Các sở thú và thách thức sinh tồn

HIẾU THẢO 01/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Không giống như các tụ điểm giải trí, rạp chiếu phim hay sân vận động, vườn bách thú không thể nào đóng cửa hoàn toàn và yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại gia. Thú vật cần được chăm sóc liên tục và cho ăn hằng ngày. Vì thế đại dịch COVID-19 là một cơn ác mộng với vườn thú khắp thế giới.

Cuối tháng 3, Nadia - một chú hổ Malaysia con 4 tuổi được nuôi tại Sở thú Bronx, New York - được phát hiện dương tính với COVID-19. Đến cuối tháng 4, có thêm bốn con hổ, ba con sư tử sống trong khu trưng bày riêng biệt cũng bị phát hiện dương tính.

Sở thú Bronx khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy các con thú có thể là con vật trung gian lây nhiễm virus corona qua người, trong khi nỗ lực bảo vệ sức khỏe của những loài thú đang được nuôi dưỡng tại đây. (Ảnh: AFP)

Sở thú kết luận rằng tất cả các con thú này đều đã tiếp xúc với một nhân viên sở thú, dù người này không có triệu chứng bệnh. Tin tức về Nadia khiến hơn 200 sở thú có giấy phép ở Mỹ hoang mang, chưa kể đến các nhà triển lãm động vật và hơn 10.000 sở thú trên khắp thế giới.

MỖI NƠI MỖI KHÓ

Trường hợp của Nadia chỉ là khởi đầu cho một loạt các cuộc khủng hoảng mang tính sống còn mà các vườn thú phải đối mặt, đặc biệt là những nơi chuyên nghiên cứu về động vật và sự sinh tồn của hàng ngàn loài trên Trái đất.

Ảnh: World Economic Forum
Ảnh: World Economic Forum

Tại Mỹ, ít nhất 80% vườn thú và thủy cung được công nhận bởi Hiệp hội các sở thú và thủy cung đã đóng cửa, có nghĩa là không bán vé, không bán hàng hóa đồ lưu niệm, và không bán thức ăn - tất cả những khoản thu thiết yếu nhất của các cơ sở này. 

“Số tiền thua lỗ trong toàn bộ cộng đồng sở thú thật khiến người ta sửng sốt. Phần lớn chúng tôi đang cố gắng tìm cách để sống sót đến mùa xuân năm 2021 và hi vọng rằng sẽ có một loại vaccine gì đó để lượng khách sẽ bình thường trở lại” - Steven Monfort, giám đốc Vườn thú quốc gia Smithsonian ở Washington, D.C., nói với The New Yorker.

Hầu hết các sở thú của Mỹ đã cho một nửa số nhân viên ngừng làm việc hoặc sa thải hẳn. Tại Portland, Sở thú Oregon đã sa thải 1/4 nhân viên của mình bên cạnh 200 nhân viên bán thời gian.

Khoảng 60% doanh thu của sở thú đến từ bán vé nhưng thường chỉ hoạt động theo mùa. “Nếu không thể mở cửa lại, chúng tôi sẽ hết tiền vào cuối tháng 9” - Sheri Horiszny, phó giám đốc Sở thú Oregon, nói.

Theo Horiszny, khoảng 90% sở thú trên toàn cầu đều đã đóng cửa. Chuyện đóng cửa là chung, nhưng khó khăn thì vườn bách thú này không giống thảo cầm viên kia.

Ở miền bắc nước Đức, Sở thú Neumünster đang bị đóng cửa đã có kế hoạch dự phòng cho 700 động vật nếu nguồn tài trợ hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm không thể giúp cơ sở này tồn tại.

“Trong tình huống tệ nhất, nếu tôi không còn đủ tiền để mua thức ăn hoặc các nhà cung cấp không còn đủ lương thực để bán do lệnh hạn chế mới, tôi sẽ phải mổ thịt một số con để làm thức ăn cho những con khác” - giám đốc sở thú Verena Muffari nói với Hãng thông tấn Đức DPA vào tháng trước. Sở thú đã lập một danh sách những loài động vật sẽ “hi sinh” trước để nuôi sống những con còn lại.

Trong khi đó Sở thú Calgary (Canada) đã gửi hai “ngôi sao” gấu trúc về Trung Quốc do tình trạng gián đoạn cung cấp thực phẩm. Vườn thú có thể dự trữ cá đông lạnh cho chim cánh cụt, thịt ngựa cho hổ báo và bánh quy protein cho các loài linh trưởng. Nhưng mỗi con gấu trúc ăn 88kg tre tươi mỗi ngày mà nguồn cung truyền thống - nhập trực tiếp từ Trung Quốc - đã gián đoạn khi các chuyến bay đều bị hủy trong mùa dịch. Các nguồn cung thay thế, trong đó có cả từ Mỹ, đều không đảm bảo được số lượng lẫn chất lượng của lá tre.

Hai nhân viên Sở thú Phoenix (Mỹ) chơi đùa với dê trong những ngày đóng cửa. Ảnh: The Republic
Hai nhân viên Sở thú Phoenix (Mỹ) chơi đùa với dê trong những ngày đóng cửa. Ảnh: The Republic

CHỈ CÓ ĐỒNG RA, KHÔNG CÓ ĐỒNG VÔ

Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có gần 1 triệu con thú từ 6.000 loài cần được trông nom tại thời điểm doanh thu giảm mạnh do dịch bệnh. Mọi công việc chăm sóc đều phải được duy trì, chi thì nhiều mà thu chẳng bao nhiêu.

Mọi người thường nghĩ nhân viên sở thú chắc chỉ phải dọn phân, nhưng thực ra việc cho động vật ăn mới đầy thách thức. “Hãy tưởng tượng bạn tổ chức một bữa tiệc tối có 6-10 khách, và 1 người dị ứng đường sữa, 1 người bị dị ứng gluten và 1/3 là ăn chay. Chúng tôi có 2.000 “khách” từ 220 loài với nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, đáp ứng những nhu cầu đó là thử thách mà chúng tôi phải hoàn thành mỗi ngày” - Horiszny (Sở thú Oregon) chia sẻ.

Chi phí để nuôi dưỡng thú tốn kém đáng kinh ngạc. Năm 2018, Sở thú San Diego và công viên Safari đã chi hơn 200 triệu đôla cho các hoạt động nuôi và chăm sóc động vật. Sở thú Oregon có ngân sách hơn 250.000 đô la chỉ để chăm sóc chú voi châu Á Chendra trong 6 tháng.

Chương trình cứu loài bướm silverspot khỏi sự tuyệt chủng thì tiêu tốn khoảng 126.000 đôla trong 9 tháng cho một người làm vườn để chăm sóc hàng ngàn cây hoa tím trong nhà kính, cung cấp thức ăn cho 1.200 con sâu bướm.

Vườn thú quốc gia Smithsonian đang mất hơn 1 triệu đôla mỗi tháng mà không có cơ hội thu hồi. Giống như các sở thú khác, họ đã phát động chiến dịch ứng phó khẩn cấp COVID-19 để quyên góp. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan.

Ảnh: elbashayer.com
Ảnh: elbashayer.com

Các sở thú có ít hơn 500 nhân viên đã đăng ký viện trợ liên bang thông qua Chương trình bảo vệ tiền lương của Mỹ. Ít nhất 60% các thành viên của Hiệp hội các sở thú và thủy cung đã giành được viện trợ. Chương trình hiện tại bao gồm tiền lương và các khoản chi khác trong 2 tháng, nhưng không bao gồm chăm sóc động vật. 

Ở Anh, chính phủ cũng ra mắt quỹ hỗ trợ trị giá 14 triệu bảng cho các vườn thú và thủy cung trong mùa dịch này.

Với các quy định giãn cách xã hội mới, hầu hết các sở thú dự kiến mở cửa trở lại, nhưng chỉ với khoảng 1/4 công suất, nghĩa là chỉ tạo ra 1/4 thu nhập.

NỖI BUỒN ĐỘNG VẬT

Đại dịch xảy ra không chỉ đe dọa tính mạng mà còn ảnh hưởng đến hành vi của động vật. Rất nhiều loài đang biểu hiện sự cô đơn giống hệt con người. Trong vườn thú, khách tham quan đóng vai trò kích thích giác quan cho các loài động vật.

 

Một con khỉ đầu chó ngồi cô đơn vì không có khách tham quan ở Sở thú Phoenix (Mỹ). Ảnh: The Republic
Một con khỉ đầu chó ngồi cô đơn vì không có khách tham quan ở Sở thú Phoenix (Mỹ). Ảnh: The Republic

Không có loài người đứng chiêm ngưỡng bên ngoài, các chú chim cánh cụt, gấu trúc, voi, tinh tinh, lạc đà và chồn meerkat trông có vẻ hơi chán nản, uể oải. Đặc biệt voi và vượn lớn có thể nhận thấy sự vắng mặt của con người.

“Chúng tôi nhận thấy rằng một số động vật “thích xã giao” có vẻ không mặn mà với các yêu cầu hãy ở nhà hay giãn cách xã hội cho lắm - Linda Hardwick, giám đốc truyền thông Sở thú Phoenix, nói với BBC - Loài linh trưởng không chỉ nhận ra không có hình bóng của vị khách nào viếng thăm mà còn đi tìm họ”.

Chính vì thế mà các nhân viên ở Sở thú Phoenix đang cố hết sức để gần gũi với bầy thú nhiều nhất có thể. “Chẳng hạn chim sáo Bali tên Dynah thường xuyên được người chăm sóc thú đến thăm để đỡ cô đơn” - Hardwick nói. Tại khu bảo tồn Wildfowl & Wetlands Trust (Anh), các nhân viên cho ăn và đi qua lại xung quanh nơi nhốt vịt và ngỗng để chúng có cảm giác vẫn có người xung quanh.

Khỉ đột biết nhận ra sự thiếu vắng của khách tham quan. Ảnh: Sở thú San Diego
Khỉ đột biết nhận ra sự thiếu vắng của khách tham quan. Ảnh: Sở thú San Diego

Không có du khách thì động vật tự nhìn ngắm lẫn nhau. Chẳng hạn các vườn bách thú ở Denver và Portland đã để những chú hồng hạc tản bộ dọc theo những con đường nơi loài người từng đi dạo. Sở thú Toronto đã đưa lạc đà không bướu và lừa đi thăm những con gấu Bắc cực.

Sở thú tThành phố Kansas thì sắp xếp cho ba chú chim cánh cụt của mình tham gia chuyến đi thăm thú Bảo tàng Nghệ thuật Nelson-Atkins. Trong một đoạn video đăng tải trên trang web của bảo tàng và trang Facebook của sở thú, Randy Wisthoff, giám đốc sở thú, cho biết: “Chúng tôi luôn tìm cách để làm phong phú cuộc sống của động vật”.

Trong khi đó Julián Zugazagoitia, gGiám đốc điều hành bảo tàng, lưu ý rằng ba chú chim cánh cụt Humboldt có vẻ thích tranh của Caravaggio hơn so với Monet.■

Trong thời gian không thể mở cửa đón khách tham quan, các sở thú bắt đầu tương tác với khách bằng cách đăng tải hình ảnh và video lên Internet.

Vườn thú Osaka Tennoji ở miền tây Nhật Bản đã khởi động chương trình livestream đầu tiên vào ngày 19-4, phát trực tiếp cảnh những người chăm sóc vườn thú đang chuẩn bị thức ăn cho động vật và huấn luyện tê giác. Một số video vượt hơn 10.000 lượt xem.

Vườn bách thú Ueno ở Tokyo cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh của những con gấu trúc khổng lồ có tài khoản Twitter chính thức được hơn 1 triệu người theo dõi.

Sở thú Chester ở Anh đã tổ chức tour tham quan trực tuyến nổi tiếng đến mức bùng nổ trên mạng xã hội Facebook với hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới đổ xô vào xem.

Thảo cầm viên Sài Gòn kêu khó

Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn (tự chủ tài chính từ 1-1-2015) vừa kiến nghị UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ khó khăn vì phải đóng cửa 2 tháng do dịch COVID-19. Từ trước khi phải tạm đóng cửa, lượng vé vào cổng, doanh thu của công ty trong tháng 1 và 2 đã giảm khoảng 40%, tương đương hơn 10 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt trong thời gian tạm đóng cửa (20-3 đến 15-5), Thảo cầm viên Sài Gòn không có doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn động vật và cây xanh. Chi phí ước tính trong thời gian đóng cửa là 8,3 tỉ đồng để chăm sóc động vật và hơn 4,8 tỉ đồng chăm sóc thực vật. Đơn vị này kiến nghị UBND TP và các sở ngành xem xét hỗ trợ khoản chi phí trong thời gian đóng cửa nêu trên giúp giảm bớt khó khăn trong quá trình hoạt động.

Biết chuyện thảo cầm viên gặp khó, những ngày qua cộng đồng mạng đã kêu gọi mọi người đi sở thú để giúp đơn vị đang bảo tồn cả ngàn động vật quý hiếm vượt qua khó khăn sau mùa dịch. “Một vé đi thảo cầm viên với người lớn 50.000 đồng và trẻ em dưới 1m thì miễn phí thôi là bạn đã góp phần giúp một con thú được chăm sóc tốt hơn rồi” - thành viên một nhóm gần 700.000 thành viên kêu gọi. Dưới bài viết, cả ngàn bình luận rủ nhau đi ủng hộ vì mọi người lo “thiếu tiền, các em thú đói ăn, tội nghiệp”.

Một cán bộ của Thảo cầm viên Sài Gòn cho hay những ngày đầu mở cửa, khách tới ít, có ngày doanh thu bán vé không đủ bù chi. “Khó khăn nhưng chúng tôi cũng đang nỗ lực vượt qua. Chúng tôi nghĩ ra các quầy bán rau củ quả sạch để tăng khoản thu… Các nhân viên, người lao động cũng tuyên truyền để khách tới đông hơn” - cán bộ này nói.

Thảo cầm viên Sài Gòn hiện đang nuôi dưỡng hơn 1.332 động vật thuộc 149 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm… Trên khu đất thảo cầm viên rộng 16,9ha còn có 2.507 cây xanh với hơn 900 loài thực vật được bảo tồn.

ĐỨC PHÚ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận