Chắc có lẽ ca múa nhạc ra đời cùng thời với kỷ nguyên săn bắt hái lượm. Không khó tìm thấy những hình vẽ trong hang động tiền sử, trên những cổ vật có niên đại nhiều nghìn năm tuổi mô tả khá sắc nét những sinh hoạt ca múa nguyên thủy bầy đàn. Tranh: LÊ THIẾT CƯƠNG Thế nhưng, chỉ vài chục năm nay, người Việt mới biết đến khái niệm “di sản văn hóa phi vật thể” do UNESCO khởi xướng. Và cũng chỉ trong ngần ấy thời gian, Việt Nam đã có đến chín di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Chỉ trừ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hội Gióng đền Phù Đổng” không liên quan nhiều đến ca múa nhạc, bảy di sản còn lại đều là múa hát dân gian. Vẫn còn khá nhiều di sản đang chờ được xem xét. Những di sản ấy, ngạc nhiên thay, lại là những bộ môn nghệ thuật thịnh hành nhất trong dân gian vài trăm năm qua. Cải lương, tuồng, chèo, ca Huế... Hình như UNESCO có quan niệm rằng đã gọi là di sản thì yếu tố đầu tiên phải là đã hoặc đang mai một? Cho nên những thứ còn đang thịnh hành, dù tuổi đời chẳng hề kém cạnh cũng chưa lọt vào mắt xanh các nhà tuyển trạch. Tự nhiên cứ có liên tưởng đến những cổ vật trưng bày ở các bảo tàng Việt Nam. Cũng phần lớn sứt mẻ, han gỉ, rời rạc. Phải nghe cô thuyết minh kể lể hàng tiếng đồng hồ mới tạm hình dung ra niềm tự hào về men ngọc đồ gốm thời Lý thông qua một mảnh vỡ bằng hai ngón tay! Những năm chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, tưởng rằng ca múa nhạc sẽ không phải là ưu tiên trong cuộc sống thiếu đói gian khổ. Vậy mà không. Đó chính là những năm tháng bùng phát ca múa nhạc toàn dân. Từng lớp học, từng phân xưởng, từng khối phố, từng đoàn thể đều có đội văn nghệ của mình, theo mô hình văn nghệ tạp kỹ hình như nhập khẩu từ Liên Xô về. Sân khấu lớn ở Hà Nội lúc ấy vẫn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn tạp kỹ của các đoàn nghệ thuật Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc... Nó bao gồm cả xiếc, ảo thuật, hát những bài ca thời Cách mạng Tháng Mười và nhảy điệu baraban Nga, mazurka Ba Lan. Vài kênh phát thanh lúc ấy dĩ nhiên phát đi các chương trình ca nhạc hằng ngày. Tất cả đều là những bài ca hừng hực khí thế cách mạng mà bây giờ ta hay gọi là “Những bài ca đi cùng năm tháng” hay “Giai điệu tự hào”. Thời bao cấp, ca múa nhạc gần giống một mặt hàng bao cấp. Chỉ khác ở chỗ người thụ hưởng không cần đến tem phiếu và gần như không mất tiền. Đại khái, rạp lớn có chương trình ca múa nhạc chủ yếu là giấy mời phát không cho những người quan trọng. Vài người quan trọng cũng không coi ca múa nhạc là quan trọng nên tặng giấy mời của mình cho bạn hoặc bán nó ở cửa nhà hát cho đám “phe” vé. Người kém quan trọng xem ca múa nhạc bờ hồ, công viên, quảng trường. Tuyệt vời nhất là vẫn diễn viên, ca sĩ ấy mà thôi. Không có diễn viên quan trọng. Quốc Hương trong trẻo hồ hởi hát Tiểu đoàn 307, Quang Hưng vui nhộn như thời còn là “chim sơn ca trên chiến lũy” hát bài Anh chiến sĩ quân bưu vui tính, Trần Khánh với giọng “tenor thép” hết mình với ca khúc Người chiến sĩ ấy... Về sau có thêm Quý Dương, Trung Kiên, Tường Vi hát những ca khúc mới hơn. Thời kỳ này còn vô số những giọng ca được mến mộ như Bích Liên, Thanh Huyền, Kim Oanh thường xuyên biểu diễn. Sau còn thêm Ngọc Bé, Trọng Nghĩa, Trần Tiến, Quốc Đông... Trước ngày thống nhất khoảng dăm năm, Hà Nội đã hình thành thói quen xem ca nhạc ngoài trời vào những tối cuối tuần. Sân khấu dựng trước cửa Ngân hàng Nhà nước, cột đồng hồ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ, công viên Thống Nhất... Xen giữa các bài hát là những màn múa ngắn “Kéo pháo vào trận địa”, “Thanh niên xung phong tải đạn ra chiến trường”, “Giã gạo đêm trăng”, “Múa sạp”, “Múa nón”... Dàn nhạc thô sơ vài chiếc accordeon, guitar, bộ trống da tối giản thửa trên phố Hàng Hòm. Những bài hát hay được khán giả vỗ tay nồng nhiệt và đồng thanh hô “lại đê ê ê ê...” nhiều lần. Khán giả hầu hết là dân Hà Nội và các vùng lân cận, ngồi phệt những hàng đầu và nháo nhác kiễng những hàng sau. Vãng lai xe đạp đi qua cũng tranh thủ ngó vài bài. Đám thanh niên càn quấy trà trộn vào chí chóe các cô gái mới lớn. Vài anh còn tranh thủ trổ tài “hai ngón” móc túi vặt. Tuy thế, ca múa nhạc ngoài trời vẫn là món ăn tinh thần tập thể đầy hấp dẫn với dân phố. Giờ thì những sinh hoạt ca múa cộng đồng miễn phí ấy gần như biến mất hoàn toàn. Liệu có bao giờ nó lọt được vào danh sách tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể không? Tags: Di sản văn hóa phi vật thể
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Đã bắt được nghi phạm buôn ma túy Bùi Đình Khánh HÀ ĐỒNG 18/04/2025 Khoảng 22h tối 18-4, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp đã bắt giữ Bùi Đình Khánh, người bị truy nã trong vụ nổ súng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Ninh.
Công an thông tin vụ cháy cao ốc 18 tầng ở Hà Nội: Kịp thời cứu người kẹt trong thang máy HỒNG QUANG 18/04/2025 Tòa nhà 18 tầng bốc cháy do ngọn lửa bùng lên từ trục kỹ thuật bên ngoài tầng 11. Cảnh sát cùng nhân viên kỹ thuật kịp thời đưa một người kẹt trong thang máy tầng 10 ra ngoài khi khói đang bao trùm.
Quang Minh, MC Vân Hugo xin lỗi, nói không quảng cáo sữa giả HOÀI PHƯƠNG 18/04/2025 Một lần nữa biên tập viên Quang Minh xin lỗi đến những người tin tưởng anh đã mua sữa anh quảng cáo. Anh khẳng định không quảng cáo sữa giả. MC Vân Hugo cũng lên tiếng liên quan đến quảng cáo sữa.
Nhà Trắng: Ông Trump đang nghiên cứu phương án sa thải chủ tịch Fed THANH BÌNH 18/04/2025 Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đang xem xét khả năng sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.