TTCT - Bài “Trung học tổng hợp xưa và cái nhìn nay” của tác giả Nguyễn Phi Hùng đăng trên TTCT ngày 23-2-2014 đã đặt ra một vấn đề quan trọng trước những người có trách nhiệm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đó là cần tham chiếu các chương trình học có uy tín đã và đang tồn tại ở các nước tiên tiến cũng như ở nước ta để áp dụng cho chương trình mới đang được xây dựng. Trung học tổng hợp xưa và cái nhìn nay Cải cách giáo dục cần tham khảo kinh nghiệm thế giới để mang lại hiệu quả cho thế hệ tương lai - Ảnh: Như Hùng Điều lo ngại Trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, cơ quan hữu trách có tham khảo các thông tin về chương trình học và sách giáo khoa hiện hành ở nước ngoài. Nhờ đó, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015 đã có được định hướng cơ bản, chú trọng “phát triển năng lực người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm”; ”phân hóa mạnh mẽ ở bậc học cuối phổ thông, giúp người học phát huy năng lực, sở trường, chuyên sâu vào môn học theo định hướng nghề nghiệp” (*)... Nhưng làm thế nào để biến định hướng đó thành một chương trình giáo dục tốt theo chuẩn mực quốc tế lại là vấn đề hết sức nan giải. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng tri thức sâu rộng về khoa học giáo dục hiện đại, nhất là chuyên môn nghiệp vụ về phát triển chương trình học. Tuy nhiên, những khái niệm khoa học như “phát triển năng lực”, “phân ban”, “phân hóa”, “tích hợp kiến thức”, “định hướng nghề nghiệp”... gần đây được một số quan chức có trách nhiệm giải thích theo cách mà giới chuyên môn lo ngại. Bởi thế, mô hình dự kiến cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã bộc lộ nhiều thiếu sót và nhược điểm, riêng chương trình THPT là một sự lẫn lộn giữa chương trình học đồng nhất với chương trình học phân ban và chương trình học tự chọn... Vì vậy, vẫn còn một số nghi ngại về chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 được theo các chuẩn mực khoa học hiện đại. Cần tham chiếu những gì? Khi chưa có được nền tảng vững vàng về khoa học giáo dục hiện đại để có thể tự mình sáng tạo nên cái mới, thì con đường đúng nhất và tốt nhất để đổi mới giáo dục là lựa chọn những chương trình học có uy tín đã được thực tiễn khẳng định, lấy đó làm khuôn mẫu noi theo để xây dựng chương trình học mới cho đất nước. Thật may là đã có sẵn một số chương trình học như vậy để chúng ta lựa chọn. Trong quá khứ, nền giáo dục tiên tiến nước Pháp đã du nhập vào Việt Nam, tạo nên những trường học danh tiếng như Trung học Petrus Ký, Trung học Albert Sarraut, Trung học Marie Curie... Ngày nay, nền giáo dục Pháp vẫn đứng hàng đầu châu Âu và thế giới, lại rất quen thuộc với xã hội Việt Nam, nên chương trình giáo dục phổ thông của nước này cần được chúng ta tiếp cận thích đáng. Chẳng hạn, chương trình phân ban là mô hình rất đáng để nghiên cứu ứng dụng. Cùng kiểu với chương trình Pháp nêu trên, chương trình trung học tổng hợp đệ nhị cấp ở miền Nam nước ta trước năm 1975 cũng là một chương trình học phân ban với tám ban cho các lớp 10, 11 và 12 là một ví dụ khác để nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Phi Hùng đã trình bày trong bài viết của mình, chương trình trung học tổng hợp này đã được nghiên cứu và thực nghiệm công phu để áp dụng tốt trong thực tiễn Việt Nam. Hoàn tất chương trình này cũng như chương trình tú tài phân ban Pháp, học sinh sẽ có nhiều lựa chọn cho việc lập nghiệp: học lên đại học theo các ngành đã được định sẵn trong từng chuyên ban THPT, hoặc ra đời hành nghề theo những nghề nghiệp đã được học ngay trong trường THPT ở từng ban cụ thể. Chương trình này chính là một thí điểm thành công cho loại hình trung học phân ban ở Việt Nam. Do hoàn cảnh Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống với thực trạng của nước Pháp, và cũng có nhiều khác biệt với miền Nam nước ta trước năm 1975, chúng ta không thể lấy nguyên mẫu chương trình tú tài phân ban Pháp hay chương trình trung học tổng hợp đệ nhị cấp từng tồn tại ở miền Nam để áp dụng một cách máy móc. Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới chiếu theo khuôn mẫu của các chương trình đó chắc chắn sẽ đi đến thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. (*): Dẫn theo Vĩnh Hà, Có thể xóa sổ kỳ thi đại học, Tuổi Trẻ 20-9-2013. Tags: Câu chuyện giáo dục
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.