Bóng đá Đông Nam Á: Còn cách đỉnh cao bao xa?

NGUYỄN NGUYÊN 11/01/2025 15:12 GMT+7

TTCT - Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á ASEAN Cup (tiền thân là AFF Cup) ra đời từ năm 1996, và nhìn lại 16 lần tổ chức, nó có làm thay đổi và nâng chất bóng đá Đông Nam Á như mục tiêu khi chào đời?

Chức vô địch của đội tuyển Việt Nam vào đêm 5-1 thật hấp dẫn bởi nó là đoạn kết đẹp sau một trận chung kết lượt về với đầy đủ những cung bậc cảm xúc trên sân Rajamangala của người Thái. Thắng Thái Lan ở giải đấu hàng đầu Đông Nam Á là chuyện hiếm, nhưng thắng cả hai lượt trận chung kết thì có một không hai.

Bóng đá Đông Nam Á: Còn cách đỉnh cao bao xa? - Ảnh 1.

Hàng hậu vệ Thái Lan không cản nổi Xuân Son. Ảnh: Hoàng Tùng

"Bà đỡ" AFF Cup

Lịch sử bóng đá Đông Nam Á và bóng đá Việt Nam sẽ ghi nhận về lần đăng quang thứ ba của bóng đá Việt Nam với một thành tích và một kịch bản khó tin, nhưng giờ là lúc niềm vui đã lắng xuống để có thời gian đưa ra cái nhìn đầy đủ về AFF Cup, giải đấu hàng đầu Đông Nam Á.

Tôi may mắn có mặt và theo dõi từ thuở ban đầu khi LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) xây dựng giải vô địch riêng của các quốc gia Đông Nam Á. 

Gọi là xây dựng vì bóng đá Đông Nam Á giai đoạn những năm 1990 có một nhà môi giới rất mạnh và thân thiết với AFF cũng như các quan chức liên đoàn và các quốc gia Đông Nam Á là Công ty Strata. 

Strata là người mang những nhà tài trợ khủng đến với bóng đá Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam và thời điểm đó được xem là "bà đỡ" đưa AFF Cup ra đời.

Cũng từ sự phát triển của AFF Cup mà AFF hạ thấp giá trị SEA Games xuống từ năm 2001 thành giải đấu trẻ dành cho các đội U23 (có khi là U22) để AFF Cup độc quyền là giải đấu danh giá cấp đội tuyển.

Để thuyết phục AFF Cup ra đời, khi ấy có rất nhiều hội thảo từ cấp châu Á là AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) đến Đông Nam Á là AFF. Hội thảo nào cũng rầm rộ và mục đích, ý nghĩa chính của AFF Cup được kết luận là nâng tầm bóng đá khu vực. 

Thậm chí còn có những hứa hẹn và lời kêu gọi là để bóng đá Đông Nam Á nâng tầm, bơi ra biển lớn thì phải bắt đầu bằng AFF Cup.

3 giai đoạn của AFF Cup

AFF Cup đầu tiên năm 1996 mang tên Tiger Cup tổ chức tại Singapore, chủ nhà bị loại sớm, sân Kallang lúc đó sức chứa gần 80.000 khán giả nhưng có trận chỉ lèo tèo 2.000 - 3.000 người xem. Thái Lan lên ngôi với suốt hành trình gần như không có đối thủ xứng tầm.

Đó là một giải đấu giống bản sao của SEA Games từ số đội đến thể thức thi đấu và cả nhà vô địch. Chỉ có điều công tác tổ chức quy mô hơn và các đội, liên đoàn quốc gia được nhiều tiền hơn.

Xuyên suốt từ đó đến nay, tính đến số lần vô địch thì Thái Lan vẫn đứng đầu giống như thành tích ở SEA Games. Giải đấu 2 năm tổ chức một lần xen kẽ với SEA Games đó được cải tiến từ năm 2004 với thể thức sân nhà sân khách kể từ bán kết.

Từ khi AFF Cup ra đời đến nay, có thể chia giải đấu làm 3 giai đoạn gắn với sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á.

Giai đoạn đầu là sự cạnh tranh giữa hai xu hướng đầu tư nền tảng của bóng đá Thái Lan và chính sách nhập tịch của Singapore. Giai đoạn này là AFF Cup 1996 đến 2007, với 3 chức vô địch chia đều cho 2 đội (Thái Lan năm 1996, 2000, 2002; Singapore năm 1998, 2004, 2007).

Giai đoạn tiếp theo là sự xuất hiện của bóng đá Việt Nam và bóng đá Malaysia vào thời điểm Singapore chuyển sang bài toán nội lực và Thái Lan chuyển giao lực lượng (Việt Nam vô địch 2008, 2018; Malaysia vô địch 2010; Singapore vô địch 2012; Thái Lan 2014, 2016).

Giai đoạn hiện tại là những bước tính toán của bóng đá Đông Nam Á chọn AFF Cup là nơi cọ xát cho cầu thủ trẻ.

Từ khi có AFF Cup, sự phát triển của bóng đá Đông Nam Á tăng tiến như thế nào và thước đo khi bước ra sân chơi châu Á hay World Cup có cải thiện?

Vui hội làng

Với bóng đá Việt Nam, sau chức vô địch AFF Cup lần đầu năm 2008, HLV Calisto vẫn khẳng định: "Chúng ta thắng Thái Lan ở chung kết nhưng mặt bằng hiện tại vẫn thua đối thủ này!". Ông Calisto sau đó đưa ra hàng loạt kế hoạch để phát triển, trong đó có cả nhập tịch cầu thủ, nhưng thời điểm đó không được ủng hộ sau vài trận giao hữu.

Đến chức vô địch AFF Cup 2018 thời HLV Park Hang Seo thì mọi thứ có thay đổi. Bước ra sân chơi châu Á và cả vòng loại World Cup, các cầu thủ Việt Nam đã tạo nên tiếng vang nhất định và xác định được chỗ đứng, thậm chí đang nghĩ xa hơn với mục tiêu vòng chung kết World Cup từ vị trí số 1 Đông Nam Á. 

Nhưng sau thất bại liên tiếp dưới thời HLV Troussier thì suy nghĩ đó dao động và việc quay lại với thành tích khu vực Đông Nam Á thực tế hơn.

Trong khi đó bóng đá Thái Lan dù đang đứng đầu về số lần vô địch nhưng qua nhiều lần "xào bài", người Thái có vẻ như đang mất phương hướng dù đã vượt mặt Việt Nam lấy lại vị trí số 1 và lọt vào top 100 thế giới (vị trí thời HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam luôn đứng vững).

Được chú ý nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay có lẽ là bóng đá Indonesia. Lịch sử AFF Cup họ vẫn chưa có chức vô địch nào dù đã 4 lần vào chung kết, nhưng chính thành tích tốt nhất tại vòng loại World Cup với 4 điểm lấy được từ Saudi Arabia qua 2 lượt (1 hòa, 1 thắng), hòa Úc và Bahrain, khiến đội bóng này đang được xem là hiện tượng của Đông Nam Á. 

Vậy mà ở AFF Cup, Indonesia lại là đội phải chia tay sớm sau khi thua Việt Nam và Philippines ở vòng bảng.

AFF Cup 2024 Indonesia vắng đến hơn nửa đội hình nhập tịch làm mưa làm gió ở vòng loại World Cup. Họ cử tới giải đội trẻ nhất với tuổi bình quân chỉ là 20,9. Tương tự, Lào, Đông Timor đều đưa thành phần U23 tham dự. Đáng chú ý là bốn đội vào bán kết cũng chính là bốn đội có tuổi bình quân cao nhất giải.

AFF Cup đồng thời vẫn chưa gỡ được bài toán nhạt ở vòng bảng và chỉ hay từ bán kết với những gương mặt quen thuộc là Thái Lan, Việt Nam, Singapore. Một chút bất ngờ ở giải lần này khi Malaysia và Indonesia không vào bán kết và thay vào đó là Philippines mang phong cách của đội bóng châu Âu suýt tạo nên bất ngờ trước Thái Lan.

Philippines sống bằng hơi thở của hơn nửa đội hình nhập tịch. Indonesia thì bỏ cầu thủ nhập tịch ra lập tức hiện nguyên hình là một đội bóng trung bình. 

Thái Lan, một đội bóng từng sống bằng hơi thở nội và tự hào là số 1 Đông Nam Á, giờ cũng có nhiều trụ cột nhập tịch. Việt Nam kể từ trận gặp Myanmar thì cái tên Nguyễn Xuân Son luôn là chủ đề chính, là mối quan tâm hàng đầu.

Xem ra sau 30 năm, bóng đá Đông Nam Á vẫn cứ vui với những ngày hội AFF Cup giống với lúc khai sinh giải đấu này cùng mỹ từ nâng tầm bóng đá Đông Nam Á.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận