Cái chết của ruồi

LÊ MINH NHỰT 16/06/2008 06:06 GMT+7

TTCT - Tôi bám theo gã chủ nhân của mình từ lúc gã cùng với lão sếp hì hục khuân vác mớ đặc sản miệt biển lên xe. Mùi tôm khô, mực khô, cá khô trộn lẫn với mùi mồ hôi nhễ nhại hòa quyện lại với nhau tạo thành một mùi hương mê ly quyến rũ.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Chậc! Chỉ ngửi mùi thôi thì chán chết, cái bụng tôi nó đang réo ầm ĩ. Từ sáng đến giờ đã có thứ gì nhét vào đâu. Phận đầy tớ tôi nào dám đòi hỏi gì ngoài cơm thừa canh cặn hay một tí súp cũng là may mắn lắm rồi. Nhưng chủ nhân nào có đoái hoài đến cái thằng tôi, lúc nào cũng mắng tôi chỉ tổ làm vướng tay vướng chân chẳng ích lợi gì. Nhiều khi tủi phận đầy tớ đâm nghĩ quẩn, sống chẳng ích lợi gì thôi thì cứ chết quách cho xong nhưng tôi không có can đảm để tròng cái thòng lọng vào cổ mình rồi đạp ghế cái rầm, xác treo lủng lẳng.

Không có cái can đảm ấy nên tôi chỉ mong chủ nhân giải thoát cho mình bằng một cái bợp tai bẹp gí mà chết chẳng kịp đau đớn còn sướng hơn là sống. Nhưng những lúc ấy hình như chủ nhân cũng mủi lòng nên tôi đã có một bữa no nê, quên quách cái dự định chết chóc kia. Thế là tôi tạm thời không còn nghĩ đến cái chết nữa, tôi lại lấy được cái dũng khí của một kẻ no say mà sống tiếp cuộc đời của mình. Vì thế tôi vô cùng biết ơn chủ nhân tôi lắm lắm. Tôi nguyện dâng hết cuộc đời của mình để tận tụy phục vụ cho chủ nhân, kể cả mạng sống của mình nếu chủ nhân muốn thì tôi cũng dâng cho gã bất cứ lúc nào. Tuyệt không oán trách!

Ôi trời! Ngồi xe máy lạnh mới sung sướng làm sao, toàn thân tôi gần như tê dại, hai mắt ríu lại nhưng tôi vẫn cố bám vào kính xe bên cạnh chủ nhân, đủ đảm bảo một khoảng cách yên tĩnh để khi chủ nhân mỏi lưng tựa vào ghế không chạm phải tôi. Nhưng tôi cũng thừa biết rằng không khi nào gã làm cái động tác vô phép ấy trước mặt sếp, gã phải tỏ ra hoàn toàn tỉnh táo trước khi lão sếp ngủ gật trên ghế.

- Anh làm một điếu cho tỉnh người - chủ nhân tôi cung kính chìa gói thuốc cho sếp.

- Xe máy lạnh không được hút thuốc! Tôi gào to lên. Nhưng lão sếp điềm nhiên như không, vẫn rít một hơi dài phả ra làm tôi ho sặc sụa. Đúng là phận con sâu cái kiến, có gào to đến mấy cũng chẳng ai nghe!

- Có một con ruồi trên xe! Lão sếp lầm bầm.

- Ruồi à? Chủ nhân tôi nhìn quanh quất - Em không thấy, cửa xe đóng kín lắm mà! Đúng ra là gã đã nhìn lướt qua tôi nhưng vẫn vờ như không thấy. Chẳng lẽ lại bảo: À, nó đậu trên đầu của anh! Như thế là vô phép. Tôi cũng nhanh trí đổi chỗ kịp thời đấy chứ?

- Có khoảng mười cơ quan cấp trên mà cơ quan mình thường xuyên quan hệ công tác. Mỗi cơ quan cấp trên cứ trung bình có ba sếp lớn, còn các trưởng phòng nữa. Quà cáp phải chia làm sao cho đều, tương xứng với chức vụ của người ta không chỉ ở chất lượng của món quà mà còn thể hiện được tấm lòng của mình nữa.

- Em biết rồi! Năm nào cũng vậy mà anh.

Thâm niên làm tổ chức của chủ nhân tôi được khoảng mười năm, thì cũng ngần ấy năm mỗi khi tết đến xuân về lại khệ nệ với đống quà biếu lần mò đến nhà các lão ở trên để mà: “Dạ thưa anh (chú), sếp em gửi anh đặc sản biển để ăn lấy thảo”. Bộ dạng lúc ấy cũng phải nhún nhường hơn tức là lưng hơi cong, gối hơi chùn một chút, giọng nói cũng phải mềm mại hòa nhã hơn để thể hiện thiện chí của mình.

Mặc dù những lúc ấy chủ nhân tôi thật sự muốn nói khác đi rằng: Xin các anh cứ nhận cho, chẳng phải tiền túi của em đâu, ngân sách nhà nước đấy! Nhưng thưa các bạn, không một người có học thức nào lại khiếm nhã đến độ mở mồm thốt ra câu nói ấy. Tôi cũng vậy! Người nhận họ cũng lịch sự không kém. Ai lại nỡ từ chối lòng tốt của người khác, nhất là cán bộ của cơ quan cấp dưới mình không quản đường sá xa xôi đến tận nhà. Vậy là họ nhận? Phép lịch sự mà.

Chủ nhân tôi cũng có lắm chuyện khôi hài trong việc quà biếu, như chuyện cho nhầm đối tượng hồi năm rồi: sếp dặn đem đến cho một sếp lớn ở sở A nhưng chủ nhân tôi lại đưa nhầm cho anh phó phòng của sở ấy bởi hai người cùng tên lại còn dạ với thưa đến mỏi cả miệng. Báo hại sếp lớn hết giờ làm chờ mỏi cả cổ chẳng thấy quà cáp đâu bèn gọi điện trách. Sau đó dĩ nhiên chủ nhân tôi phải lót tót mang đến nhà riêng mà cung kính tận tay món khác giá trị hơn.

Hay chuyện một lão khác điện xuống bảo gửi lên một chú chồn mướp đực để làm mồi nhậu, dạo này thứ hàng hoang dã này hiếm quá. Lão còn thòng thêm một câu: cái tờ trình mua sắm trang thiết bị đang được xem xét! Cả hai tuần sau đó chủ nhân tôi phải quần nát mấy tay bẫy chồn ở địa phương mới moi được một con chồn mướp cái. Hí hửng đem lên nào ngờ lão khịt khịt mũi rồi lắc đầu. “Chồn mướp chính cống đấy anh ạ!” - chủ nhân tôi cam đoan với lão. “Thì tôi có bảo với chú nó là mèo đâu nhưng cái tôi cần là một con chồn đực bốc mùi xạ hương, quan trọng là cái thứ ở dưới đuôi nó kìa chứ con chồn cái này thì giá trị bao nhiêu!” - lão hậm hực.

Chẳng biết lão nghe ở đâu mà bảo thứ này ác liệt lắm, tăng sức “chiến đấu” lên gấp hai lần bình thường, thế là một hai đòi cho được con chồn đực. Khổ cho cái thân chủ nhân tôi, lại hì hục tìm cho bằng được cái thứ ấy để đem lên lần nữa. Sau này tôi mới biết được rằng lão là tay tổ trong việc thịt giống hồ ly, được anh em xưng tụng là “hồ ly lão lão”. Đúng là dân sành ăn trên đời có muôn hình vạn trạng!

Ôi trời! Cuối cùng thì chủ nhân tôi cũng đã đói bụng. Sau gần một ngày trời đi giao thiệp với cấp trên, cái bụng của gã cũng đã lâm vào hoàn cảnh tương tự như tôi. Nhìn bộ dạng của gã mà tôi thấy thật buồn cười, dớn da dớn dác bước vào quán như sợ người ta bắt gặp mình đang làm chuyện gì thật xấu xa. Mau lên nào chủ nhân! Chúng ta đều đang đói bụng cả mà. Đói thì ăn! Chủ nhân cứ dũng cảm lên mà ăn, có khi lão sếp đã chén bể bụng ở đâu đó rồi. Ái chà chà, lẩu hải sản, chơi sang thật đấy. Lại có cả bia nữa! Thế thì phận đầy tớ này cũng no lây rồi. Thôi, mạn phép chủ nhân tôi xơi trước đây.

- Quán xá sao mà mất vệ sinh thế này? Ruồi nhặng cứ lượn lờ xung quanh!

- Làm gì có ruồi thưa quí khách! Quán em nổi tiếng vệ sinh ở khu ẩm thực này đấy chứ!

- Vậy chứ cái con gì đang bay vo vo trước mặt tôi đây?

- Dạ... con ruồi! Nhưng chỉ có mỗi một con ở bàn quí khách thôi, các bàn khác em chẳng thấy con nào cả!

Ừ nhỉ, quái lạ thật! Chỉ có mỗi một con ở bàn mình, hình như nó theo từ lúc trên xe đến giờ. Thôi, cứ lo cho cái bụng trước ruồi nhặng cũng là chuyện bình thường ở cái xứ sở nhiệt đới này. Chẳng biết sếp mình sáng giờ làm cái giống gì, điện mãi mà chẳng nhấc máy, chắc giờ này lão đã nằm ườn ở tiệm matxa cho mấy em nhào nặn rồi. Kệ cha lão, cứ lo chuyện ăn uống, xong còn phải chạy thêm một chập nữa.

Chủ nhân tôi cứ làm như chúng ta là người xa lạ không bằng, ừ thì tôi chỉ thấp kém là một con ruồi. Nhưng là một con ruồi trung thành còn hơn một con người mà phản trắc. Con người cứ vu cho lũ ruồi chúng tôi là trung gian truyền vô số thứ bệnh nhưng những mầm bệnh cũng do người thải ra đấy chứ. Chúng tôi chỉ là những kẻ xui xẻo của định mệnh! Nhưng mà chủ nhân cứ an tâm, tôi là một con ruồi sạch sẽ nhất trong loài ruồi vì luôn túc trực bên cạnh chủ nhân, cơ thể chủ nhân là nơi tôi nghỉ ngơi, thức ăn của ngài cũng là thức ăn của tôi và cả những vị khách tai to mặt lớn của ngài nữa cũng là bạn bè của tôi nốt... Như thế thì làm sao tôi có thể truyền một thứ dịch nguy hiểm nào cho được.

- Báo cáo anh, em đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao!

- Ừm được đấy! Mà cậu mất tích đi đâu gần một tiếng đồng hồ vậy?

- Dạ, công việc xong xuôi khát quá em ghé quán làm một ly nước chanh cho mát họng. Mấy em phục vụ ngon lành không anh?

- Mấy em nào? À, ờ cũng được. Đừng có nhiều chuyện với ai đấy, mất tư cách. Cậu cứ như con giun trong ruột của tôi vậy.

- Hì hì! Có gì đâu anh, tụi mình đàn ông với nhau cả mà. Cam đoan với anh em mà hé miệng ra là em mất cái chức danh tổ chức này liền.

- À, chiều nay chúng ta còn phải tiếp mấy tay bên ban quản lý dự án xây dựng của tỉnh. Cậu kiếm một chỗ nào kín đáo yên tĩnh mang hương vị đồng quê một chút. Mấy thằng cha đó lúc này đổi gu rồi!

- Anh cứ an tâm giao cho thằng em này. Đâu vào đấy, tổ chức mà anh!

Hoan hô hai thầy trò chủ nhân. Thế là tôi lại sắp sửa được no say nữa rồi. Ước gì hôm nào cũng được như thế này thì sướng biết mấy. Cứ được ăn uống không phải bỏ tiền túi ra, rượu ngon gái đẹp ê hề trước mắt như vậy thì thằng tôi đây có được đầu thai vạn lần cũng xin chỉ được làm kiếp ruồi mà thôi. Nhưng mà chủ nhân láo toét vừa vừa thôi chứ! Ăn tràn họng tràn hầu, lấy hóa đơn đỏ xong xuôi còn bày đặt bảo là chỉ uống có một cốc nước chanh. Như thế làm sao được.

- Vâng, xu thế bây giờ đang là quay về với thiên nhiên. Quán này phong thủy tốt đấy! Bốn phương tám hướng đều lồng lộng gió. Môi trường thoáng đãng cũng là cách để trút đi những bực dọc của đời thường - tên ục ịch ra vẻ bí mật thì thầm vào tai chủ nhân tôi.

Xem kìa, bộ mặt xun xoe của chủ nhân tôi mới đáng ghét làm sao. Còn lão sếp chẳng biết bàn luận chuyện quái gì với tay trưởng ban quản lý dự án mà thỉnh thoảng lại cười vang. Đôi mắt ti hí của tay này cứ chằm chằm vào cặp đùi non nhởn của em phục vụ bia. Tôi cảm thấy chỗ ấy chẳng hấp dẫn bằng đĩa bông bí xào tôm trên bàn tiệc chút nào, có lẽ đầu óc siêu việt của gã đang mưu tính chuyện quản lý cái “dự án” phía trên cặp đùi non ấy. Nghĩ đến thế thôi cái đầu bé nhỏ của tôi đã ong ong lên.

Tôi lại bay vòng vèo trên các đĩa thức ăn, mỗi đĩa chỉ mút chiếu lệ một vài miếng. Thú thật với các bạn là tôi ngán đến tận cổ những bữa tiệc như thế này rồi. Đầy những mỡ, thịt. Nó làm cho đôi cánh tôi trở nên chậm chạp một cách nguy hiểm, chỉ cần ngang qua một cái lẩu đang sôi hay một cốc bia đang sủi bọt mà đầu óc váng vất, đôi cánh chậm lại trong vòng một phần triệu giây thôi là coi như chấm dứt vòng đời. Trong khi đó, chủ nhân tôi và các vị khác xem ra đang vào cuộc rất đỗi hào hứng. Họ tống cái thứ gọi là bia vào cổ họng rất ư ngon lành và tự nhiên như hít thở khí trời. Thật tội cho các cô em phục vụ bia mồ hôi nhễ nhại, tay thoăn thoắt khui rót vẫn chưa kịp với tốc độ há mồm của các vị khách người.

- Tôi rất ghét ruồi! Tên ục ịch bỗng dưng ngưng uống và phát biểu trịnh trọng.

- Tôi cũng vậy! Lão sếp gật gù hưởng ứng bằng một cái cụng ly rõ mạnh.

Tên ục ịch nói tiếp:

- Ngay lúc này đây! Một thằng ruồi... híc híc... Tôi xin nhắc lại: một thằng ruồi! Nó đang bay vo ve trên đầu chúng ta và chúng ta đã ăn thức ăn thừa của nó. Mẹ kiếp! Gã buột miệng chửi thề.

- Vâng, mẹ kiếp cái thằng ruồi! Lão sếp lại hùa theo bằng cái giọng thật đáng ghét. Trong khi đó thì chủ nhân tôi vẫn đang miệt mài với đôi bàn tay xinh xẻo và mềm như rắn của cô em phục vụ bia. Tôi biết tỏng gã đang nghĩ gì, gã đang cười thầm trong bụng: toàn một lũ ngốc! Bây giờ mới phát hiện ra thì đã muộn rồi. Con ruồi ấy có lẽ đã ị đầy vào các món ăn mà các ông nhét vào miệng. Ha ha!

- Cậu cười cái gì thế? - lão sếp chợt hỏi chủ nhân tôi.

- Không, em có cười gì đâu!

- Vậy thì cậu say rồi! Rõ ràng ở đây ai cũng thấy cậu cười, chỉ mình cậu là không hay. Và để chứng minh mình không say, cậu hãy đập chết cái con ruồi đang bay kia đi.

Chủ nhân tôi khệnh khạng đứng lên, gã nhìn tôi chằm chằm. Hai tay gã từ từ đưa lên ngang mặt, rồi chần chừ. Trong khoảng tích tắc ấy tôi chợt nhận ra hình như trong mắt của gã đẫm lệ. Đập hay không đập? Tên ục ịch gào lên.

Ra tay đi nào chủ nhân, lần đầu tiên ngài hãy tỏ rõ chính kiến của mình, hãy để tôi được tự hào về ngài. Một lần duy nhất và cuối cùng thôi tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi.

Hình như lời cầu khẩn của tôi linh nghiệm, một bóng đen khổng lồ ập xuống trên đầu tôi. Toàn thân tôi ríu lại đón chờ cái chết đến với mình. Nhưng khi mở mắt ra tôi lại thấy chủ nhân đổ ụp trên bàn giữa bao nhiêu là thức ăn, chén đũa và lênh láng bọt bia. Tôi sà xuống bàn tay gã, lách vào kẽ giữa các ngón tay và nằm ở đấy chờ đợi.

Tay không bắt ruồi à? Lão sếp rú lên. Đích thị là chú mày không say. Nào để anh đỡ dậy và chúng ta sẽ đi tăng hai. Còn cái con ruồi này... à không, thằng ruồi. Mày sẽ được chết. Đừng tưởng không ai biết có sự hiện diện của mày! Nói xong, lão túm lấy đôi cánh của tôi vặn đứt đi và thả tôi vào ly bia. Trước khi rơi vào đấy tôi thấy khóe miệng lão nhếch lên một cách ranh mãnh, và kìa đôi mắt của lão sao lại là đôi mắt kép giống như loài ruồi chúng tôi? Mắt tôi nhòe đi. Một khung cảnh kinh hoàng chợt diễn ra: đầu tiên là lão sếp, tay trưởng ban quản lý dự án, tên ục ịch và cuối cùng là chủ nhân tôi.

Tất cả bọn họ đã từ từ biến đổi. Cơ thể họ bong tróc từng mảnh một, tứ chi tiêu biến, toàn thân co rút mãnh liệt đến mức chỉ còn bằng hạt đậu. Họ không còn đứng nữa mà lơ lửng trên mặt đất bằng đôi cánh ngắn củn và bắt đầu phát ra âm thanh vo ve quen thuộc của loài ruồi. Tất cả bọn họ đã hóa ruồi!

Và thế là tôi chết!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận