TTCT - Có hơn 20 HLV trưởng đội tuyển quốc gia ở châu Á đã phải chia tay đội bóng trong năm 2019. 15 trong số đó là những chiến lược gia phương Tây - với người gần nhất là HLV người Scotland của Indonesia, Simon McMenemy. Nhiều đội tuyển quốc gia hàng đầu châu Á không còn “tôn sùng” những HLV phương Tây nữa. Dù cách đây hai thập niên, đó chính là những niềm hi vọng đưa bóng đá châu Á vươn tầm thế giới. Từ Hiddink, Troussier... World Cup 2002 ở Nhật Bản - Hàn Quốc là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển bóng đá châu Á. Và cột mốc đó được tạo nên bởi các HLV phương Tây - Guus Hiddink với tuyển Hàn Quốc, và Philippe Troussier với tuyển Nhật. Riêng Hiddink, những gì ông và các học trò làm được ở kỳ World Cup 2002 đã trở thành một huyền thoại. Guus Hiddink từng làm được những điều kỳ diệu với tuyển Hàn Quốc. (Ảnh: football-tribel.com) Khác với Nhật Bản, Hàn Quốc ban đầu không có kế hoạch sử dụng HLV người nước ngoài cho chiến dịch World Cup năm đó. Người được họ “chọn mặt gửi vàng” là ông Huh Joong Moo - cựu danh thủ từng có thời chinh chiến ở Hà Lan trong màu áo CLB PSV Eindhoven. Những kinh nghiệm “Tây học” của ông Huh được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc thay da đổi thịt. Nhưng rồi sau 2 năm cầm quân, ông Huh đã gây thất vọng. Hàn Quốc trong tay ông vẫn tiến bộ, nhưng để so sánh với các đội tuyển hùng mạnh từ châu Âu, châu Mỹ thì không thể nào, phản ánh qua thất bại ở CONCACAF Gold Cup 2000. Thế là Hiddink đến, mang theo làn gió tư duy mới mẻ của người phương Tây. Trước Hiddink, Hàn Quốc từng sử dụng một HLV ngoại là ông Anatoliy Byshovets, giai đoạn 1994-1995. Nhưng Byshovets - một cựu danh thủ Liên Xô cũ cùng thứ tư duy vẫn còn rất tách biệt so với bóng đá Tây Âu - là chưa đủ cho cuộc cách mạng. Hiddink thì khác. Kinh nghiệm, tên tuổi của ông lớn hơn mọi HLV châu Á. Trong tác phẩm Diamond Dilemma: Shaping Korea for The 21st Century (tạm dịch: Thế lưỡng nan kim cương: Định hình Hàn Quốc cho thế kỷ 21), tác giả Tariq Hussain nhắc đến Hiddink như một tác nhân cực kỳ quan trọng cho công cuộc đổi mới của đất nước Hàn Quốc, dù cuốn sách xoay quanh kinh tế và xã hội. Những ấn bản phẩm kể về thành công bóng đá của Hiddink ở Hàn Quốc cũng tập trung vào vấn đề này: ông đã thay đổi nhiều tập tục, thói quen của các cầu thủ, ban huấn luyện Hàn Quốc, mà đầu tiên chính là thói gia trưởng. Trong lần đầu tiên đến nhà ăn của đội, HLV Hiddink thấy các cầu thủ trẻ đứng túm tụm và chờ đợi những đàn anh đến sau rồi mới lấy thức ăn. Những cầu thủ có vai vế, tuổi tác cao như Hong Myung Bo luôn đứng đầu hàng bất kể đến trước hay sau. Chiến lược gia người Hà Lan nổi giận và đưa ra quy định “ai đến trước lấy trước”, không còn bắt buộc các cầu thủ trẻ phải nhường chỗ cho đàn anh nữa. Trên sân bóng cũng vậy, những cầu thủ lão làng hay ngôi sao không còn mặc nhiên nắm giữ vai trò trọng tâm của đội. Ở World Cup 2002, người ta thấy Hàn Quốc trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ trung với những cái tên sau đó trở thành huyền thoại như Park Ji Sung, Lee Chun Soo, Cha Du Ri… Thời gian Hiddink nắm đội không nhiều, nhưng đủ để ông tạo nên một cuộc cách tân về tư duy cho bóng đá Hàn Quốc. Những gì Troussier - “Phù thủy trắng” - làm cho tuyển Nhật những năm đó cũng không khác là bao. HLV người Pháp kể lại, khi mới đến Nhật, ban đầu ông rất hài lòng vì mọi điều kiện làm việc đều lý tưởng. Các cầu thủ vô cùng kỷ luật, đầy quyết tâm và giàu tính đồng đội. Nhưng rồi Troussier sớm nhận ra đó cũng là một mặt trái. “Trong các buổi tập, khi tôi hỏi họ về những giải pháp đột phá, các cầu thủ đều im lặng và nhìn nhau. Những cầu thủ Nhật được nuôi dưỡng với tinh thần tập thể tuyệt đối. Điều đó tốt, nhưng mặt trái của đồng đội quá mức là thiếu sáng tạo, thiếu đột phá. Tôi mất nhiều năm để cố gắng thay đổi tư duy đó”, HLV người Pháp kể. Vì sao thất bại? Thành công của Hiddink và Troussier mở ra cả một xu thế sử dụng HLV châu Âu ở các đội tuyển châu Á. Từ năm 2003-2007, Hàn Quốc lần lượt mời về 4 chiến lược gia tên tuổi của Bồ Đào Nha và Hà Lan. Còn tuyển Nhật cũng sử dụng đến 5 HLV nước ngoài trong giai đoạn 2002-2018. Nhưng không còn ai mang đến thành công rực rỡ như thời Hiddink - Troussier nữa, và thành tích lại ngày một giảm dần. Đến những năm gần đây, kết quả từ các HLV phương Tây thậm chí kém hơn cả những chiến lược gia bản xứ. Sau giai đoạn kém cỏi trong tay Javier Aguirre (Tây Ban Nha) và Vahid Halilhodzic (Bosnia & Herzegovina), LĐBĐ Nhật lần đầu tiên sau 8 năm giao đội bóng trở lại tay một HLV nội - ông Akira Nishino. Và rồi Nhật chơi tưng bừng ở World Cup 2018, lọt vào vòng 16 đội. Hàn Quốc cũng không khác. Sau quãng thời gian bết bát trong tay HLV người Đức Uli Stielike, ông Shin Tae Yong được bổ nhiệm chức HLV trưởng dẫn dắt đội tham dự World Cup 2018. Không ấn tượng bằng Nhật, nhưng Hàn Quốc cũng chơi tưng bừng trên đất Nga, với thành tích quật ngã đương kim vô địch Đức. Sau World Cup, HLV Shin chia tay đội và người Hàn một lần nữa lại tìm đến HLV ngoại - cựu danh thủ Bồ Đào Nha Paulo Bento. Kết quả, Hàn Quốc lại thảm bại ở Asian Cup 2019. Không chỉ Hàn Quốc và Nhật, lần lượt những quyền lực khác của châu Á như Iran, Saudi Arabia, UAE, Trung Quốc…, tất cả đều bết bát trong tay các HLV châu Âu, dù đó là những cái tên lừng lẫy cỡ Carlos Queiroz (Bồ Đào Nha), Antonio Pizzi, Alberto Zaccheroni, hay Marcelo Lippi (đều là người Ý). Vì sao lại như vậy? Một phần vì lựa chọn sai lầm của các LĐBĐ, khi quá chú trọng vào tên tuổi mà bỏ qua yếu tố phù hợp. Milovan Rajevac, HLV người Serbia, từng thành công với Ghana nhưng Thái Lan là một môi trường hoàn toàn khác để chiến lược gia nổi tiếng với lối chơi thực dụng này áp đặt phong cách của ông. Lippi và Zaccheroni thì quá lỗi thời để theo kịp bóng đá hiện đại… Nhưng quan trọng nhất, bóng đá châu Á giờ cũng không còn cần những chiến lược gia châu Âu trong vai trò “khai sáng” nữa. Trên thực tế, môi trường bóng đá châu Á đã phát triển rất nhiều những năm qua. Một nửa đội hình Hàn và Nhật hiện đang thi đấu ở các giải vô địch hàng đầu châu Âu, các cầu thủ Saudi Arabia, UAE, Trung Quốc cũng chơi bóng hằng tuần với những cầu thủ phương Tây ở giải vô địch quốc gia. Những giáo án, công nghệ rèn luyện thể lực… cũng không còn xa lạ. Ở những kỳ World Cup gần đây, các đội bóng châu Á đều chơi sòng phẳng với đa số các đối thủ đến từ mọi châu lục, trừ nhóm những đại gia như cỡ Đức, Brazil, Argentina, Pháp… Các HLV phương Tây giờ mới là những người phải thích nghi với bóng đá châu Á. Trên thực tế, những HLV giỏi nhất, hiện đại nhất vẫn chỉ gắn bó với các giải vô địch hàng đầu của châu Âu. Tiêu biểu như Jose Mourinho, tuy đã thất nghiệp một thời gian dài nhưng vẫn không tính đến chuyện dẫn dắt một đội tuyển châu Á. Rốt cuộc, chỉ những ông già hết thời, bảo thủ như Lippi là còn quanh quẩn ở “kho bạc” Trung Quốc.■ Người thành công nhất là người vô danh nhất Minh chứng cho nguyên lý “nổi tiếng không đồng nghĩa thành công” là HLV Felix Sanchez Bas của Qatar. Trong số các HLV phương Tây tham dự Asian Cup 2019, ông Felix Sanchez là người vô danh nhất, chưa từng dẫn dắt một đội bóng thực thụ nào trước khi đảm nhiệm chức HLV trưởng Qatar. Nhưng với khoảng thời gian làm việc 13 năm ở đất nước vùng Trung Đông này (từ Học viện Aspire đến các đội trẻ, rồi đội tuyển), HLV người Tây Ban Nha cực kỳ am hiểu văn hóa bóng đá ở Qatar và đã đưa họ đến ngôi vô địch châu lục. HLV ít tên tuổi Felix Sanchez Bas đã đưa Qatar đăng quang ở Asian Cup 2019.-Ảnh: The Star Online
Họa sĩ Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát THỦY TIÊN 13/07/2025 1438 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-2025: Muốn biết kinh tế ra sao, hãy hỏi người tiêu dùng TTCT 10/07/2025 384 từ
Chelsea - PSG (2h): Dembele đá chính ĐỨC KHUÊ 14/07/2025 Mời bạn đọc theo dõi trực tuyến trận chung kết FIFA Club World Cup 2025 giữa Chelsea và Paris Saint-Germain (PSG), bắt đầu lúc 2h ngày 14-7.
Lấp một đoạn sông Quán Trường ở Nha Trang để làm gì? PHAN SÔNG NGÂN 13/07/2025 Trước thắc mắc của nhiều người dân về việc một phần sông Quán Trường đang bị san lấp mà không rõ ai lấp, lấp để làm gì, lãnh đạo UBND phường Nam Nha Trang (Khánh Hòa) đã có giải thích.
VinSpeed tuyển nhân lực cho đường sắt tốc độ cao trung tâm TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh CHÂU TUẤN 13/07/2025 VinSpeed đang tuyển nhiều vị trí kỹ sư và quản lý cho hai dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh.
Ông Duterte chỉ còn 'da bọc xương' trong bệnh viện? ANH THƯ 13/07/2025 Mạng xã hội lan truyền ảnh cựu tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nằm trên giường bệnh, trông ốm yếu và đang truyền dịch.