TTCT - Việc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, có chất độc hại... đang là một vấn nạn. Cần nghiêm trị hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng này. Phóng to Những thứ đáng ra phải bỏ đi, người ta lại dùng hóa chất độc hại để biến thành sản phẩm trên bàn ăn. Trong ảnh: lòng heo thối phát hiện ở Q.8, TP.HCM - Ảnh: Anh Thoa Điều 244 Bộ luật hình sự đã quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm”. Tác dụng trên giấy Thế nhưng thực tế việc xử lý hình sự về tội phạm này là ít ỏi so với việc vi phạm. Bởi lẽ muốn xử lý hình sự, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi vi phạm “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng”, còn chưa gây ra thiệt hại này thì không xử lý hình sự được. Trong khi đó, việc chứng minh hành vi vi phạm gây ra thiệt hại đó là việc cực khó và cực khổ. Vì thế, quy định về tội vi phạm quy định về ATVSTP thường chỉ có ý nghĩa, tác dụng trên giấy, ít đi vào cuộc sống. Chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi điều 244 Bộ luật hình sự hiện hành theo hướng: chưa cần gây thiệt hại cho tính mạng, chưa cần gây thiệt hại cụ thể nào cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng xử lý hình sự được. Vì khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà vi phạm quy định về ATVSTP thì ít nhiều đều đã gây thiệt hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, ở mức độ nguy hiểm hơn thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cụ thể hoặc nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng. Biết có hại vẫn dùng - tình tiết tăng nặng Vấn đề đặt ra là không phải thiệt hại nào về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng do hành vi vi phạm này gây ra cũng xảy ra tức thì, làm họ chết liền, bệnh liền và ngay cả khi chết liền, bệnh liền cũng còn phải chứng minh được điều đó chính là hậu quả của việc tiêu dùng thực phẩm độc hại của người vi phạm; không phải thiệt hại nào cho sức khỏe của người tiêu dùng do hành vi vi phạm này gây ra cũng tính toán ra được con số, mức độ cụ thể. Mặt khác, không ít thực phẩm độc hại đi vào cơ thể người tiêu dùng nằm chờ đó đến khi đạt đến một liều lượng, thời gian nhất định mới “xuống tay” với nạn nhân. Hơn nữa, không phải nạn nhân nào cũng biết được mình bệnh hay sẽ chết là do thực phẩm độc hại gây ra để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự người vi phạm. Do đó, nên xem việc gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cụ thể là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm này. Riêng đối với một số trường hợp như sản xuất, kinh doanh thực phẩm thối rữa, người vi phạm tuy biết rõ nhưng vẫn sử dụng hóa chất độc hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng để làm biến đổi hiện trạng thực phẩm đó (làm cho chúng ngon hơn, lớn nhanh, to nhanh, chín nhanh hơn... để thu lợi) thì theo chúng tôi, cần xử phạt thật nặng. Cụ thể: có thể quy định những hành vi này là tình tiết định khung tăng nặng của tội vi phạm quy định về ATVSTP và tùy vào kết quả giám định hóa chất đó có thể dẫn đến chết người hay có thể làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng mà quy định và áp dụng mức hình phạt nhiều năm tù, tù chung thân, tử hình. Còn việc người tiêu dùng không chết hoặc chưa chết, không bị hay chưa bị tổn hại cụ thể đến sức khỏe chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, cần quy định người phạm tội còn bị phạt tiền gấp hàng chục lần doanh thu, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và bị cấm hành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn. Hoặc cũng có thể quy định những hành vi này cấu thành tội phạm độc lập với tên gọi chẳng hạn như “tội đưa hóa chất độc hại vào cơ thể người thông qua việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Sở dĩ chúng tôi có kiến nghị này là vì hành vi biết rõ nhưng vẫn sử dụng hóa chất độc hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng vào thực phẩm, động vật, thực vật để họ tiêu dùng nhằm trục lợi như nói trên cũng giống với hành vi tước đoạt tính mạng, gây tổn hại sức khỏe cho người khác với lỗi cố ý gián tiếp. Hành vi này cũng là một dạng của việc đầu độc nhiều người để trục lợi. Tags: Người tiêu dùngChất cấmAn toàn vệ sinhThực phẩm độc hạiTẩy trắng
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Đặt tên phường theo địa danh xưa, nhớ ơn người khai hoang lập ấp KHÁNH YÊN THỰC HIỆN 09/04/2025 1986 từ
Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Campuchia nâng cấp căn cứ hải quân Ream THANH HIỀN 10/04/2025 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng độc lập, chủ quyền của Campuchia, kiên trì ủng hộ Campuchia phát triển hòa bình, ổn định và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
TP.HCM và Nam Bộ mưa trái mùa giải nhiệt giữa đợt nắng nóng LÊ PHAN 10/04/2025 Những ngày tới các tỉnh khu vực Nam Bộ và TP.HCM sẽ có một đợt mưa trái mùa giữa những ngày nắng nóng hầm hập.
Bộ Nội vụ hướng dẫn trả trợ cấp nhưng huyện nói không, giáo viên bị mất quyền lợi M.V 10/04/2025 Mặc dù Bộ Nội vụ đã trả lời cụ thể về việc chi trả trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có giáo viên) theo nghị định 76, nhưng UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) lại không thực hiện.
Những tuyến đường nào đang nối TP.HCM - Bình Dương trước thềm sáp nhập? CHÂU TUẤN 10/04/2025 TP.HCM và Bình Dương vốn có sự gắn kết chặt chẽ về hạ tầng, giao thương với lượng người và hàng hóa qua lại rất đông. Do đó nếu sáp nhập sẽ trở thành một siêu đô thị mang tầm vóc lớn.