Biến đổi khí hậu: Sám hối phải đạo

NHIÊN ANH 18/11/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Ô nhiễm không khí, khủng hoảng sinh thái, biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu... Những cảnh báo đấy đã xuất hiện từ rất lâu, và “nóng” hơn nhiều trong khoảng hai thập niên qua. Biểu hiện cụ thể là việc trước khi COVID hoành hành, hầu hết người thành thị đã đeo khẩu trang ra đường và sự xuất hiện của các màn hình điện tử hiển thị chất lượng không khí ở các cửa ngõ thành phố.

Ở nhiều vùng quê, không còn ai dám dùng nước giếng và rất nhiều trẻ con lớn lên không biết đến trải nghiệm tắm sông. 

Rừng nguyên sinh ở Việt Nam hầu như chỉ còn trên giấy và nước lũ bây giờ không còn là ân sủng thường niên thiên nhiên ban tặng cho Đồng bằng sông Mekong, như hàng bao thế kỷ đã từng là vậy.

Ảnh: New Yorker

 

Sự thay đổi ý thức chưa đủ

Chỉ khoảng 20 năm, môi trường tự nhiên của nước Việt Nam thay đổi một cách khủng khiếp vì tác động của biến đổi khí hậu và các thảm họa sinh thái tiềm tàng. 

Nó có buộc Chính phủ và người dân thay đổi về nhận thức và chính sách không? Có.

Sự thay đổi đấy có đủ không? Không.

Nguyên nhân nằm ở cả người dân, doanh nghiệp lẫn chính quyền.

Có cảm giác như lối sống nông thôn vẫn còn in đậm trong cảm thức người Việt Nam, kể cả khi họ là cư dân tinh hoa sống ở những tòa nhà trăm triệu đô. 

Minh chứng cho nhận xét chì chiết này là câu chuyện hai thùng rác khác màu. Vàng cho rác vô cơ, xanh cho rác tái chế. 

Ghi chú này ban đầu xuất hiện ở thùng rác các nhà máy, nơi nó là yêu cầu bắt buộc, sau đấy lan ra các khu vực công cộng và chung cư trung - cao cấp, cũng trên dưới 20 năm có lẻ.

Đến bây giờ, sau chừng ấy năm truyền thông vận động, hầu hết các nhà chứa rác ở chung cư vẫn chỉ là một thùng rác lớn màu xanh. Nó xuất phát từ thói quen thâm căn cố đế của các vị chủ nhà: Tất cả rác dồn hết vào một bịch cho gọn, trước khi tống vào thùng rác công cộng. 

Cũng chính các vị chủ nhà ấy, khi đi siêu thị, luôn tiện tay lấy thêm một ít bao nilông để... về nhà dùng dần.

Các thông điệp 3R (Reduce, Recycle, Reuse: giảm rác thải, tái chế, tái sử dụng) được Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tài trợ ròng rã bao nhiêu năm, nhưng nói nó đem lại bao nhiêu thay đổi về nhận thức thì có thể quay lại hai ví dụ trên.

Với doanh nghiệp, chi phí để đảm bảo môi trường bao giờ cũng là khoản chi được ưu tiên... sau cùng. 

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm sợi, giấy, bột ngọt, xử lý bề mặt... muốn có lời thì phải nằm gần sông, trong rừng hoặc những nơi mà cơ quan phụ trách môi trường không đến được hay không được đến, để họ có thể bỏ qua công đoạn xử lý chất thải độc hại, vốn là nguyên vật liệu chính của quy trình sản xuất.

Chi phí xử lý độc hại này chiếm 20 - 30% chi phí sản xuất tùy ngành, nên với các công ty khởi nghiệp lĩnh vực này, một bí quyết giá rẻ hàng đầu là tìm cho ra địa điểm có thể đổ thẳng chất thải ra tự nhiên, rừng hay sông đều được. 

Một sự thật mà những ai làm trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như người viết đều biết là trong hàng trăm công ty gia công xi mạ bề mặt kim loại, chỉ đếm được trên đầu ngón tay vài công ty nằm ở các khu công nghiệp có khu xử lý nước thải.

Chuyện này không chỉ là gây thiệt hại môi trường, mà trong dài hạn, sẽ còn là thiệt hại kinh tế, khi các đối tác nước ngoài, nhất là ở những nước tiên tiến, sẽ ngày càng đòi hỏi khắt khe với nhà cung cấp về các tiêu chuẩn này. 

Một ví dụ, với Schneider Electric, công ty thiết bị điện hàng đầu thế giới của Pháp, ở Việt Nam chỉ có duy nhất nhà thầu phụ về xi mạ ở Khu công nghiệp Hiệp Phước đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường của họ!

Câu chuyện của Vedan đổ chất xả chưa xử lý ra sông Thị Vải năm 2008 hay sự cố tương đương một thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 chứng tỏ sự thật buồn: Với doanh nghiệp, bất chấp quy mô lớn hay nhỏ, nếu né tránh được các chi phí liên quan đến bảo đảm môi trường, họ sẽ không do dự, kể cả phạm pháp hay hối lộ các cơ quan phụ trách.

Câu chuyện của Chính phủ

Về phần Chính phủ, năng lượng tái tạo có vẻ đã được xác định là xu hướng và động lực phát triển trong tương lai. 

Sự phát triển thần tốc của điện gió, và đặc biệt là điện mặt trời: đạt công suất 8.000 MW chỉ trong 2 năm thay vì 5 năm; hay cam kết của người đứng đầu Chính phủ ở Hội nghị COP26 về tỉ lệ phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, ngang với mốc thời gian của Hàn Quốc và Nhật Bản, cho thấy quyết tâm đó.

Những thông điệp và con số thể hiện tầm nhìn, ý chí và cả sự lãng mạn. 

Việc xây dựng nền kinh tế xanh, cần phải hiểu là áp lực của các nước lớn và các tổ chức tài chính, khi tiêu chuẩn về sản phẩm và điều kiện hợp tác, tài trợ, cho vay... đều đính kèm từ “green” (xanh). 

Các nước đang phát triển không muốn thực hiện cũng không được.

Còn bắt tay vào thực hiện, vấn đề vẫn là tiền. Tất cả những mỹ từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió), thực phẩm hữu cơ, giảm phát thải, chấm dứt điện than... đều phải đánh đổi bằng một cái giá không hề rẻ, với chi phí ban đầu chắc chắn cao hơn rất nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (than đá, dầu mỏ) hay các sản phẩm thông thường không hữu cơ.

Sở dĩ Việt Nam có được kỳ tích phát triển điện mặt trời trong hai năm 2019 - 2020 không gì khác là bởi giá bán điện được Nhà nước bảo hộ ở mức chủ đầu tư luôn có lời cao hơn giá điện sinh hoạt người dân đang phải trả 10 - 20%. 

Hay như điện gió, sản lượng để đạt tới mức chi phí cạnh tranh là khoảng 5.000 MW, tức gần bằng tổng sản lượng điện gió dự kiến đến năm... 2030 theo quy hoạch điện VII. Nghĩa là để có năng lượng tái tạo cho sản xuất hay dân sinh, Nhà nước đang phải bù lỗ.

Tiền đâu để bù lỗ? Đó là những khoản vay nước ngoài có điều kiện. Kết quả là do phát triển năng lượng tái tạo, nợ nần của Chính phủ lại tăng lên. 

Còn lợi ích mang lại, do giảm lượng khí thải CO2, giảm chi phí giải quyết ô nhiễm môi trường, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu... nằm ở thì tương lai, thậm chí là tương lai khá xa. 

Thêm nữa, liệu mục tiêu giảm thải ròng CO2 về 0 năm 2050 có phải là một cam kết buộc phải thực thi, khi các cơ chế ràng buộc thật ra khá lỏng lẻo, mà người ta có thể giải thích bằng một lý do đơn giản: hết tiền!

Cảm hứng Greta Thunberg

Cũng phải nhìn rộng ra khỏi trách nhiệm của những nước mà ngay cả việc kiếm sống còn vất vả với rất nhiều người dân, chứ đừng nói lo chuyện năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu. 

Mức tiêu thụ năng lượng của một người Mỹ gấp 32 lần mức trung bình thế giới. 60 triệu người Ý tiêu thụ năng lượng xấp xỉ 1 tỉ người Phi. 

Đấy là những con số giật mình theo sử gia Jared Diamond trong cuốn sách in năm 2019 Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng như thế nào, khi ông đề cập đến nguyên nhân và thực trạng của khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Gốc rễ của thảm họa môi trường nằm ở nhu cầu tiêu dùng vô độ của những nước giàu: nhà nhà đều phải có xe hơi, điện thoại, tivi màn hình phẳng..., ai ai cũng ăn thịt bò như chuyện đương nhiên, rồi tiền mã hóa, vốn ngốn năng lượng vô độ, cũng từ đó mà ra. 

Các giá trị vật chất do phương Tây áp đặt đấy tới lượt nó trở thành chuẩn mực sống của các quốc gia giàu xổi như Trung Quốc hay mới chập chững thoát nghèo như Việt Nam. Trái đất nào mà kham cho nổi.

Đến khi thảm họa chực chờ, giải pháp là các nước nghèo và đang cựa quậy phát triển nhờ sản xuất công nghiệp như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam phải cùng gánh. 

Những lời kêu gọi bảo vệ môi trường phát đi từ phương Tây, trong khi đó, không tương xứng với hành động ít ỏi của họ. Đấy là lý do để một cô bé mới 15 tuổi (nay là 18) ở Thụy Điển trở thành biểu tượng toàn cầu của phong trào đấu tranh vì môi trường.

Greta Thunberg đã thẳng thắn một cách cực đoan khi phát biểu lên án các lãnh đạo thế giới ở hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc COP24 năm 2018 rằng họ chỉ lần lữa hứa hẹn mà không hề có hành động quyết liệt nào, rằng họ chỉ tìm cách đổ gánh nặng cho tương lai. 

Cô bé dũng cảm này đã nói ra điều ai ở thế hệ cha anh cô cũng biết nhưng không ai dám nói ra.

Ở Việt Nam chắc còn lâu mới xuất hiện một Greta Thunberg, nhưng hiện đã thấy một thế hệ biết xếp hàng, biết bỏ rác đúng quy định. 

Hy vọng một phần trong số họ lớn lên, sẽ biết chọn niềm vui của cuộc sống không nhất thiết phải có xe hơi, biệt thự, và khi khởi nghiệp, không như thế hệ cha anh, họ sẽ không trốn tránh các nghĩa vụ về phí tổn môi trường.

Có lẽ đến lúc đấy, câu chuyện về bảo vệ môi trường mới không phải là một hành động sám hối phải đạo. 

COP 26 là nơi các nguyên thủ quốc gia cam kết sự nỗ lực để cứu vãn nền sinh thái toàn cầu, nhưng ở đó vắng mặt người đứng đầu quốc gia phá rừng nhiều nhất Brazil, nước sản xuất dầu mỏ nhiều thứ nhì thế giới Saudi Arabia, nước phát thải nhiều nhất Trung Quốc, và Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận