh biết đá bóng để thắng bằng mọi giá, và nếu cần có thể phạm pháp để thắng lợi. Đấy là bi kịch của Farina.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận