TTCT - Ngày 23-6, hội nghị thượng đỉnh EU và hội nghị cấp cao BRICS cùng khai mạc. Nhưng hai khối, với EU thống lĩnh châu Âu và BRICS đại diện cho thế giới mới nổi, đã truyền đi những thông điệp khác biệt. Các tuyên bố được đưa ra gần như cùng thời điểm tại hai sự kiện quốc tế này đối lập nhau. Thảo luận về cuộc khủng hoảng tại EU, phương Tây cho rằng Nga “bắt cả thế giới làm con tin” và đáng nhận các lệnh trừng phạt mới. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết 12 nước EU đang bị gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga hoặc đã hoàn toàn ngừng tiếp nhận. Tin rằng EU không thể xây dựng lại quan hệ bình thường với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà von der Leyen mong muốn các lệnh trừng phạt sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga. Thượng đỉnh EU cũng thống nhất trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine. Lãnh đạo các nước BRICS. Ảnh: ReutersCâu trả lời tập thể cho những vấn đề xuyên quốc giaTrong khi đó, tại diễn đàn BRICS (gồm 5 nền kinh tế mới nổi lớn: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi), Nga lại giới thiệu về hợp tác với các nước trong khối. Tổng thống Putin cho biết tiếp xúc giữa doanh nghiệp các nước BRICS đang được tăng cường. Đàm phán được tiến hành để mở chuỗi cửa hàng Ấn Độ tại Nga. Cũng tại đây, thị phần ôtô, thiết bị và máy móc Trung Quốc sẽ được gia tăng. Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng phát triển: Nga xuất khẩu một lượng lớn phân bón sang các nước BRICS. Các công ty công nghệ thông tin của Nga mở rộng hoạt động ở Ấn Độ và Nam Phi, và các vệ tinh Nga cung cấp chương trình truyền hình cho 40 triệu người Brazil.BRICS chiếm 50% tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021. Thương mại hàng hóa của khối là 8,55 nghìn tỉ USD vào năm ngoái, tăng 33,4%.Tổng thống Nga cũng cho biết BRICS đang phát triển các cơ chế thanh toán quốc tế thay thế. Theo đó, hệ thống thanh toán tài chính của Nga được mở để kết nối các ngân hàng 5 quốc gia trong khối. Vấn đề tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS cũng được đề cập. Tổng thống Putin nói uy tín của BRICS và ảnh hưởng của khối trên thế giới “đang tăng dần đều” và là “một quá trình khách quan, vì các quốc gia trong khối đều có tiềm lực chính trị, kinh tế, khoa học, công nghệ và nhân lực rất lớn”. Cũng theo ông Putin, những thách thức và đe dọa hiện đại rất phức tạp và có tính chất xuyên quốc gia, nên cần “tìm kiếm câu trả lời tập thể”.Cùng “khẩu khí” với ông Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói BRICS khuyến khích “chủ nghĩa đa phương thực sự” và thúc giục các thành viên từ chối “tâm lý chiến tranh lạnh”, phản đối điều mà ông gọi là trừng phạt đơn phương và lạm dụng trừng phạt. Bắc Kinh đã thắt chặt hợp tác với Matxcơva sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine. Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu trắng hoặc ủng hộ Nga trong một số nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc. Ấn Độ, Brazil và Nam Phi cũng đã vài lần bỏ phiếu trắng trong các vấn đề tương tự.Cùng quan điểm về quản lý kinh tếThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có phần chừng mực hơn khi tập trung vào tầm quan trọng của BRICS trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Ông nói các nước BRICS có “quan điểm rất giống nhau về quản lý kinh tế toàn cầu ”, và ca ngợi sự hợp tác “thiết thực” trong một số lĩnh vực, như một ngân hàng phát triển chung hay thỏa thuận về vệ tinh. Việc Trung tâm Nghiên cứu COVID được thành lập ở Nam Phi và sự công nhận lẫn nhau các sản phẩm dược bao gồm vắc xin COVID giữa các nước BRICS cũng được Thủ tướng Modi đề cao.Nga hiện vẫn đang cung cấp dầu và khí đốt với giá ưu đãi và số lượng rất lớn cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này trở thành những khách hàng mua dầu và than đá lớn nhất của Nga, sau khi Mỹ ngưng nhập khẩu và EU hạn chế mua các mặt hàng này từ Nga 4 tháng qua. Theo Reuters, lượng than Ấn Độ mua của Nga từ ngày 27-5 đến 15-6 đã tăng gấp 6 lần và nhập khẩu dầu tăng 31 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Ấn Độ nhập khẩu năng lượng của Nga tăng đáng kể do họ được giảm giá ưu đãi lên tới 30%.Nhiều doanh nhân Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang nói về việc tham gia vào chuỗi bán lẻ của Nga nhằm thay thế những hãng phương Tây đã ra đi. Đặc biệt, việc BRICS không thảo luận các lệnh trừng phạt chống Nga cho thấy các nước trong khối quan tâm tới hợp tác, hơn là chương trình nghị sự có tính đối đầu của phương Tây.■Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của khối 5 nước BRICS lần thứ 14 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác chất lượng cao, bước vào kỷ nguyên phát triển toàn cầu” được tổ chức qua định dạng video trong hai ngày 23 và 24-6. BRICS chiếm 42% dân số và 24% GDP toàn cầu. Tags: Ấn ĐộNgaTrung QuốcBrazilNam PhiNước đang phát triểnBRICS
Hoa đại, hoa sứ - Hoa của mâu thuẫn, hoa của ai? PHẠM PHONG (TỔNG HỢP VÀ LƯỢC DỊCH) 25/03/2023 2156 từ
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 11-2023: "Thượng đỉnh Nga - Trung: Một liên minh mới đã định hình?" TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN ONLINE 23/03/2023 1 từ
Hạ tầng sạc pin ô tô điện Việt Nam: Trạm sạc chưa nhiều, quy chuẩn chưa đủ CÔNG TRUNG 22/03/2023 1759 từ
Ông Putin nói phương Tây 'khởi xướng' xung đột Ukraine NGUYÊN HẠNH 26/03/2023 Ngày 26-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng chỉ trích phương Tây là bên "khởi xướng" xung đột ở Ukraine, đồng thời phản bác ý kiến nói Matxcơva phụ thuộc Bắc Kinh.
Nguyễn Thị Tâm thua đáng tiếc trước tay đấm nước chủ nhà HOÀNG TÙNG 26/03/2023 Tối 26-3, nữ võ sĩ Nguyễn Thị Tâm thua trước tay đấm Nikhat Zareen, đến từ Ấn Độ, cũng là nước chủ nhà Giải boxing nữ vô địch thế giới 2023.
Khách Tây mách nhau 7 điều nên tránh khi đến Việt Nam PHÚC CHI 26/03/2023 Anh Ian Paynton khuyên du khách nên giữ tinh thần thoải mái khi du lịch Việt Nam, theo trang The Insider.
Nổ đầu đạn ở Kon Tum: 2 người chết, 3 người đa chấn thương ĐÌNH CƯƠNG 26/03/2023 Chiều 26-3, bác sĩ Võ Văn Thiện, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết bệnh viện đã cứu sống 3 bệnh nhân trong tình trạng đa chấn thương. Nguyên nhân chấn thương, theo người nhà khai báo, là do nổ đầu đạn dẫn đến cháy nổ.