Cái chết của nhồng

TTCT - Phải công nhận là tôi hơi “đẹp trai” và thông minh so với đồng loại, nhất là trong thế giới các loài chim biết nói tiếng người.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Tôi thông minh từ trong trứng và đẹp trai do được chăm sóc, ăn uống đầy đủ. Mỗi sáng ông chủ cho tôi tắm nắng ba mươi phút, trưa nóng nực thì tắm mát, trong nước tắm có pha thêm chút muối hoặc nước cây mần tưới (còn gọi là cây hương thảo) với nước lá sả để phòng và diệt bọn rận, chấy.

Chính vì được chăm sóc chu đáo nên tôi lớn nhanh, thân hình phát triển cân đối với bộ lông đen óng, bóng mượt, đôi chân to khỏe, cái đầu to với bộ mi dài, đen nhánh, đôi mắt tinh anh. Trông tôi như một con đại bàng thu nhỏ, chỉ khác ở chỗ tôi có cái mỏ đỏ chót tựa ớt.

Thông minh bẩm sinh nên tôi học nói rất nhanh. Họ nhà nhồng chúng tôi mỗi em trung bình nhớ được khoảng ba mươi câu, tôi thuộc hạng “sao”, có thể nhớ nhiều hơn những con nhồng khác, nhưng bao nhiêu thì tôi không chắc. Những em cũng biết nói tiếng người như sáo, cưỡng, két thì không thể so sánh với họ nhồng, lại càng không thể so sánh với tôi.

Ông chủ dường như cũng phát hiện ra sự đặc biệt của tôi nên để tôi ở hẳn một góc tách biệt với mấy thằng nhồng, cưỡng, sáo khác. Ngày nào cũng có một, hai vị khách đến ngắm nghía, hỏi giá:

- Con nhồng này bao nhiêu?

Ông chủ đáp gọn lỏn:

- Mười lăm triệu.

- Mắc vậy? Con nhồng giá cao nhất ở phố chim này từ trước tới nay chỉ có năm triệu thôi cha nội.

- Con này học nói câu mới nhanh lắm. Ba, bốn con nhồng khác gộp lại chưa chắc bằng. Không tin cứ thử!

Kết quả tôi làm gã khách ngạc nhiên đến há hốc mồm. Gã cho tay vào túi định móc bóp ra, đột nhiên cô gái đi cùng nũng nịu:

- Thôi, mắc lắm anh ơi! Mùa này thời tiết thay đổi thất thường, đem về dễ chết gió lắm. Con gà trống hơn ba ký má em nuôi bữa trước mạnh sây sẩy, hôm sau đột nhiên lăn đùng ra chết, để tiền mua cho em thêm sợi dây chuyền đi anh, em coi trên tạp chí tiêu dùng có mấy mẫu mới đẹp lắm.

Nghe cô ả õng ẹo, gã khách ngần ngừ đôi chút rồi quay lưng vọt thẳng. Ông chủ tôi không ra vẻ gì là tiếc rẻ lắm, có lẽ ông cưng tôi không muốn bán, hoặc có lẽ tôi thật sự đáng giá mười lăm triệu hay hơn thế nữa. Riêng tôi hơi thất vọng, từ nhỏ lớn lên chỉ ở nhà ông chủ, đôi lúc tôi khao khát được chuyền từ cây này sang cây nọ, bay từ khu rừng này đến khu rừng khác, hay ít nhất dù vẫn ở trong lồng nhưng cũng được thay đổi một chút về không gian, khung cảnh sống khác hơn ngôi nhà ông chủ.

***

Hôm nay quả thật là một ngày đẹp trời, tắm nắng xong tôi có cảm giác gì đó rất lạ, giác quan thứ bảy của loài chim chăng? Cũng có thể. Tôi vừa ăn bữa sáng xong, một chiếc xe du lịch biển số xanh đột ngột dừng lại trước cửa hàng. Mấy vị khách bước xuống, một vị nhìn tôi rồi hất hàm hỏi:

- Bao nhiêu?

- Mười lăm triệu!

- Có gì đặc biệt mà giá cả như vậy?

- Khả năng nhớ tốt, mấy con nhồng thường gộp lại cũng không bằng. Đứng trước mặt nó, nói một câu, lặp lại năm lần, cho nó một con dế hay con thằn lằn, khoảng vài phút sau nó sẽ nói được câu đó. Không đúng như tôi nói, tôi thối tiền liền.

Vị khách làm theo lời ông chủ nói, và tôi cũng không làm ông chủ lẫn khách thất vọng. Ông khách mỉm cười, gật đầu hài lòng.

Một người trong nhóm đi cùng ông khách hỏi nhỏ:

- Anh Thiện mua con nhồng này chi, mười lăm triệu mắc quá!

- Mấy hôm trước anh Chín Thiên có hỏi tôi về nhồng, chắc là ảnh định nuôi, mua tặng ảnh treo cho vui.

Đoạn ông khách quay sang chủ tôi:

- Tôi bận họp, anh cầm trước một triệu tiền cọc. Đừng bán cho ai, hai giờ chiều tôi quay lại lấy.

Xong, mấy người khách hối hả lên xe. Ông chủ tôi quay sang bà chủ:

- Hôm nay trúng mánh, tưởng mấy tay công chức nhà nước đồng lương thoi thóp đắp đổi qua ngày, có mà mua được cục phân nhồng của mình, ai ngờ...!

Bà chủ ra vẻ hiểu biết:

- Đó là công chức thường, liêm chính, có tài có đức chứ còn công chức có địa vị, có quyền thế mà thiếu đạo đức thì thiếu gì cách để họ kiếm tiền. Mà ông cũng thật kỳ, sao lại nói lương công chức chỉ mua được cục phân chim của ông, phải nói là lông chim mới đúng.

Ông chủ nhìn bà chủ, cười híp mắt:

- Ờ, thì lông chim, bà há?!

***

Đúng hai giờ chiều ông khách quay lại chồng tiền. Ông chủ chuyển tôi sang cái lồng nhỏ hơn, phủ áo lồng để khách đem lên xe. Bây giờ tôi và chiếc lồng đang nằm gọn lỏn trong vòng tay ông chủ mới, trên đường về nhà mới, đến với một cuộc sống khác, điều mà tôi mong muốn khi còn ở trong lồng.

Xe đi được một lúc, ông chủ mới của tôi cất tiếng:

- Dừng xe, tớ đi toa-lét rồi đốt điếu thuốc cái, lạt miệng quá!

Ông chủ tôi bước xuống xe, những người khác cũng lần lượt theo ông. Bất chợt, tôi nghe tiếng cửa xe bật mở, một người nào trong số họ quay lại xe. Gã khom người về sát chỗ tôi, khẽ vạch áo lồng. Một gã với mái tóc hoa râm đang nhìn tôi lom lom. Tôi nhớ gã này, ban sáng đã len lén nhích lại gần ông chủ mới để nghe lóm khi có người trong nhóm hỏi mua tôi làm gì. Còn bây giờ, gã thập thò hé áo lồng toét miệng cười đểu giả, đoạn chép miệng phát âm một câu ngắn. Gã lặp đi lặp lại đến cả chục lần như sợ tôi quên. Xong, kéo áo lồng lại như cũ rồi cười hi hí ra vẻ khoái trá trước khi ra khỏi xe, quên luôn việc cho tôi con dế hay con thằn lằn để khuyến khích. Gã làm tôi thấy bực bội, ông chủ cũ của tôi chưa bao giờ đối xử như thế. Tôi cũng có tự ái của một con chim chứ! Không dế, không thằn lằn, không hợp tác, không nói gì hết!

***

Ông chủ mới và tôi về đến nhà lúc trời chạng vạng tối. Vừa bước vào nhà, ông đã móc di động ra gọi:

- Anh Chín hả, anh có nhà không? Em mới tuyển được cho anh con nhồng ngon lắm, tắm rửa xong em xách sang nhà anh nghen!

Không biết cái ông Chín trong điện thoại kia nói gì mà thấy vẻ mặt ông chủ rạng rỡ lắm. Nói chuyện điện thoại xong, ông mở áo lồng ra đưa ngay trước mặt tôi một chú thằn lằn múp míp, như xoa dịu lòng tự ái của tôi:

- Chắc đói rồi phải không? Ăn đi con, ăn rồi giúp ba làm anh Chín vui.

Tôi mổ ngay lấy chú thằn lằn, dùng mỏ quặp vài phát thật mạnh cho nó ngắc ngoẻo rồi nuốt ực. Tôi vẫn còn nhớ cái câu mà gã có mái tóc hoa râm dạy tôi, bây giờ đã có cái ăn, để đáp lại làm vui lòng ông chủ, tôi khoe lanh lảnh ngay những gì học được trên xe:

- “Đ. má Chín Thiên! Đ. má Chín Thiên!”.

Không biết chuyện gì xảy ra mà tôi vừa nói xong mặt ông chủ đanh lại, dần chuyển sang tái, người ông hơi run. Ngay lúc ấy, tiếng chuông cửa reo lên, tiếp sau là tiếng người:

- Thiện ơi, con nhồng ra sao, anh nhìn thử coi!

Nghe tiếng người đó, bỗng nhiên ông chủ giật thót mình, luýnh qua luýnh quýnh, hối hả đi về phía cổng rào, được ba bốn bước ông quay lại, cứ thế ba bốn lượt. Lần cuối cùng quay lại, ông nhìn tôi bằng ánh mắt nảy lửa. Ông lấy lồng xuống, mở cửa, đưa tay vồ lấy tôi. Thấy nguy hiểm, tôi phóng người, tung mạnh đôi cánh bay loạn xạ, miệng thét lên oang oác, kinh hãi, nhưng cuối cùng ông cũng chộp được tôi. Ông lôi tôi ra khỏi lồng, tay kia ông chộp lấy đầu tôi bóp chặt và vặn mạnh một phát.

Một tiếng “rộp” nho nhỏ vang lên. Sau âm thanh ấy, người tôi bỗng nhiên nhẹ hẫng, tôi có cảm giác mình không đập cánh cũng có thể bay lên được. Tôi rảo mắt nhìn quanh, chiếc lồng vẫn còn nằm trên đất, ông chủ đang hối hả chạy ra mở cổng. Và thật buồn khi thấy thằng nhồng đẹp trai, thông minh là tôi đang nằm cạnh chiếc lồng, đầu ngoẹo sang bên, khóe miệng còn rỉ ít máu tươi.

Ông chủ nhanh chóng trở vào cùng vị khách, vừa đi ông vừa xuýt xoa, tiếc nuối:

- Anh Chín biết không, con nhồng em mới tuyển cho anh khôn dễ sợ. Mình chỉ cần nhìn nó, lặp lại một câu gì đó năm lần, mấy phút sau là nó nói được ngay. Em đã thử rồi, tiếc là lúc em mở lồng cho nó ăn bị con mèo nhà em đớp một phát, chết tươi. Biết vậy ngay hồi chiều về em đem sang nhà anh Chín luôn.

Ông khách chậm rãi:

- Ừ, chết rồi thì thôi. Mà chú mua có mắc không để anh phụ tiền chú! Anh không rành về chim chóc lắm, mà thằng bé nhà anh cứ nằng nặc đòi nuôi nhồng, mệt với nó!

- Có nhiêu đâu anh, vài trăm lẻ ấy mà!

Ông khách cũng chặc lưỡi ra vẻ tiếc rẻ, đoạn ông dẫn sang chuyện khác:

- Theo lịch làm việc, cuối tháng này sẽ họp giới thiệu nhân sự bổ nhiệm giám đốc công ty bên ấy. Chỗ đó đang ăn nên làm ra, nhiều người cũng muốn về. Anh cũng có ý muốn giúp nhưng thành bại đều do chú, ráng tranh thủ anh em.

- Dạ, cảm ơn anh Chín!

Uống được mấy tách trà, trời đã tối hẳn, khách đứng dậy ra về. Ông chủ tiễn khách ra tận cửa.

Giờ tôi biết mình đã chết. Bị ai giết, điều đó với tôi không quan trọng. Điều quan trọng là tôi không còn bị nhốt trong lồng nữa. Qua đêm nay tôi sẽ tung mạnh đôi cánh bay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận