TTCT - Năm 2004, Việt Nam gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, mở đầu quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả. Có thể xem đây là năm đánh dấu sự chuyển mình của các nhà xuất bản Việt Nam trong việc phát hành các ấn phẩm nước ngoài, đặc biệt các ấn phẩm đến từ Nhật Bản. Bìa cuốn Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản Truyện tranh Nhật Bản (manga) từng có thời kỳ được dịch, in ấn và phát hành tràn lan, không được sự cho phép của tác giả, không có sự ràng buộc giữa các nhà xuất bản (NXB), đại lý tác quyền. Các thể loại sách ngoài manga, như tiểu thuyết tiếng Nhật được dịch sang tiếng Việt thời gian này cũng không là ngoại lệ. Với hiệu lực của công ước Berne (từ tháng 10-2004), tình hình thay đổi rõ rệt. Các NXB không còn tự do dịch và in sách Nhật nữa bởi phải chấp nhận luật chơi trên trường quốc tế. Chi phí tăng lên do phải mua tác quyền, dịch thuật, biên tập, in ấn theo đúng yêu cầu của đối tác khiến thời gian đầu số đầu truyện manga phát hành chính thức và số lượng bản in của mỗi tựa truyện luôn ở mức cầm chừng. Đây cũng là khoảng thời gian các NXB phát hành manga bằng con đường chính thức bị “nội công ngoại kích” khi một mặt phải sòng phẳng với đối tác Nhật Bản, một mặt vẫn phải đương đầu với tình hình sách lậu, sách chui tràn lan trong nước. May mắn là các đối tác Nhật Bản, bao gồm NXB và đại lý tác quyền, chia sẻ với Việt Nam trước tình hình này nên thời gian đầu họ chỉ đưa ra những điều kiện tối thiểu cho việc ký hợp đồng tác quyền, hướng dẫn cách thức kiểm tra chất lượng hình ảnh bộ truyện thật chi tiết như một người bạn chân tình, hướng đạo các NXB Việt Nam trên “con đường công ước Berne”. Các loại tiểu thuyết (ấn bản văn học) Nhật Bản cũng được dịch và phát hành trong khoảng thời gian này. Hầu hết là các tác phẩm của tác giả đã mất trên 50 năm, tức đạt khoảng thời gian “an toàn”, không phải lo lắng chuyện giao dịch tác quyền. Bìa cuốn Vương đạo cuộc đời Câu chuyện dịch thuật Trước khi gia nhập công ước Berne, manga Nhật chiếm phần lớn thị trường sách nhưng hầu như không được dịch từ ngôn ngữ gốc là tiếng Nhật, phải qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Hoa, tiếng Anh... Sau khi gia nhập công ước Berne, việc này tiếp tục kéo dài vài năm bởi kho manga đã được dịch (từ ngôn ngữ trung gian) lúc ấy vẫn còn rất dồi dào, các đối tác Nhật Bản và độc giả chưa khắt khe trong việc đòi hỏi nâng cao chất lượng (về hình thức lẫn nội dung) của ấn phẩm. Các tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch sang tiếng Việt cũng qua ngôn ngữ trung gian và được giải thích do thiếu đội ngũ dịch giả tiếng Nhật. Khoảng thời gian này, người có chuyên môn tiếng Nhật chưa nhiều, số người biết tiếng Nhật và liên quan đến xuất bản, làm sách lại ít. Lý do quan trọng không kém là chi phí dịch thuật. Với NXB, họ phải trả cho dịch giả tiếng Nhật mức nhuận dịch (được cho là) cao hơn các ngôn ngữ khác. Nhưng với dịch giả tiếng Nhật, nhuận dịch một cuốn sách với thời gian vài ba tháng không đáng gì so với thù lao phiên dịch tại công ty du lịch. Chưa bàn đến việc hay dở, rõ ràng việc dịch tác phẩm văn học qua ngôn ngữ trung gian ngay từ đầu đã khiến bản dịch thiếu sức thuyết phục. “Cơn sốt Nhật Bản” trở lại Từ năm 2010 đến nay, “cơn sốt Nhật Bản” tại Việt Nam lại bùng phát, mối quan tâm của độc giả Việt Nam tới sách Nhật tăng cao. Lần này ngoài manga, tiểu thuyết, các dòng sách kinh tế, đạo đức, nuôi dạy con và truyện tranh minh họa (ehon) của Nhật đã góp phần làm phong phú thị trường sách dịch Việt Nam. Manga vẫn duy trì phong độ với nhiều bản in sạch, phù hợp văn hóa Việt Nam hơn mà vẫn đảm bảo độc giả Việt Nam không lạc hậu so với độc giả các nước khi luôn được cập nhật các tựa manga đình đám mới nhất của Nhật. Những yêu cầu ngày càng khắt khe của độc giả hâm mộ manga đã góp phần đem lại diện mạo mới cho thị trường manga tại Việt Nam. Họ biết tiếng Nhật, tiếng Anh, sử dụng Internet thành thạo và yêu manga thật sự. Lớp độc giả này trở thành giám sát viên hoàn hảo của các bộ truyện manga. Kỹ thuật in ấn, công nghệ thông tin ngày càng phát triển cũng là yếu tố đem đến những bộ manga bản tiếng Việt có hình thức gần với bản gốc nhất. Thậm chí chiều lật sách ngược với thói quen lâu nay cũng không là vấn đề gì cho người làm sách lẫn độc giả. Và việc dịch manga Nhật qua ngôn ngữ trung gian gần như không còn tồn tại. Những năm gần đây, các bản dịch từ ngôn ngữ gốc tăng lên thấy rõ với những dịch giả được đào tạo chuyên ngành tiếng Nhật bài bản, có tình yêu với văn học Nhật Bản, sẵn lòng dành thời gian cho những tác phẩm văn học Nhật có giá trị. Những tác phẩm nổi tiếng, tạo tiếng vang tại Nhật xuất hiện ở Việt Nam gần như ngay sau khi ra mắt tại Nhật, cho thấy sức hút mạnh mẽ của văn học Nhật Bản, ví dụ cuốn Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương của nhà văn Murakami Haruki (Uyên Thiểm dịch từ tiếng Nhật, NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam phát hành). Gần đây, thể loại sách kinh tế, kinh doanh, đạo đức làm người, nuôi dạy con, ehon từ Nhật Bản nở rộ. Riêng tác giả Inamori Kazuo - nhà kinh doanh tài ba hàng đầu của Nhật - đã có ít nhất bốn đầu sách được các NXB Việt Nam mua tác quyền. Phong trào nuôi con kiểu Nhật cũng góp phần làm mảng sách nuôi dạy con phong phú hơn. Các NXB nhanh nhạy cho ra đời các bản dịch của những dịch giả vốn có kinh nghiệm nuôi dạy con nhỏ ngay tại Nhật. Gần đây nhất, Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản (Nguyễn Quốc Vương dịch) lại làm nóng thị trường sách Việt Nam dù cuốn sách này không được phát hành với mục đích thương mại theo yêu cầu của phía Nhật Bản (ra đời nhờ kêu gọi gây quỹ từ cộng đồng). Thiện ý này đã tạo điều kiện cho ít nhất 5.000 gia đình có con nhỏ tại Việt Nam được tiếp xúc với những kiến thức căn bản trong việc nuôi dạy con một cách tổng hợp. Trong mảng sách dạy tiếng Nhật, NXB Trẻ đã đầu tư đúng đắn khi mua tác quyền bộ sách Minna no Nihongo - bộ giáo trình chủ chốt tại các trường dạy tiếng Nhật, giúp người học tiếng Nhật, chủ yếu là học sinh, sinh viên - được sử dụng sách gốc với giá cả phù hợp. Đây chính là bài học vỡ lòng về tác quyền dễ hiểu nhất dành cho người sử dụng sách. Không thể không nhắc đến vai trò của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) trong việc hỗ trợ xuất bản các ấn phẩm Nhật Bản thông qua chương trình tài trợ xuất bản hằng năm. Nhờ đó mà các ấn phẩm dịch ra đời với chất lượng tốt hơn, số bản in cũng nhiều hơn, tạo điều kiện cho sách đến tay nhiều người đọc hơn. Vài mong mỏi cho giới làm sách Tuy thế, vẫn còn một số vấn đề cần thay đổi thông qua sự liên kết của những người làm sách để tạo nên một môi trường chuyên nghiệp hơn, ít nhất với mảng sách tiếng Nhật. Thứ nhất, việc dịch qua ngôn ngữ trung gian rất dễ khiến đi từ một cái sai này sang một cái sai khác. Bằng sự chân thành, với tư cách một độc giả yêu mến sách Nhật và với tư cách dịch giả muốn truyền tải đúng đắn đến người đọc qua những quyển sách dịch đạt tiêu chuẩn tối thiểu là “tín”, người viết bài mong muốn các NXB và các dịch giả tiếng Nhật có sự kiên định trong việc không dùng ngôn ngữ trung gian. Thị trường sách dịch tuy đã có một số ấn phẩm có giá trị không được dịch từ nguyên bản tiếng Nhật mà qua ngôn ngữ trung gian như Pháp, Anh, nhưng đó là ngoại lệ của một số dịch giả tên tuổi, kỳ cựu với trình độ uyên bác, kinh nghiệm dày dạn và quan trọng nhất là giỏi tiếng mẹ đẻ. Thứ hai, cần sự thống nhất trong việc trình bày văn bản dịch. Ta dễ dàng bắt gặp sự không thống nhất trong việc trình bày các tên riêng, địa danh của Nhật trong các ấn phẩm liên quan, thậm chí xảy ra trong các quyển sách khác nhau của cùng một NXB. Ví dụ địa danh Tokyo có sách viết Tô-ki-ô, Tòkyò hay Tôkyô, hoặc Đông Kinh, gây bất tiện cho tra cứu đối với những ấn phẩm có nội dung học thuật, nghiên cứu. Rất nên có một hội/nhóm chuyên môn về Nhật Bản, liên kết các NXB, các tổ chức học thuật có uy tín để đưa ra những quy chuẩn thống nhất, đồng thời là nơi để các dịch giả, biên tập viên tham khảo khi làm những ấn phẩm liên quan đến Nhật Bản. Thứ ba, với các tác phẩm văn học - loại cần thời gian đọc sâu để từ đó chọn lọc từ ngữ, chăm chút bản dịch, việc NXB ưu tiên yếu tố thời gian để đáp ứng yêu cầu nhanh của thị trường sẽ gây khó khăn cho dịch giả, nhất là do văn học Nhật Bản vốn nổi tiếng sâu sắc, đòi hỏi một bản dịch không chỉ đạt độ “tín” cần thiết mà còn là độ “nhã” lý tưởng. Những mong giới làm sách Việt Nam vạch ra cho mình con đường dài vững chắc, chung bước nâng cao tri thức độc giả Việt Nam, tránh con đường “ăn xổi ở thì” chỉ có bề nổi, không bề sâu. ■ Tags: Ngày sách và bản quyền
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chồng ca sĩ Bích Tuyền.
Anh Nguyễn Tường Lâm được chọn cử làm chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam VŨ TUẤN 18/12/2024 Anh Nguyễn Tường Lâm - phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa VIII - đã được chọn cử làm chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2024-2029.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.