TTCT - Camera giám sát đã không còn xa lạ đối với người dân ở TP.HCM, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ việc kiểm soát an ninh trật tự. Tuy nhiên, quy chế quản lý chính thức vẫn đang bỏ ngỏ. Nhân viên Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông đường hầm sông Sài Gòn TP.HCM theo dõi lượng xe qua hệ thống camera. Ảnh: TỰ TRUNG 8h sáng, ông Trần Trung Hòa - tổ trưởng tổ 6, khu phố 6, P.6, Q.Gò Vấp (TP.HCM) - mở điện thoại nhìn vào bốn màn hình thu nhỏ. Từ người đi bộ, người nhặt rác cho đến xe máy chạy qua khu phố, ông đều thấy hết. Giảm bớt gánh nặng về an ninh trật tự Giờ đây việc liên kết hệ thống camera khu phố với điện thoại thông minh đã không còn xa lạ. Ông Hòa cho biết khu phố 6 có 4/8 tổ (mỗi tổ trên 40 hộ dân) đã lắp đặt camera từ năm 2017, dự kiến có thêm hai tổ nữa được trang bị camera. Ông Hòa nói từ ngày lắp camera, những vụ trộm cắp lớn nhỏ đều giảm rõ rệt. Ngoài hai trường hợp trộm cắp lớn, 90% những vụ trộm lặt vặt như mất đồ đã tìm ra kẻ trộm nhờ hệ thống này. Ông Hòa kể khuya 3-11, nhà anh Nguyễn Văn Cường (đường Lê Đức Thọ) phát hiện một người đàn ông khoảng 30 tuổi nằm bất động ngay trước cổng nhà mình. Thông qua camera, anh Cường chụp lại hình ảnh gửi công an phường, 5 phút sau lực lượng tuần tra xuống. Qua kiểm tra giấy tờ mới biết được người đàn ông bất tỉnh do say xỉn, họ nhanh chóng gọi cho người nhà anh ta xuống đón về. Tại khu phố 2, P.4, Q.4 hiện có bốn mắt camera tại các ngã ba đường và tại các khu chợ, chủ yếu để theo dõi nạn trộm cắp, đá gà, xả rác trong các khu phố trên địa bàn phường. Trước đây nhiều đối tượng thường xuyên tụ tập bất ngờ, đá gà nhanh khoảng 15 phút rồi bỏ đi, gây khó khăn trong việc bắt quả tang. Từ khi lắp đặt camera, cơ quan chức năng kịp thời hơn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng - bí thư chi bộ khu phố 2, P.4, Q.4 - cho biết: “Từ khi lắp đặt hệ thống camera, nạn trộm cắp, đá gà nhanh, đổ rác thải giảm hẳn. Camera theo dõi đem lại nhiều hiệu quả trong việc giám sát an ninh trật tự tại các khu phố”. Ông Hòa cũng cho biết khi xảy ra sự cố như mất trộm, những hộ dân trong tổ sẽ nhanh chóng trích xuất camera lấy dữ liệu gửi trực tiếp qua điện thoại cho công an phường. Quy trình xử lý khi có sự cố diễn ra nhanh chóng. Người dân có thể dùng điện thoại của mình để quan sát hình ảnh qua camera từ bất cứ nơi đâu. Ngày 22-7, một quán cà phê tại P.6, Q.Gò Vấp bị hai đối tượng cầm dao uy hiếp cướp xe máy. Nhờ camera ghi lại, chủ cửa hàng đã chụp biển số xe, nhận dạng hai đối tượng từ hình ảnh trích xuất trên camera, gửi cho công an phường bằng điện thoại. Nửa ngày sau những kẻ cướp này bị bắt. 22h43 ngày 30-9 tại đường hầm sông Sài Gòn theo hướng từ Q.1 qua Q.2 xảy ra vụ xe tải tông liên hoàn giữa hầm. Thông qua camera, giám sát trung tâm đã liên hệ với lực lượng phòng cháy chữa cháy cùng các đơn vị khác phong tỏa hiện trường và điều tiết giao thông. Đến khoảng 5h45 sáng 1-10, hiện trường vụ tai nạn được xử lý xong và cho thông xe lại bình thường. Quan sát từ camera và lời khai ban đầu của tài xế cho biết chiếc xe tải mất thắng dẫn đến vụ va chạm này. Dữ liệu tự động mất sau 7 ngày Nhưng phía sau những hiệu quả tích cực dễ thấy ấy, vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn. Hiện việc quản lý hệ thống camera này vẫn còn lỏng lẻo do chưa có quy chế quản lý chính thức, tạo ra nhiều lỗ hổng. Tại P.6, Q.Gò Vấp, những dữ liệu không có sự cố sẽ được camera lưu giữ chỉ trong vòng bảy ngày. Và hầu hết các sự cố được người dân lưu lại thủ công bằng cách cắt hình rồi lưu trên điện thoại. Cả bốn tổ của P.6, Q.Gò Vấp đang tự quản lý hệ thống camera của mình. Trước đây camera của các tổ có liên kết với hệ thống camera của UBND P.6, Q.Gò Vấp. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp giữa phường và các tổ, họ cho rằng việc bố trí người tại UBND phường để giám sát camera là không cần thiết, chỉ khi phường hoặc quận yêu cầu thì sẽ cử người xuống lấy. Tổ trưởng khu phố hoặc tổ phó có quyền giám sát và trích xuất hình ảnh từ camera, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Còn tại P.4, Q.4, dữ liệu camera được lưu trữ trong vòng 3 ngày. Nếu muốn truy xuất dữ liệu xa hơn, UBND phường nói rằng họ phải liên hệ với đơn vị lắp đặt camera mới có thể lấy được hình ảnh. Nếu đơn vị lắp đặt này không lưu thì không thể có được hình ảnh, gây khó khăn cho công tác quản lý. Tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn với hơn 765 đầu camera được lắp đặt, lực lượng