Bút vẽ Mở cửa ước mơ

MAI VINH 21/01/2014 09:01 GMT+7

TTCT - Không có tiếng nói, chỉ có tiếng cọ lướt trên giấy và thỉnh thoảng là nụ cười “u ơ” không thành tiếng. Đó là âm thanh ở lớp học vẽ dành cho trẻ em tại Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng. Mọi kiến thức về hội họa đều được truyền đạt bằng ký hiệu đôi tay.

Ước mơ xuân của trẻ nghèo xứ lạnh

Phóng to
Phòng đọc sách nhiều màu sắc chừng 20m2 ở Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng trở thành phòng học vẽ của 15 học viên khiếm thính dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên

Từ hơn tháng qua, mỗi ngày chủ nhật 15 học viên bắt đầu thể hiện những câu chuyện thường nhật, những thương yêu hờn giận... qua những nét cọ còn đơn sơ.

Lớp vẽ nằm trong dự án Hội họa ước mơ (*) dạy vẽ miễn phí cho những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật...

Họa sĩ Nguyễn Thế Thông (24 tuổi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Khiếm khuyết về ngôn ngữ tự nhiên là thiệt thòi rất lớn cho học viên khiếm thính, tuy nhiên tư duy hình ảnh của các em sẽ phát triển mạnh và hội họa là phương thức tốt để thể hiện sự sáng tạo của mình. Trước khi cho các em một cơ hội việc làm thì dự án trang bị cho các em kỹ năng để thêm tự tin”.

Em Nguyễn Thị Lan Tiên, tác giả bức vẽ Thầy giáo hội họa ước mơ và bạn em (ảnh bìa số này), sau khi đoạt giải tại cuộc thi “Đà Lạt - thành phố em yêu”, đã chia sẻ cảm xúc: “Vẽ thật sự rất khó vậy mà em và các bạn bắt đầu được rồi, em cảm ơn những thầy cô dạy em vẽ nhiều lắm”.

Từ những bức tranh tĩnh vật đơn giản, kích thích thể hiện sự sáng tạo trong phối màu, học viên làm quen với màu sắc thực tế qua những buổi học ngoài trời. Sau giai đoạn đầu, các học viên có năng khiếu sẽ tiếp cận những kỹ năng nghề nghiệp, học vẽ trên chất liệu thủy tinh, gốm sứ và giấy cứng. Đây là một nghề mới đối với học sinh khiếm thính tại tỉnh Lâm Đồng.

Phóng to
Những bài học về màu sắc vì quá trừu tượng nên các tình nguyện viên phải nhờ giáo viên giáo dục đặc biệt “thông ngôn”

Phóng to
Học lấy khung hình để đưa vào tranh vẽ

Phóng to
Những khái niệm có tính trừu tượng cao của hội họa được tình nguyện viên truyền đạt bằng ký hiệu tay

Phóng to
Sau một thời gian học vẽ, Trâm Anh đã có thể vẽ cảnh các bạn mình đang học thêu tranh

Phóng to
Học viên khiếm thính học cách đo tỉ lệ khuôn mặt để đưa vào bức vẽ chân dung

Phóng to
Bức vẽ đầu tiên của học viên khiếm thính Nguyễn Trần Thảo Hiền

(*) Dự án do văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Lâm Đồng phối hợp với họa sĩ Nguyễn Thế Thông và các tình nguyện viên là sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM và Trường CĐ Sư phạm Lâm Đồng cùng thực hiện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận