TTCT - Một điều lạ là 52% người dân Anh có đi bỏ phiếu đã chọn rời Liên minh châu Âu, thế nhưng hầu hết báo chí ở Anh và trên thế giới tường thuật sự kiện Brexit như thể họ nhìn từ góc nhìn của 48% đòi ở lại. Góc nhìn của những kẻ thua thiệt Thử đọc một tít báo như thế: “Bất ổn kinh tế sau Brexit có thể làm giá nhà sụt do thị trường đóng băng”. Nhìn qua thì rất khách quan nhưng nhìn kỹ, đó là góc nhìn của người có địa ốc muốn giá cứ tăng để bán hưởng lời. Nếu nhìn từ phía người không đủ tiền mua nhà do sốt giá mấy năm nay, lẽ ra phải nói khác, ngược lại. Một tít khác: “Ba cách nước Anh vẫn có thể tránh chuyện rời EU” - như thể ý nguyện của 52% không bằng ý nguyện của 48%, như thể cả nước Anh đang tính chuyện sửa sai. Thậm chí rất nhiều bài bình luận xoáy vào sự thất bại của nền dân chủ Anh rồi tô đậm cái khái niệm sự chuyên chế của đám đông. Bài báo hiếm hoi ghi nhận tiếng nói của người bỏ phiếu ra đi thì bày tỏ sự “áy náy” như tít trên tờ Independent: “Xin đừng gọi chúng tôi là đồ khùng hay đồ ngốc”, rằng chúng tôi sẵn sàng lao vào chỗ tối để tìm cơ hội có cuộc sống tốt hơn thôi. Thứ tâm lý quy cho kẻ bỏ phiếu ra đi là kẻ phá đám này dễ hiểu vì lý trí của người bình thường, nhiều năm nghe rao giảng về tính ưu việt của toàn cầu hóa, của hội nhập, của ngôi làng toàn cầu... đã khiến họ nhìn Brexit như một điều khủng khiếp đi ngược lại các giá trị họ ấp ủ. Người khác có thể thấy lo sợ vì các tiên đoán thiệt hại kinh tế do Brexit đem lại; giới trẻ được báo chí tường thuật là bị đánh cắp cơ hội vươn ra thế giới bên ngoài, được làm việc ở bất kỳ nơi nào trên châu Âu... Nhưng cứ đặt mình vào vị trí của những người nhiều năm bị gạt ra rìa, bị tước mất quyền sống có phẩm giá, không sợ mất việc, không phải cầu cạnh vào chế độ an sinh xã hội, ta mới hiểu được căn nguyên vấn đề. Họ đã dùng lá phiếu của họ để nói lên sự phản kháng trật tự xã hội được sắp đặt không theo ý họ và chính phủ các nước đang phải lắng nghe. Nếu cứ dán cho họ những cái nhãn như “cực đoan cánh hữu”, “bài ngoại”, “dân tộc hẹp hòi”... cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà còn gây thêm sự chia rẽ vốn đã lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là khởi đầu cho một sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều người: hóa ra toàn cầu hóa chỉ làm lợi cho kẻ đầu cơ tài chính, cho giới nhà giàu, cho các tập đoàn đa quốc gia, cho sự liều lĩnh mà không bị trừng phạt. Bên dưới các mỹ từ mà giới này ra sức rao giảng, rõ ràng người dân ở nhiều nước bị tước mất công việc rồi bị yêu cầu, gắng trèo lên bậc thang giá trị cao hơn. Công việc đó bị nhấn cho giới nhà nghèo ở các nước nghèo để lương giảm còn một phần mức cũ. Họ lấy chuyện tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động mới tham gia chuỗi toàn cầu hóa để tô hồng cho nó nhưng không hề biết cuộc sống của những nô lệ hiện đại này bị xáo động như thế nào, môi trường quanh họ bị hủy hoại ra sao. Toàn cầu hóa cũng dẫn tới những thay đổi địa chính trị, những thay đổi này lại dẫn tới các cuộc di dân quy mô khổng lồ do chiến tranh, nghèo đói, tham nhũng... Xung đột giữa người di dân và dân bản địa cũng từ đó mà nảy sinh. Chưa gì, đã thấy các biểu ngữ “hậu Brexit” kiểu như đòi tống cổ người Hồi giáo ra khỏi Anh. Ở hướng khác, thế giới đầy rẫy các câu chuyện thành công khi một công ty hầu như không có tài sản gì nhiều, chỉ cần làm ra một ứng dụng có nhiều người dùng là trị giá tăng vọt, gấp cả trăm lần một tập đoàn truyền thống, xây dựng cả trăm năm với hàng chục ngàn con người. Những người sáng lập các công ty loại này cùng các lực đẩy toàn cầu hóa - gọi chung là giới tinh hoa mới của thế kỷ 21 - càng giàu thì người dân ở lớp dưới càng nghèo đi bởi bất kể các tiến bộ khoa học công nghệ trong mấy chục năm gần đây, GDP toàn cầu vẫn tăng không bao nhiêu cả. Miếng bánh hầu như không to lên thêm bao nhiêu, chắc chắn phần của người nghèo sẽ bị tước để rơi vào tay giới tinh hoa. Và miếng bánh tiền bạc là một phần, nó còn là các nguồn lực khác nữa, kể cả thời gian. Tư duy lại “hội nhập” Xin nhớ người viết không kết luận xu hướng cưỡng lại toàn cầu hóa là xấu hay tốt. Trước mắt những người thua thiệt ở Anh bỏ phiếu ra đi lại càng thua thiệt chứ chưa cải thiện được gì số phận của họ. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là xu hướng này không chỉ mới có từ vụ Brexit; nó đã hiển hiện từ lâu - chính tương lai nước Mỹ cũng treo lơ lửng với nhân vật Donald Trump đang gây lo ngại cho nhiều giới. Vì thế, người có trọng trách vạch con đường hội nhập của Việt Nam phải tích hợp các yếu tố mới này vào lộ trình, vào chính sách, vào thái độ đối với toàn cầu hóa. Chẳng hạn, Donald Trump hay Hillary Clinton, dù ai làm tổng thống Mỹ tương lai, cũng sẽ xem xét lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo hướng “bảo thủ” hơn trước. Xem lại như thế, thái độ của Việt Nam phải như thế nào để bất kỳ kịch bản nào xảy ra chúng ta cũng không bị động và chịu thua thiệt. Cứ nhìn vào Trung Quốc, trong nhiều năm dài tự nguyện làm công xưởng sản xuất đủ loại hàng hóa cho cả thế giới, giàu thì có giàu nhưng tích lũy thành vài ngàn tỉ USD nợ để làm gì trong khi nước này phải đối mặt với thảm họa môi trường ghê gớm. Cứ để tiếp diễn tình cảnh ngư dân bị đuổi khỏi vùng biển họ sinh sống bằng nghề đánh cá để rước vào đó hết nhà máy này đến khu resort khác - cái còn lại chỉ là một môi trường bị hủy diệt hay một khu vực dành riêng cho giới nhà giàu. Hiện nay những nước đang phát triển như Việt Nam không gặp các câu chuyện dẫn tới lá phiếu Brexit như dân Anh. Tức họ không thấy việc làm bị tước đi, chuyển sang nước khác; không thấy cảnh người dân tị nạn tạo ra những gánh nặng xã hội... Nhưng người dân Việt Nam lại gặp những câu chuyện khác mà hệ quả không khác gì. Chuyện cá chết ở các tỉnh miền Trung làm biết bao người thất nghiệp tạm thời, nguồn sinh kế bị cắt đứt. Chắc chắn họ sẽ phải nhìn lại những nhà máy là nguồn gây ô nhiễm, có tiềm năng là thủ phạm gây cá chết. Chắc chắn họ sẽ có những so sánh. Hay người dân đang sinh sống bằng nghề nuôi cá dọc theo sông Hậu, chắc chắn họ sẽ lo lắng trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nuôi của họ do Nhà máy giấy Lee & Man tạo ra. Thế nên mới có những chất vấn về một đánh giá tác động môi trường làm sơ sài từ năm 2008, mới có việc lật lại các phản biện cho rằng không nên cấp phép cho một nhà máy giấy ở đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2006! Nếu ngay từ những năm đó, người có thẩm quyền quyết định đặt lên bàn cân - một bên là nhà máy giấy, có thể do áp lực bảo vệ môi trường đành phải tìm cách di dời, qua tận Việt Nam, một bên là môi trường sinh sống của hàng trăm ngàn người dân, sẽ không có sự chấp nhận “phân vai hội nhập” để tiếp nhận nhà máy này một cách dễ dãi như thế. Người dân cũng phải tính toán lại, xem thử có thêm vài ba cửa hàng McDonald’s như một biểu tượng của toàn cầu hóa hoàn toàn có gì hay ho hơn những tủ bán bánh mì kẹp thịt truyền thống mà chúng thay thế? Để thấy rằng toàn cầu hóa đúng đắn là để Starbuck sống chung hòa bình với các quán cà phê cóc chứ đừng nghĩ chỉ có Starbuck mới là tương lai của việc thưởng thức cà phê ở Việt Nam.■ Nước nghèo sẽ mắc kẹt Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy việc phát triển trí tuệ nhân tạo đang có những bước tiến nhảy vọt. Kèm theo là sự xuất hiện ngày càng nhiều robot thay chỗ công nhân sản xuất. Có lẽ giai đoạn sắp tới của toàn cầu hóa sẽ là sự tái lập hàng rào bảo hộ khắp nơi. Các nước giàu sẽ đưa dây chuyền sản xuất về nước để tránh thuế, tận dụng robot và trí tuệ nhân tạo để giảm chi phí nhân công. Các nước nghèo sẽ mắc kẹt với những khu nhà máy hoang phế, với đống hàng hóa chất lượng kém làm ra không ai mua, lại phải bỏ ra những khoản tiền ít ỏi còn lại của ngân khố để giải quyết hậu quả môi trường thời toàn cầu hóa bùng nổ. Giáo sư kinh tế học Dani Rodrick của Đại học Harvard từng nói chúng ta không thể cùng lúc có cả ba thứ: nền dân chủ, chủ quyền dân tộc và hội nhập kinh tế toàn cầu. Từ năm 2007, ông đã nhận định: nếu muốn có toàn cầu hóa đầy đủ, sẽ phải hi sinh một ít dân chủ hay chủ quyền. “Cứ giả vờ chúng ta có thể có đồng thời cả ba là tự đẩy mình vào một khu “vô nhân địa” bất ổn” - ông nói. Tags: Toàn cầu hóaBrexit
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.