Cần trên thật sự muốn nghe, dưới thật sự muốn nói

VÕ VĂN THÀNH 04/10/2010 16:10 GMT+7

TTCT - Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - từng là trưởng ban chỉ đạo xây dựng bản thảo văn kiện Đảng toàn tập, đã trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về việc tiếp nhận ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI.

 
 

 * Ngày 15-9, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XI đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Ông cảm nhận như thế nào về không khí thảo luận văn kiện cũng như chất lượng các ý kiến đóng góp hiện nay?

- Tôi cảm nhận rằng các cuộc góp ý kiến đã được khởi động tốt. Chưa hẳn rầm rộ nhưng khá sôi nổi. Báo chí, cả báo in, báo nói, báo hình, nhất là báo mạng, đã chuyển tải khá nhiều ý kiến nhiều màu, nhiều vẻ. Hay có, không hay có, dở cũng có. Điều quan trọng là không ít ý kiến phản biện đã được trình bày thẳng thắn.

* Hồi Đại hội X của Đảng, không khí góp ý các dự thảo văn kiện được đánh giá là sôi động. Đã có hàng vạn thư góp ý kiến trực tiếp và hàng trăm bài viết đăng trên các báo. Vậy theo ông, cần làm gì để nhân dân cũng thảo luận sôi nổi, tâm huyết như vậy về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI?

- Đúng là đã có những cuộc đóng góp ý kiến sôi động và hào hứng. Kinh nghiệm thì có cả thành công và không thành công, từ chủ trương, định hướng đến chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Có lẽ then chốt nhất vẫn là trên thật sự muốn nghe, dưới thật sự muốn nói, ai cũng mong có được văn kiện tốt. Cái đã đạt được hồi Đại hội X nay có lý gì không đạt được. Miễn là người lắng nghe và người góp ý kiến đều thành tâm và có thái độ trách nhiệm.

* Thông thường trung ương tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp như thế nào? Theo ông, về quy trình (tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp) có gì cần cải tiến không?

- Dân góp ý kiến qua nhiều cách, nhiều kênh. Việc tập hợp ý kiến cũng qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau: qua các cuộc họp do các cơ quan Đảng, Mặt trận và đoàn thể tổ chức; qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua các thư, bài viết trực tiếp gửi đến các cơ quan hữu quan; qua những cuộc tiếp xúc riêng của những nhà lãnh đạo và quản lý các cấp... Bằng kênh nào, cách nào thì vẫn phải bảo đảm để những ý kiến đích đáng nhất tới được trung ương.

Các bộ phận tổng hợp thông tin phải làm việc nghiêm túc, trung thực và khách quan, không bỏ sót bất kỳ ý kiến nào, sắp xếp các loại ý kiến có hệ thống nhưng không được tùy tiện cắt xén hay loại bỏ theo ý riêng của mình, không nhào nặn các ý kiến đóng góp theo khẩu vị của từng thủ trưởng.

Các cơ quan tham mưu, chuyên trách giúp trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, phân tích và đánh giá, đúng và tốt thì tiếp thu để bổ sung hoặc sửa chữa nội dung văn kiện, chưa rõ mà quan trọng thì trình trung ương thảo luận và quyết định. Quy trình phải phục vụ tốt cho chủ trương và không có quy trình nào nhất thành bất biến.

* Ông từng là thành viên tổ biên tập văn kiện nhiều Đại hội Đảng toàn quốc, xin ông cho biết qua các kỳ đại hội ấy, đã có những ý kiến nào của nhân dân được tiếp thu đưa vào văn kiện?

- Xin lấy Đại hội VI làm ví dụ. Dự thảo báo cáo chính trị lần đầu đưa ra lấy ý kiến so với dự thảo trình đại hội đã được thay đổi về cơ bản. Từ đánh giá tình hình thiên về mặt thành tựu đã đi đến xác định thái độ: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng và nói rõ sự thật. Sự thật về thành tựu và cả sự thật về sai lầm, khuyết điểm, không né tránh.

Từ chỗ cho rằng đường lối của Đảng là đúng, chỉ sai ở chỉ đạo thực hiện đã đi tới kết luận rằng những sai lầm trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế - xã hội “là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn; sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”.

Lại phân tích thêm: “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” (*).

Ở Đại hội X, tiêu đề cũng là chủ đề của đại hội được nêu lên là “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Tiêu đề này khác nhiều so với tiêu đề Đại hội IX.

Ở Đại hội IX, mệnh đề “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” được đặt lên đầu tiên. Còn ở Đại hội X, mệnh đề “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” lên trước. Lý do thì như chúng ta đã biết, nhưng để có được sự thay đổi ấy Đảng ta đã phải trải qua thảo luận rất nhiều tháng trong nội bộ Đảng và trong nhân dân.

* Ông kỳ vọng điều gì nhất ở đợt góp ý kiến lần này?

- Mong muốn lớn nhất của tôi là tất cả đều thật. Trên thật lòng muốn lắng nghe, dưới thật tình muốn nói thẳng. Thật để tìm ra lẽ phải. Thật để các văn kiện được xây dựng tốt hơn, đúng hơn và sau này thênh thang đi vào cuộc sống.


Đảng nghe dân góp ý như thế nào?

- Ban Tuyên giáo trung ương tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân qua báo chí, thư gửi trực tiếp đến trung ương.

- Ban Dân vận trung ương tổng hợp ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (gồm cả các hội nghị do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức).

- Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp chung ý kiến thảo luận, góp ý của đại hội Đảng các cấp, của đại biểu Quốc hội và ý kiến góp ý của nhân dân trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương.

Theo một số thành viên tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng X, lúc bấy giờ cấp có thẩm quyền đã tổ chức bộ phận tiếp nhận và xử lý các ý kiến góp ý với gần 100 chuyên gia. Công việc của các chuyên gia là đọc, tổng hợp, phân loại các ý kiến theo nhóm vấn đề và hình thành văn bản (hơn 100 trang A4) để trình lên cấp trên xem xét, quyết định. Ngoài ra, tổ biên tập còn lựa chọn những vấn đề quan trọng làm thành một báo cáo riêng trình trung ương cho ý kiến.


__________

(*) Văn kiện Đảng toàn tập, 47-1986, trang 360, NXB Chính Trị Quốc Gia 2006.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận