TTCT - Khi virus corona lây lan, rất nhiều tổ chức văn hóa và bảo tàng phải đóng cửa để làm giảm sự lan truyền mầm bệnh. Đó là lúc đại dịch đã cướp đi hơn 10.000 mạng sống ở thành phố New York (Mỹ), giết chết hơn 148.000 người trên toàn thế giới. Nó là một sự thật trần trụi, không thể phủ nhận. Và điều đó cũng có nghĩa các bảo tàng phải mau chóng bắt tay thu thập các chứng tích, đồ vật, rồi sẽ giúp họ kể lại câu chuyện về quãng thời gian lịch sử đáng sợ này. Trong tháng 3, khi thành phố New York đón cuộc càn quét lây lan của virus corona, các chai nước rửa tay sát khuẩn nhanh chóng biến mất khỏi các kệ hàng thì Margi Hofer, giám đốc Bảo tàng Lịch sử xã hội New York, nhận được một email. Rebecca Klassen, trợ lý giám tuyển mảng văn hóa vật chất, gửi cho cô một ghi chú về sự khan hiếm nước rửa tay và món đồ ấy giờ đây có vẻ quý giá như thế nào. “Cô ấy viết: Purell (một nhãn hiệu gel sát khuẩn) đã trở thành vàng lỏng” - Hofer nhớ lại. Những người mua hàng đầy lo âu đã coi sản phẩm có chứa cồn sát khuẩn như lá bùa hộ mệnh. Các nhân viên bảo tàng đã quyết định đưa thêm một chai nước sát khuẩn vào bộ sưu tập của bảo tàng. Vội vã thu thập và chờ đợi xin hiện vật Vì các nhân viên bảo tàng phải ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội, các bảo tàng xoay xở tìm cách thu thập hiện vật kiểu khác. City Reliquary, một bảo tàng cộng đồng ở Brooklyn, dẫu phải tạm dừng chương trình tham quan trực tiếp và chia tay nhân viên được trả lương duy nhất của mình nhưng Dave Herman, người sáng lập bảo tàng, cho biết số lượng đầu việc của họ thậm chí còn tăng để thu thập tất cả những món đồ liên quan tới đại dịch COVID-19. Bảo tàng này kêu gọi các tình nguyện viên đam mê tham gia tìm kiếm và đóng góp hiện vật. Thu thập trong một đại dịch nghĩa là các giám tuyển phải vật lộn với những thách thức thực tế và cả những câu hỏi đạo đức gai góc. Herman muốn thu thập được khẩu trang - thứ đã trở thành một món đồ và hình ảnh phổ biến ở Brooklyn và trên toàn thế giới, nhưng ông nói: “Chắc chắn chúng tôi không muốn tháo khẩu trang hay mặt nạ ra khỏi khuôn mặt của mọi người ngay bây giờ để đảm bảo chúng được cất vào kho lưu trữ”. Những chiếc khẩu trang khâu tay sẽ được đưa vào Bảo tàng Lịch sử xã hội New York. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Smithsonian ở Washington D.C. có lệnh hoãn kiếm các hiện vật mới, nhưng các giám tuyển viên đã có hẳn một danh sách mong muốn về những hiện vật xuất hiện từ đại dịch với thứ tự những hiện vật cần tìm cho ra, những thứ cần thu thập ngay, rồi đến những thứ có thể đợi ba tháng, sáu tháng hay một năm. Ưu tiên hàng đầu là bất cứ món gì được tạm dùng trong thời gian ngắn, những gì mà người ta mau chóng vứt bỏ. Đối với người giám tuyển cho bảo tàng giáo dục, những món đó có thể bao gồm ảnh chụp màn hình các bài giảng từ xa, hoặc bài tập về nhà được viết nguệch ngoạc ở bàn bếp. Nhóm khoa học và y tế thì hối hả thu thập vài món “thuốc chữa COVID” hay những thứ đáng ngờ được quảng cáo là giúp chẩn đoán, ngăn chặn, giảm nhẹ COVID-19 bán trôi nổi trên mạng, trước khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm sờ gáy những kẻ buôn bán các món này và xóa sổ các món hàng. Máy thở và bộ dụng cụ xét nghiệm là những món đồ mà các giám tuyển viên sẽ lùng bằng được, nhưng chỉ khi nhu cầu sử dụng trước mắt đối với chúng giảm đi. “Những món đồ này đang cứu mạng người - Benjamin Filene, giám đốc phụ trách giám tuyển nói - Nhưng sau cùng, nó sẽ giúp khách tham quan suy nghĩ sâu sắc về sự giao thoa của nỗi sợ hãi tập thể, những lèo lái chính trị, và hơn thế”. City Reliquary đang thu thập các hiện vật kỹ thuật số, chẳng hạn các bức ảnh chụp bằng điện thoại di động cho thấy những tấm bảng và thông báo được viết tay, hình ảnh các cửa hàng đóng cửa. Các tình nguyện viên của họ đã mạo hiểm lang bang ngoài đường để chụp. Không để mất câu chuyện nào Ngoài ra, các giám tuyển cũng thu thập những câu chuyện. Ngoài những câu chuyện về những ngày cô đơn cách ly ở nhà, nhóm của Hofer đặc biệt muốn thu thập những câu chuyện và hiện vật từ những người lao động thiết yếu trong thời gian đại dịch, “những người trong chiến hào”. Họ trò chuyện với các chuyên gia y tế, lao động trong ngành vận tải công cộng, nhân viên cửa hàng tạp hóa và những người làm những công việc cấp bách khác, thuyết phục nhẹ nhàng từ tốn. Chẳng hạn chỉ cần cho biết bảo tàng đang muốn làm gì, chỉ yêu cầu họ để tâm tới dự án thu thập hiện vật này, rồi vào lúc thích hợp hoặc thấy món đồ thích hợp thì giữ lại cho họ. Nhiều người đã tìm tới dự án này của bảo tàng thông qua việc điền vào một mẫu đề nghị quyên góp trên trang web của bảo tàng. Phòng lưu trữ của họ đã nhận được nhiều đăng ký đóng góp, từ bảng hiệu, tờ rơi tới các hiện vật kỹ thuật số khác. Và khoảng 100 hiện vật cụ thể, như khẩu trang may tay, vẫn đợi 50 người đã hứa sẽ trao tặng gửi đến khi đường vận chuyển qua bưu điện được thông suốt và an toàn. Những ảnh hưởng của đại dịch trên mọi khía cạnh của cuộc sống Mỹ cũng khiến các bảo tàng chú tâm. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hoa Kỳ đang xem xét tình trạng của các doanh nghiệp nhỏ, như một nhà máy bia thủ công, vốn sống được nhờ các quán bar. Bộ phận khoa học và y học tìm hiểu về cách các thiết bị bảo vệ cá nhân đang làm thay đổi cảm giác gần gũi giữa bác sĩ và bệnh nhân. Các giám tuyển xem xét các cộng đồng tôn giáo đang thay đổi các dịch vụ thờ phượng của họ, tới cả việc học trực tuyến ở những nơi chả mấy quan tâm tới chuyện này, hay các nhóm dân cư nhất định, ví dụ người da đen vừa đeo khẩu trang theo khuyến cáo vừa lo lắng rằng cái khẩu trang sẽ khiến họ thu hút sự chú ý không chính đáng từ cảnh sát. Ảnh: Những bảng thông báo như thế này ở mặt tiền các cửa hàng cũng sẽ trở thành hiện vật trong bảo tàng. Sau cùng, khi các hiện vật thu gom được gửi đến bảo tàng, các nhân viên sẽ phải tìm ra những biện pháp an toàn mới cần thiết để xử lý và cất giữ chúng. “Hiểu biết về loại virus này vẫn chưa đầy đủ - Hofer nói - Nên chúng tôi vẫn chưa đưa ra quy trình nào rõ ràng được cả”. Đối với cô, các câu hỏi về an toàn đã gợi nhớ đến hậu quả của ngày 11-9, khi các hiện vật họ thu được vốn từng nằm trong số các món đồ thu được từ khu vực Ground Zero, bị phủ bụi dày độc hại. Họ đã phải mặc đồ chống phóng xạ và niêm kín các kệ quần áo phủ bụi. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hoa Kỳ cũng như tại nhiều bảo tàng khác, thông thường những món đồ vật mới đến sẽ phải qua một phòng xử lý để loại bỏ, ví dụ côn trùng. Ngay trước khi COVID-19 ập tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hoa Kỳ đã lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm mang tên “Trong mạnh khỏe và ốm đau” dự kiến mở cửa vào mùa thu năm 2021, thể hiện 240 năm nền y khoa Mỹ, bắt đầu với ba đợt bùng phát thảm khốc có tính lịch sử: Đại dịch sốt vàng da năm 1793 tàn phá Philadelphia, tai họa đậu mùa năm 1837 tàn phá bộ lạc Mandan ở Great Plains và dịch tả đánh quỵ San Francisco và Sacramento vào những năm 1850. Lúc ấy, Lord và các đồng nghiệp của cô đã tự hỏi làm thế nào để định hình và thể hiện những khoảnh khắc ấy cho khách tham quan. “Chúng tôi đã chật vật tìm cách truyền đạt cho người xem về cảm giác sống trong một thành phố đang trải qua một dịch bệnh” - cô nói. Bức tranh của bé Lizzy ở quận Queens (TP New York) cũng sẽ được lưu giữ trong bộ sưu tập về đại dịch COVID của bảo tàng. Nơi sẽ hiện lên những ký ức và trải nghiệm chung Dẫu các nghĩa trang ở thành phố hiện nay vẫn còn mộ của những người mất mạng vì bệnh cúm khủng khiếp năm 1918, nhưng người ta vẫn rất dễ quên rằng cách đây không lâu, đại dịch và dịch bệnh không hề hiếm ở Hoa Kỳ. Sự lo lắng, bất an và đau đớn mất mát đã len lỏi vào từng lớp đời sống hằng ngày. Nhưng đối với nhiều người Mỹ sống trong thế kỷ 21, đặc biệt là những người có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, họ khó mà hình dung được thực tế ấy từ thời trước. “Những con người trong quá khứ dường như rất khác biệt, mặc kiểu quần áo lạ lùng, dùng những từ ngữ rất khác với những gì chúng ta dùng để nói năng với nhau ngày nay, họ dường như ở xứ nào khác” - Lord nói. Cô tin rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ làm sụp đổ khoảng không chắn giữa quá khứ và hiện tại. Kinh nghiệm vượt qua đại dịch này đang khiến nỗi sợ hãi giày vò và nỗi cô đơn sâu thẳm ngày ấy trở nên sáng rõ hơn. Khi khách tham quan quay lại bảo tàng tới đây, cô nói: “Chúng tôi nghĩ mọi người sẽ bước vào với sự đồng cảm”.■ (*): Tổng hợp và lược dịch từ Atlas Obsscura, ART News, NYHistory. Khi các bệnh viện ở bang New York và California đối mặt tình trạng thiếu trầm trọng các trang thiết bị bảo hộ thiết yếu, nhiều bảo tàng và trường nghệ thuật đã đáp lại bằng cách gửi tới các thùng găng tay, thứ mà họ vẫn thường dùng để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật khỏi dầu và bụi trên tay người, khẩu trang, khăn lau khử trùng, kính và quần áo bảo hộ. Những món đồ hằng ngày vẫn được dùng để bảo tồn tác phẩm nghệ thuật, nay sống một đời sống khác: bảo vệ các bác sĩ, y tá. Thậm chí cả loại giày họ vẫn dùng để tránh lưu lại các vết chân bụi bặm trên sàn nhà bảo tàng… cũng được mang tặng. “Chúng tôi không muốn con virus nấp dưới đế giày của ai đó và sổng ra ngoài phố” - một giám tuyển nghệ thuật giải thích. Tags: Bảo tàngKhẩu trangMáy thởThu thập hiện vật từ đại dịchLùng hiện vật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".