nhân viên túc trực 24/24, trong đó có hơn 700 camera của TP và hơn 50 camera của khu vực hầm sông Sài Gòn. Các đầu camera của TP chủ yếu được gắn trên các trục đường và giao lộ chính như ngã tư Hàng Xanh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, xa lộ Hà Nội, bến xe Miền Đông... nhằm giám sát tình hình giao thông để điều tiết, xử lý vi phạm và thông báo cho người dân khi có sự cố. Ông Đoàn Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết: Trung tâm đã ban hành quy định làm việc tại phòng điều khiển này với các điều về những hành vi được và không được làm của nhân viên vận hành trong ca trực. Nhân viên vận hành hệ thống nào thì được quyền truy xuất hệ thống do mình đảm trách và phải được lưu vào sổ nhật ký vận hành, bàn giao cho đơn vị ngoài dưới sự giám sát của trưởng ca điều hành ca trực, người sẽ nắm toàn bộ công tác điều hành trong ca. Về việc lưu hình ảnh, nhân viên vận hành thực hiện theo quy trình vận hành hệ thống camera giám sát đã được TP ban hành. Bình thường các dữ liệu camera được hệ thống tự động ghi lại vào bộ lưu trữ, khi hệ thống lưu trữ đầy thì sẽ tự động xóa dữ liệu trước đó. Khi có sự cố về giao thông (tai nạn, ùn tắc), nhân viên vận hành sẽ trích xuất và lưu vào ổ đĩa riêng và ghi vào nhật ký vận hành. Khi có yêu cầu trích xuất dữ liệu của các cơ quan chức năng (CSGT, công an các quận huyện...), nhân viên vận hành hệ thống tại phòng vận hành sẽ chép đoạn video, lập biên bản bàn giao cho cơ quan chức năng. Đối với việc cảnh báo cho người dân khi có sự cố như kẹt xe, tai nạn hoặc đường hư hỏng..., thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử giao thông vận tải và app Thông tin giao thông TP.HCM. Khi không có sự cố, camera chỉ lưu khoảng 15 ngày, sau đó hình ảnh sẽ mất. Hơn 765 đầu camera này tích hợp nhiều hệ thống camera của nhiều khu vực khác nhau của các dự án, các quận. Tuy nhiên, hiện chỉ có năm quận liên kết với trung tâm, bao gồm Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Q.2 và Thủ Đức. ■ Chưa có quy chế thống nhất quản lý, khai thác hình ảnh từ camera Theo Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, camera trên địa bàn TP gồm 3 hệ thống chính: Một là hệ thống camera giám sát an ninh trật tự của Công an TP, đặt chủ yếu ở nội thành và các vị trí trọng điểm, phục vụ công tác giám sát an ninh trật tự, chính trị. Hai là hệ thống camera phục vụ giám sát, quản lý giao thông do nhiều đơn vị, tổ chức đầu tư, kết nối tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ba là hệ thống camera tại các quận huyện, đầu tư bằng ngân sách hoặc nguồn vốn xã hội hóa của người dân, tổ chức. Theo Công an TP, tính đến tháng 8-2018, toàn TP có khoảng 37.000 camera giám sát thuộc sự quản lý của cấp quận huyện, phường xã, tập trung nhiều ở các quận huyện: 1, 2, 3, 5, 9, 10, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức... Hiện tại, TP.HCM chưa ban hành quy chế chính thức và thống nhất việc quản lý, khai thác thông tin, hình ảnh từ camera để áp dụng chung cho toàn TP. Thực tế, việc sử dụng hình ảnh camera, nhất là đối với hệ thống xã hội hóa do chưa được quy định cụ thể dẫn đến khả năng sử dụng không đúng mục đích, nguy cơ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đồng thời chưa đảm bảo tính pháp lý cho việc sử dụng các hình ảnh này làm căn cứ xử lý các vi phạm hành chính. Sở Thông tin - truyền thông TP chỉ vừa mới trình UBND TP đề án Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung toàn TP giai đoạn 2019-2025. Theo đó, hệ thống trung tâm chỉ huy, điều hành cấp TP bao gồm Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm thông tin chỉ huy của Công an TP và Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn của TP. Trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND TP có thể truy cập tất cả hình ảnh camera có trong hệ thống. Riêng việc truy xuất dữ liệu từ camera nghiệp vụ thuộc quyền quản lý của Công an TP. Với hệ thống trung tâm giám sát hình ảnh theo ngành, lĩnh vực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các sở ban ngành TP như giao thông, môi trường, công thương..., các sở ban ngành liên quan được phân quyền truy cập tương ứng vào hệ thống camera giám sát căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý cụ thể... TRUNG NIÊN Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Cctv: tiện lợi và hoài nghi Tags: CameraAn ninh trật tựCamera giám sátTrung tâm Quản lý đường hầm sông Sài GònQuy chế quản lý camera
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?