Cánh đồng của Chè

TRẦN MINH HƠP 15/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Hôm qua Chè chở đến thăm nhà. Tôi vẫn nhớ đường đi, vì chỗ quẹo vô là ngã ba gần nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lãnh, nơi mỗi ngôi mộ chiến sĩ là một khóm hoa nở. Đợt trước đi ngang, lặng người theo từng vòng xe máy.

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP


Dạo hồn mình nơi những màu hoa tím li ti phủ trên nắm mộ giữa lất phất mưa mù. Dường như không có sự chết im lìm, mà là vườn hoa hồi sinh, như ánh sáng cuộc sống xứ miền Tây này hôm nay mà hôm qua những tuổi trẻ nằm trong đất đã thắp lên từ mù mịt chiến tranh.

Như thiên đường nơi thế gian, cõi chết thành sức sống. Chè cũng vậy, điểm sống nơi bạn đã hiển danh. Tôi và các bạn lớp D16A năm cũ chắc rất vui mừng nhận ra thứ hạnh phúc xúc động cho mình từ những mảng màu dậy mùi sống của Chè.

Vì ai cũng nhớ và ám ảnh cho Chè mùa hè năm ấy, Chè là người kết thúc thời sinh viên buồn nhất bởi chút sơ sẩy không tốt nghiệp được, phải chờ một năm dài lủi thủi.

Con đường quê Cao Lãnh cứ gập ghềnh, dằn xóc theo những mảnh bêtông đúc bé nhỏ bề ngang. Chè mang sự háo hức trong vòng bánh xe nhanh nhẹn và hơi bạt mạng.

Có gì đó vội vàng hãnh diện khi nằng nặc lôi tôi về cho được, chứ không muốn cuộc hẹn uống dừa qua loa tại quán cà phê Hoàng Kim mới nổi ở xứ Cao Lãnh.

Đường gập ghềnh suốt, đến nỗi tôi không trông chờ điểm đến, cứ để mình thả buông, thả buông như không còn gì đeo sau lưng hay dẫn trước mặt. Chỉ còn nghe hơi nắng tạt qua đầu, tạt qua những nóc nhà nhỏ bên kênh, thứ ánh nắng có gió dễ chịu.

“Tới rồi, nhà tui kìa bạn!”, Chè bẻ góc một cái thật gắt đến ẹo hông. Một ngôi nhà mới hiện ra trước mắt ngỡ ngàng. Im lặng nghe con sóng niềm vui đang đập trong thành da thịt. Muốn khóc cho một khung cảnh đổi thay.

“Tui nói rồi mà, nhà tui sát bên nhà cũ hồi đó!” - Chè chỉ vào nền nhà cũ, nơi ngôi nhà ván của một thời gian khó. Nhớ lần đi ăn cưới Chè, đó là một mái nhà giản đơn, tằn tiện so với xóm làng và thời cuộc. Dường như Chè đã khó khăn nhiều trong một quãng đời thanh thiếu niên của mình. Chợt nghĩ giá như thời sinh viên biết thương bạn mình nhiều hơn.

Bây giờ là ngôi nhà tráng men màu vàng đất như đất bên sông, nóc cao nghêu, nền cũng cao nghêu. Những họa tiết laphông nhấp nháy trong nắng xế, mang hương sắc miền Tây. Mảnh sân trước như thơ: miếng gạch tàu bên bờ rào tre, khẳng khiu gió lộng dưới sông.

Màu tết còn sót lại bên những gốc mai bé nhỏ, những chậu vạn thọ bung căng hết cánh. Hơi thở cuộc sống đã vương đầy từ ngoài sân.

Ngồi ăn với nhau chén lẩu cua, nhìn gương mặt Chè đã mất đi những mảng tối buồn, đã thanh sáng, hiện rõ ràng niềm vui sướng bình an. Tâm tính đã làm chuyển hóa và phai mờ những vết bớt khắc khổ.

Chè của thời sinh viên, siêng năng dưới những ánh đèn học bài, siêng năng chuyện chung lao động, trực gác của lớp. Trong phòng, Chè như người anh lớn, phòng ốc luôn có bàn tay quán xuyến. Đâu đó gọn gàng từ đôi dép mang trong nhà vệ sinh đến cái can xách nước uống.

Có lẽ khi ấy cuộc đời như thử thách một tâm tính đàng hoàng, một tấm lòng chất phác, siêng năng bằng bao khốn đốn thất bại đổ dồn.

Ngó vào trong nhà, đứa con của Chè đang nằm ngủ trên võng lưới, gương mặt trong sáng giữa xế nắng. Đứa bé tên Hoàng Quang, cái tên mang ánh sáng của vàng nắng, vàng vui...

Đằng sau chái bếp cũ, cánh đồng lúa đã chín tươi vàng như bức tranh thiên nhiên óng ánh, trù phú. “Lúa của tui đó bạn!”. Chè thiệt giỏi, khi rời công việc về nhà lại tranh thủ cày bừa gieo trồng trên mảnh ruộng sau nhà.

Gió thổi rợp cánh đồng, từng nhịp từng nhịp dập dềnh như mảnh vải gấm khổng lồ, áp vào tâm trí tôi những óng ánh của nắng, cả những óng ánh mồ hôi của Chè.

Chè luôn là Chè, luôn siêng năng. Chè gieo gặt trên cánh đồng mình và gieo trong cánh đồng lòng tôi những hạt giống lòng tin sống bằng chân thành, siêng năng thì sẽ có những cánh đồng chín vàng, những mảnh sân chiều an bình và những chén lẩu cua mát ruột, dẫu có chậm một chút. Lóng mía bạn róc cho ăn trên đường về cũng ngọt...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận