TTCT - Pháp luật cần thừa nhận một chủ thể có cùng một lúc nhiều khối tài sản độc lập phục vụ cho những mục tiêu riêng biệt để các cá nhân, tổ chức làm từ thiện minh bạch giữa tài sản riêng và tài sản quyên góp để làm từ thiện. Các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình Hướng về miền Bắc, góp sức giúp đồng bào bị ảnh hưởng bão Yagi. Ảnh: T.T.D.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã công bố sao kê tài khoản lên tới mấy chục ngàn trang liên quan đến tiếp nhận quyên góp của người dân để giúp đỡ cho bà con nạn nhận bão Yagi; sau đó là danh sách các khoản chi cụ thể cho việc cứu trợ đã được thực hiện ở các địa phương. Như một phản ứng dây chuyền, nhiều địa phương, đơn vị nhận tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt cũng công khai danh sách và số tiền đóng góp của từng người dân.Minh bạch thu chi khi làm từ thiệnViệc làm của MTTQ được thực hiện trong bối cảnh dư luận xã hội chưa quên những chuyện lùm xùm xoay quanh hoạt động quyên góp tiền do các nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện vào năm 2020, khi miền Trung bị bão lụt tàn phá và rất nhiều người cần sự giúp đỡ. Các nghệ sĩ tổ chức quyên góp bị nghi ngờ lợi dụng lòng tin của những người hảo tâm để chiếm đoạt tiền được gửi cho mình làm của riêng. Trước những điều tiếng không hay gán cho mình, những người nhận tiền bá tánh phải ra ngân hàng xin cấp sao kê tài khoản để chứng minh việc thu chi được thực hiện theo đúng cam kết.Năm nay không thấy nghệ sĩ hay cá nhân nào tình nguyện đứng ra quyên góp để làm từ thiện như năm 2020 do người ta sợ bị mang tiếng như trong câu chuyện xảy ra trước đây. Sự ủy thác xã hội để làm từ thiện trong đợt cứu trợ này được dồn cho MTTQ và các tổ chức thiện nguyện. Nguy cơ quá tải công việc là có thật. Nhưng bây giờ làm sao để những chủ thể khác sẵn sàng đứng ra chia lửa không phải là vấn đề có thể được giải quyết bằng cách kêu gọi suông lòng trắc ẩn, từ tâm.Rõ hơn, cần có khung pháp lý chặt chẽ để một mặt, có thể ngăn chặn, xử lý những hành vi trục lợi, gian lận gây bức xúc, mặt khác, có thể bảo vệ những người có thiện chí chống lại sự vu khống, bôi nhọ ảnh hưởng đến uy tín xã hội, thanh danh cá nhân, để họ có thể yên tâm làm việc tử tế.Trước khi có những cuộc khẩu chiến liên quan đến việc thu chi tiền làm từ thiện do cá nhân quyên góp, luật pháp về hoạt động từ thiện trên quy mô lớn khá đơn giản. Đạo luật chung về hoạt động từ thiện có tính tổ chức chặt chẽ là Bộ luật Dân sự chỉ ghi nhận việc làm từ thiện dưới hình thức lập quỹ. Đây là một pháp nhân, một thực thể độc lập, tồn tại vì mục đích xác định là làm từ thiện. Quỹ này chỉ tích lũy tiền, tài sản nói chung cho mục đích đó. Việc thành lập quỹ có thể được thực hiện theo sáng kiến của cá nhân hoặc tổ chức và phải tuân theo thủ tục luật định, bao gồm vận động thành lập, công bố và đăng ký hoạt động. Pháp nhân quỹ có sản nghiệp riêng, phân biệt với sản nghiệp của cá nhân, tổ chức sáng lập.Trong bối cảnh hoạt động từ thiện diễn ra năm 2020, thực tiễn ghi nhận không ít trường hợp người làm từ thiện không lập quỹ, chủ yếu vì lý do không làm từ thiện một cách thường xuyên, trong khi lập quỹ đòi hỏi thủ tục, thể thức chặt chẽ, phức tạp. Đứng trước cảnh sống lầm than của những nạn nhân thiên tai, con người xót xa và muốn làm gì đó để bù đắp phần nào mất mát mà đồng loại, đồng bào gánh chịu. Có những người không có nhiều tiền để cho đi, nhưng có sức ảnh hưởng đối với công chúng; họ dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi đóng góp nhằm tạo nguồn quỹ cho phép thực hiện việc làm từ thiện trên quy mô nhất định. Bằng cách làm đó, có người huy động được tới hàng trăm tỉ đồng. Nắm trong tay số tiền ủy thác lớn nhưng lại quản lý một cách hời hợt, dễ dãi, người nhận ủy thác bị nghi ngờ gian lận, trục lợi. Trong thời đại mà mạng xã hội có khả năng làm lan tỏa thông tin với tốc độ nhanh và trên diện rộng, những điều tiếng xầm xì có thể hủy hoại diện mạo xã hội của con người trong một sớm một chiều.Trước hiện tượng cá nhân làm từ thiện bằng tiền quyên góp mà không lập quỹ bị nghi ngờ lấy tiền người khác gửi để làm từ thiện cho vào túi riêng, người làm luật phải rà lại khung pháp lý và có biện pháp khắc phục bất cập, thiếu sót. Một nghị định được ban hành vào năm 2021 về hoạt động từ thiện. Bộ Tài chính ban hành tiếp vào năm 2022 một thông tư quy định về chế độ kế toán đối với hoạt động từ thiện. Trong khung pháp lý mới được hoàn thiện, cá nhân, tổ chức làm từ thiện không thường xuyên được trao chính danh để thực hiện việc làm từ thiện của mình mà không cần lập một quỹ có tư cách pháp nhân. Cá nhân, tổ chức làm từ thiện có quyền và có trách nhiệm lập một tài khoản ngân hàng chuyên biệt chỉ để nhận tiền làm từ thiện; bên cạnh đó, họ có trách nhiệm lập sổ sách kế toán về hoạt động từ thiện và ghi chép đầy đủ, chính xác các hoạt động thu chi vì mục đích từ thiện.Một người quản lý nhiều khối tài sản độc lậpKhung pháp lý đang vận hành tương đối hoàn chỉnh về phương diện minh bạch hóa con đường đi của dòng tiền, nói chung của tài sản được ủy thác cho một chủ thể để làm từ thiện. Tuy nhiên, vẫn còn đó các câu hỏi: Nếu người ta có hành vi chiếm đoạt tiền ủy thác để làm từ thiện cho vào túi riêng thì xử sao? Nếu người ta không có hành vi chiếm đoạt mà bị vu oan giá họa thì xử sao?Về mặt pháp lý, người có hành vi chiếm đoạt tài sản thì phải chịu trách nhiệm, một khi do hành vi này mà một người khác mất đúng tài sản đó. Nhưng ở đây, người đóng góp đã cho đi; tiền, tài sản đó không còn thuộc sở hữu của họ, bởi vậy không có chuyện họ bị mất mát, thiệt hại. Đối với người thụ hưởng, chỉ khi nào tiền, tài sản được chuyển giao cho họ thì mới là của họ. Vậy việc người làm từ thiện nhận tiền ủy thác bỏ túi riêng là chiếm đoạt của ai?Nếu tài sản để trong một quỹ có tư cách pháp nhân hẳn hoi thì không có gì khó khăn để trả lời câu hỏi đó: tiền, tài sản thuộc sở hữu của pháp nhân quỹ; việc lấy tiền, tài sản đó cho vào túi riêng là hành vi tham ô, phải bị xử lý theo luật.Còn trong trường hợp tiền, tài sản được ủy thác cho một người để làm từ thiện mà không lập quỹ có tư cách pháp lý độc lập thì ở các nước tiên tiến, được coi là tiền, tài sản thuộc về một thực thể pháp lý đặc biệt có tên gọi là trust, cụ thể hơn nữa là trust từ thiện. Người nhận tiền, tài sản được gọi là trustee (người nhận tín thác). Để lập trust từ thiện, người nhận tín thác có thể cắt một phần tài sản của mình đưa vào trust; người này cũng có thể kêu gọi sự đóng góp của công chúng với điều kiện công khai mục tiêu huy động đóng góp và mục tiêu đó phải thỏa mãn các tiêu chí luật định để được gọi là từ thiện.Một khi được lập đúng luật, trust hoàn toàn tách biệt với khối sản nghiệp riêng tư của người nhận tín thác. Các chủ nợ riêng của người nhận tín thác không có quyền "dòm ngó" tài sản thuộc trust trong quá trình đi đòi nợ. Vả lại, một khi đã hội đủ điều kiện, đặc biệt là về mục đích tồn tại, để được gọi là trust từ thiện thì thực thể tài sản này mang tính chất công cộng, dù được quản trị bởi một tư nhân.Nhà chức trách, xã hội có quyền nhân danh lợi ích công cộng để giám sát sự vận hành của thực thể này, bao gồm hành vi quản trị tài sản của người nhận tín thác. Người nhận tín thác phải giải trình về việc thu chi và phải chịu trách nhiệm pháp lý về sự thất thoát tài sản thuộc trust, thậm chí có thể ngồi tù.Cần công cụ pháp lý rõ ràngĐể quản lý, theo dõi hành vi của con người liên quan đến tài sản được chuyển giao để làm từ thiện mà không lập quỹ có tư cách pháp nhân, hệ thống pháp lý Việt Nam hiện hành thiếu một công cụ pháp lý tương tự như trust. Muốn có được một công cụ như thế thì trước hết phải cải cách luật dân sự, đặc biệt là luật tài sản, ngay từ nền tảng học thuyết. Cần phải thừa nhận khả năng chủ thể quản lý cùng một lúc nhiều khối tài sản độc lập phục vụ những mục tiêu riêng biệt. Chủ thể được tạo điều kiện và có trách nhiệm tách biệt từng khối tài sản một cách rõ ràng và phải chịu trách nhiệm trước những người có quyền, lợi ích liên quan trong trường hợp để tài sản bị lẫn lộn, thất thoát.Liên quan đến việc làm từ thiện, cần có quy định rõ ràng về tiêu chí nhận diện cái gọi là mục đích từ thiện. Người kêu gọi đóng góp phải công khai mục đích và có trách nhiệm sử dụng tiền quyên góp đúng mục đích khi kêu gọi. Họ phải ghi chép rõ ràng, đầy đủ trong sổ sách kế toán việc nhập các khoản tiền quyên góp được cũng như việc chi ra, đồng thời phải giữ chứng từ thu chi để phục vụ việc giải trình, kiểm tra.Một khi đã làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể và tài sản bằng các quy tắc pháp lý rành mạch thì việc đánh giá hành vi của con người liên quan đến tài sản phải được dựa trên cơ sở pháp luật và phải được phân xử trước tòa án trong trường hợp đánh giá không giống nhau. Người có quan tâm không thể ngồi quan sát, rồi tưởng tượng suy diễn, phỏng đoán và quy chụp. Ai phát ngôn tùy tiện, vô căn cứ ảnh hưởng đến danh dự của người khác thì phải chịu trách nhiệm. ■ Tags: Nghệ sĩ nổi tiếngDư luận xã hộiLàm từ thiệnTừ thiện
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Máy bay, xe không người lái mà TP.HCM thử nghiệm sẽ làm gì? CẨM NƯƠNG 16/11/2024 Việc TP.HCM là nơi tiên phong thí điểm máy bay, xe không người lái tại các khu công nghệ cao được kỳ vọng sẽ là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao.
Jake Paul đánh bại Mike Tyson sau 8 hiệp đấu QUỐC THẮNG 16/11/2024 Jake Paul đã đánh bại võ sĩ quyền Anh hạng nặng Mike Tyson trong màn so găng sáng nay 16-11 tại Mỹ.
Người Hà Nội gốc mà chỉ ba đời sống ở Hà Nội thì chưa đủ THIÊN ĐIỂU 16/11/2024 Giống như tranh luận thế nào là người Hà Nội gốc bao năm qua, khi PGS Phạm Xuân Thạch nêu quan điểm 'hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi' cũng nhận ý kiến nhiều chiều tưởng như chẳng có hồi kết.
Pháo tầm xa hạng nặng của Triều Tiên xuất hiện tại Nga? THANH HIỀN 16/11/2024 Hình ảnh do các blogger quân sự đăng tải cho thấy các khẩu pháo tầm xa của Triều Tiên đã được vận chuyển đến Krasnoyarsk (Nga) bằng tàu hỏa.