TTCT - Đối với mỗi người trên Trái đất, xăng pha chì trước hết là một chất độc. 99 năm 7 tháng sau ngày nó được phát minh, thế giới đã chính thức chia tay loại nhiên liệu này. Ảnh: Paul Quayle/UNEPNgày 30-8-2021, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) tuyên bố: Quốc gia cuối cùng sử dụng xăng pha chì, Algeria, đã loại bỏ loại nhiên liệu này. Lần đầu tiên kể từ năm 1923, không tài xế nào trên Trái đất có thể đổ xăng pha chì vào bình xăng của họ một cách hợp pháp.Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen gọi việc chấm dứt sử dụng xăng pha chì cho các phương tiện giao thông đường bộ trên toàn thế giới là “một mốc son chói lọi đối với nền sức khỏe toàn cầu và môi trường của chúng ta”. Đó cũng là trái ngọt của hành trình vận động kéo dài đến 20 năm.Sai lầm lớnNgày 9-12-1921, tại phòng thí nghiệm của Hãng xe General Motors ở Ohio (Mỹ), kỹ sư Thomas Midgley Jr tuyên bố đã tìm ra phụ gia thích hợp để cho vào xăng, giúp trị được tiếng kim loại va chạm trong động cơ vốn có thể phá hủy máy móc và lãng phí xăng: hợp chất tetraethyl chì (gọi tắt là TEL).Các nhà hóa học đổ một muỗng cà phê TEL vào một động cơ đang chạy cà giựt, và gần như ngay lập tức, cỗ máy chạy êm ru. Và thế là xăng pha chì ra đời. Nhiên liệu này được ngợi ca là một sự đột phá, là nguồn năng lượng sẽ đi liền với các loại ôtô, máy bay và xe môtô thế hệ mới.Chỉ có một vấn đề và lại là vấn đề siêu nghiêm trọng: khí thải chứa kim loại chì vô cùng độc hại.Ngày nay, chúng ta biết rằng nhiễm độc chì có thể dẫn đến tổn thương não, các bệnh mãn tính về tim và ung thư, tỉ lệ tử vong tăng. Chì ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, nhất là với trẻ em, và nhiều nghiên cứu cho thấy nó có thể “cướp đi” 5 - 10 chỉ số thông minh IQ. Phơi nhiễm chì ở tuổi nhỏ có liên quan đến tội phạm bạo lực ở tuổi trưởng thành, bởi chất này gây ra các rối loạn hành vi.Trở lại đúng 100 năm trước, các kỹ sư, nhà khoa học có biết mối đe dọa đó? Ngạc nhiên thay, họ biết! Loài người từ thời La Mã cổ đại đã ý thức rằng chì có thể gây điên loạn và chết người, mặc dù hiểu biết đó không thể ngăn họ dùng chì để sản xuất ống dẫn nước, sơn, mỹ phẩm và chất làm ngọt.Trong thực tế, không lâu sau, công nhân ở các nhà máy sản xuất TEL đổ bệnh, co giật, nói lảm nhảm, một số đã tử vong. Dẫu vậy, trong vòng nửa thế kỷ tiếp theo, nhiên liệu pha chì vẫn lan rộng như COVID-19, không bỏ sót trạm xăng nào trên Trái đất. Kể từ đó, cứ mỗi gallon xăng (khoảng 3,8 lít) thì có 3 gam chì thoát ra khỏi các ống pô, lơ lửng trong không khí trước khi đáp xuống đủ loại bề mặt. Giao thông phát triển rực rỡ đã phủ chì khắp thế giới, làm ô nhiễm không khí, đất đai, nước uống và mùa màng.“Cha đẻ” của xăng pha chì, Thomas Midgley Jr., đã tích cực thuyết phục thế giới rằng nhiên liệu này... chẳng có gì đáng lo. Với thói quen bôi TEL lên tay để phô diễn sự an toàn của nó, ông ấy vốn đã có thể bị nhiễm độc chì nặng. Nhưng hậu quả tất yếu đó chưa kịp xảy ra thì Midgley đã qua đời ở tuổi 55, khi đang bị bại liệt, do bị một phát minh khác của ông - hệ thống dây nhợ để người khác có thể đỡ ông dậy - siết cổ.Tuy là một nhà sáng chế có tài, Midgley đã để lại cho thế giới 2 thảm họa môi trường. Phát minh tai tiếng còn lại của ông là chất CFC - “sát thủ” đối với tầng ozone - từng được dùng rộng rãi trong tủ lạnh và điều hòa.Phải đến thập niên 1970 các nước giàu mới bắt đầu chú tâm đến vấn đề này, nhờ có các kết quả nghiên cứu khoa học mạnh mẽ. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên cấm hoàn toàn nhiên liệu chứa chì vào năm 1980. Áo, Canada, Slovakia, Đan Mạch và Thụy Điển, rồi đến Đức và Mỹ nối gót. Không ai có thể phủ nhận những tin tức tốt lành đến sau sự thay đổi này.Dữ liệu từ Bộ Y tế và dịch vụ con người Hoa Kỳ cho biết việc dần loại chì ra khỏi xăng từ năm 1976 đến 1995 đã giúp nồng độ chì trong máu trung bình giảm 90%, tỉ lệ tội phạm cũng giảm theo.Vậy nhưng, sai lầm chết người mang tên “xăng pha chì” vẫn hiên ngang bước vào thế kỷ 21. Đến năm 2002, 117 quốc gia trên thế giới, phần lớn là những nước có thu nhập thấp, vẫn sử dụng loại nhiên liệu độc hại này, theo UNEP. Nhân viên điều chỉnh giá xăng pha chì tại một trạm xăng ở Massachusetts năm 1955. Ảnh: APChiến thắng lớnNăm 2002, UNEP khởi động chương trình Hợp tác vì Nhiên liệu sạch và xe cộ sạch (PCFV), kêu gọi thế giới xóa sổ xăng pha chì. Liên minh này tập hợp phe bảo vệ môi trường và phe kinh doanh dầu mỏ - vốn hiếm khi đội trời chung. Rob de Jong, một trong những “kiến trúc sư” của sáng kiến này, nhớ lại: “Kiểu hợp tác này chưa từng có tiền lệ. Một số người còn nói rằng nó sẽ thất bại”.Các chiến thuật của PCFV khá linh hoạt. Họ thuyết phục các chính phủ ban hành lệnh cấm, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phương tiện xanh hơn, tìm vốn đầu tư nâng cấp các nhà máy lọc dầu. Họ còn phanh phui một vụ bê bối lớn ở Indonesia: Hãng hóa chất Innospec đã hối lộ quan chức nước này để xăng pha chì của họ được lưu hành hợp pháp.Sáng kiến đã thắng lợi nhanh chóng ở vùng cận Sahara của châu Phi, khi tất cả 25 quốc gia trong khu vực này “khai tử” xăng pha chì vào năm 2006. Việc chấm dứt được xăng pha chì cho thấy “châu Phi có quyền đòi hỏi nhiên liệu sạch từ các nhà cung cấp”, theo Wanjiku Manyara, một thành viên của PCFV và giám đốc điều hành Viện Dầu khí Đông Phi.Chiến dịch mất nhiều thời gian hơn ở những nơi khác, đặc biệt là Trung Đông, khi nhiều quốc gia có lượng dự trữ khổng lồ. Họ cũng đối mặt với các thông tin sai lệch, tỉ như “xe cũ thì chỉ có thể chạy bằng xăng pha chì”. Dẫu vậy, chiến dịch dần dần ghi điểm, kể cả ở những đất nước “khép mình” nhất như Triều Tiên.Và giờ đây, sau gần hai thập niên bền bỉ vận động, ôtô và xe máy ở mọi ngóc ngách trên thế giới đã ngừng đốt xăng pha chì.Theo ước tính, việc cấm sử dụng xăng pha chì có thể ngăn ngừa hơn 1,2 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, tăng chỉ số IQ ở trẻ em, tiết kiệm 2,45 ngàn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu và giảm tỉ lệ tội phạm.- Liên Hiệp QuốcThừa thắng xông lênSáng kiến cùng bắt tay loại bỏ xăng pha chì “là minh chứng cho sức mạnh của chủ nghĩa đa phương trong việc đưa thế giới hướng tới sự bền vững và một tương lai xanh, sạch hơn”, bà Andersen lập luận trong một thông cáo báo chí của UNEP.Sự kiện này còn mang đến nhiều hứng khởi cho “Ngày quốc tế không khí sạch vì bầu trời xanh” 7-9 năm nay, với chủ đề “Không khí trong lành, hành tinh khỏe mạnh”. Thừa thắng xông lên, nhóm PCFV đã bắt đầu chặng đua mới: vận động cho các phương tiện phát thải thấp và đi đến không phát thải.Một trong những sai lầm lớn nhất của thế kỷ trước đã được chấm dứt trong thế kỷ này. Lộ trình và thành quả của UNEP nói riêng và toàn thế giới nói chung nên được mổ xẻ và học hỏi để giải quyết những vấn đề toàn cầu to lớn khác của thế kỷ 21, như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, tình trạng lạm dụng thuốc dẫn đến kháng kháng sinh, hay các mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiện tại đang không ngừng phát thải... Câu chuyện loại bỏ xăng pha chì là minh chứng cho thấy vì thế hệ tương lai, nhân loại có thể làm tốt hơn.Nhiễm độc chì: đường còn dàiXóa bỏ xăng pha chì trong giao thông đường bộ là một bước tiến lớn và đáng ăn mừng. Trên tất cả, cuộc chiến nhằm chấm dứt tình trạng nhiễm độc chì trên toàn thế giới - cho bây giờ và cho mai sau - vẫn phải tiếp tục. Khắp mọi nơi, ngay cả ở những quốc gia giàu có đã sớm cấm xăng pha chì mấy mươi năm trước, chì thải ra từ vô số ống pô trong suốt một thời gian rất dài đã tích tụ trong đất và bụi, tiếp tục đầu độc trẻ em thời nay. Vì vậy, chúng ta cần làm nhiều hơn và làm ngay bây giờ, dẫu cho loài người có thể mất thêm 100 năm nữa.Phải nói thêm rằng nhiên liệu pha chì hiện vẫn còn được sử dụng trong ngành hàng không hay môtô thể thao. Chì nói chung vẫn còn xuất hiện thường trực trong cuộc sống của chúng ta: những lớp sơn pha chì bị bong tróc, son môi chứa chì sặc sỡ, đồ gốm tráng men nhiễm chì giá rẻ, hay khi pin không được thu thập và tái chế đúng cách...Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc ước tính rằng cứ ba trẻ em trên thế giới thì có một trẻ có nồng độ chì trong máu từ 5µg/dL trở lên - đủ để gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và kéo dài suốt đời các em. Xin được nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới cho biết: không hề có ngưỡng an toàn nào trong chuyện phơi nhiễm chì. Dù sẽ rất tốn kém và vất vả, đầu tư cho một tương lai không chì vẫn sáng suốt hơn là... đầu độc chính chúng ta và thế hệ con cháu. Tags: Ô nhiễm môi trườngNhiên liệuXăng pha chì
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn 'trẩy hội' Việt Nam Xanh NGỌC HIỂN 10/11/2024 Trong dòng người đến Việt Nam Xanh vào ngày 10-11, có một vị khách đặc biệt lặng lẽ đi từng không gian xanh, nhìn ngắm những sản phẩm tái chế và nán lại sẻ chia về cảm nhận của mình.
Thương mại Việt - Mỹ thời Trump 2.0: Biến nguy thành cơ THANH HIỀN 10/11/2024 Băn khoăn và trăn trở là những cảm xúc của hai đại sứ khi nói về các chính sách thương mại của ông Trump sắp tới.
Tiết lộ cách thức ông Trump xử lý xung đột Ukraine - Nga TRẦN PHƯƠNG 10/11/2024 Một chiến lược gia Đảng Cộng hòa của Mỹ nói rằng ưu tiên của chính quyền ông Trump là hòa bình ở Ukraine chứ không phải việc lấy lại lãnh thổ đã mất như Crimea.
Nữ người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân bị điều tra nghi liên quan đến ma túy MINH HÒA 10/11/2024 Sáng 10-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đang điều tra ca sĩ Chi Dân và một số người nghi vấn liên quan đến ma túy.