Cá chình, ký ức và khoa học

ANH DUY 10/12/2024 05:04 GMT+7

TTCT - Patrik Svensson, tác giả Phúc âm của loài cá chình trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về cảm hứng sáng tạo cuốn sách đặc biệt này.

Patrik Svensson, tác giả Phúc âm của loài cá chình (*), vừa tới Việt Nam dịp hai nước Việt Nam - Thụy Điển kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về cảm hứng sáng tạo cuốn sách đặc biệt này.

Cá chình, ký ức và khoa học - Ảnh 1.

Tác giả Patrik Svensson. Ảnh: albertbonniersforlag.se

Một sinh vật đặc biệt

Loài cá chình châu Âu (Anguilla Anguilla) - sinh vật được mệnh danh là Chén Thánh của ngành khoa học suốt nhiều thế kỷ - sẽ dẫn dắt độc giả đi hết cuốn sách, hé lộ những bí ẩn mê hoặc ly kỳ của nó. Vị trí quan trọng từ cổ chí kim, trong cả lịch sử, văn chương và đời sống xã hội của loài cá này được khảo sát kỹ càng, mang đến một cái nhìn toàn diện về sinh vật lý thú này.

Cá chình châu Âu đã là "thỏi nam châm" thu hút biết bao học giả và những vĩ nhân của nhiều thời đại. Triết gia Aristotle từ thời cổ đại, bởi những hạn chế về phương pháp, đã tin rằng nó sinh ra từ... bùn theo thuyết tự sinh (spontaneous generation). Sigmund Freud cũng có những mối giao cảm đặc biệt với sinh vật này.

Trước khi nổi tiếng với thuyết phân tâm và những nghiên cứu về tính dục, khi còn là một sinh viên thực tập, ông từng giải phẫu hàng ngàn con cá chình để cố tìm ra lời giải về phương thức sinh sản của nó. Ông không thành công, nhưng thôi thì nhờ vậy, Freud mới gắn bó và làm vang danh ngành tâm lý học.

Chỉ đến khi nhà khoa học Thụy Điển Johannes Schmidt khám phá ra 4 lần biến hình (metamorphosis) và sau này, theo dõi hành trình đến biển Sargasso của cá chình, những bí ẩn mới dần được đưa ra ánh sáng. Theo đó, vì Freud đã không giải phẫu đúng lần biến hình chuẩn bị do quá trình sinh sản, dẫn đến bế tắc. 

Do đó có thể nói khi đi hết từ La Mã cổ đại đến thời Trung Cổ và rồi hiện đại, Svensson đã dắt ta vào lịch sử khám phá loài vật đã sinh sống cách đây hơn 40 triệu năm, đưa ta vào cuộc đời huyền thoại của nhiều nhân vật đặc biệt và những thay đổi mang tính lịch sử mà sinh vật này có thể gây ra nếu những thời khắc quyết định khác đi.

Nghệ thuật viết độc đáo của cuốn sách này là một yếu tố khác giúp nó tạo được dấu ấn rất riêng. Vì bên cạnh vô số tư liệu khoa học với những lập luận lý tính chặt chẽ, Svensson bộc lộ những cảm xúc cá nhân và rất giỏi khơi gợi cảm xúc cho người đọc. 

Ông vốn không chọn cá chình vì nó từng là chén thánh của ngành khoa học, ông cũng không chọn vì bí mật ấy đã được tìm ra bởi một nhà khoa học đồng hương, mà hơn hết là vì ông và người cha thường trực im lặng của mình đã có một sự gắn kết đặc biệt ở thời thơ ấu thông qua loài cá chình. Cuốn sách vì thế, tái hiện một không gian vừa căng thẳng do khó bộc lộ cảm xúc lại vừa đầy ấm áp yêu thương giữa hai cha con.

Đó là những buổi câu cá giữa hai cha con, trong đêm muộn hoặc sáng sớm. Ở đó, một quang cảnh Thụy Điển rực rỡ với vẻ đẹp và sự yên bình hiện lên, lưu lại những suy tưởng về sự trân trọng tự nhiên...

Khi được hỏi ông có sợ yếu tố đặc biệt này làm ảnh hưởng đến sự chắc chắn của khía cạnh khoa học không, ông đáp: "Có. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó. Luôn luôn có sự không chắc chắn khi tôi đặt bút viết xuống. Nhưng càng viết tôi càng nhận ra việc tìm kiếm sự thật dựa trên khía cạnh khoa học hay ký ức cá nhân cũng không khác nhau là mấy. Do đó hoàn toàn có thể kết hợp chúng lại với nhau".

Điều này làm ta nhớ đến nhà môi trường học và hải dương học Rachel Carson, tác giả cuốn Silent spring (Mùa xuân vắng lặng) nổi tiếng (xuất bản năm 1962, là 1 trong 25 cuốn sách khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Discover bầu chọn). 

Khi tác phẩm đầu tay Under the sea wind (Dưới ngọn gió biển) ra mắt năm 1941, bà đã gặp rất nhiều phản đối khi cố gắng nhân hóa những sinh vật biển để giúp người đọc hiểu thêm về chúng. Nhưng sau gần một thế kỷ nhìn lại, có thể thấy chính cách này đã kéo con người lại gần tự nhiên để thấu hiểu hơn. 

Cách tiếp cận của Svensson cũng tương tự. "Tôi muốn sử dụng ký ức cá nhân như một tấm gương song hành cùng lịch sử khoa học. Những ký ức của tôi về cha, về tuổi thơ cùng cuộc đấu tranh để hiểu được ông và cội nguồn mình đã trở thành sự phản ánh về cách mà ngành khoa học nỗ lực để hiểu thế giới (và trong trường hợp cụ thể này đó chính là loài cá chình)" - ông nói.

Cá chình, ký ức và khoa học - Ảnh 2.

Ảnh: M.N.

Không dừng lại ký ức cá nhân, Svensson đã gầy dựng một nền tảng chung để độc giả chia sẻ cùng nhau, nổi bật nhất là việc khám phá vai trò của cá chình trong nhiều nền văn hóa cũng như văn chương. Bởi thức ăn của loài cá này có cả xác chết, nên cá chình thường được xem là gắn liền với cái chết và được coi như một vận xui. Svensson đã rất tinh ý "nhặt" các chi tiết liên quan đến chúng dưới ngòi bút của nhà văn đoạt giải Nobel 1999 Günter Grass và nhà văn Pháp Boris Vian. 

Trong Cái trống thiếc, là người phụ nữ mang thai bị ám ảnh bởi loài cá này đến mức ăn nó đến nôn mửa rồi qua đời hay phân cảnh những con cá lúc nhúc bò ra từ hốc mắt của con ngựa chết. Còn ở tiểu thuyết siêu thực Bọt tháng ngày, món patê làm từ cá chình cũng dự báo cái chết của tình nhân của nhân vật chính, trước khi một đóa hoa sen bừng nở giữa thân cô…

 "Theo thói quen tôi đọc rất nhiều, do đó ban đầu tôi thật sự không biết mình đang tìm kiếm điều gì. Nhưng khi quyết tâm đặt bút viết tác phẩm này, bằng cách nào đó, những gì bản thân đã đọc bỗng cuốn hút tôi như nhảy xuống một dòng sông vậy. Tôi chỉ thả trôi theo dòng nước thôi, để nó cuốn tôi đi, và khi tôi tìm được điều gì đó thú vị, nó lại tiếp tục chuyển tôi đến các chi lưu - chính thứ mà tôi không biết bản thân tìm kiếm lúc đầu. Đây là quá trình vô cùng tuyệt vời" - Svensson nói về sự gặp gỡ những ý tưởng này.

Đề tài đến từ ám ảnh

Khi được hỏi đâu là những cây bút có ảnh hưởng lớn đến mình, Svensson nhắc đến hai tiểu thuyết gia Thụy Điển là Kerstin Ekman và PO Enquist. "Tôi không viết sách hư cấu, nhưng cả hai nhà văn trên đều truyền cảm hứng cho tôi về cách họ sử dụng ngôn ngữ đầy mới lạ. 

Với tôi, Ekman là nhà văn Thụy Điển vĩ đại nhất còn sống, với PO Enquist, tôi học cách kết hợp những câu chuyện thực với văn chương, nhưng làm ngược lại vì tôi là tác giả phi hư cấu" - ông chia sẻ.

"Đây là cuốn sách đầu tay của tôi, tôi đã viết nó trong cô độc hoàn toàn và bí mật tuyệt đối, không hề chia sẻ với ai. Lúc đó tôi không có người đại diện xuất bản, không có thỏa thuận trước nào rằng sách sẽ được in ra… 

Điều quan trọng nhất là muốn biết liệu có ai thật sự muốn đọc những gì mà mình đang viết hay không, tôi cũng không làm sao mà biết được. Tôi không có bất cứ thứ gì trong những điều đó".

Nhưng thành công của cuốn sách đến ngay lập tức. Và lúc ấy, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Ông nhìn nhận áp lực sau sự nổi tiếng của tác phẩm này, nhưng vẫn bình thản, bởi "khi đã bước chân vào giới xuất bản, tôi bắt đầu nghĩ đến kỳ vọng từ nhà xuất bản, từ người đại diện của tôi và quan trọng nhất là từ các độc giả. Tôi nghĩ đây là một điều không thể tránh khỏi nhưng rất cần thiết khi từ một người vô danh viết sách trong mơ hồ trở nên chuyên nghiệp hơn dưới danh xưng tác giả. Điều đó buộc ta phải phân định đâu là dấu ấn của bản thân ta, đâu là điều bản thân muốn làm và có thể làm".

Và trên hết, với ông, điều quan trọng nhất là bản thân phải luôn cố gắng theo đuổi sở thích, những gì khiến ta say mê cũng như những gì mà sự tò mò dẫn ta đến. "Phải có sự tò mò gần như có thể chạm vào, nhìn được, nghe được, nếm được, cảm được đối tượng mà bản thân chọn. Phải có một sự say mê gần như ám ảnh - ông nói - Và khi không thể ngừng suy nghĩ về nó thì đó là khi ta tìm đúng chỗ".

Svensson nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, rằng ông đã tìm thấy nỗi ám ảnh kế tiếp của mình sau cá chình và đời sống đại dương: "Tôi đang viết một cuốn sách mới, một tác phẩm phi hư cấu. Đây là câu chuyện về lịch sử và chính trị Thụy Điển, về đói nghèo và giai cấp, dựa trên câu chuyện có thật về một bi kịch gia đình đáng chú ý vào những năm 1940".

(*) Huy Hoàng Books và NXB Thanh Niên, Nguyên Chính dịch.

Patrik Svensson sinh năm 1972, hiện sống cùng gia đình ở Malmö, Thụy Điển. Ra mắt năm 2019, Phúc âm của loài cá chình lập tức được trao giải thưởng Tháng Tám (August Prize) của Hiệp hội các nhà xuất bản Thụy Điển, hạng mục sách phi hư cấu. Cuốn sách đã được bán bản quyền đến hơn 30 quốc gia. Ở thị trường nói tiếng Anh, nó được tờ Publisher Weekly vinh danh là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2020, được đề cử cho Giải thưởng Goodreads Choice Award và Huân chương Carnegie xuất sắc năm 2021.

Năm 2022, cuốn Den lodode människan (Biển, vực sâu và sự tò mò) được ra mắt và nhận được phản ứng tích cực. Năm 2023, ông được trao học bổng của Hiệp hội Harry Martinson vì "nhìn thiên nhiên bằng ánh mắt ngạc nhiên của một đứa trẻ theo tinh thần của Harry Martinson - nhà thơ, nhà văn Thụy Điển đoạt giải Nobel văn học năm 1974".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận