TTCT - Không chỉ mật nghị hồng y bầu đức giáo hoàng làm nước Ý trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, mà kết quả bầu cử quốc hội “bất phân thắng bại” cuối tháng 2 tiếp tục dự báo một tương lai không mấy sáng sủa. CTV TTCT ở Roma ghi nhận cuộc sống của người Việt tại đây trong thời buổi nước Ý lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị... Phóng to Anh Phước (bìa phải) cùng hai nhân viên trước cửa quán ăn Thiên Kim - Ảnh: Thanh Gương Tôi hẹn gặp anh Nguyễn Hữu Phước một chiều đầu tháng 3 trong quán Thiên Kim. Trời mưa dầm dề suốt cả ngày, chiều tối trong quán ngồi bên cạnh lò sưởi hừng hực lửa nên cũng không còn cảm giác tê lạnh như lúc đi trên đường phố. Anh Phước thở dài: “Khoảng ba năm trở lại đây, tức là khi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới nổ ra từ năm 2008 ở Mỹ và đời sống hằng ngày của xã hội Ý bắt đầu “cảm nhận” được cuộc khủng hoảng, số khách hàng ăn uống đã giảm mạnh, tính ra cũng phải đến 40% so với thời tiền khủng hoảng”. Gần ba thập niên qua, anh Phước là chủ quán Thiên Kim, tiệm ăn Việt Nam của người Việt Nam “chính hiệu con nai vàng” ở Roma. Có hai quán ăn khác cũng trương bảng “quán ăn Việt Nam”, nhưng thật ra đầu bếp không phải là người Việt Nam. Hàng quán, hàng chợ cùng khổ! Kinh tế Ý sẽ đi về đâu sau cuộc bầu cử tháng 2 mới thật sự là điều đại bộ phận các gia đình người Việt lo âu. Thống kê cho thấy tổng sản phẩm quốc dân Ý (GDP) 2012 giảm 2,2% so với năm trước, dự trù năm 2013 còn tiếp tục giảm khoảng 1%. Trung bình mỗi ngày có 20-30 cơ xưởng sản xuất lớn bé đóng cửa, đưa con số thất nghiệp hiện nay lên đến khoảng 10%. Đặc biệt trong giới trẻ, chỉ số thất nghiệp đã lên đến hơn 33%. Để chấn chỉnh cán cân nhà nước bội chi mấy thập niên gần đây, nợ như chúa chổm, Chính phủ Ý vừa giảm chi tiêu dành cho phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế, hưu trí, văn hóa, giao thông, mặt khác lại gia tăng thuế má: trung bình áp lực thuế hiện nay ở Ý lên đến tỉ lệ chóng mặt là 45%. Anh Phước tỉ mỉ hơn: “Quán của tôi nằm ngay khu trung tâm của Roma. Thời còn dễ sống, tới giờ cơm trưa ngoài khách vãng lai, rất đông người làm ăn buôn bán trong khu phố cũng kéo đến dùng cơm ở quán Việt Nam, vừa tiện vừa rẻ, lại thêm lạ miệng. Mấy năm nay giờ cơm trưa khách giảm thấy rõ, rất nhiều người buôn bán xung quanh khu phố đã giã từ quán cơm Việt Nam để kéo nhau vào những bar nho nhỏ ăn “cơm tay cầm” (bánh mì) bên cạnh cốc nước suối. Hiện doanh thu hằng tháng chỉ còn dựa vào những ngày cuối tuần khi các gia đình, nhóm bạn tằn tiện đợi đến cuối tuần mới “trà đình tửu quán” chứ không ăn cơm tiệm cả trong ngày thường như xưa”. Tuy mấy năm nay doanh thu xuống thấp nên thuế má cũng giảm, nhưng giảm thuế vì lý do buôn bán ế ẩm thì theo anh chẳng phải là điều đáng mừng. Ngược lại khi phải đi chợ hay trả chi phí cho quán ăn thì vật giá gia tăng mà quán không dám tăng giá bữa ăn: lượng khách đã giảm mà tăng giá thì khách trốn luôn! Chị K. là một tiểu thương ở các chợ trong các khu phố hay làng xã quanh vùng Torino, miền bắc nước Ý. Chị chuyên bán mặt hàng áo quần may sẵn và các đồ chơi thủ công mỹ nghệ nhập thẳng từ Việt Nam sang, “vô đề” cuộc trò chuyện bằng lời ta thán: “Mấy năm nay hàng quán ế ẩm kinh hồn!”. Chị kể khổ: “Sáng sớm 6 giờ, thời tiết mùa đông khắc nghiệt có khi xuống âm độ đã phải có mặt ngoài chợ để lấy mặt bằng, đem đồ ra sạp... rồi ngồi xoa tay cho bớt lạnh chờ đến 9-10 giờ mới bắt đầu có khách. Ngày xưa mỗi phiên chợ cũng còn có đồng ra đồng vô, bây giờ có khi suốt cả buổi “doanh số” vỏn vẹn chưa đến 10 euro, chưa đủ tiền thuế chợ, xăng dầu... thiếu điều muốn khóc!”. Thậm chí có người đứng trước sạp của chị ngắm nghía món hàng, cầm lên đặt xuống rồi than: “Chồng tôi vừa bị sa thải nên muốn mua đồ chơi cho con mà thôi phải nhịn!”. Chị chỉ còn nước nói vài câu an ủi khách rồi thở dài nhìn bà khách xiêu vẹo bước đi... Mà đâu chỉ dân hàng quán ăn uống hay tiểu thương ở chợ chịu khổ. Có nói chuyện với những người có cơ sở sản xuất mới “thất kinh”. Phóng to Anh Hồng (bìa phải) cùng với Tổng thống Ý Giorgio Napolitano (đứng giữa) trong một buổi chiêu đãi ở dinh Tổng thống Ý - Ảnh nhân vật cung cấp Không mặn mà trở lại đồng Lire Anh Phạm Văn Hồng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Ý (ASSOEVI – Associazione degli Operatori Economici Vietnamiti in Italia) với khoảng 100 hội viên, sống ở thành phố Carpi (Modena), miền bắc nước Ý, chủ nhân của cơ sở Phạm srl chuyên sản xuất phụ liệu cho ngành may mặc, trong số khách hàng có nhiều cơ sở may mặc thời trang “made in Italy” nổi tiếng thế giới - nói với tôi qua điện thoại: “Trong ba năm cuối cùng này, doanh thu giảm đến 50% so với những năm về trước”. Công việc làm ăn giảm đến mức mà từ 24 nhân công nay còn có tám người. Mà đâu chỉ thế. Bên cạnh sức mua xuống dốc, những doanh nghiệp sản xuất lại bị một vấn nạn dây chuyền khác là “hàng đi mà tiền không lại”. Anh kể rõ: “Có nhiều cơ sở thời trang là khách lâu năm mà chúng tôi thường xuyên cung cấp phụ liệu. Lúc kinh tế còn ngon lành thì sau khi xuất hàng và theo luật thương mại, khoảng 30-60 ngày sau khách đã giải ngân ngay nên vòng vốn cũng nhanh chóng quay lại đều đặn. Bây giờ khó khăn, hàng xuất đi có khi đến 90-120 ngày khách vẫn chưa động tĩnh chi cả. Thậm chí những khách hàng của những cơ sở may mặc thời trang lớn, có tên tuổi lại chơi màn “cả vú lấp miệng em”: nếu chịu khó đợi thì đợi, không chịu thì thôi... mai mốt không mua hàng nữa. Thế là đôi khi vì không muốn mất khách sộp nên đành “ngậm bồ hòn”. Những cơ sở sản xuất của chúng tôi bị hụt hơi trầm trọng. Phí tổn mình vẫn phải chịu mà tiền để hoàn vốn vẫn không về... nói chi đến lời đến lãi”. Khi tôi đụng đến hai chữ “thuế má” thì anh Hồng như con sông bị vỡ đê: “Đâu phải chỉ có sưu cao thuế nặng! Cái tai hại nhất là những bất cập trong mớ bòng bong thuế má. Theo chính sách thuế quan thì cứ mỗi khi làm hóa đơn xuất hàng mình phải đóng ngay thuế giá trị gia tăng, trong khi khách mua ít ra cũng phải đến 30-60 ngày, thậm chí có khi đến 4-5 tháng sau họ mới chi trả. Thế thì coi như mình phải ứng trước cho nhà nước số tiền thuế đúng ra là đánh lên khách... trong thời buổi đồng tiền đi vay ngân hàng vừa khó vừa đắt đỏ. Rồi nào đã hết đâu, lại có những sắc thuế không đánh lên lợi tức thực thụ của doanh nghiệp mà đánh theo doanh số, tức là thuế đánh trên hóa đơn xuất hàng sau khi khấu trừ phí tổn... Còn chuyện khách sau đó có chi trả hay không là chuyện “riêng” của doanh nghiệp”. Cho nên thuế đi trước, còn lời lãi nếu có thì đi sau! Liên quan tới việc một số doanh nhân muốn Ý rút ra khỏi hệ thống đồng tiền euro và trở lại đồng tiền lire độc lập như trước đây, đại diện doanh nhân Việt tại Ý cũng không lạc quan hơn. Trên lý thuyết, bằng cách đó Ý có thể tự quyết định tỉ suất hối đoái và có thể phá giá đồng lire để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Nhưng anh Hồng cho rằng Ý không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhất là toàn bộ nhiên liệu năng lượng đều phải nhập, nếu trở lại đồng lire thì không biết xuất khẩu có gia tăng hay không, nhưng trước mắt không chỉ các cơ sở sản xuất mà chính đến các hộ gia đình ở Ý cũng bị “chém chặt” không thương tiếc vì tiền xăng dầu, khí đốt sẽ tăng lên vùn vụt, sức mua càng giảm... Khó khăn kinh tế không buông tha những người Việt đi làm thuê, thậm chí trong biên chế nhà nước. Có người làm trong những xí nghiệp lớn như Tập đoàn xe hơi Fiat chưa bị sa thải nhưng xí nghiệp đã áp dụng chính sách giảm giờ lao động kéo dài có khi vài tháng, thế là thu nhập hằng tháng bị giảm. Có những người được xí nghiệp đề nghị tặng một số tiền để... tự ý xin thôi việc. Trước viễn cảnh hãng xưởng có thể sẽ đóng cửa, đến lúc đó bị sa thải mà không được tặng thêm đồng nào nên nhiều người Việt đành nhắm mắt chấp nhận thôi việc, dù một lao động tuổi quá ngũ tuần khó tìm ra công việc trên thị trường lao động vốn chỉ muốn thu nhận người trẻ, vừa rẻ vừa có khả năng đóng góp cao hơn. Phóng to Tuần san The Economist đã phán lên trang bìa câu “Send in the clowns” (Hề lên sân khấu) - Ảnh chụp lại từ bìa báo The Economist Đợi chờ... “thái lai” Giống như phần đông người Ý, người Việt cũng mệt mỏi với kết quả bầu cử tệ hại vừa qua ở Ý đến nỗi tuần san The Economist đã phán lên trang bìa câu “Send in the clowns” (Hề lên sân khấu) - vốn là tựa đề một bản nhạc của Stephen Sondheim sáng tác năm 1973. Cộng đồng người Việt ở Ý hiện nay khoảng 5.000 người gồm một số nhỏ 100-150 người vốn là du học sinh đi từ miền Nam vào đầu thập niên 1970. Phần lớn còn lại là những người đến Ý trong các đợt thuyền nhân vào thập niên 1980 hoặc đến Ý dưới hình thức đoàn tụ gia đình. Một thiểu số khác là những tu sĩ Công giáo sống trong các chủng viện hay hoạt động trong các tổ chức của Tòa thánh Vatican. Tuy nhiên, thống kê chính thức của Nhà nước Ý thì con số người Việt sống ở Ý chỉ 1.500-2.000 người, vì có nhiều người Việt sống định cư lâu năm ở Ý đã lấy quốc tịch, hoặc những người lấy vợ lấy chồng theo quốc tịch chồng, do đó không còn xếp vào danh sách người Việt. Thậm chí chuyện “hề” cũng đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Ý và Đức hồi cuối tháng 2 khi Peer Steinbrueck, ứng cử viên ghế thủ tướng của Đảng Dân chủ xã hội Đức, tuyên bố “hai thằng hề đã thắng cử ở Ý” (ám chỉ hai người có đa số phiếu: lãnh tụ Phong trào Năm sao Beppe Grillo từng là diễn viên hài và cựu thủ tướng Silvio Berlusconi với lai lịch chính trị đầy xìcăngđan hài hước dở khóc dở cười). Tương lai nước Ý xem ra ngày càng bất ổn, phe trung - hữu của ông Silvio Berlusconi sau gần hai thập niên cầm quyền đã đưa nước Ý đến bờ vực thẳm của khủng hoảng kinh tế tài chính, nhất là đã tàn phá gần như toàn bộ cơ chế nhà nước với tệ nạn tham nhũng, hối lộ và lạm quyền tràn lan. Phe trung - tả vẫn liên tục xào xáo nội bộ và không đưa ra được những biện pháp khả thi thay thế cánh hữu để cứu nước Ý. Trong khi đó, chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm làm giảm nợ và chấn chỉnh ngân sách nhà nước do châu Âu đề ra trong năm 2012 khiến kinh tế Ý suy giảm trầm trọng, thất nghiệp tràn lan... Anh V., một Việt kiều sống hơn bốn thập niên ở Ý, là chứng nhân của bao nhiêu mùa bầu cử, “nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên một cuộc tranh cử được mở màn với tình hình bất ổn chính trị, để rồi kết quả bầu cử lại làm cho chính trị thêm... bất ổn”. Anh Hồng lo rằng nếu khủng hoảng chính trị không sớm giải quyết để nước Ý có một chính phủ, khó khăn kinh tế sẽ càng gay gắt hơn, thị trường sẽ không tha con mồi béo bở là nước Ý mất ổn định. “Và với những người làm ăn kinh tế như chúng tôi..., đó sẽ là một bi kịch”. Lo cho chính công ăn việc làm không ổn định của mình đã đành, phần đông các gia đình người Việt hiện nay lại có con lớn bắt đầu phải bước vào thị trường lao động trong tình hình thất nghiệp tràn lan, điều kiện lao động phức tạp.... do đó chuyện con cái muốn ra riêng hay kết hôn cũng là điều cực kỳ nan giải. Có nhiều cha mẹ người Việt đã mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến tương lai của con cái. Người xưa có câu: “Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. “Bĩ cực” thì rõ ràng rồi đấy, người ta gặp nó mỗi ngày trước cửa... Còn “thái lai” thì chưa thấy bóng dáng đâu cả... Tận cuối chân trời cũng chỉ thấy sấm chớp của một cơn dông tố. Tags: Khủng hoảng kinh tếNgười ViệtÝĐồng LireTHANH GƯƠNG
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?